Trần Trung Đạo
15-06-2015
Tưởng Niệm 85 năm Ngày Tang Yên Bái
Vào
khoảng thời gian này 85 năm trước, tức vài hôm sau Ngày Tang Yên Bái,
ngày 17 tháng Sáu năm 1930, bức hình bên đây được đăng trên báo Pháp.
Mười ba chiếc đầu của các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng vừa bị chém
còn phơi trên bãi cỏ. Chiếc đầu được đánh dấu tròn được tờ báo ghi chú
“đây là đầu của Nguyễn Thái Học”.
Theo tác giả Hoàng
Văn Đào trong tác phẩm “Từ Yên Bái tới ngục thất Hoả Lò”: Trong chuyến
xe lửa bí mật, riêng biệt khởi hành từ Hà Nội lên Yên Bái, các tử tù cứ
hai người còng làm một, trò chuyện ở toa hạng tư trên một lộ trình dài 4
tiếng đồng hồ. Cùng đi với các tội nhân còn có thanh tra sở mật thám
Pháp, hai cố đạo người Âu là Linh mục Mechet và Dronet. Máy chém di
chuyển theo cùng chuyến xe. Đao phủ thủ phụ trách buổi hành quyết là Cai
Công. Cuộc hành quyết khởi sự vào lúc 5 giờ kém 5 phút sáng ngày
17.6.1930 trên một bãi cỏ rộng với sự canh phòng cẩn mật của 400 lính
bản xứ. Xác chết 13 người chôn chung dưới chân đồi cao, bên cạnh đồi là
đền thờ Tuần Quán, cách ga xe lửa độ một cây số.
Tác
giả Louis Roubaud in trong cuốn sách Việt Nam, xuất bản 1931, được
trích dẫn khá nhiều, viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái và những diễn biến
tại pháp trường. Ngay ở trang đầu Roubaud đã viết: “Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam! 13 lần tôi nghe tiếng hô này trước máy chém ở Yên Bái. 13
người bị kết án tử hình đã lần lượt thét lên như vậy cách đoạn đầu đài
hai thước”. Tác giả cũng viết về nhà cách mạng Nguyễn Thái Học: “Anh mỉm
miệng cười, cực kỳ bình thản, đưa mắt nhìn đám đông công chúng và cúi
đầu chào đồng bào rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô lớn: “Việt Nam
vạn tuế”. Cô Giang, vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học, cũng có mặt trong
đám đông.”
Trong hồi ký
Từ Yên Bái Đến Côn Lôn, Nguyễn Hải Hàm tức Ký Thân, người bị kết án tử
hình sau Khởi Nghĩa Yên Bái nhưng sau giảm xuống chung thân nơi Côn Đảo,
kể lại lời của vị Linh mục chứng kiến giờ phút cuối cùng của 13 Anh
hùng Yên Bái: “Ông Học thật tốt. Ông không hề tỏ ra một cử chỉ hay lời
nói nào buồn trách Cha như những người kia. Trái lại ông Học nói chuyện
với Cha tự nhiên, bình thản như ngày thường …Quá vui tính…12 anh kia bị
chém trước rồi sau mới là anh Học…Anh Học trước khi lên đoạn đầu đài hô
lớn câu Việt Nam Vạn Tuế, và khi hô lớn xong đầu cũng lọt vào thùng mạt
cưa bên cạnh. Anh nào cũng hô Việt Nam Vạn Tuế, có anh thì hô Việt Nam
Muôn Năm… Nhưng đau lòng nhất là có một vài anh chưa hô hết câu đầu đã
rơi xuống thùng mạt cưa”.
Mười
ba liệt sĩ lên máy chém thực dân sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930: Nguyễn
Thái Học, Phó Ðức Chính, Bùi Tư Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà Văn
Lạo, Ðào Văn Nhít, Ngô Văn Du, Nguyễn Ðức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Ðỗ Văn
Sứ, Bùi Văn Cửu và Nguyễn Như Liên.
Đảng
trưởng Nguyễn Thái Học và 12 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã dành
hơi thở cuối cùng của đời mình trên mặt đất này để gọi tên hai tiếng
Việt Nam trước khi bước lên máy chém. Như hai tác giả Louis Roubaud và
Hoàng Văn Đào viết, không ai trong số họ đã hô “Việt Nam Quốc Dân Đảng
muôn năm”.
Đó cũng là
điểm khác biệt chính giữa các đảng cách mạng thật sự chiến đấu vì tự do,
độc lập của dân tộc và đảng CSVN. Với những người yêu nước chân chính,
đảng cách mạng chỉ là chiếc ghe để đưa dân tộc Việt Nam qua sông trong
khi với Đảng Cộng sản chiếc ghe lại chính là dân tộc.
Hôm nay, sở dĩ đảng CS ca ngợi lòng yêu nước của Nguyễn Thái Học chỉ vì
ông đã hy sinh, tuy nhiên, nếu ông còn sống và tiếp tục lãnh đạo Việt
Nam Quốc Dân Đảng trong giai đoạn 1945, số phận của Nguyễn Thái Học cũng
giống như Bùi Quang Chiêu, Trương Tử Anh, Khái Hưng, Phạm Quỳnh, Tạ Thu
Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Thế Nghiệp và
hàng ngàn người Việt Nam yêu nước bị CS giết mà thôi.
Nguyễn Thái Học khi sống là Đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng
khi chết đã chết như bao nhiêu thanh niên yêu nước khác, thư thái ngâm
những vần thơ tuyệt mệnh “Chết vì tổ quốc, chết vinh quang, lòng ta sung
sướng, trí ta nhẹ nhàng”. Chàng thanh niên Việt Nam Nguyễn Thái Học chỉ
mới 28 tuổi.
Lịch sử mang tính thời đại và tính liên tục. Mỗi thế hệ có một trách
nhiệm riêng, nhưng dù hoàn thành hay không, khi bước qua thời đại khác,
vẫn phải chuyển giao trách nhiệm sang các thế hệ lớn lên sau. Sức đẩy để
con thuyền dân tộc vượt qua khúc sông hiểm trở hôm nay không đến từ Mỹ,
Anh, Pháp hay đâu khác, mà bắt đầu từ bàn tay và khối óc của tuổi trẻ.
Lịch sử Việt Nam đã và đang được viết bằng máu của tuổi trẻ Việt Nam.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen