Bạch Cúc - Tôi không biết diễn tả cảm xúc của mình ra sao khi vừa xem được
tấm hình này, Bộ giáo dục, nhà trường và nhất là người Giáo viên này nghĩ sao
khi bắt học sinh phải chép phạt "CON XIN HỨA THỨ 2 SẼ NỘP TIỀN ỦNG
HỘ". Tôi thật không thể hiểu sao họ có thể làm được điều này và tôi tự hỏi
liệu họ thật sự có tư cách của một nhà giáo hay đạo đức của một nhà Sư phạm
không?
Tôi nhớ
mãi những ngày tháng tuổi thơ ấu, khi tôi học cấp 1 và cấp 2, nhà trường và cô
giáo bắt tôi phải nộp đủ thứ linh tinh từ giấy báo, tập cũ, vỏ lon bia, nước
ngọt... gọi chung là "Kế hoạch nhỏ". Lúc ấy, tôi sợ giáo viên lắm, cô
nói nộp ngày nào là phải nộp ngay, không dám chậm trễ vì RẤT SỢ. Rồi tôi về nhà
năn nì mẹ, bắt mẹ phải cho tôi giấy vụn, những xấp báo cũ, vỏ lon bia mà mẹ đi
mua ve chai có được. Nhiều khi không đủ số lượng tôi bắt mẹ phải đi mua thêm
cho đủ. Tôi còn nhỏ quá, tôi nào thấy mắt mẹ ngân ngấn nước, tôi chỉ còn nhớ
tiếng thở dài của mẹ và dĩ nhiên mẹ không bao giờ dám từ chối tôi, bởi mẹ là
một người mẹ, mẹ thương con và cũng sợ con bị giáo viên phạt...
Tới lượt
con tôi, hôm nào bé về và nói Mẹ ơi! cô bảo nộp này, nộp kia là bé bắt tôi phải
làm ngay lập tức, nếu chậm trễ bé sẽ nằn nì và có cả khóc lóc, nỉ non hờn
giận... Tôi thật sự thấy bé hoảng hốt và lo sợ, bé không hề có chút nào mừng
vui với tinh thần tự nguyện vì được đóng góp...
Tôi không
hiểu môi trường giáo dục ở xã hội này đã dạy trẻ thơ những gì? Có không lòng
can đảm hay ý thức tự nguyện, chủ động...mà thật sự tôi chỉ thấy đời mình, đời
con mình và thực tế đã chứng minh, hầu như tất cả trẻ thơ đều rất sợ hãi và
luôn răm rắp tuân lời mọi thứ giáo viên đề nghị. Kể cả cha mẹ của trẻ, ai cũng
thế, chẳng ai dám phản đối, chẳng ai dám lên tiếng nói không và nói thẳng bởi
tâm lý người làm cha làm mẹ không bao giờ muốn nhìn thấy thảm cảnh con mình bị
"hắt hủi" hay bị "chèn ép"...
Nhà
trường đưa ra những khẩu hiệu "kêu gọi đóng góp" nhưng thực chất là
gì? Có không sự tự nguyện hay 100% là sự ép buộc? Ai có thể kiểm soát được mục
đích của sự đóng góp? Việc đóng góp dùng vào mục đích thiện nguyện hay chỉ nhân
danh thiện nguyện để trục lợi?
Đã từ
rất lâu ai cũng mặc nhiên thừa nhận sự đóng góp giống như là một loại phí giáo
dục. Nó không còn là sự tự nguyện và người ta có thể có quyền từ chối vì không
đủ khả năng. Hệ thống giáo dục này đã để lại một hậu quả vô cùng tệ hại cho
từng lớp, từng lớp thế hệ và tôi thật sự đau lòng khi thấy họ không có ý định
dừng lại. Họ chưa từng dạy trẻ biết nói "NO" với điều trẻ không muốn
và đến ngay tôi bây giờ, đôi khi tôi còn không dám nói "NO", từ chối
khi tôi không thích. Cũng chỉ bởi vì 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, họ đã đào
tạo tôi và hàng ngàn lớp trẻ ý thức tuân phục, tuân lệnh theo kiểu nô lệ và tìm
cách triệt tiêu mọi ý thức phản kháng. Điều gì, lý do gì đã khiến họ sợ ý thức
phản kháng, sợ sự sáng tạo và chủ động trong tư duy của các thế hệ trẻ như vậy,
bạn biết không?
Nếu phải
nói một cách hơi nặng lời, tôi cho rằng một trong những khiếm khuyết tệ hại
nhất của hệ thống giáo dục từ sau 1975 tới nay là "cưỡng bức ý thức
hệ" có mục đích chính trị với tât cả các thế hệ học sinh. Người ta đã cố
tình tạo ra và duy trì một guồng máy giáo dục với mục tiêu là sản xuất ra những
bầy cừu, những con cừu luôn biết vâng lời, ngây ngô thỏa mãn với sự ban phát
thức ăn và không hề biết đến ngày mình bị cạo lông và bị đưa lên bàn mổ...
Ông bộ
trưởng, ông sẽ trả lời sao với cha mẹ của đứa trẻ này? Ông sẽ trả lời với dân
ra sao về sự yếu kém của hệ thông giáo dục hiện tại và sự phi đạo đức của những
người đang giữ sứ mệnh giảng dạy như người giáo viên này? Đến bao giờ ông mới
chịu từ chức?
Tôi là
một người mẹ, tôi buộc phải quan tâm đến hệ thống giáo dục, tôi không thể để
cho đời con tôi chịu sự giáo dục nô lệ giống như đời tôi!
Bạch Cúc
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen