Minh Anh
Biểu tình trước
sứ quán Nhật tại Seoul để phản đối chính khách Nhật viếng thăm đền tử sĩ
Yasukuni - REUTERS /Kim Hong-Ji
Thứ Bảy này là ngày đánh dấu sự kiện 70 năm Nhật Bản đầu hàng
quân Đồng Minh, đặt dấu chấm hết cuộc Chiến Tranh Thế Giới lần 2. Nhưng đó cũng
là ngày hàng ngàn người Nhật đổ về viếng thăm đền Yasukuni, biểu tượng gây tranh
cãi về quá khứ quân phiệt của đất nước. Đối với La Croix (13/08/2015), «
Yasukuni : một ngôi đền của mọi sự căng thẳng ».
Hình ảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nghiêng mình kính cẩn
trước ngôi mộ giả được dựng lên để tưởng nhớ các nạn nhân Hiroshima, bên cạnh là
hai nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình và Hàn Quốc Park Geun-Hye chỉ là giấc
mơ, chưa thể nào thành hiện thực. Bởi vì đối hai láng giềng Đông Bắc Á đó, «
Nhật Bản, một ký ức gây bấn loạn » như hàng tít nhận định trên trang
nhất của La Croix. Trái với hình ảnh có thật tại phương Tây, 24 lãnh đạo thế
giới đã đến tham dự kỷ niệm 70 năm ngày quân Đồng minh đổ bộ lên vùng Normandie,
miền bắc nước Pháp, được tổ chức hồi tháng 6/2014.
Hơn bao giờ hết, « Ký ức Đệ Nhị Thế Chiến đang làm bùng lên
chủ nghĩa dân tộc tại Á Châu », tựa bài viết trên trang 3 của La Croix.
Không như các nước phương Tây cùng thể hiện sự thông cảm, ba cường quốc
Á,Châu – Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn tiếp tục tranh cãi với nhau
về ký ức Đệ Nhị Thế Chiến. Theo quan điểm của Karoline Postel-Vinay, giáo sư Đại
học Khoa học Chính trị (Sciences-Po) và chuyên gia về khu vực này, « Lịch sử
đã bị sử dụng như là một công cụ cho các mục tiêu chính trị. Những người theo
chủ nghĩa dân tộc tại mỗi nước đáp trả lẫn nhau ».
Việc chính trị hóa lịch sử là hiện tượng mới gần đây, được củng
cố mạnh cùng với việc ba nhà lãnh đạo Châu Á hiện nay lên cầm quyền. Chẳng hạn
như tại Trung Quốc, « với việc lên nắm quyền của ông Tập Cận Bình, bài diễn
văn về chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại quân phiệt Nhật đã nở
rộ, mặc dù trên thực tế, nhiều sự việc rất đáng tranh cãi », theo như phân
tích của Mathieu Duchâtel, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu quốc tế về hòa
bình Stockholm, có trụ sở tại Bắc Kinh, tại Trung Quốc.
Giữa ba quốc gia này còn nhiều chủ đề gây căng thẳng. Từ ngôi
đền Yasukuni, đến số 200-400 ngàn phụ nữ « giải sầu », người Triều Tiên chiếm đa
số - nạn nhân của chế độ nô lệ tình dục do quân đội Nhật hoàng lập nên tại khắp
Á Châu trong suốt thời kỳ chiến tranh. Những vết thương chưa thể hàn gắn đó đang
nuôi dưỡng các bài diễn văn theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc.
Làm thế nào kiềm hãm được sự gia tăng thù nghịch, mà các cuộc
tranh chấp xung quanh các quần đảo Senkaku và Dokdo là minh chứng điển hình ?
Đối với Scott Snyder, chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên, câu trả lời nằm trong
tay các nhà lãnh đạo. « Họ phải can đảm để đối đầu với công luận và tiến
hành một tiến trình hòa bình ».
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen