Ngày nay còn như trước chăng ?
Cách đây lâu ba mươi
năm, ở vùng ngoại ô nam Paris có ngọn đồi trọc
gần trấn Do Thái — Villejuif. Một vài lùm cây thưa thớt khẳng khiu trên triền
dốc phủ cỏ. Chơ vơ trên đỉnh, xác một chiếc xe van cũ màu gạch nằm đìu hiu.
Bốn bánh xe đã tháo gỡ, sụm xuống như con voi sắt phủ phục. Nơi mỗi tuần tôi
thường đến...
Đó là “biệt thự” ông Võ Thành Minh.
Người trưởng Hướng Đạo lớp xuất hiện đầu tiên trên đất Việt thập niên 30.
Người đã dùng xe đạp đi vòng quanh ba nước Đông Dương vào những năm 40. Ít ai
biết chi tiết ấy. Chuyện ai cũng biết, là người ngồi thổi sáo bên hồ Leman,
Geneve, thời các nước đang họp để cắt đôi con Rồng Việt, năm
1954.
Vài năm trước đó, nhân đọc một tờ báo
quốc tế thấy mẩu nhắn tin li ti, ký tên Võ Thành Minh, địa chỉ Liên Hiệp Quốc,
Genève. Tôi mừng quýnh. Thắp đuốc nhiều năm, nay gặp người. Tôi vội vàng biên
thư. Ngày ấy theo học y khoa, tôi đề nghị bỏ học đến với ông hoạt động. Lý
luận một đời giỏi lắm chữa cho vài nghìn người là cùng, đất nước đang trải qua
cơn bệnh thời đại, kéo đau nhiều thế hệ, cần lương y cho tinh thần. Tôi gọi
ông bằng Thầy vì lòng kính trọng lớp người dẫn đạo thuộc thế hệ cận kề cụ
Phan. Ông hồi âm ngay, khuyên đừng bỏ học. Từ đó thư từ qua lại, ngày càng
khắng khít.
Ở Genève, ông tuyệt thực và phản đối
quanh năm cho Việt Nam. Ngỡ ông có chức vị gì ở LHQ. Nhưng không. Ông thường
lẻn vào trụ sở quốc tế ngồi lì tuyệt thực. Địa chỉ đề LHQ, là do ông tự phong,
ông dặn Phòng báo chí của các ký giả quốc tế hễ thấy tên xin giữ lại, vài ngày
tôi ghé lấy một lần. Có lần hỏi về kết quả những biểu dương này. Ông trả lời :
Chẳng được gì ! Mỗi năm đến ngày 20.7 tui đều viết hai bức thư gửi cho hai vị
đồng Chủ tịch Hội nghị Genève năm 1954 yêu sách họ giải quyết vấn đề Việt Nam.
Tui viết hai thư khác gửi ông Hồ Chí Minh và ông Ngô Đình Diệm gọi kêu người
cùng một nước hãy thương nhau cùng, nghĩ tới tiền đồ dân tộc mà thống nhất
lòng người hai miền. Ông nói, tui dư biết “người ta sẽ vứt thư vào xọt rác”.
Nhưng lương tâm và bổn phận con người Việt là lên tiếng. Tiếng nói còn, ngưỡng
vọng còn. Ngưỡng vọng còn, người còn. Nên cứ làm, cứ phải
làm.
Các hoạt động không bình thường này gây
phiền LHQ. Năm lần bảy lượt khuyên can, ông cứ trước sao nay vậy. Lần cuối
nhân viên an ninh yêu cầu ông chấm dứt tuyệt thực và rời khỏi trụ sở LHQ ngay.
Ông không chịu. Tức nước vỡ bờ. cảnh sát Thụy Sĩ vào khênh ông ra, rồi xuống
lệnh trục xuất khỏi lãnh thổ. Ông hỏi trục xuất tôi đi nước nào
?
— Về nước ông ! — Tôi không có nước,
nước tôi bị các ông cắt làm hai, làm sao tôi về. Kiểu lý luận nhà Nho khó lọt
tai người Tây phương. Người ta chở ông ra biên giới, thả ông ở đấy như thả con
chim què.
Ông lái chiếc xe bệ rạc về Paris. Cắm
căn lều Hướng Đạo bên bờ sông Seine cạnh tòa Đô chính. Viết mấy biểu ngữ kêu
gọi cho Việt Nam độc lập và thống nhất treo trên cột lều. Được vài ngày cảnh
sát Pháp tới đuổi. Ông hỏi đi đâu ? Cảnh sát không
hiểu thứ ngôn ngữ người xứ Nghệ, nên giải thích đây không là chỗ cắm lều,
thành phố không cho phép. Không ai được ngủ ngoàiđường. Ông hỏi lại, thế clochards nằm đầy đường thì sao. Ngày sau, cảnh sát
lại đến. Lại tiếp tục cuộc đối thoại gà vịt. Lần này lý luận hơn, ông khẳng
định, tôi không đi đâu cả, nước Pháp các ông chiếm nước tôi tám mươi năm ròng,
nay tôi chỉ xin có hai thước vuông đất mà không được ư ? Nói rồi, ông đưa
phong thư gửi cho Tổng thống De Gaulle viết mấy suy nghĩ tương tự, yêu cầu
Pháp giúp dân tộc ông.
Cảnh sát dọa không cuốn lều đi ngay sẽ
bắt đưa về bót. Ông cười khan, các ông cứ tự nhiên, bắt thì bắt. Họ bắt thật.
Đưa về giam bót cảnh sát Paris quận 4. Vài ngày vẫn thấy ông bình thản ngồi
thiền, không chút chi phản đối. Cảnh sát lại mở cửa chấn song đuổi ông ra. Ông
hỏi đi đâu ? — Thì về nhà ông chứ đi đâu nữa ! — Tôi không có nhà, các
ông thả, tôi sẽ ra cắm lại lều ngoài sông Seine. Khó lý luận với ông già gân.
Khi con người bỏ hết đối kháng, lì tới độ không sợ hãi, đối phương bỗng bối
rối. Nơi thế giới đấu gươm, đấu súng hay đấu mõm, một địch thủ không gươm
không súng không già mồm, người đối diện thấy hụt hẫng. Cũng lạ. Người ta dễ
hăm hở giết những kẻ đối kháng. Nhưng khi kẻ đối kháng không sợ hãi, không tự
vệ, lại còn mời mọc giết đi, tên sát nhân bỗng dừng tay. Những người như vậy ở
thế kỷ này mang tên Gandhi. Nói tới không sợ hãi, là nói tới tuyệt đỉnh trí
tuệ. Nói tới trí tuệ là nói tới chốn không thể nghĩ bàn.
Cảnh sát cuộc thương lượng muốn cắm lều
thì cũng dễ thôi. Ở ngoại ô nam Paris có khu đồi trống, ông lên đấy mà cắm.
Nói rồi mở cửa trả tự do cho ông. Ông nói tôi không biết chỗ này, mấy ông chở
giùm tôi ra đó. Cảnh sát bảo không có xe đưa đi xa, ông lấy tàu hầm (métro) mà
đi. Tôi không có vé. Nha cảnh sát tặng ông một vé métro.
Trên đỉnh đồi, xác một chiếc xe van cũ
màu gạch nằm trơ trơ. Bốn bánh xe đã bị tháo gỡ, sụm xuống như con voi sắt phủ
phục. Dài chừng bốn thước, rộng trên thước rưởi. Đó là nơi cư ngụ của ông Võ
Thành Minh thời ở Paris. Ông đặt tên nơi này là biệt thự Vô Môn để tiếp khách
đồng tâm Âu, Việt. Trên danh thiếp tiếng Pháp ghi Villa
Vômôn số 7 để lấy những mối in nhỏ như danh thiếp, giấy tín chỉ, thiệp
mời... rao “Giá hạ để giúp đỡ những trẻ em nghèo nơi vùng đất xa. “Nhà
in” lưu động và hỏa tốc”. Quảng cáo giúp nuôi ông sống phần nào trong
chuỗi ngày hoạt động ở nước ngoài.
Như trước kia ở Genève, ông dặn người
phát thư khi nào thấy Vômôn hay Võ Thành Minh là tôi đấy, nhớ giữ thư hộ tôi.
Một người sống vô gia cư... rồi bảy tám năm sau sẽ thác vô địa táng, nhưng địa
chỉ toàn là những nơi nổi danh. Ở Paris ông còn một địa chỉ khác : Võ
Thành Minh Collège de France, Paris 5. Collège de France là Viện Pháp học quy
tụ những đầu não trí thức Pháp, nằm cạnh Đại học Sorbonne. Số là thuở ấy ông
giúp việc cho nhà học giả nổi danh Paul Demiéville ở Viện, sao chép các bản
văn chữ Hán, có khi dịch ra tiếng Pháp. Mỗi ngày ông lái chiếc xe con cọc cạch
từ Biệt thự Vô Môn ở Villejuif lên đậu trước Viện. Trong xe có bàn máy chữ đặt
trên kệ gỗ ông đóng lấy. Ông ngồi yên hàn gõ máy. Gặp nhau ở Paris, ông tiếp
tôi trong chiếc xe con này. Vẫn theo lệ cũ, ông dặn người phát thư hễ thấy tên
tôi là tôi đấy, tôi ngồi trong xe ngay trước Viện đây, chớ tìm tòi đâu xa
trong Viện.
Còn nhớ giai thoại ông kể, người Tây
phương họ rất giỏi, học sâu, nhưng lắm khi có những chữ rất thường mà họ vẫn
hiểu sai, như chữ phò mã mà ông Demiéville lại hiểu là người giữ ngựa.
Nói tới chiếc xe con cọc cạch màu đen ấy phải nói tới cách lái xe. Tôi có đi
mấy lần với ông. Ngồi trong xe cảm tưởng như ngồi loại chiến xa thời tam hoàng
ngũ đế. Xe rung như sắp rã. May là ông lái rất chậm. Không để cho ai than
phiền, mắng mỏ. Ông liệu định trước, tay rờ rờ nút thay tốc độ, kéo lên kéo
xuống như phù thuỷ bắt ấn. Đi với tôi ông Vũ chớ lo, tôi không lái nhanh. Lái
nhanh gây tai nạn. Tôi lái rất chậm, mình đi chậm thì còn ai đụng vào mình nữa
? Ông ung dung lái cỡ ba, bốn mươi cây số giờ.
Không hiểu chiếc xe con như con ngựa già
của chúa Trịnh này, có là chiếc xe đã đưa ông đi khắp Chấu Âu
?
Có lần ông lần mò tới Nam Tư để gặp
Tito. Xin yết kiến. Khất hẹn. Bị từ chối. Nhưng máu người Nghệ trong ông cuộn
chảy dòng cuồng lưu kiên chí, phách lực hung đại. Đã đi phải đến, đã làm phải
được. Một tuần sau Tito tiếp ông. Từ đầu thập niên 50, ông ra nước ngoài hoạt
động nêu cao lập trường đưa Việt Nam thoát khỏi hai hấp lực tranh chấp tư bản
- cộng sản, để tránh khỏi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Ông đến Nam Tư
gặp Tito với ước mơ tìm thế kết liên Nam Tư - Việt Nam. Rủi thay, Nam Tư có
Tito, Việt Nam chỉ có sân khấu. Sau lưng ông không ai hậu thuẫn. Các nhà lãnh
đạo Việt Nam bấy giờ còn ham theo những đường mòn dễ dãi, những lộ trình có
người dắt. Lối hoạt động của ông đòi hỏi một quần chúng có dân trí và dân khí.
Thiếu sự bổ túc và hậu cần này, ông chỉ là người gọi kêu trên sa mạc. Hào khí
phương Đông ích chi nơi thời đại miệng nói nhân nghĩa, tay đếm tiền lia lịa ?
Người ông là một Đông phương hiển hiện, nhưng chúng nhân coi ông phía kẻ cũ
càng, hủ lậu. Ở Nam Tư, Genève, hay Paris, ông luôn mặc bộ áo dài đen bạc màu
với chiếc quần trắng bẩn. Riêng đôi chân ông không sờn cũ, ông đi mãi khắp
hang cùng ngõ hẻm, những nơi có người Việt để tìm kẻ đồng tâm. Đôi chân của
những kẻ dựng đời, biến mặt đất thành đường đi.
Hồi đó, số nhà 80 đường Monge ở Paris
quận 5 vừa làm trụ sở Tổng hội Sinh viên Việt Nam vừa mở quán cơm rẻ tiền. Ông
thường đến đó la cà nói chuyện, đánh cờ tướng, nhưng chủ yếu tìm kiếm những
sinh viên còn lòng còn chí với nước non. Ông tìm dân mà tới, ở giữa lòng dân
như ngọn bấc giữa lòng dầu. Hẳn nhiều sinh viên còn nhớ một người cao tuổi,
mặc áo dài đen, cương nghị và quắc thước ? Mỗi trưa, ông lần trong bọc áo lấy
ra gói muối mè, mua một xuất cơm trắng ngồi chấm ăn. Ông đánh cờ tướng rất
cao, nhưng là lối đánh bất bạo động. Phòng thủ kỹ, không tấn công, để chờ đối
phương dao động, sơ hở, kẹt nước, rối loạn, ông chiếu tướng lúc nào không hay.
Ông dạy tôi cái thế đưa ngay xe lên đầu sông chận hết mọi thế tiến quân của
địch. Năm con tốt của địch nằm yên đã đành, hai mã cũng mất đường tiến
thủ...
Hoạt động chính trị của ông khác với
nhiều chính khách tôi gặp ở nước ngoài. Những người kia nhắm cướp chính quyền,
thu lợi cho đảng. Ông lo cướp dân từ tay những bạo chính, từ ngọn lửa chiến
tranh thiêu đốt. Nhiều văn nghệ sĩ chính cống, bịt mắt, bịt trí chia đôi văn
nghệ và chính trị để bênh cái này bỏ cái kia. Bênh hoa bỏ lá, nhưng quên cây
và đất, một tương kết, mắc míu. Còn cả rừng ngợp nắng như nghìn triệu nhánh rễ
lục bám vào thinh không xanh ? Ít ai thấy nhú sống nhiệm mầu như đời người
trên mặt đất.
Con đường chính trị của ông là con đường
văn hóa trong nghĩa rộng, thực và linh động. Có lúc ông cho tôi xem một hệ
thống chữ Việt mới do ông sáng tạo. Viết theo nét chữ Hán nhưng hoàn toàn khác
chữ Hán, khác chữ Nôm. Ông cam đoan học một tháng là đọc được và viết được.
Tôi tiếc mình đã ngu không thụ giáo, để lưu lại một công trình hiếm thấy trong
số người lưu vong.
Bên trong chiếc xe van ở
Villejuif, mấy kệ sách, vài hộc chữ chì có dấu Việt và chiếc máy in typo quay
tay nhỏ bé. Mọi lời kêu gọi, thơ phú, truyền đơn từ hàng chục năm đều do ông
tự sắp chữ và in lấy trên chiếc máy in cổ sơ này. Bên ngoài ông dựng trang thờ
lộ thiên, ảnh thờ là bản đồ Việt Nam do ông vẽ. Cạnh đấy khoanh vườn nhỏ trồng
xà lách. Những cây xà lách lạ lùng cao bảy tám tấc. Giống gì lạ vậy thầy ? —
Thì xà lách thường có chi mà lạ, ông Vũ không biết chớ cỏ cây nó cũng đau đớn
như mình, bứng rể cắt đọt chi chi là tội lắm. Tui chỉ ngắt lá mà ăn, nên đọt
xà lách lên cao rứa đó. Ông ăn trường trai. Món ăn thường bữa là bánh mì khô
với bắp su sống chấm xì dầu trộn dầu phụng. Loại bánh mì này khá rẻ, khô khốc
cuối ngày không bán được, các bà đầm thường mua về dầm vào sữa tươi cho mèo
ăn. Ông nói với tôi, ăn như vậy đủ bổ lắm ông Vũ à, lại rẻ, chất tươi là su,
chất béo là dầu, thay cơm là bánh mì. Loại bánh mì vài chục xu một kilô. Bắp
su thuở ấy giá từ 50 tới 80 xu. Mỗi lần tôi lại thăm trong chuỗi ngày hiu
quạnh của ông, ông rất vui. Những bữa đó, ông thò tay vào bao gạo xẹp lấy mấy
nắm nấu cơm. Khi soong cơm còn nghi ngút, ông xào hành rắc chút muối đổ vào
cơm trộn đều. Cơm vừa thơm vừa ngon. Tôi nhớ đời hai món ăn ấy, vì nó giúp tôi
sống nhiều tháng năm hàn vi sinh viên trên đất khách. Nhiều bận ông nài tôi ở
lại đêm nói chuyện. Một già một trẻ nằm sóng đôi dưới vòm vỏ sắt xe van, độc
chiếc chăn đơn phủ người. Về khuya sương xuống lạnh cắt
xương. Bốn bề hiu hắt. Tiếng côn trùng cũng
tắt, chỉ đôi tiếng dế chắt chiu. Tiếng ông sang sảng về chuyện nước, chuyện
quá khứ trẻ thơ, chuyện những nhân vật chính trị từ thời cụ Phan đến ông Diệm.
Tôi hỏi về ông Diệm. Ông nói trước khi về nước, ông Diệm có mời ông lại nói
chuyện hỏi ý kiến. Tôi hỏi thầy thấy nhân vật ấy thế nào. Ông trả lời khó biết, tui nói
chuyện có một đêm, lần đó tui nói một mình, ông Diệm không nói chi cả. Rồi ông
bình luận, với người không nói chi cả thì một là người ấy thâm trầm sâu sắc,
hai là người ngu. Những đêm nói chuyện như thế, tôi giữ một kỷ niệm khó quên
là rệp. Rệp bò đầy người, tàn nhẫn quắm vào da. Không dám bắt, sợ phiền lòng
ông, tôi kín đáo lấy tay gạt. Ông thính tai, hay như biết trước, nên nói ông
Vũ bị rệp đó hả ? Để yên cho bò là nó không cắn. Hắn quen tui nên không cắn
nữa.
Ông rời nước sang Âu châu đâu vào năm
50. Hồi ỏ Huế tôi có đọc tập thơ “Tiếng
thương tâm” do ông viết và in. Tập thơ ký tên Võ Song Thiết là biệt hiệu
của ông viết gửi Quốc trưởng Bảo Đại và Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm 70 đoạn thơ
bốn câu, kêu gào cho dân được sống sum vầy thoát ly khỏi hai thứ chủ nghĩa tư
bản và cộng sản. Tôi biết tiếng ông từ đó.
Sau chính biến 1963, phải nói là nguồn
hy vọng lớn lao đem tới cho mọi người. Bởi ai cũng tưng bừng như thấy tiền đồ
tăm tối bỗng rực lên. Ông Minh cũng thế, thớ nhựa vụt dâng tràn trong lòng cây
tàn úa. Ông rủ tôi về Việt Nam. Mình về cắm lều tuyệt thực ngay bờ sông Bến
Hải kêu gọi hai bên đi ông Vũ. Tôi có việc phải ở lại nước ngoài không theo
ông được. Ông rời Pháp, không về nước mà sang Nữu Ước. Ông nói tui đi vận động
bên Liên Hiệp Quốc. Tôi gửi tặng ông một số tiền rất nhỏ, nhưng ông không lấy.
Hôm sau đem trả, vừa là chào từ biệt. Ông khênh mấy hộc chữ chì có dấu Việt và
cái máy in tay typo tặng tôi. Ông nói ông Vũ nghèo, còn làm nhiều việc, cần
tiền, tui đã có bạn bè giúp đỡ. Từ biệt nhau, ông Vũ đem bút lông và mực tàu
ra đây... Rồi ông ngồi trệt trên sàn gỗ căn nhà trống của tôi ở số 55
Doudeauville, Paris quận 18, viết năm bài thơ chữ Hán trên cuộn giấy bổi đã
bồi mà tôi còn giữ chưa dùng. Chữ đẹp, cương nghị, anh minh. Dòng đầu tiên ông
múa xuống là “Bán quốc quy Hồ bán quốc Ngô...”. Tôi viết tặng lại ông một bài
tứ tuyệt, cầm tay ông tôi ngậm ngùi nói : “Thầy đi...”.
Tử đó xem như biệt tin. Tôi lo cho người
tâm khí cuối cùng của Việt Nam ấy, người đệ tử cuối cùng của cụ Phan. Nữu Ước
lớn quá. Liên Hiệp Quốc mênh mông vô vọng, trống không tình người. Đất đai đâu
cho ông in dấu bàn chân trần mang vết những giường quê xa lắc miền Trung ? Vài
khi nghe ông sang Canada rồi về Cam Bốt. Nhưng tin đồn như gió
thoảng.
Một mùa đông lạnh trắng năm 1969, đi
thuyết trình ngang vùng Philadelphia bên Hoa Kỳ, tôi gặp một nữ sinh vừa ở Huế
qua. Hỏi chuyện Mậu Thân, em vô tình nhắc tới ông Võ Thành Minh. Tôi vồn vã
hỏi tin, em không biết số phận ông ra sao. Chỉ nói ôn thường hay ghé nhà em
dạy võ cho tụi em ở miễu Đại càn. Một tuần sau khi Việt cộng vào thị xã, ôn có
ghé ngang, chẳng ai ở nhà nên ôn viết miếng giấy để lại. Rồi tuyệt
tích.
Cuối 1975, anh Mỹ Âm, một bạn tri âm tới
chơi cho mượn cuốn “Giải khăn sô cho Huế”. Bạn về, tôi chong đèn ngồi
đọc, nửa khuya ứa nước mắt tự thán : Thôi chết, ông Minh lâm lụy rồi
!
Nét bút phóng sự tài tình của Nhã Ca vẽ
rõ chân dung một thành phố bị phụ tình và chết thảm những ngày Mậu Thân. Nét
chấm phá đây đó về Võ Thành Minh tưởng không ai còn tả đủ hơn tâm khí con
người suốt đời dâng trọn tim mình cho tổ quốc. Đạn xé rách những mảnh trời Huế
đã xác xơ, mọi người trốn nhũi xuống hầm. Một mình. Một mình ông Võ Thành Minh
ngồi trên mặt đất. Giữa căn nhà thờ cụ Phan ở Bến Ngự lóc cóc gõ máy chữ đánh
thư :
“Khi em lên em thấy ôn thắp đèn đánh
máy. Ôn viết thư gửi ông Hồ Chí Minh, gửi Tổng thống Mỹ yêu cầu ngưng chiến.
Ôn viết nhà thờ Phan tiên sinh ngày... tháng... năm... khi tôi viết thư này
gửi tới các ông thì trên đầu tôi máy bay rên rĩ, súng đạn gầm thét long trời
lở đất, thành phố Huế chìm trong tiếng khóc than oán hận... Ôn viết rồi ôn xé,
ôn đọc cho em nghe, ôn nói ôn kêu gọi cả thế giới
nữa...[1]
|
Xuân
D ê 2015. photo: Hoàng Huy Mạnh . THI VŨ. Nhớ Người Tâm Khí . Võ Thành
Minh. tạp ghi . Ngày nay còn như trước chăng ? Cách đây lâu ba ...
|
Suốt cả ngày, mặc bom đạn, mặc đói khát,
ôn vẫn cứ ngồi bên bàn máy đánh chữ với ngọn nến mù mờ. Buổi chiều có mấy
thanh niên chạy tới trú ẩn, ôn cùng với họ đào hầm.1
Buổi tối, mặc bên ngoài súng bắn như
mưa, súng lớn súng nhỏ nhắm bắn máy bay, mặc trời mưa tí tách lạnh buốt, mặc
bom đạn, mặc hỏa châu, ông Minh gọi hết thanh niên lên nhà, ngồi đánh đờn và
ca hát.1
— Sợ mà tới khi chết cũng cứ chết. Cứ
đàn hát, ngâm thơ cho đỡ sợ hãi. Đứa nào còn ống sáo không ? Tao thổi lại bài
hồi xưa tao thổi bên bờ hồ Leman ở Hội nghị Giơ neo !1
Đại bác vẫn câu lên đều đều. Có tiếng
anh chàng giải phóng trẻ tuổi hỏi vọng vào :
— Sao không chui xuống hầm mà đàn hát ồn
ào thế ? Địch nó biết nó thả bom xuống đó.
Chỉ có ông Minh trả lời
:
— Cả thành phố chỗ nào mà chẳng có bom
đạn. Chú em muốn sống mấy phút cuối cho vui thì quăng súng đi, vô đây ca hát
chơi.
Anh chàng giải phóng bên ngoài im bặt.
Mấy sinh viên kể chuyện thì thầm về anh chàng này cho biết mấy hôm nay hắn có
vẻ trầm tư lắm. Chắc hắn đã nhìn thấy cảnh máu đổ thịt rơi và động lòng chăng.
Ông Minh cười :
— Con người Cộng sản làm gì có tình cảm.
Chúng nó chỉ có mục đích là thắng, diệt, tiến tới. Tao ở với chúng nó lâu rồi
tao biết.1
Và đây là mẩu đổi thoại với ông Võ Thành
Minh lúc bộ đội vào soát nhà thờ cụ Phan. Bộ đội nhìn xuống hầm ra lệnh cho
mọi người lên mau, rồi nói :
— Đàn bà con nít hết hả. Bà ni răng khóc
dữ rứa ?
— Dạ, tui bị lạc mất chồng
tui.
— Đi họp hả ?
— Dạ chồng tui là ông giáo sư
Hảo.
Giọng ông Võ Thành Minh
:
— Chồng chị ni đi lập Mặt trận Liên minh
Dân tộc hay Hòa bình hòa biếc chi đó mà không chịu đi đón vợ con. Các đồng chí
có gặp thì nhắn ông ta về rước vợ con để vinh nhục cùng chịu chớ. Ông ham làm
cách mệnh chi mà vợ con chết sống không biết rứa.
Giọng tên tổ trưởng nói có vẻ dịu hơn
trước :
— À, vậy ra gia đình này là của Giải
phóng rồi. Đồng chí cả mà. Vậy có gì giúp đỡ cho quân Giải phóng không
?
— Còn gì, chúng tôi đã đói từ mấy hôm
nay rồi.
— Còn gạo không ?
— Các ông tìm mà
lấy.
Tiếng một người khác nói
:
— Báo cáo đồng chí tổ trưởng, ở góc kia
hai bao gạo còn nguyên.
— Anh ghi có mượn ở nhà này hai bao gạo.
Ghi vào sổ về sau trả lại và tuyên dương công trạng với Mặt
trận.
Im lặng vài giây, tôi nghe giọng quen
thuộc đó nói tiếp :
— Còn hai cô này phải đi họp, chiều nay
hai giờ họp ở Chùa nghe. Đàn ông xóm này phải đi học tập hết rồi, phụ nữ cũng
nên học tập đường lối của Mặt trận.
— Chúng nó sợ quá rút gân rồi mần răng
đi.
— À còn cụ. Xin mời cụ đi gặp cấp chỉ
huy chúng tôi.
— Cấp chỉ huy mô
?
— Cấp chỉ huy vùng này. Tôi chỉ là tổ
trưởng của nhóm ba anh em chúng tôi canh gác quanh khu nhà
này.
— Rứa hỉ ?
— Cụ đi với chúng tôi. Xin cụ mang theo
mười lăm lon gạo.
— Đem gạo mần chi rứa
?
— Đem gạo đề ăn. Học tập trong ba hôm
rồi về.
— Cái chi mà phải học tập
?
— Lấy cái bị hay cái túi mà đựng gạo.
Đem theo dư ra càng tốt.
— Họp chi mới được chớ
?
— Học tập, đã nói là học tập mà. Mời ông
đi theo.
— Tao không đi.
Giọng chắc nịch bất ngờ của ông Minh làm
tôi chưng hửng. Chắc từ hôm qua quân Giải phóng tới Huế tới giờ chưa ai dám
nói một câu như thế. Tôi thầm lo cho tính mệnh ông. (...) Tôi không
nhìn rõ mặt tên tổ trưởng nhưng tôi nghe được tiếng hắn cười gằn
:
— Ông làm chi cho địch
?
— Địch nào ?
— Mỹ Ngụy.
Giọng ông Võ Thành Minh ngạo nghễ
:
— Nói gì tầm bậy vậy ? Tao mà theo Mỹ.
Khi về nói ông Hồ Chí Minh nhà mi đã dám nói với tao giọng đó chưa ? Tao không
đi nghe không ? Muốn mời tao họp phải có giấy Hồ chủ tịch chớ cái Mặt trận
Giải phóng của tụi bây mà ăn nhằm gì. Tụi bây biết tao là ai không
?
Có lẽ tên tổ trưởng nể ông già gân thật,
tôi không nghe hắn nói thêm gì hết. Một giọng khác đỡ lời
:
— Bác đi theo chúng cháu tới gặp cấp chỉ
huy. Gần đây là bộ chỉ huy mà bác.
— Không đi, muốn nói gì thì kêu cấp chỉ
huy của tụi bây lại. Tao ở đây, đây là nhà thờ cụ Phan, tụi bây lạ chi mà
không biết. Tao sẽ tuyệt thực, xuống ngồi dưới cầu Bến Ngự phản đối lối giải
phỏng của tụi bây. Tao chống cả Mỹ, cả Cộng sản.
Tôi đợi một lúc mới nghe giọng ông nói
tiếp :
— Còn bà Hảo, có nhắn chi cho chồng thì
nhắn. Nên nhắn hắn về mang đi mà hưởng vinh quang nghe.
Tiếng người đàn bà khóc sụt sùi. Tiếng
mấy người giải phóng chào và tiếng chân đi ra1.
Suốt thời gian sau đó, ông Minh đạp xe
đạp đi tải thương, đi cứu đói, băng bó các nạn nhân, đào hố chôn xác dân bị
hành quyết hay lạc đạn dọc đường. Thấp thoáng bóng ông khắp vùng Bến Ngự, Từ
Đàm, An Cựu. Chỗ này ông đem chia vài lon gạo, chỗ kia vài trái su, vài thức
ăn khô. Ông đi tập họp anh em sinh viên y khoa để cứu thương. Một lính Việt
cộng được ông băng bó nói :
Cám ơn cụ. Bác
và Đảng sẽ nhớ ơn cụ.
Tao hả ? Tao không cần Đảng, không cần
Bác. Tao chỉ biết hắn là người, hắn đau thì tao cứu. Mả cha nó bắn nhau, giết nhau chỉ có dân
khổ.
Anh lính giải phóng e dè
:
Trong khu này có nhiều loại cán bộ, cụ
không nên ra ngoài nhiều lỡ họ hiểu lầm thì phiền lắm.
Ông cười gằn :
Tao hả ? Tao người quốc tế mà. Ông Hồ
cũng phải nể tao, ông tổng thống Mỹ cũng nể tao, vì tao có chính nghĩa.1
Tao mần một mình mà ăn nhằm
chi. Rứa nhưng cũng cứ mần, phải không con ?1
Câu viết ấy trong sách Nhã Ca trả về lại cho tôi hình ảnh ông Võ Thành Minh mà
tôi gặp lần đầu năm 1960 ở Paris.
Cả thế giới ai cũng nương tựa nhau thành
khối, thành thế lực, thành đảng, thành tôn giáo, thành mặt trận, thành tập
thể, thành nhóm, thì mới dám sống, dám nói năng, dám kêu mời hay dọa nạt. Dù
con người khi sinh ra trơ trọi một mình, ngoài cái truyền thuyết bọc trứng một
trăm con. Dù con người khi chết đi, cũng chỉ chết một mình, ngoài những hố
chôn tập thể Mậu Thân Huế. Riêng Võ Thành Minh, suốt đời ông đơn độc đấu tranh
một mình. Một mình như lúc ông sinh ra. Một mình như khi ông chết. Ông sừng
sững một mình, như ngọn núi cao trên trái đất, làm gạch nối kiêu hùng giữa hai
bờ sinh tử. Ông nghênh ngang một mình giữa vũ trụ, như một hành tinh, cho
khoảng cách không thành hư vô. Giáo sư Lê Văn Hảo là người đầu tiên xác
nhận cái chết này, qua cuộc phỏng vấn tại tòa soạn Quê Mẹ
tháng giêng năm 1990. Ông Võ Thành Minh bị cộng sản bắt theo với ba nghìn dân
Huế đưa vào rừng. Ở đấy người ta đã hành quyết ông. Người đệ tử cuối cùng của
cụ Phan Bội Châu. Người Nho sĩ Việt Nam cuối cùng của thế kỷ XX. Người tâm khí
cuối cùng trong lòng tôi.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen