Trung
Quốc sẽ ít có khả năng phản ứng khi Mỹ tuần tra quân sự trong khu vực
này so với những nỗ lực tương tự của các nước láng giềng Đông Nam Á.
Thượng nghị sĩ Ben Cardin, ảnh: Washington Times.
Tờ
Financial Times ngày 20/5 đưa tin, kế hoạch tuần tra quân sự trong phạm
vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp
pháp) ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) của Lầu Năm Góc được một
Thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ ủng hộ hết mình. Ben Cardin,
Thượng nghị sĩ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ cho rằng thực
hiện tuần tra trong phạm vi 12 hải lý sẽ là một bước tiến tích cực.
Ông
cho rằng Trung Quốc sẽ ít có khả năng phản ứng khi Mỹ tuần tra quân sự
trong khu vực này so với những nỗ lực tương tự của các nước láng giềng
Đông Nam Á: "Những gì đang làm là ngăn chặn một sự kiện hoặc một hành
động khiêu khích từ Trung Quốc. Nếu một trong những quốc gia Trung Quốc
tranh chấp lãnh thổ tuần tra, có nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ có hành
động. Nhưng nếu đó là Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng ít có khả năng họ dám hành
động".
"Tôi cho rằng thực sự ít có gì gọi là khiêu khích khi
Hoa Kỳ nâng cao lá cờ của mình. Tôi không nghĩ Trung Quốc muốn tạo ra
một vấn đề với Hoa Kỳ", ông Cardin cho biết tại một sự kiện ở Christian
Sience Monitor. Tuần trước trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại
Thượng viện, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel thúc giục ông Cardin
không bỏ về sau khi vị Thượng nghị sĩ này phàn nàn: "Chúng tôi thực sự
không thấy bất kỳ phản ứng nào với những kiểu hành động khiêu khích
ngoài việc ra thông cáo báo chí".
"Và tôi nghĩ rằng chúng tôi
muốn làm nhiều hơn nữa. Chúng tôi muốn đồng minh của chúng ta biết rằng
chúng ta đứng về phía họ rất nhiều để chống lại các hành động khiêu
khích", ông Cardin nói với Russel. Tổng thống Obama quyết định xoay trục
chiến lược sang châu Á năm 2012, triển khai tỉ lệ hải quân lớn ở Thái
Bình Dương để giúp chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Tuy nhiên
nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là Philippines vẫn phàn nàn Mỹ nói
nhiều hơn làm.
Các nhà phê bình chỉ ra rằng, tháng 4/2012 khi
Trung Quốc cưỡng chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ
Philippines dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong khu vực
nhưng Mỹ đã không phái bất kỳ tàu hải quân nào đến khu vực này. Mỹ lo sợ
leo thang căng thẳng với Trung Quốc. Nhưng một số chuyên gia cho rằng
động thái này báo hiệu cho Bắc Kinh thấy nó cứng rắn hơn cũng sẽ không
vấp phải một thách thức nào.
Mỹ và Trung Quốc đã cố gắng công
khai xoa dịu một số căng thẳng vào cuối tuần qua khi Ngoại trưởng John
Kerry đến Bắc Kinh. Nhưng Vương Nghị, người đồng nhiệm Trung Quốc nhấn
mạnh cái gọi là "quyết tâm sắt đá" của Bắc Kinh trong bảo vệ yêu sách
chủ quyền (vô lý, phi pháp) của họ. Biển Đông cũng đã đi vào cuộc chạy
đua bầu cử Tổng thống Mỹ. Marco Rubio, Thượng nghị sĩ Mỹ gốc Cuba ra
tranh cử Tổng thống, tuần trước nói rằng Mỹ cần có lập trường cứng rắn
hơn với Trung Quốc, bao gồm vấn đề Biển Đông.
Theo phản ánh
của Reuters ngày 20/5, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken phát biểu
tại một hội nghị ở Jakarta: Hoạt động bồi lấp xây dựng (bất hợp pháp)
của Trung Quốc ở Biển Đông đang phá hoại tự do và ổn định, có nguy cơ
kích động căng thẳng, thậm chí có thể dẫn đến xung đột. Khi Trung Quốc
tìm cách đòi chủ quyền và vẽ lại biên giới trên biển, nó đang làm xói
mòn lòng tin trong khu vực, làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư.
"Hành
vi của họ đe dọa thiết lập một tiền lệ mới, trong đó các nước lớn có
thể tự do đe dọa những nước nhỏ hơn và kích động căng thẳng, bất ổn,
thậm chí có thể dẫn đến xung đột", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ quan ngại.
Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang là một trong những điểm nóng nguy
hiểm nhất châu Á, gây ra rủi ro có thể dẫn đến xung đột, đối đầu giữa
các quốc gia có yêu sách ở vùng biển này.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen