Montag, 19. Oktober 2015

Lý Tưởng?

Alain Bảo
Anh họ tôi du học qua Tây Đức, theo diện quốc gia nghĩa tử vào những năm cuối cùng trước khi Miền Nam thất thủ, khi dượng tôi bị ám sát ngay trước vòng đai Bộ Tổng Tham Mưu.
Sau 75, đại gia đình bên ngoại tôi phần lớn bị kẹt lại và sống một cuộc đời lê lết, ngục tù của những kẻ được mang danh là con cháu Mỹ ngụy bơ thừa sữa cặn. Ngày anh họ tôi về thăm đại gia đình từ Tây Đức vào những năm rất sớm sau “giải phóng”, anh có một dáng vẻ thật khoa học, thật thà, với nước da trắng hồng và cặp mắt thật sáng của một người sống lâu năm tại xứ lạnh, khác hẳn với tôi, một thằng nhóc con đen đủi ốm nhom lòi xương, được hân hạnh sống dưới thiên đường xã hội chủ nghĩa và học tập dưới đỉnh cao trí tuệ trong thời gian tiểu học.
Có lẽ vì ra nước ngoài du học quá lâu hay là vì quá yêu khoa học mà anh họ tôi thường rất ít biết về 2 từ “Cộng Sản”, một chủ nghĩa được sáng tạo ngay trên trên đất nước Đức, nơi đã đào tạo anh thành một tiến sĩ khoa học gia.
Chỉ vài năm sau, vì quá kinh hoàng trước cách đối xử và sinh sống của chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa, cả đại gia đình từng người một vượt biên, vượt biển và nhờ trời phật phù hộ, may mắn tất cả đều đến định cư rải rác các xứ sở tự do từ Châu Âu, Châu Úc, Mỹ và Canada.
Cuôc đời lắm chuyện tréo cẳng ngỗng, khó ai mà lường được, vào những năm cuối thập niên 90, anh họ tôi lại quyết định về giảng dạy tại trường Đại Học Bách Khoa Sài Gòn, theo lời mời của nhà cầm quyền Hà Nội.
Ngày đó cũng là ngày dì tôi khóc sướt mướt, và quyết định sẽ không liên lạc với “thằng con trời đánh” nhưng lại là người con hiếu thảo đã tảo tần gửi viện trợ về giúp đỡ gia đình dì tôi vào những năm còn sống tại Việt Nam, đã đi ngược lại ý muốn của dì.
…Rồi thời gian cũng qua đi, vì bận lo mưu sinh, kiếm cơm manh áo tại xứ người, đại gia đình tôi dần dần quên lãng có một người anh em bạn dì hiện là giáo sư từ Tây Đức về giảng dạy tại Việt Nam.
Những năm Las Vegas có Conference về computer và khoa học kỹ thuật, tôi lại gặp được anh họ tôi ngay tại thành phố nóng cháy và không bao giờ ngủ.
Vì học chung ngành nên thường tôi có dịp được anh họ giảng dạy và trao đổi những dự án và phát minh về tin học cũng như toán học, mà anh đại diện cho Việt Nam trình bày tại những Conference này.
Anh họ tôi thuê 1 căn nhà nhỏ tại Sài Gòn, và hàng ngày cắm cúi đạp xe lên trường giảng dạy, chiều tối về lại cơm rau cháo muối đạm bạc một mình đơn côi, như một người xa lạ sống ngay trên quê hương.
Có lần trong dịp qua trường đại học ASU (Arizona State University) giảng dạy theo lời mời của Hoa Kỳ, tôi có vài lời khuyên anh hãy cẩn thận với thức ăn bên Việt Nam, vì dạo này tụi Tàu hay làm đồ giả, thức ăn độc hại pha chế và nhập cảng vào Việt Nam.
Anh họ tôi cho biết, nhu cầu ăn uống của anh rất đơn giản, ngoài ra anh có đóng bảo hiểm sức khoẻ cho Trường Đại Học Bách Khoa – nếu có bệnh tình hay chuyện gì xảy ra thì cũng đỡ lo, vì anh hiện sống ở Việt Nam dù là công dân Đức.
Cuối năm 2013-đầu năm 2014, được tin anh bị đau gan nặng, và tất cả tiền bảo hiểm sức khoẻ của anh đóng tại trường Đại Học Bách Khoa đều bị ban giám hiệu của trường này giựt và đem ăn xài nhậu nhẹt.
Vì không về Đức thường xuyên để làm việc, cộng với số tiền khiêm nhường ít ỏi của nhà nước Cộng Sản, và anh đã trút hết tin tưởng vào số tiền bảo hiểm sức khoẻ khá lớn, mà anh họ tôi đã đóng cho trường và bị mái trường xã hội chủ nghĩa cướp một cách trắng trợn. Anh họ tôi hoàn toàn không có khả năng chi phí những khoản tiền khổng lồ 1200 dollars, cho mỗi lần chữa trị bằng phóng xạ. Gia đình dì tôi bên Mỹ phải gom góp và gửi về tất cả chi phí cho bệnh viện.
Nhưng rồi cái gì đến cũng phải đến, vào cuối tháng 6 năm 2014, anh họ tôi trút hơi thở cuối cùng tại Việt Nam, không một người thân, không một họ hàng.
Bệnh Viện đã quăng xác anh họ tôi vào nhà xác chờ gia đình dì tôi từ Mỹ về nhận, trường Bách Khoa (trên khu trường đua Phú Thọ cũ) thì im hơi giấu tiếng về hàng chục ngàn dollars chia chác từ tiền bảo hiểm sức khoẻ do anh tôi đóng hơn mười mấy năm.
Mãi tới ngày mai 30 tháng 6 chủ nhật thì anh họ tôi mới được người thân cấp tốc bay về từ Mỹ nhận xác, xác anh họ tôi nằm trong bệnh viện cộng sản từ 21 tháng 6 đến chủ nhật 30 tháng 6, liệu có còn nguyên vẹn như lời hứa ướp xác của bệnh viện hay không ?
Tôi viết bài này trong 1 trạng thái hỗn độn, vừa buồn, vừa giận, vừa trầm tư về cái chết quá trẻ của người anh họ khoa học gia hiền lành, thông minh đã đem tài năng giảng dạy cho sinh viên trường Bách Khoa, một ngôi trường đã nhẫn tâm ăn cướp tất cả tiền bảo hiểm sức khoẻ, và sau khi vắt chanh bỏ vỏ một tài năng lỗi lạc.
Không biết rằng anh họ tôi bên kia thế giới có biết chăng, anh chính là người tha hương ngay trên một xứ sở tham nhũng, hối lộ, văn hoá thối nát dưới sự thống trị của một chế độ ươn hèn ngu dốt, tay sai cho ngoại bang ? hay anh chỉ là một nhà khoa học thuần túy, suốt đời chỉ biết đến những con số, dữ liệu máy tính, thuyết trình ?
Dù sao đi nữa, xin cầu chúc linh hồn anh được an lạc nơi cõi bên kia!
Kính tưởng niệm hương hồn người anh họ anh em bạn dì Lê Ngọc Minh – Giáo Sư Tiến Sỹ Khoa Học Gia trường Đại Học Stuttgart West Germany – Trường Đại Học Bách Khoa Sài Gòn !
Nam Mô Bồn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/40years-april30/kyuc40nam-alainbao-02102015130407.html

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen