Ông Hoàng Tùng, nguyên Tổng Biên Tập báo Nhân Dân (1954-1982), vừa
qua đời tại Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2010. Trên một số diễn đàn mạng đã đăng
lại bài viết “Những kỉ niệm về Bác Hồ“. Trong bài viết
này ông đã nhắc đến việc xử bắn bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm. Người viết có
may mắn tìm được một tài liệu về vụ xử bắn này để viết bài “Vai trò của
Hồ Chí Minh trong Cải cách ruộng đất” đăng trên một số diễn đàn vài năm
về trước (2007). Bài viết này có vài hiệu đính xin được phổ biến lại để bạn đọc
xa gần nắm rõ hơn về vụ án này.
Bà Nguyễn Thị Năm và các con. Nguồn:
vinguoingheo.com
Cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) tại miền Bắc Việt Nam là sự kiện có một không
hai trong lịch sử Việt Nam . Sự kiện này đã dẫn đến việc tháng 9 năm 1956, Hội
nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động phải ra các quyết
định sau: ngưng chức Tổng Bí thư của Trường Chinh, khai trừ Hoàng Quốc Việt và
Lê Văn Lương khỏi Bộ Chính trị và loại Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp hành Trung
ương. Sau nhiều năm bị che đậy, các tài liệu, các bài viết, các hồi ký, các tác
phẩm văn học… được phổ biến trong thời gian gần đây giúp chúng ta biết thêm sự
thật về cuộc cải cách ruộng đất này.
Tuy vậy trong năm mười năm qua vai trò của Hồ Chí Minh trong CCRĐ vẫn được
đặt ra với nhiều câu hỏi. Có thật ông chỉ theo lệnh của Stalin và Mao Trạch
Đông? Có thật ông chỉ là thiểu số không đủ quyền lực để ảnh hưởng đến các cố vấn
Trung Quốc? Có phải ông chỉ muốn tiến hành giảm tô? Có phải ông đã khóc khi biết
được các tội ác do CCRĐ gây ra?… Các câu hỏi này càng lúc lại càng trở nên cấp
thiết khi Đảng Cộng sản (ĐCS) không ngừng tạo những huyền thoại về Hồ Chí Minh.
Vừa rồi Bộ Chính trị lại ban hành Chỉ Thị số 06-CT/TW ”yêu cầu toàn dân học
tập để nhận thức về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của lý tưởng và tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh“. Những công việc này chỉ làm xa dần con người
thực của ông.
Những tài liệu cho thấy Hồ Chí Minh đã hiểu rất rõ nguyện vọng “người cày có
ruộng” của nông dân Việt Nam . Khi còn ở Pháp ông có viết một số bài lên án việc
chiếm hữu đất đai của thực dân Pháp và của nhà thờ Công giáo. Trong thời gian
hoạt động tại Trung Hoa, ông tiếp nhận và để tâm nghiên cứu cách mạng thổ địa
tại đây. Nó vừa là một phương tiện đấu tranh giai cấp, vừa để xây dựng chuyên
chế vô sản. Trong một lá thư gởi các lãnh đạo Quốc tế Nông dân đề ngày 8/2/1928,
ông viết: “Tôi tranh thủ thời gian viết ‘những ký ức của tôi’ về phong trào
nông dân, chủ yếu là phong trào Hải Lục Phong, nơi có các xô-viết nông dân.
Người ‘anh hùng’ trong ‘những ký ức của tôi’ chính là đồng chí Bành Bái, cựu Dân
uỷ nông nghiệp của Xô-viết Quảng Châu và hiện là lãnh tụ của nông dân cách
mạng.” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2 trang 265). Năm 1953 tại Hội
nghị nông hội và dân vận toàn quốc, ông lại nhắc đến: “… đồng chí Bành Bái ở
Trung Quốc, gia đình đồng chí là đại địa chủ, đại phong kiến, nhưng đồng chí ấy
đã tổ chức và lãnh đạo nông dân đấu tranh rất quyết liệt chống địa chủ phong
kiến” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2 trang 357).
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Cương lĩnh của đảng này là
lấy việc chống đế quốc, chống phong kiến và địa chủ, giành ruộng đất về cho nông
dân làm sách lược hàng đầu. Sách lược 2 của ĐCS ghi rõ: “Đảng phải thu phục
cho được đại đa số dân cày và phải dựa vững vào hạng dân cày nghèo, phải hết sức
lãnh đạo cho dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và
phong kiến” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2 trang 297). Chương trình
hành động thì hướng đến việc: “Đảng tập hợp đa số quần chúng nông dân, chuẩn
bị cách mạng thổ địa và lật đổ bọn địa chủ và phong kiến” (Hồ Chí Minh
Toàn tập, tập 2 trang 299). Các văn kiện thành lập ĐCSVN đều do Hồ Chí
Minh, đại diện Quốc tế Cộng sản, soạn ra.
Ít tháng sau, ĐCS đã sách động nông dân nổi dậy ở nhiều nơi, đặc biệt là ở
Nghệ An và Hà Tĩnh. Khẩu hiệu “trí – phú – địa – hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”
được dùng làm tiêu đề cho cuộc đấu tranh mới – đấu tranh triệt tiêu giai cấp địa
chủ và phong kiến. Cuộc nổi dậy đã bị Pháp đàn áp dã man. Từ đó, chia rẽ giữa
các các tầng lớp nông dân ngày một trầm trọng hơn.
Năm 1945, khi nắm được chính quyền, một mặt Hồ Chí Minh và ĐCS phải lo đối
đầu với Pháp, mặt khác vì đa số các đảng viên và cán bộ đều xuất thân từ các gia
đình địa chủ hay phú nông, việc phát động cách mạng thổ địa đã không thể tiến
hành ngay. Mãi đến năm 1949, khi ĐCS Trung Hoa đã chiếm gần xong lục địa, cửa
hậu cần mới đang được khai thông. Việt Minh bắt đầu nhận được những viện trợ từ
Quốc tế Cộng sản, nhất là từ ĐCS Trung Hoa. Chiến trường Việt Nam ngày một thuận
lợi hơn cho lực lượng Việt Minh. Khi ấy Hồ Chí Minh và ĐCS mới nghĩ đến việc
tiến hành CCRĐ, mở đầu bằng việc giảm tô cho nông dân. Ngày 14/7/1949, Hồ Chí
Minh ký Sắc lệnh 78 SL quy định chủ đất phải giảm địa tô 25 phần trăm
so với mức trước năm 1945.
Ngày 25/1/1953, tại Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao
động, Hồ Chí Minh chủ toạ, đọc báo cáo đề ra nhiệm vụ phát động quần chúng triệt
để giảm tô, thực hiện giảm tức, đấu tranh chống giai cấp địa chủ phong kiến,
tiến đến CCRĐ.
Ngay sau đó, ngày 5/2/1953, tại Hội nghị nông hội và dân vận toàn quốc, Hồ
Chí Minh đã vấn an các đảng viên và cán bộ tham dự như sau: “Địa chủ cũng có
đôi người làm cách mạng, nước ta như các nước khác, ta cũng có vài đồng chí, đại
địa chủ mà làm cách mạng, hồi bí mật có bao nhiêu tiền của giúp cho Đảng hết,
cam tâm chịu tù đày. Họ tuy là người trong giai cấp địa chủ nhưng lập trường và
tư tưởng đã đứng về phe vô sản, là người của giai cấp công nhân” (Hồ
Chí Minh Toàn tập, tập 6 trang 357).
Ngày 12/4/1953 Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 150 SL về Cải cách
ruộng đất, tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ phản động chia lại
cho nông dân nghèo.
Ngày 14/11/1953, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương và Hội nghị toàn
quốc của Đảng Lao động đã quyết định tiến hành CCRĐ.
Trong báo cáo trước Quốc hội khoá I kỳ họp lần thứ ba, ông Hồ đã phát biểu
“Phương châm của cải cách ruộng đất là: phóng tay phát động quần chúng nông
dân” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6 trang 509). Ông Nguyễn Văn Trấn,
nguyên Đại biểu Quốc hội khoá I, đại diện Sài Gòn Chợ Lớn, giải thích “phóng
tay” nghiã là “cứ việc làm mạnh thả cửa” (Nguyễn Văn Trấn, trang 266).
Ông Nguyễn Minh Cần giải thích “là làm hết sức mãnh liệt, thẳng tay, không
khoan nhượng, không thương xót, cho dù quá trớn, quá tả cũng không đáng
sợ“. Ông còn cho biết: “Ông Hồ đã dùng hình ảnh dễ hiểu: khi uốn thanh
tre cong cho nó thẳng ra, phải uốn quá đi một tí và giữ lâu lâu, rồi thả tay ra
thì nó mới thẳng được”. Ông Nguyễn Văn Trấn than rằng “Trời ơi! Đảng
của tôi đã nghe lời người ngoài, kéo khúc cây cong quá trớn. Nó bật lại giết
chết bao nhiêu vạn sinh linh.” (Nguyễn Văn Trấn, trang 266).
Cũng trong báo cáo trước Quốc hội này, Hồ Chí Minh đã ra chỉ tiêu: “Giai
cấp địa chủ phong kiến không đầy 5 phần trăm dân số, mà chúng và thực dân chiếm
hết 7 phần 10 ruộng đất…” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6 trang 509).
Chính chỉ tiêu này đã: “… giết chết bao nhiêu vạn sinh linh”. (Nguyễn
Văn Trấn, trang 266).
Trong thời gian tiến hành giảm tô tiến đến CCRĐ, sáu xã
tại huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên đã được chọn làm thí điểm. Người đầu tiên bị
mang ra xử bắn là bà Nguyễn Thị Năm. Bà còn được gọi là bà Cát Hanh Long (xem
Nguyễn Minh Cần). Bà là người đã che giấu và nuôi dưỡng các lãnh đạo cộng sản
như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Lê
Giản… trong thời gian ĐCS còn hoạt động bí mật. Trong “Tuần lễ vàng” bà đã đóng
góp cho Việt Minh 100 lạng vàng. Hai con trai bà, ông Nguyễn Công và ông Nguyễn
Hanh đều theo Việt Minh từ trước 1945. Khi CCRĐ được phát động, ông Nguyễn Công
đang làm chính uỷ trung đoàn và ông Nguyễn Hanh là đại đội phó bộ đội thông
tin.
Trong Hồi ký Làm người rất khó, làm người xã hội chủ nghĩa khó hơn,
nguyên Phó thủ tướng CHXHCN Việt Nam, ông Đoàn Duy Thành cho biết việc bà Năm bị
bắn đã làm xôn xao dư luận. Ông cho rằng việc làm này có 3 điều làm sai chính
sách là: (1) Địa chủ kháng chiến được chiếu cố; (2) Địa chủ kiêm công thương
được chiếu cố; (3) Địa chủ hiến ruộng được chiếu cố. Và một điều sai đạo lý là
“… bắn một địa chủ là nữ, không phải là cường hào gian ác sẽ trái đạo lý
thông thường của người Việt Nam “. Ông viết tiếp: “Sau này khi sửa sai
CCRĐ xong, tôi được nghe nhiều cán bộ cao cấp nói lại: ‘Khi chuẩn bị bắn Nguyễn
Thị Năm, Bác Hồ đã can thiệp và nói đại ý: ‘Chẳng lẽ CCRĐ không tìm được một tên
địa chủ, cường hào gian ác là nam giới mà mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ
hay sao?’ Nhưng cán bộ thừa hành báo cáo là đã hỏi cố vấn Trung Quốc và được trả
lời là: ‘Hổ đực hay hổ cái, đều ăn thịt người cả!’. Thế là đem hành hình Nguyễn
Thị Năm!”
Trong hồi ký Những kỷ niệm về Bác Hồ, nguyên Tổng biên tập báo
Nhân Dân, ông Hoàng Tùng cho biết: “Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để
làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung Quốc. Họp Bộ Chính trị Bác nói:
‘Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu
phát súng đầu tiên lại nổ vào một người đàn bà, mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho
cách mạng, người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ là đánh bằng một
cành hoa.’ Sau cố vấn Trung Quốc là Lã Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: ‘Tôi theo đa
số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải.’ Và họ cứ thế làm”.
Trong hồi ký Mặt thật, nguyên Phó tổng biên tập báo Nhân
Dân, nhà báo Thành Tín (Bùi Tín) đã kể rằng theo lập luận của đội CCRĐ thì
“Việc con mụ Năm đã làm chỉ là giả dối nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ
cách mạng để phá hoại. Bản chất của giai cấp địa chủ là rất ngoan cố xảo quyệt
và tàn bạo, chúng không từ thủ đoạn nào để chống phá cách mạng. Nông dân phải
luôn luôn sáng suốt dù chúng giở thủ đoạn nào.” Thành Tín cũng viết
“Ông Hoàng Quốc Việt kể lại rằng hồi ấy ông chạy về Hà Nội, báo cáo việc hệ
trọng này với ông Hồ Chí Minh. Ông Hồ chăm chú nghe rồi phát biểu: ‘Không ổn!
Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ,
và lại là một người từng nuôi cán bộ cộng sản và mẹ một chính uỷ trung đoàn Quân
đội Nhân dân đang tại chức.’ Ông hẹn sẽ can thiệp, sẽ nói với Trường Chinh về
chuyện hệ trọng và cấp bách này“. Thành Tín viết tiếp: “Thế nhưng không
có gì động theo hướng đó cả! Bởi vì người ta mượn cớ đã quá chậm. Các phóng viên
báo chí, các nhà văn hạ phóng tham gia cải cách đã viết sẵn bài tố cáo, lên án,
kết tội bà Năm rồi”.
Qua Thành Tín ta cũng biết được suy nghĩ của Hoàng Quốc Việt: “Đến Bác Hồ
biết là không đúng cũng không dám nói với họ… ‘Họ’ là các ông con trời đặc phái
viên của Mao”. Thành Tín nhận xét: “Trước hết Hồ Chí Minh có lỗi lớn.
Thà rằng không biết gì về chuyện này; và dù không biết, là chủ tịch nước, chủ
tịch Đảng ông cũng phải chịu phần trách nhiệm. Huống hồ gì ông đã biết rõ cụ
thể, ông nhận định là bà Năm bị xử trí oan, thế mà ông giữ im lặng, ông không
can thiệp. Đây là thái độ vô trách nhiệm. Ông không can thiệp thì ai có thể can
thiệp? Ông để mặc cho nước ông bị một số kẻ nước ngoài (cố vấn Tàu) lũng đoạn,
lộng hành. Trên thực tế ông đã từ nhiệm vị trí trách nhiệm của mình”.
Trong hồi ký Giọt nước trong biển cả, ông Hoàng Văn Hoan đã cho rằng
Ủy ban CCRĐ “… tự cho phép các đội CCRĐ được bắn vào địa chủ gian ác để nâng
cao khí thế nông dân. Việc bắn địa chủ mở đầu từ Thái Nguyên, sau lan tràn đi
nhiều nơi, coi là một phương pháp tốt, để nâng cao uy thế của nông dân.”
Ông nêu ra điều 36 của luật CCRĐ quy định: “Đối với kẻ phạm pháp thì xét xử
theo pháp luật, nghiêm cấm việc bắt bớ và giết chóc trái phép, đánh đập hoặc
dùng mọi thứ nhục hình khác“. Ông cũng đã viết: “Tham dự xong Hội nghị
Trung ương về CCRĐ, tôi lại trở ra Bắc Kinh. Thủ tướng Chu Ân Lai được biết tin
và rất quan tâm về vấn đề sai lầm trong CCRĐ, khi gặp tôi liền hỏi: Việc sai lầm
trong CCRĐ có liên quan gì đến các đồng chí cố vấn Trung Quốc hay không? Tôi trả
lời: Kinh nghiệm CCRĐ của Trung Quốc là rất tốt. Ủy ban CCRĐ ở Việt Nam phạm sai
lầm, như coi thành phần địa chủ lên quá nhiều, đánh vào thành phần phú nông và
trung nông, đánh vào những người chỉ có một ít ruộng đất nhưng nguồn thu nhập
chính là những nghề nghiệp khác, đánh vào những địa chủ kháng chiến, địa chủ có
công với cách mạng, đặc biệt là đánh tràn lan vào các cơ sở Đảng, thì đó là sai
lầm của Ủy ban CCRĐ Việt Nam, chứ không phải là sai lầm của các cố vấn Trung
Quốc“.
Ông Nguyễn Minh Cần, nguyên Phó chủ tịch Hà Nội, đã hết sức ưu tư về việc
“những người lãnh đạo cộng sản trong Bộ Chính trị và đứng đầu chính phủ đã
từng được bà che giấu, nuôi ăn, tặng vàng, nay đang làm Chủ tịch nước, Tổng Bí
thư, Ủy viên ban chấp hành, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã lạnh lùng chuẩn y một
bản án tử hình như vậy! Phát súng đầu tiên của CCRĐ nổ vào đầu của một người phụ
nữ yêu nước đã từng giúp đỡ cho những người cộng sản! Phát súng đó tự nó đã nói
lên nhiều điều về các lãnh tụ cộng sản! Nó báo trước những tai hoạ khôn lường
cho toàn dân tộc!”.
Nhà văn Vũ Thư Hiên nhận xét một cách dứt khoát: “Câu chuyện về Hồ Chí
Minh trong thâm tâm chống lại chủ trương Cải cách ruộng đất, bực bội vì việc mở
màn bằng việc bắn một người đàn bà, như một số người bào chữa cho ông là một
chuyện tầm phào. Một lệnh ông Hồ ban ra không phải là chỉ cứu được bà Nguyễn Thị
Năm, nó còn cứu hằng ngàn người bị giết oan trong cả Cải cách ruộng đất lẫn
Chỉnh đốn tổ chức do Lê Văn Lương song song tiến hành. Ông không cứu ai cho tới
khi những sai lầm tích tụ lại thành cái nhọt bọc. Lúc cái nhọt bọc vỡ ra ông mới
tỉnh cơn mê. Nhưng đã muộn”.
Vũ Thư Hiên còn cho biết ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên thư ký riêng của Hồ Chí
Minh, đã nói thẳng với ông Hồ: “Máu đồng bào, đồng chí đã đổ mà Bác vẫn còn
ngồi yên được à? Chúng ta tuy không có học, chúng ta dốt, chúng ta phải vừa làm
vừa học xây dựng chính quyền, vì dốt nát chúng ta mắc mọi sai lầm, nhưng chúng
ta không có quyền để tay chúng ta nhuốm máu đồng bào đồng chí”. Cũng qua Vũ
Thư Hiên ta biết được ông Vũ Đình Huỳnh đã “… khẳng định người chịu trách
nhiệm chính là ông Hồ Chí Minh, chứ không phải là Trường Chinh. Trường Chinh chỉ
là con dê tế thần cho ông Hồ”.
Điểm qua những hồi ký, suy nghĩ, ưu tư kể trên, ta thấy được vụ án Nguyễn Thị Năm nói riêng và CCRĐ nói chung còn rất nhiều uẩn khúc. Những uẩn khúc này không phải chỉ liên quan đến các nạn nhân hay gia đình nạn nhân CCRĐ. Nó còn in đậm nét trong tâm trí của những người đã một thời tin vào chủ nghĩa cộng sản, vào lý tưởng cộng sản, vào sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và ĐCS, trong đó có người từng trực tiếp tham gia CCRĐ. Những uẩn khúc này cần phải được làm sáng tỏ.
Điểm qua những hồi ký, suy nghĩ, ưu tư kể trên, ta thấy được vụ án Nguyễn Thị Năm nói riêng và CCRĐ nói chung còn rất nhiều uẩn khúc. Những uẩn khúc này không phải chỉ liên quan đến các nạn nhân hay gia đình nạn nhân CCRĐ. Nó còn in đậm nét trong tâm trí của những người đã một thời tin vào chủ nghĩa cộng sản, vào lý tưởng cộng sản, vào sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và ĐCS, trong đó có người từng trực tiếp tham gia CCRĐ. Những uẩn khúc này cần phải được làm sáng tỏ.
Trong tập tài liệu Phát động quần chúng và tăng gia sản xuất của tác
giả C.B. do báo Nhân Dân xuất bản năm 1955, trang 27 và 28, có bài “Địa
chủ ác ghê”. Bài viết này đã được đăng trên báo Nhân Dân ngày 21 tháng
7 năm 1953 và phổ biến lại trong tập liệu này. Đúng như nhà báo Thành Tín cho
biết, “các phóng viên báo chí, các nhà văn hạ phóng tham gia cải cách đã
viết sẵn bài tố cáo, lên án, kết tội bà Năm rồi”. Nhân tiện người viết xin
được đăng toàn bài để bạn đọc có thể cùng suy ngẫm.
Địa chủ ác ghê
Thánh hiền dạy rằng: “Vi phú bất nhân”. Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác:
như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khoá – thế thôi. Nào ngờ
có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí
dụ:
Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:
Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:
- Giết chết 14 nông dân.
- Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.
- Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người – năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.
- Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân – Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.
- Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.
Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót
260 đồng bào!
Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ:
Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ:
- Trời rét, chúng bắt nông dân cởi trần, rồi dội nước lạnh vào người. Hoặc bắt đội thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng giọt vào đầu, vào vai, đau buốt tận óc tận ruột.
- Chúng trói chặt nông dân, treo lên xà nhà, kéo lên kéo xuống.
- Chúng đóng gióng trâu vào mồm nông dân, làm cho gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra.
- Chúng đổ nước cà, nước mắm vào mũi nông dân, làm cho nôn sặc lên.
- Chúng lấy nến đốt vào mình nông dân, làm cho cháy da bỏng thịt.
- Đó là chưa kể tội phản cách mạng của chúng. Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến.
Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ
rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả
những tội ác hại nước hại dân. Thật là:
Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng,
Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!
(21-7-1953)
(21-7-1953)
Vì bài báo gọi bà Nguyễn Thị Năm là Cát-hanh-Long nên người viết theo đó mà
gọi. Có người còn gọi bà là bà Cát Thanh Long hay bà Cát Thành Long, không biết
danh hiệu nào là đúng?
Nhà báo Thành tín cũng viết: “Một số nông dân chất phác ngây thơ, kể rằng
bà Năm rất tốt, nhân từ, hay đi chùa, làm việc thiện, có nhiều cán bộ chiến sĩ
là con nuôi của bà, bà có công với kháng chiến, nên xếp là địa chủ kháng
chiến“. Nhóm từ “mấy tên lâu la” được dùng trong bài báo nêu trên
có lẽ để kết tội các nông dân hiền hoà, chất phác đã không chịu đấu tố bà Năm và
hai người con của bà.
Báo Nhân Dân là cơ quan tuyên truyền của Trung ương Đảng Lao động
Việt Nam, bài báo phải được duyệt xét kỹ của Trung ương Đảng trước khi cho phổ
biến. Khi đọc bài báo này, người viết cảm nhận một điều là bố cục, hình thức và
văn phong của bài viết rất tương tự với bản “Tuyên ngôn Độc lập” do Hồ Chí Minh
đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, phần lên án thực dân Pháp.
Tập tài liệu Phát động quần chúng và tăng gia sản xuất ghi rõ tên
tác giả các bài viết trong đó là C.B. - đây là một trong những
bút hiệu của Hồ Chí Minh. Chỉ riêng trong tập 6 (từ 1-1951 đến 7-1954) của bộ
sách Hồ Chí Minh Toàn tập do nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội in năm 1989,
người viết đã đếm được tất cả 15 bài viết của Hồ Chí Minh ký tên là C.B.
Không thấy bài viết này được nhắc đến trong bộ sách Hồ Chí Minh Toàn
tập. Tuy nhiên trong Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử tập 5 trang 418
ghi rõ: “Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Địa chủ phản động ác
ghê, ký bút danh Đ. X. đăng trên báo Cứu Quốc, số 2459 (ngày
2/11/1953), tố cáo tội ác của một số địa chủ phản động đã cấu kết với thực dân
và bù nhìn để phản dân, phản nước, mưu phá hoại chính sách ruộng đất của Chính
phủ. Chúng là bọn ‘mặt người dạ thú’ và tội ác của chúng là ‘tuyệt vô nhân
đạo’.” Có thể bài viết của ông Hồ trên báo Nhân Dân đã được đăng
lại trên báo Cứu Quốc với một bút hiệu khác.
Khi đọc bản thảo bài viết này, ông Nguyễn Minh Cần nhớ lại năm 1953 ông đã
được đọc bài “Địa chủ ác ghê” từ nội san Cải cách ruộng đất được phổ
biến trong nội bộ Đảng Lao động và các cán bộ CCRĐ.
Ông Hoàng Văn Chí có viết trong khoá chỉnh huấn trung ương nhằm đả thông tư
tưởng đảng viên và cán bộ làm công tác CCRĐ, Hồ Chí Minh đã ví von: “đế quốc
là con hổ mà địa chủ là bụi rậm để cho hổ núp. Vì vậy muốn đuổi hổ phải phá cho
kỳ hết bụi rậm.” (Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản, Chương
12, trang 90).
Khác với các vụ xử tử trong CCRĐ sau này, Hoàng Tùng
xác nhận Bộ Chính trị đã họp và quyết định về vụ xử bắn bà Năm. Ông Nguyễn Minh
Cần nói rõ hơn: “bà đã bị quy là địa chủ cường hào ác bá, bị đoàn CCRĐ xử án
tử hình, Ủy ban CCRĐ Trung ương duyệt y và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao
động Việt Nam chuẩn y“. Theo người viết, ít nhất có 7 lý do để bà Năm được
chọn làm thí điểm đầu tiên cho cuộc phóng tay phát động quần chúng CCRĐ:
- Thứ nhất, phương châm chính trong CCRĐ là “thà giết lầm 10 người vô tội, còn hơn để thoát một kẻ thù”. CCRĐ là một cuộc đấu tranh giai cấp giữa bần cố nông và địa chủ (nông dân có ruộng). Do đó địa chủ không thể được lọt lưới, được bỏ sót. Bà Năm lại có đến 2,789 mẫu đất (Thanh Cần, trang 3), là một đại địa chủ.
- Thứ nhì, phát súng đầu tiên bắn vào một phụ nữ để xác định CCRĐ là một cuộc đấu tranh giai cấp và trong đấu tranh giai cấp không phân biệt địa chủ phong kiến là phụ nữ hay đàn ông, già hay trẻ…
- Thứ ba, như Hồ Chí Minh thường tuyên bố “toàn dân kháng chiến”, địa chủ đã chấp nhận ở lại vùng kháng chiến, đương nhiên là chấp nhận theo, đóng góp, tham gia kháng chiến. Xử bắn bà, và những địa chủ trong vùng kháng chiến, là để phủ nhận công lao đóng góp của thành phần này. Nay đã có Quốc tế Cộng sản, có giai cấp công nông, khẩu hiệu “toàn dân kháng chiến” không còn cần thiết nữa.
- Thứ tư, bắn bà Năm là dấu hiệu cho phép trừng phạt tất cả những người có ruộng đất, có tài sản, có ảnh hưởng kinh tế chính trị trong và ngoài Đảng Lao động Việt Nam. Theo ông Đoàn Duy Thành, bà Năm là địa chủ đã hiến ruộng cho chính quyền kháng chiến.
- Thứ năm, ảnh hưởng kinh tế và chính trị của bà, và của các địa chủ khác, cần phải được thủ tiêu để mở đường xây dựng chế độ chuyên chế toàn trị.
- Thứ sáu, xử bắn bà Năm, và giai cấp địa chủ, là nhằm sách động nông dân thực thi sách lược “chia để trị”.
- Thứ bẩy, xử bắn bà Năm và tiêu diệt giai cấp địa chủ là nhằm nâng cao quyền lực của Hồ Chí Minh và ĐCS. Nguyễn Văn Trấn đã viết: “Các đoàn CCRĐ đã rút kinh nghiệm về cách đem phạm nhân đi bắn, và đã cho lệnh bắn sau lưng kẻ thọ hình. Vì kinh nghiệm cho thấy, đem trói nó vào nọc trụ để bắn thì nó sẽ la to Hồ Chí Minh muôn năm, Đảng Lao động muôn năm” (Nguyễn Văn Trấn, trang 270). Vũ Thư Hiên cũng nhắc đến việc có người đã tự tử để lại bức thư tuyệt mệnh: “Oan cho tôi lắm, cụ Hồ ơi. Tôi trung thành với cụ với Đảng. Tôi không phản bội, Hồ Chí Minh muôn năm!” (Vũ Thư Hiên, chương 1).
Chính vì những lý do trên mà Hồ Chí Minh mới đích thân viết bài trên báo
Nhân Dân đấu tố bà Năm.
Trong một lá thư, đề ngày 18/8/1956, gởi đến “đồng bào nông thôn” nhân dịp
CCRĐ căn bản đã hoàn thành, Hồ Chí Minh xác định CCRĐ là “một thắng lợi vô
cùng to lớn” và “có thắng lợi này là nhờ Đảng và Chính phủ ta có chính
sách đúng đắn“. Ông viết tiếp: “Cải cách ruộng đất là một cuộc đấu
tranh giai cấp chống phong kiến, một cuộc cách mạng long trời lở đất, quyết liệt
gay go. Lại vì kẻ địch phá hoại điên cuồng; vì một số cán bộ ta chưa nắm vững
chính sách, chưa thực đi đúng đường lối quần chúng; vì sự lãnh đạo của Trung
ương Đảng và Chính phủ có chỗ thiếu cụ thể, thiếu kiểm tra đôn đốc, cho nên khi
CCRĐ đã xảy ra những khuyết điểm sai lầm” (Hồ Chí Minh Toàn tập,
tập 7, trang 507). Riêng việc “kẻ địch phá hoại điên cuồng” đã được ông
giải thích như sau: “Như con giun không biết nhảy, khi ta giẫm lên nó, nó
cũng giãy trước khi chết. Giai cấp địa chủ cũng thế.” (Hồ Chí Minh Toàn
tập, tập 7, trang 358).
Vài năm sau, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ĐCSVN, 6/1/1960, Hồ Chí Minh
lại gắn liền cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc CCRĐ, ông tuyên bố: “Buổi
đầu kháng chiến, Đảng vẫn tiếp tục thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức. Nhưng
đến lúc kháng chiến đã phát triển mạnh, cần phải bồi dưỡng hơn nữa lực lượng
nhân dân, chủ yếu là nông dân thì Đảng đã cương quyết phát động quần chúng cải
cách ruộng đất hoàn thành thực hiện người cày có ruộng. Nhờ chính sách đúng đắn
này, lực lượng kháng chiến ngày càng mạnh thêm và đã liên tục thu được nhiều
thắng lợi” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, trang 596).
Hồ Chí Minh đã hiểu rõ nguyện vọng của dân tộc là độc lập, tự do, dân chủ,
hạnh phúc, của người nông dân là người cày có ruộng … Trong điều 12, Hiến pháp
1946, còn được gọi là “Hiến pháp Cụ Hồ” vì ông là trưởng ban soạn thảo Hiến
pháp, đã xác định: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo
đảm“. CCRĐ chẳng những vi hiến, nó còn là một tội ác với số nạn nhân chưa
thể hay không bao giờ có thể tính được. Hồ Chí Minh đã lợi dụng các khao khát,
các ước vọng của người dân để xây dựng quyền lực cho ông và cho ĐCS Việt
Nam.
CCRĐ không phải chỉ tàn sát những thường dân vô tội. Nó còn phá hoại những
truyền thống tốt đẹp, phá hoại đạo lý luân thường, phá hoại tâm linh văn hoá của
dân tộc Việt Nam (xin xem Nguyễn Minh Cần). Quả lời ông Vũ Đình Huỳnh “…
khẳng định người chịu trách nhiệm chính là ông Hồ Chí Minh, chứ không phải là
Trường Chinh. Trường Chinh chỉ là con dê tế thần cho ông Hồ” là hoàn toàn
chính xác.
Bài viết này mong làm sáng tỏ, làm minh bạch một phần của quá khứ, không phải
để gợi lại hận thù, mà để xây dựng con đường đi tới tránh xa những tội ác mà
người đi trước như Hồ Chí Minh đã mắc phải.
© Nguyễn Quang Duy
© Đàn Chim Việt
——————————-
Tài liệu tham khảo
- C.B., Phát động quần chúng và tăng gia sản xuất, Báo Nhân Dân, 1955
- Đoàn Duy Thành, Làm người rất khó, làm người xã hội chủ nghĩa khó hơn
- Hoàng Tùng, Những kỷ niệm về Bác Hồ, Điện thơ Câu lạc bộ Dân Chủ
- Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản, Bản dịch của Mạc Định, Nhà xuất bản Chân Trời Mới, Sài Gòn, 1964
- Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả
- Thanh Cần, Tội ác bóc lột địa tô của giai cấp địa chủ, Nhà xuất bản Sự Thật, 1955
- Thành Tín, Mặt thật
- Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc hội, Văn Nghệ California, USA, 1997
- Nguyễn Minh Cần, Xin đừng quên tội ác! … Nửa thế kỷ trước, CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT TẠI MIỀN BẮC1949-1956, tập 2, Khối 8406 Tự do Dân chủ cho Việt Nam, trang 67-86.
- Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày
- Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1995
- Hồ Chí Minh Toàn tập, Viện Mác Lê Nin, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1989
Phụ lục
Ảnh chụp bài viết “Địa chủ ác ghê” từ nguồn: C.B., Phát động quần chúng
và tăng gia sản xuất, báo Nhân Dân, 1955
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen