(VnMedia) - Một đội tàu hùng
hậu gồm tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu ngầm hôm qua
(18/10) đã rầm rập đổ về bờ biển của Nhật Bản, trong một màn phô trương
sức mạnh hải quân hoành tráng. Đặc biệt, đội tàu trên có sự xuất hiện
những tàu chiến mới nhất của Tokyo. Sự kiện hải quân diễn ra ở Tây Thái
Bình Dương đánh dấu lần đầu tiên Nhật Bản phô trương sức mạnh lớn, kể từ
khi quân đội nước này được “cởi bỏ xiềng xích”, đồng thời nó cũng phát
đi tín hiệu cho thấy sự can thiệp sâu hơn của Hải quân Mỹ vào khu vực.
|
Nhật Bản đang bắt tay cùng đồng minh thân nhất là Mỹ để đối phó với Trung Quốc. |
Điểm nhấn trong sự kiện mang tên lễ
Duyệt Hạm đội của Nhật Bản là chiếc tàu chiến hùng dũng Izumo - tàu
chiến lớn nhất và tối tân nhất của Nhật Bản.
Tàu Izumo là một chiếc tàu chiến hùng
dũng dài 250m và có trọng lượng nước rẽ là 27.000 tấn. Đây là chiếc tàu
chiến lớn nhất của Nhật Bản thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ II. Con
tàu khổng lồ này của Nhật có thể mang tới 14 chiếc trực thăng và nó được
ví là không khác gì một chiếc tàu sân bay - loại tàu được ví là bá chủ
của đại dương. Về mặt lý thuyết, Nhật Bản không được phép đóng tàu sân
bay - một loại tàu chiến vô cùng cần thiết cho bất kỳ nước nào muốn tiến
hành một cuộc chiến tranh ở xa nước mình.
Tham gia cùng với Hải quân Nhật Bản có
sự xuất hiện của các tàu đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Pháp và Mỹ,
trong đó có tàu sân bay dài 333 mét - USS Ronald Reagan của Mỹ. Tổng số
có tất cả 50 tàu chiến và 61 máy bay phô diễn sức mạnh trong sự kiện hải
quân được tổ chức 3 năm một lần này.
Ngoài chiếc tàu Izumo là trung tâm chú ý
trong lễ Duyệt Hạm đội thì người ta không thể không nhắc đến chiếc tàu
sân bay lớp Nimitz - USS Ronald Reagan của Mỹ. Tàu USS Ronald Reagan đã
được điều động đến khu vực để thay thế cho chiếc tàu USS George
Washington làm tàu đô đốc trong nhóm tàu sân bay tấn công duy nhất của
Mỹ. Tàu USS Ronald Reagan đã cập cảng Yokosuka từ hôm 1/10, và trở thành
một phần của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đóng tại Nhật Bản. Tàu sân bay
USS Ronald Reagan mang theo lực lượng thuỷ thủ đoàn lên tới 5.000 người
và khoảng 80 máy bay.
USS Ronald Reagan là siêu tàu sân bay
chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz đang phục vụ trong Hải quân Mỹ.
Con tàu này có trọng lượng 101.400 tấn, chiều dài 333m. Tàu sân bay USS
Ronald Reagan được trang bị vũ khí gồm 2 hệ thống tên lửa Mk 29 Sea
Sparrow, 2 hệ thống tên lửa dẫn đường RIM-116 Rolling. Tàu sân bay được
thiết kế cho khoảng 90 máy bay tiêm kích, cường kích và máy bay trực
thăng. Tàu Reagan cũng được trang bị những hệ thống phòng thủ, radar, hệ
thống tích hợp vũ khí, hệ thống chỉ huy và công nghệ thông tin tối tân
nhất. Tàu USS Ronald Reagan (CVN-76) là thế hệ tàu sân bay hạt nhân đầu
tiên có khả năng chiến đấu hiệu quả nhất của Hải quân Mỹ.
Sự kiện triển khai một trong những tàu
sân bay tối tân nhất đến Nhật Bản của Hải quân Mỹ là để nhằm mục tiêu
củng cố mối quan hệ hợp tác sâu đậm, bền chặt giữa Washington và Tokyo.
Thông điệp được nhắn gửi đến Trung Quốc
Trong một dấu hiệu cho thấy vai trò càng
lớn hơn của Hải quân Nhật Bản ở Châu Á sẽ được hậu thuẫn bởi sự can dự
sâu hơn của Hạm đội Mỹ ở khu vực, Hải quân Mỹ hôm qua đã cử phó Đô đốc
Nora Tyson tháp tùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên thăm tàu sân bay
USS Ronald Reagan.
Đây là lần đầu tiên có một Nhà lãnh đạo
đương nhiệm của Nhật Bản thực hiện một chuyến thăm trên tàu sân bay của
Mỹ. Bà Nora Tyson vừa được bổ nhiệm làm Chỉ huy của Hạm đội 3 hùng mạnh ở
Đông Thái Bình Dương. Bà Tyson đến thăm tàu USS Ronald Reagan sau khi
Hạm đội 3 được trao quyền lớn hơn ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Mỹ đã huỷ bỏ đường biên giới hành chính
dọc Đường đổi ngày quốc tế (International Date Line), chia cắt giữa hai
khu vực hoạt động của Hạm đội 7 và Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ. Trước đây,
khi Hạm đội 3 đưa tàu chiến đến Tây Thái Bình Dương thì Hạm đội 7 sẽ
chỉ huy những con tàu đó. Tuy nhiên, với quy định mới, hai Hạm đội 7 và 3
sẽ cùng phối hợp chặt chẽ với nhau hơn trong những nhiệm vụ như vậy, và
bà Tyson sẽ có quyền chỉ huy ở Tây Thái Bình Dương. Sự thay đổi trên
cho phép Mỹ có khả năng triển khai tàu chiến nhanh hơn đến những điểm
nóng trong khu vực.
"Sự hiện diện của Đô đốc Tyson ở đây chỉ
là một sự công nhận rằng chúng tôi đang cố gắng linh hoạt nhiều nhất có
thể để có được nhiều sự lựa chọn nhất có thể nhằm có thể phản ứng nhanh
nhất có thể với mọi tình huống”, Chỉ huy các chiến dịch của Hải quân Mỹ
- ông John Richardson, cho biết.
Hạm đội 7 của Mỹ có một nhóm tàu sân bay
tấn công cùng với 80 tàu khác, 140 máy bay và khoảng 40.000 thuỷ thủ.
Hạm đội 3 đóng ở San Diego, California có hơn 100 tàu, trong đó có 4 tàu
sân bay.
Sự kiện tàu chiến Nhật Bản cùng “khoe”
sức mạnh với tàu chiến của một loạt nước, đặc biệt là Mỹ, rõ ràng là một
thông điệp sắc lạnh được nhắn gửi đến Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên
Nhật Bản phô trương sức mạnh hải quân kể từ khi Thủ tướng Abe nhận được
sự ủng hộ của các nghị sĩ cho việc tháo bớt “xiềng xích” cho quân đội
Nhật Bản, mở đường cho đội quân này có thể chiến đấu ở bên ngoài nhằm
bảo về các đồng minh nước ngoài.
Trung Quốc đang gây lo ngại cho cộng
đồng thế giới nói chung và các nước trong khu vực nói riêng vì tham vọng
lãnh thổ, lãnh hải của nước này. Kết quả là các nước như Mỹ, Nhật đang
phải kết hợp chặt chẽ với nhau để đối phó và ngăn chặn tham vọng của Bắc
Kinh.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen