Hữu Nguyên (huunguyen@saigontimes.org)
LGT: Trong
suốt cuộc chiến chống cộng trước và sau 1975, người Việt yêu nước ở
khắp mọi miền của tổ quốc, đã chứng kiến không biết bao nhiêu tấm gương
anh hùng, bất khuất, trong đó, có những vị đã vị quốc vong thân, vĩnh
viễn nằm xuống trong lòng đất lạnh, có những vị can đảm tuẫn tiết không
chịu đầu hàng, có những vị âm thầm chiến đấu trong lao tù, có những vị
ngược xuôi bôn ba, gìn vàng giữ ngọc, nuôi dưỡng ngọn lửa đấu tranh
trong suốt bốn chục năm kể từ 1975... Trong số những tấm gương anh hùng
đó, chúng ta không thể không nhớ đến Ông Võ Đại Tôn, người đã sáng lập
Liên Minh Quang Phục Việt Nam ngay từ những tháng năm đầu mất nước, đã
từng về VN trực tiếp chiến đấu với kẻ thù CS, từng bị kẻ thù bắt cầm tù
suốt thời gian hơn 10 năm, nhưng trước sau vẫn giữ được khí tiết của một
người lính VNCH, sự minh mẫn của một kẻ sĩ giữa lao tù CS, và đặc biệt
đã thắp sáng ngọn lửa yêu nước và niềm tin son sắt vào chính nghĩa, qua
cuộc họp báo quốc tế lịch sử tại Hà Nội cách đây ngót 40 năm. Nhân dịp
tưởng niệm 40 năm Ngày Quốc Hận 30-4, chúng tôi trân trọng giới thiệu
cùng qúy độc giả nguyên văn bài phỏng vấn Ông Võ Đại Tôn, trong niềm hy
vọng, với tấm lòng sắt son của những người Việt yêu nước, quý vị sẽ thấy
được trong tâm tư, nguyện vọng và niềm tin của Ông, có cả tâm tư,
nguyện vọng và niềm tin của chính mình.
Ông
Võ Đại Tôn và hai vị Chủ Tịch CĐNVTD Úc Châu, LS Võ Trí Dũng (bên trái)
và Ông Nguyễn Thế Phong, trong một cuộc biểu tình chống cộng tại Úc
Hữu Nguyên: Chúng
tôi chân thành cám ơn Ông đã chấp thuận trả lời phỏng vấn nhân dịp
Tưởng Niệm 40 Năm Ngày Quốc Hận 30.4. Câu hỏi đầu tiên, trong những ngày
của tháng Tư cách đây 40 năm, Ông đang làm gì, ở đâu và có những suy tư
gì đặc biệt?
Ô. Võ Đại Tôn: Ngay
từ đầu tháng 3 năm 1975, tôi đã nhận lệnh công tác đặc biệt tại Cần
Thơ, Quân Đoàn 4, và sau khi lệnh đầu hàng của Tổng Thống cuối cùng của
VNCH (Dương Văn Minh) ban ra vào cuối tháng 4, tôi đã về lại Saigon,
ngụy trang là thường dân chen chúc trên xe đò, chứng kiến sự sụp đổ toàn
diện của miền Nam, trong hoảng loạn và trong uất hận. Xuyên suốt thời
gian phục vụ trong quân đội, hoặc biệt phái ngoại ngạch, trong các công
tác tình báo và làm việc trực tiếp với hồi chánh viên và thẩm vấn tù
binh VC, cũng như xuyên qua lịch sử Dân Tộc kể từ ngày có chế độ cộng
sản tại miền Bắc, tôi biết rõ sự tàn ác và xảo quyệt của người cộng sản
VN trong việc sẽ trả thù người dân và quân cán chính miền Nam sau khi họ
cưỡng chiếm được. Vì lẽ đó, tôi đã tìm đường vượt biển ngay từ ngày
1.5.1975, từ Saigon ra Vũng Tàu.
Gia
đình tôi đã được đi chung ghe đánh cá cùng hơn 50 người, vượt biển qua
Mã Lai, đến được bến bờ tự do vào tháng 7 năm 1975. Chuyến đi vô cùng
gian nan, sau lần bị kẹt lại vì máy ghe hư phải chờ sửa chữa, may mắn
thoát được, nhưng chuyện này còn dài không thể kể hết ra đây và cũng
không phải là đề tài phỏng vấn của quý anh hôm nay. Những người cùng đi
chung ghe với tôi, hiện nay đang định cư tại Brisbane, tiểu bang
Queensland, Úc Châu và chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Suy
tư về tháng Tư Đen Quốc Nạn, thì đối với tôi đó là ngày đau thương nhất
với nhiều kỷ niệm đau buồn cho bản thân, đại gia đình dòng họ, anh em
đồng đội, và trên hết là Dân Tộc. Nhưng tôi đã riêng tâm nguyện là từ
những suy tư đau thương đó, tôi phải vùng dậy để mong đóng góp công sức
nhỏ nhoi của mình vào việc tiếp tục phụng sự lý tưởng Tự Do Dân Chủ cho
quê hương, cho đến hơi thở cuối cùng.
Hữu Nguyên: Từ Mã Lai Ông và gia đình đã đến Úc trong hoàn cảnh nào? Có những kỷ niệm đặc biệt gì trong chặng đường này?
Ô. Võ Đại Tôn: Khi ghe chúng tôi đến Mã Lai vào ngày 26.7.1975,
được tạm cư trên đảo Pulau Perhentian, Trengganu, miền Bắc Mã Lai, và
sau đó vài tháng thì những người đi chung ghe với tôi đều được chấp nhận
cho đi định cư tại Úc. Riêng tôi và gia đình được đưa về thủ đô Kuala
Lumpur vì tôi được nhận làm việc tại Bộ Quốc Phòng Mã Lai,
học tiếng Mã, phục vụ trong ngành quân báo. Sau gần một năm làm việc,
từ một người tỵ nạn cộng sản trắng tay đã được công việc làm thích hợp,
được hưởng lương cao và phụ cấp nhà cửa xe cộ đầy đủ, sung túc, nhưng
chung quanh không có người đồng hương nào cả. Hơn nữa, khi vượt thoát ra
đi, lìa xa Tổ Quốc, tôi luôn mang trong lòng hoài bão sẽ có ngày trở về
lại quê hương, tiếp tục đấu tranh chống cộng, chứ không phải ra đi để
thụ hưởng tự do và đời sống mới phong phú cho riêng mình và gia đình nơi
xứ người. Vì lẽ đó, tôi và gia đình lại xin đi định cư tại Úc và đã
được chấp nhận vào tháng 6.1976. Đến Úc, tôi có công
việc làm ngay, nhưng rồi cũng bỏ để đi nhiều nơi trên thế giới, thành
lập các phong trào kháng chiến phục quốc, tìm đường về lại quê hương vào năm 1981,
như quý anh đã biết. Bỏ lại vợ con bơ vơ nơi xứ người, tuy thiếu bổn
phận với gia đình nhưng tôi đã giữ vẹn được lời thề phục quốc, không
thẹn với lương tâm. Tuy không thành công cụ thể như mong ước, nhưng tôi
không hề cúi mặt. Câu chuyện về lao tù, họp báo tại Hà Nội ngày 13 tháng 7 năm 1982,
công cuộc tiếp tục chống cộng (chống cái ác) của tôi sau này thì quý
anh đã biết rõ, tôi không muốn nói nhiều vì sẽ có người cho là tôi tự đề
cao. Tôi đã hứng chịu quá nhiều oan khiên rồi. Tôi có làm cho tôi một
câu thơ để mỗi ngày đọc lên như là lời tâm nguyện đối với quê hương: “Dù là bụi, xin vuông tròn hạt bụi. Lăn theo đường Tổ Quốc của ta đi”. Tôi chỉ có tâm nguyện duy nhất là được làm một người con trung hiếu với Mẹ Việt Nam.
Tại Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận đầu tiên ở Sydney, Ông Võ Đại Tôn (đầu chít khăn tăng, đứng bên trái) đang tố cáo CSVN vi phạm Hiệp Định Paris, xâm lăng Miền Nam
Hữu Nguyên: Được
biết, Ông là người đầu tiên tại hải ngoại thành lập các tổ chức Kháng
Chiến Phục Quốc, và cũng là người đầu tiên và duy nhất tại Úc Châu đã
trở về quê hương để chiến đấu chống cộng vào năm 1981. Ông cũng là người
có cơ hội đi nhiều quốc gia, gặp gỡ nhiều cộng đồng người Việt. Như
vậy, Ông đánh giá sức mạnh đấu tranh của người Việt tại Úc nói riêng và
hải ngoại nói chung, trong 40 năm qua như thế nào? Và sức mạnh đấu tranh
đó sẽ phát triển ra sao trong 40 năm tới?
Ô. Võ Đại Tôn:
Thưa quý anh, vì công tác đấu tranh liên tục, chia sẻ trách nhiệm với
các đoàn thể bạn cùng chung mục tiêu, và với chủ trương “Kết hợp Lòng
Người - Giải Trừ cộng sản - Quang phục Quê hương” của tổ chức Liên Minh
Quang Phục Việt Nam của anh em chúng tôi (trước đây là Chí Nguyện Đoàn Hải Ngoại Phục Quốc tại Hoa Kỳ và Âu Châu, và Lực Lượng Dân Quân Yểm trợ Phục Quốc tại Úc Châu),
tôi đã đi hầu hết các quốc gia có người Việt tỵ nạn cộng sản định cư,
luôn cả có lần đã qua tận Mạc Tư Khoa sau khi ở tù về. Đối với câu hỏi
này, xuyên suốt một giai đoạn dài 40 năm tại hải ngoại, xin phép cho tôi
được dài dòng một chút vì nếu ngắn gọn quá thì không nêu rõ được nét
chính trong bức tranh toàn diện.
Tôi cố gắng tóm lược, trong thập niên 1975-1985 là
giai đoạn bùng dậy của các phong trào kháng chiến phục quốc tại khắp
năm châu trong cộng đồng người Việt tỵ nạn. Vết thương còn đỏ máu, lòng
hận thù còn sôi sục, tuổi trẻ còn hăng say, số lượng những người tham
gia vào các công tác chống cộng có thể nói là lên đến đỉnh cao nhất trong lịch sử lưu vong.
Hầu như người Việt tỵ nạn cộng sản nào cũng tự nguyện tích cực tham gia
toàn thời hoặc bán thời vào các công tác đấu tranh chống cộng. Không ai
thờ ơ đứng bên lề. Đã có những người trở về quê hương để kháng chiến
phục quốc. Tiếng hô đả đảo cộng sản trong các cuộc biểu tình mà người tỵ
nạn tự động tìm đến tham gia, không cần mời mọc, vang dậy nhiều góc
trời hải ngoại. Những đêm tôi chứng kiến lễ tuyên thệ Phục Quốc tại các
nơi tôi đã đi qua, mỗi lần cả trăm thanh niên quỳ khóc trước bàn thờ Tổ
Quốc, nguyện thề dâng hiến đời mình cho Tổ Quốc Tự Do. Người ngoại quốc
cũng đã từng chứng kiến với sự kính trọng và khâm phục tinh thần chống
cộng mãnh liệt của đồng hương chúng ta khắp nơi, kể luôn cả vùng trời Úc
Châu này. Tại đây, Hiệp Hội Các Quốc Gia Bị Cộng Sản Chiếm Đóng
(Captive Nations) đã long trọng mời chúng tôi là những người tỵ nạn đầu
tiên đến Úc, - sau khi chứng kiến cuộc biểu tình Quốc Hận đầu tiên tại Sydney (1977)
- với đoàn người chít khăn tang im lặng diễn hành qua các đường phố -
sau khi chứng kiến đoàn cựu quân nhân VNCH đi diễn hành (gồm 25 người)
lần đầu tiên trong ngày Anzac Day 25.4.1977 - sau khi nghe chúng tôi đi
thuyết trình tại các cộng đồng di dân bạn và các trường học - làm Hội
Viên chính thức của Hiệp Hội. Đảng Tự Do tại Úc đã tổ chức một buổi lễ
long trọng và cảm động tại Bankstown Town Hall (1978) để trao lại cho
chúng tôi lá quốc kỳ VNCH mà họ còn lưu giữ được sau ngày mất miền Nam.
Khi Luật Sư David Clarke (hiện nay là Thượng Nghị Sĩ Quốc Hội NSW) trao
lá quốc kỳ VNCH cho chúng tôi, cả hội trường đồng loạt đứng dậy, và
đồng hương tỵ nạn CS tự động hát quốc ca VNCH trong nước mắt. Tôi không
bao giờ quên được hình ảnh xúc động này. Hiện nay, chúng tôi vẫn còn lưu
giữ lá quốc kỳ này, đặt tại Nhà Thờ Quốc Tổ trong tổ chức của anh em
chúng tôi. Sau đó, lần lượt nhiều tổ chức đấu tranh bạn công khai hoạt
động, cộng đồng ngày càng vững mạnh và đoàn kết, theo đà tăng trưởng của
số lượng đồng bào chúng ta đến định cư tại Úc. Các nhóm Sinh Viên Đoàn Kết thân Cộng đã phải tan hàng, không dám xuất đầu lộ diện. Tinh thần chống cộng của đồng hương chúng ta dâng lên mãnh liệt khắp Úc Châu. Tại các quốc gia khác trên thế giới cũng đều hừng hực lửa đấu tranh trong cộng đồng tỵ nạn.
Sau
này, theo thời gian và đời sống nơi xứ người, luôn cả những trở ngại mà
tôi sẽ nêu ra một cách tổng quát sau, nên số lượng người tham gia trực
tiếp vào công cuộc đấu tranh chống cộng tại hải ngoại có phần giảm đi so
với thời gian đầu như tôi vừa trình bày (thập niên 1975-85), nhưng phẩm
chất lại được trui rèn và nâng cao hơn trong tinh thần và kinh nghiệm
của những người còn đang tiếp tục con đường đã chọn qua Lẽ Sống.
Nói
về 40 năm sắp tới thì thế hệ của chúng tôi sẽ không còn nữa, nhưng tôi
tin tưởng mãnh liệt, với xu thế dân chủ của thời đại, với chu kỳ lịch
sử, với tội ác của cộng sản ngày càng được phơi bày qua kỹ thuật thông
tin hiện đại, với Lòng Dân, nhất định chế độ cộng sản sẽ không còn tồn tại lâu dài trên quê hương chúng ta.
Nhất định Thiện sẽ thắng Ác. Muốn sớm thấy được ngày hạnh phúc Tự Do
Dân Chủ và Tình Người thực sự của Dân Tộc, mỗi người và mọi người con
dân nước Việt phải tự thức tỉnh lương tâm để cùng Toàn Dân chiến đấu về
mọi mặt, để tự cứu lấy quê hương; chứ không phải chỉ khoanh tay ngồi chờ
và ủy nhiệm cho một số người tại hải ngoại và quốc nội tiếp tục cuộc
hành trình còn lại. Đây là Cuộc Chiến Đấu của Lòng Người và Cuộc Chiến Đấu của Toàn Dân. Lấy Nhân Nghĩa thắng hung tàn, lấy Trí Nhân thay cường bạo.
Hữu Nguyên: Xin
Ông cho biết, những điểm mạnh, yếu đối với các phong trào đấu tranh tại
Việt Nam trong 40 năm qua? Và theo Ông dự đoán, triển vọng 40 năm tới,
tình hình Việt Nam sẽ có những biến chuyển quan trọng gì?
Ô. Võ Đại Tôn: Thưa
quý anh, tại quốc nội, mấy chục năm trước, chế độ cộng sản đã bưng bít
thông tin toàn diện, dùng bạo lực để cai trị và củng cố đảng của họ,
nhưng ngày nay, nhờ vào kỹ thuật thông tin hiện đại, và giao lưu toàn
cầu, bức màn sắt bịt kín của họ đã bị phá thủng, đặc biệt là tâm lý sợ hãi trong lòng quần chúng bị áp bức đã không còn như xưa. Lòng Dân đã được thể hiện quyết liệt qua các cuộc biểu tình dân oan khiếu kiện, các
nhà đấu tranh trong nước đủ mọi thành phần; đặc biệt là giới trẻ đã và
đang đứng lên đòi hỏi cho quyền sống và lẽ sống của dân tộc. Tất cả các đồng bào dũng cảm trong nước đều được sự tin yêu và yểm trợ của cộng đồng NVTD hải ngoại và thế giới Tự Do. Nhiều
đốm lửa đã được nhen nhúm và nhất định sẽ tập hợp trở thành một cơn bão
lửa, một trận cuồng phong sẽ phá sập chế độ phi nhân, đốn hèn với bao tội ác đang được phơi bày ngày càng rõ nét.
Về
điểm yếu, tất nhiên trong cuộc chiến đấu nào cũng gặp phải trở ngại,
riêng trong cuộc đấu tranh chống cộng quyết liệt này, nếu chúng ta đồng
tâm hiệp lực, mỗi người đều ý thức trách nhiệm, thì sẽ vượt qua được
những trở ngại ấy. Trở ngại, hoặc điểm yếu căn bản, riêng tôi nhận thấy,
thuộc về Tâm Lý nhiều hơn là chiến thuật. Chế độ cộng sản đang vùng vẫy, gia tăng trấn áp để mong tồn tại thêm một thời gian nữa trước
xu thế dân chủ của thời đại và trước Lòng Dân không còn tin tưởng những
chiêu bài mị dân. Về tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN luôn cả đại đa số đảng
viên các cấp đã và đang phơi bày bộ mặt thật đầy dối trá, tham nhũng và
bạo lực, “ác với dân, hèn với giặc Tàu”.
Họ sử dụng ngón đòn thâm hiểm nhằm thỏa mãn Tâm Lý hưởng thụ của
con người để mong vượt thoát mọi chống đối. Trong nước, họ tạo ra một
xã hội vật chất, sa đọa, tranh đua thụ hưởng mọi mặt trong mọi tầng lớp
dân chúng và đặc biệt với thế hệ trẻ, để con người chỉ biết lo kiếm tiền
bằng mọi cách để vui chơi mà quên đi sự chống đối về chính trị, có nghĩa là chống lại việc làm sai trái của đảng cộng sản. Chưa lúc nào nền Đạo Lý Nhân Bản của Tổ Tiên bị băng hoại như ngày hôm nay dưới chế độ cộng sản. Tổ Quốc thật sự đang lâm nguy.
Đối
với cộng đồng hải ngoại, CSVN sử dụng mọi chính sách để ve vuốt, khuyến
dụ, khuynh loát hàng ngũ đấu tranh, bằng cách “mở cửa” cho về thăm quê
hương, vui chơi thỏa thích, che giấu sự đàn áp một cách xảo quyệt, dùng
tiền bạc hàng chục tỷ đô la mỗi năm mà đồng hương chúng ta gửi về để
trang trí thêm mặt nổi cho chế độ, và dội ngược ra lại hải ngoại để mua
chuộc, nuôi dưỡng những phần tử trở cờ, đánh phá sự đoàn kết cộng đồng.
Tâm Lý thương nhà nhớ nước trong lòng những người đã lìa xa Tổ Quốc mấy
chục năm qua đã được VC ve vuốt nồng hậu, tiếp đón ân cần, giao lưu dễ
dàng... Tất cả đều được sử dụng như là một ma thuật để củng cố chế độ. Chúng ta đã rơi vào bẫy của “điểm yếu Tâm Lý” đó, của con người bình thường trong mọi xã hội, và gián tiếp hoặc trực tiếp làm suy yếu sức mạnh đấu tranh chống
cộng toàn diện, hải ngoại cũng như quốc nội. Ngoài ra, còn có yếu tố
thời gian 40 năm dài, thế hệ cựu quân cán chính chống cộng của chúng ta
từ nguồn gốc VNCH cũng sẽ bị mỏi mệt vì tuổi già sức yếu, hệ lụy lao tù,
hoặc không còn tồn tại nữa. Thế hệ tuổi trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, không hiểu rõ hiểm họa cộng sản,
riêng với thế hệ trẻ từ hải ngoại, nhìn quê hương cội nguồn như là một
xứ lạ, nếu có về là chỉ đi du lịch như một người ngoại quốc, tiền đồ Dân
Tộc chỉ là điều không mật thiết đối với cuộc sống hàng ngày !
Về
viễn ảnh Việt Nam trong vòng 40 năm tới, tôi đã thưa ở phần trên. Hy
vọng có dịp sẽ trở lại trong một chuyên đề phỏng vấn để được trình bày
chi tiết hơn, như là một tham luận chính trị. Điều duy nhất tôi có thể
khẳng định là với Lòng Dân và với sự chuyển mình của Lịch Sử Dân Tộc, không có một chế độ phi nhân bạo tàn nào có thể tồn tại lâu dài.
Dân Tộc chúng ta nhất định sẽ giải trừ được chế độ công sản và quang
phục quê hương về mọi mặt. Tất cả đều tuỳ vào sự thức tâm, trách nhiệm
và bổn phận của mỗi người và mọi người dân Việt, trong cũng như ngoài
nước.
Hữu Nguyên: Do
hoàn cảnh đặc biệt của gia đình Ông cũng như sự từng trải của ông, một
người bôn ba khắp năm châu bốn biển tiếp tục cuộc đấu tranh chống cộng,
chắc chắn Ông biết được nhiều bí mật liên quan đến cuộc chiến tranh Việt
Nam trước 1975, cũng như công cuộc phục quốc sau 1975. Nay sau 40 năm
kể từ ngày Quốc Hận 30.4.1975, xin Ông chia sẻ một vài bí mật có giá trị
như là những bài học lịch sử và ý nghĩa cho cuộc đấu tranh hiện nay?
Ô. Võ Đại Tôn: Cá
nhân tôi chỉ là thuộc cấp thừa hành trong quân đội cũng như chính quyền
VNCH trước 30/4/1975, cho nên không thể trong một vài phút hoặc một vài
trang giấy nêu lên những điều mà quý anh gọi là “bí mật”. Tôi chỉ xin
nêu ra một điều có thể nói được bây giờ, còn những chuyện khác, luôn cả
công cuộc phục quốc sau 1975, xin khất lại những dịp sau. Tôi đã viết
bài thơ “Mẹ VN ơi, chúng con vẫn còn đây”
vào năm 1972, trước khi hòa đàm Paris chấm dứt và ba năm trước ngày
miền Nam bị cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm. Bài thơ này đã được nhạc sĩ
Nguyễn Ánh 9 phổ nhạc có lẽ quý anh đã nghe nhiều lần trong các sinh
hoạt cộng đồng hải ngoại. Trong bài thơ có câu (nguyên văn): “Mẹ lòng đau, phương Bắc chiếm phương Nam”.
Tôi không cần thiết phải “phịa” ra ngày tháng sáng tác thơ văn của tôi
làm gì, nhưng chỉ nêu ra làm ví dụ về điều tôi đã nghe nói trước, qua
tiếp xúc, và qua việc nhận lệnh thi hành một vài công tác đặc biệt từ
những vị có thẩm quyền, luôn cả việc tiếp xúc với một vài cố vấn Mỹ liên
hệ lúc bấy giờ. Xin nhấn mạnh lại một lần nữa, tôi chỉ là cấp thừa
hành, chỉ được nghe và ghi nhớ một vài điều về “mệnh nước” của chúng ta,
thế thôi. Tôi không dám lộng ngôn để kể lại hoặc viết ra những điều
trọng đại đã thuộc về lịch sử.
Hữu Nguyên: Được biết, trong những ngày này của 35 năm trước, Ông được mời qua Pháp tham dự và phát biểu trong buổi lễ Ngày Quân Lực VNCH, 21.6.1980,
tổ chức tại Paris dưới quyền chủ tọa của Trung Tướng Trần Văn Trung.
Ngày 19.7.1980, sau khi Ông đi qua Hoa Kỳ để cắt máu tuyên thệ Trở Về
Quê Hương tại Los Angeles, thì Chiến Dịch Người Về được phát động và các
Ủy Ban Yểm Trợ được thành lập khắp nơi. Cùng lúc đó, chiến dịch phao
tin đồn nhảm, đánh phá Ông và báo Trắng Đen cũng xảy ra tràn lan. Hậu
quả, đến tháng 2 năm 1981, khi Ông là người đầu tiên
trở về quê hương chiến đấu phục quốc thì chưa một Ủy Ban Yểm Trợ nào
đóng góp được tiền bạc ủng hộ ông. Nguyên nhân vì đâu có những đánh phá
ác liệt như vậy?
Ô. Võ Đại Tôn: Thưa
quý anh, quý anh là những nhà báo, thường đi sát với quần chúng trong
mọi giai tầng xã hội để tìm hiểu dư luận, phân tách tin tức, viết bài
bình luận... thì có lẽ hơn ai hết, quý anh đã biết rõ về ý nghĩa của hai
chữ “Lòng Người”. Tự nguyện làm “Cách Mạng” trong một giai đoạn còn
nhiều khó khăn, kẻ thù còn theo đuổi, nhiều cá nhân còn mang đủ loại mặc
cảm, ganh ghét đố kỵ, vô chính phủ, thì việc kêu gọi giúp đỡ “Người Về”
lúc bấy giờ đã bị xuyên tạc là “ảo tưởng”, “điên khùng”, lừa bịp, không
thức thời vận. Tuy tinh thần chống cộng vẫn còn mãnh liệt nhưng “Lòng
Người” như con chim bị đạn, kèm theo việc đánh phá nhất định của kẻ thù
chung, thì chúng tôi đành phải chấp nhận đương đầu với nhiều sự việc phủ
phàng, vượt qua nỗi cô đơn để quyết chí hoàn thành tâm nguyện của mình
trong Lẽ Sống.
Những
Đấng Thiêng Liêng tối cao trong nhân loại, như Đức Giê-Su và Đức Phật,
chỉ đi rao giảng Tin Lành, truyền bá đạo sống Từ Bi Bác Ái cho chúng
sinh, mà Quý Ngài còn bị con người đóng đinh trên thập giá, còn bị ném
đá vào gốc bồ đề, còn bị xuyên tạc mạ lỵ, huống hồ chúng tôi chỉ là cát
bụi, tự nguyện vươn mình lên làm viên gạch lót đường,
thì chuyện bị dèm pha, đánh phá, chửi bới cũng là lẽ thường tình trong
xã hội con người. Ngay cả đến bây giờ, cá nhân tôi cũng còn là nạn nhân
của nhiều điều mạ lỵ, oan khiên. Những nhà đấu tranh đang bị khốn cùng
trong nước cũng đang bị xuyên tạc, bôi bẩn. Nhưng tôi luôn luôn tin
tưởng vào sự sáng suốt và công tâm của đại đa số đồng bào thầm lặng. Làm
việc nước phải chấp nhận tất cả, ngay cả cái chết để tròn đạo nghĩa với
Tổ Quốc.
Quý
anh mỗi ngày có thể nghe được hoặc đọc được những điều tiêu cực này
trong xã hội và trên mạng lưới thông tin. Theo tôi nghĩ, và đã tự rút ra
cho mình nhiều kinh nghiệm sinh tồn, nếu chúng ta còn có lương tâm
trong sáng, còn có hành động vì chính nghĩa, còn biết đau niềm đau của
Tổ Quốc, còn biết nép mình theo cuộc hành trình chân chính của Dân Tộc,
còn biết đến Lẽ Sống và Đạo Sống của dân tộc, không tranh giành quyền
lợi riêng tư và hư danh, không lừa bịp ai, thì xin chấp nhận những phũ
phàng đó trong đời để tiếp bước theo lý tưởng đã chọn. Nỗi đau cá nhân thật quá nhỏ bé đối với nỗi nhục lớn của dân tộc. Nản lòng và bỏ cuộc là tự thua.
Chỉ có thế thôi. Chỉ nên sợ một điều là nếu chúng ta không thành tâm
hành động đúng theo nguyện vọng của Toàn Dân thì sẽ bị chính Dân Tộc đào
thải, khinh miệt chúng ta.
Hữu Nguyên: Trong
bài viết “Tiếng vọng hoàng hôn” của Ông được phổ biến trên mạng lưới
thông tin toàn cầu và đã được báo Saigon Times đăng lại cách đây 5 năm,
khi đề cập đến việc Ông bị VC bắt ngày 23.10.1981, trên
đường về quê hương phục quốc, Ông cho rằng đó là “một tai nạn bất ngờ”.
Nhưng trong một bài báo do tác giả Sedgwick Tourison (có tên Việt là
Tùng), thuộc phòng quân báo Hoa Kỳ (Defense Intelligence Agency) kể lại
buổi nói chuyện giữa Ông và tác giả, Ông đã cho biết là chuyến trở về
quê hương của Ông đã bị lộ vì một Việt kiều ở Thái Lan tên là Chung. Xin
Ông cho biết rõ thêm về sự kiện này?
Ô. Võ Đại Tôn: Xin
cám ơn quý anh cho tôi cơ hội làm sáng tỏ thêm về việc này. Trước hết,
xin kể lại một mẩu chuyện vui liên quan đến tác giả Sedgwick Tourison
này. Tên Việt Nam của Ông ta là Trần Văn Tùng, tác giả nhiều cuốn sách
giá trị phân tách sử liệu vừa được giải mã liên quan đến cuộc chiến
tranh Việt Nam. Trong đó có cuốn “Secret War - Secret Army”, cũng có đề
cập một đôi dòng về cá nhân tôi. Ngày tôi ra khỏi ngục tù cộng sản vào cuối năm 1991 về lại Úc, và đi Hoa Kỳ vào năm 1992 để
tri ân đồng bào, tôi đã đến Hoa Thịnh Đốn, ngụ tại nhà một thân hữu.
Vào một buổi chiều, trong lúc tôi vắng nhà, có điện thoại reo lên và vợ
tôi bắt chuyện với người đầu dây. Giọng người đàn Ông nói tiếng Việt
rành rọt:
- Xin phép bà cho tôi thưa chuyện với Ông Võ Đại Tôn.
- Thưa, nhà tôi đi vắng. Xin Ông cho biết quý danh.
-
Thưa bà, nhờ nói lại với ông, tôi là Tourison tức là Trần Văn Tùng đây,
xin hẹn Ông ngày mai lúc 10 giờ sáng tại quán cà phê Mimosa, tôi có món
quà đặc biệt để tặng ông.
- Ủa, Ông là người Mỹ phải không?
- Thưa bà, tôi là người Mẽo chứ không phải Mỹ (cười). Tôi là bạn cũ của Ông nhà.
- Sao Ông nói tiếng Việt sõi thế, tôi thực sự không ngờ!
- Thưa bà, tôi nói tiếng Việt nhưng là giọng Bùi Chu Phát Diệm đấy ạ, vì thầy của tôi là người Bùi Chu di cư vào Nam đấy ạ.
Câu
chuyện còn dài, nhưng tôi kể ra như vậy để mô tả thêm về Ông bạn Trần
VănTùng này. Khi gặp nhau, Ông ta có tặng cho tôi mấy tấm ảnh chụp trại tù Thanh Liệt nơi tôi đã bị giam cầm hơn 10 năm ở Hà Nội, và nói: “Chúng tôi biết Ông bị giam ở đây!”...
Về
lộ trình của tôi về nước năm 1981, không phải bị lộ vì một Việt kiều ở
Thái Lan, có lẽ Ông ta viết lại câu chuyện không rõ. Tên của Việt kiều
này là Trung (Nguyễn Chí Trung) chứ không phải là Chung. Khi tôi còn tạm
trú ở Bangkok, chờ ngày vào mật khu kháng chiến Lào Tự Do của Tướng
Vang Pao, tôi được một vài nguồn tin riêng cho biết đương sự (trước 1975
có làm việc tại tòa đại sứ VNCH ở Thái Lan) thân cộng. Tôi có đến nhà
của đương sự ở một vài ngày, nhưng sau đó thì dọn đi chỗ khác ngay, và
không liên lạc gì với đương sự suốt cả thời gian tôi tạm trú ở Bangkok
và cho đến ngày tôi lên đường.
Ngày
giờ xuất phát và lộ trình qua Cao Miên lần thứ nhất và qua Hạ Lào lần
thứ hai, không ai biết ngoài tôi, và tôi đã thay đổi thường xuyên các
hướng đi để tránh địch. Và khi tôi bị sa cơ là do Lào Cộng vây bắt chứ không phải Việt Cộng.
Thật là khôi hài và ngây thơ nếu có ai nghĩ rằng VC "dàn trận” suốt
biên giới Lào- Cao Miên- Việt - mấy ngàn cây số, 24/24 giờ hàng ngày
hàng tháng để chờ “bắt” tôi, trong khi họ không biết tôi sẽ đi đường nào
và đi lúc nào? Như tôi đã nói, khi bị sa cơ, thất bại, thì có kẻ đàm
tiếu lúc trà dư tửu hậu hoặc vì ganh ghét đố kỵ nào đó - luôn cả VC -
thêu dệt thêm nhiều chuyện để xuyên tạc, mạ lỵ, và kẻ thù thì “đề cao”
sức mạnh bao vây của họ, “không để lọt bất cứ một tên phản động nào!” Đây chỉ là “mẹo vặt tuyên truyền xảo trá”. Tôi đã viết rõ sự việc này trong cuốn hồi ký “Tắm Máu Đen” của tôi rồi. (Xuất bản tại Úc năm 1992, tái bản tại Hoa Kỳ năm 2000).
Ông Võ Đại Tôn tại cuộc họp báo lịch sử ở Hà Nội ngày 13.7.1982
Hữu Nguyên: Một trong những sự kiện quan trọng trong cuộc đấu tranh chống cộng suốt 40 năm qua, cũng như trong cuộc đời của Ông, là cuộc họp báo tại Hà Nội vào ngày 13.7.1982, Ông đã can đảm và bình tĩnh, tuyên bố những lời son sắt: "Tôi
sẽ không phản bội bất cứ ai đã giúp đỡ tôi, ủng hộ tôi. Tôi tiếp tục
duy trì lập trường chính trị của tôi, tranh đấu cho tự do và giải phóng
dân tộc. Tôi sẵn sang chấp nhận bất cứ bản án nào mà chế độ CS dành cho
tôi”.
Thưa Ông, bây giờ, sau thời gian hơn ba thập niên, Ông nghĩ những lời
tuyên bố đó đã có những ảnh hưởng tích cực gì đối với bản than ông, với
chiến hữu của ông, cũng như với người Việt trong và ngoài nước?
Ô. Võ Đại Tôn: Thưa
quý anh, tuổi đời của tôi đang ở vào buổi hoàng hôn, tôi vẫn luôn tâm
nguyện một điều duy nhất là được làm một viên gạch lót đường cho thế hệ
trẻ bước lên và tiến thẳng về đài vinh quang của Tổ Quốc trong Tự Do Dân
Chủ, Nhân Bản và Tự Chủ. Ba mươi ba năm về trước, ngày 13.7.1982, tôi đã đơn độc đứng trước sự bao vây của cả một chế độ đang ở trên đỉnh cao quyền lực sau
khi cộng sản Bắc Việt vừa chiếm được miền Nam, Liên Xô và Đông Âu chưa
sụp đổ, tôi biết được lẽ tử sinh của đời mình. Có lẽ quý anh và quý vị ở
ngay trong nước hoặc ở ngoài, không thể hoặc ít cảm thông được giây
phút căng thẳng tinh thần và tâm lý của tôi phải đương đầu với bạo lực
toàn diện. Nếu quý anh coi lại cuộn phim do ký giả Mori Watanabe (đài
truyền hình Nhật Bản NHK) lén đem ra được hải ngoại về cuộc họp báo tại
Hà Nội, quý anh và quý vị sẽ thấy trong một vài giây phút, tôi đã ngước
mặt lên trần nhà, nước mắt tôi đã chảy ra. Đấy là giây phút tôi
cầu xin vong linh của mẹ tôi giúp cho tôi được chết trong danh dự, trong
tinh thần bất khuất, trọn trách nhiệm của một người lính VNCH,
một người dân biết tròn đạo nghĩa, một người con không làm tủi nhục gia
phong, một người chồng người cha giữ vẹn lời thề. Tôi đã phải trải qua
gần một năm ròng, dùng mọi phương cách, mới đánh lừa được người cộng sản
vốn đầy bản chất xảo quyệt, để được ra họp báo quốc tế, và tôi biết tôi chỉ có được một hai phút, bất ngờ chớp thời cơ, để nói lời tâm nguyện cuối cùng.
Tôi đã âm thầm suy nghĩ ngày đêm, là nếu tôi chỉ la to lên “Đả đảo cộng
sản!” thì cái chết của tôi, nếu bị tử hình, cũng chẳng đi tới đâu, vô
ích. Tôi cần gửi lại một điều tạm gọi là thông điệp cuối cùng của
một người tù trước giờ nhất định sẽ bị trả thù tàn bạo nhất, kể cả tử
hình. Vì lẽ đó, tôi đã nhanh chóng tuyên bố những lời nói trên, trong
vòng 2 phút, rồi chấm dứt. Thản nhiên chờ đợi bất cứ một bản án nào,
trước một chế độ đầy bạo lực. Những lời tôi tuyên bố là rút gọn từ những
bài học Văn Hiến Dân Tộc, về Nhân Dũng Trí Tín, tinh thần bất khuất mà
Tiền Nhân đã dạy cho tôi qua dòng máu Dân Tộc. Bây giờ, tôi vẫn tiếp
bước theo thông điệp đó để tuân theo Lẽ Sống và Đạo Sống của một công
dân bình thường trước cơn quốc nạn. Và, anh em chiến hữu trong tố chức
của chúng tôi đã hiểu được Tâm Nguyện đó.
Còn
đối với người Việt trong và ngoài nước, thì thú thật với quý anh, tôi
không dám nghĩ đền bất cứ ảnh hưởng nào cả, vì lẽ tôi chỉ là một người
dân đang cố nép mình theo quý vị trên con đường chính nghĩa của Dân Tộc.
Xin hãy dạy tôi, hãy nâng tôi đứng dậy và giúp tôi được làm tròn bổn
phận và nghĩa vụ của một người Dân Việt bình thường trong cơn quốc nhục
hiện nay của dân tộc.
Hữu Nguyên: Trong
cuộc đời của mỗi người Việt tỵ nạn thường có những cuộc hội ngộ kỳ
diệu. Ông không những là một người tỵ nạn, còn là một chiến sĩ phục
quốc, một người sống trong lao tù cộng sản hơn 10 năm, rồi sau khi ra
tù, tiếp tục bôn ba khắp các quốc gia có người Việt hải ngoại sinh sống
để giữ lửa đấu tranh. Xin Ông kể lại một vài duyên hội ngộ kỳ diệu có ý
nghĩa trong cuộc đời tranh đấu của ông?
Ô. Võ Đại Tôn: Thưa
quý anh, duyên hội ngộ gọi là kỳ diệu đầu tiên là lúc tôi ra khỏi máy
bay Qantas bước vào phi trường Sydney, sau hơn 10 năm lao tù từ Hà Nội,
tôi đã thấy vợ con tôi và quý vị đồng hương cùng anh em chiến hữu của
tôi ào đến ôm tôi, nghẹn ngào. Tôi tuởng như mình đã từ địa ngục được
đầu thai vào kiếp sống mới. Sững sờ và bấn loạn tâm hồn. Đứa con trai duy nhất của đời tôi, lúc tôi ra đi chỉ mới lên 2 tuổi,
bây giờ đã trở thành một thiếu niên, tôi không nhận ra vì tôi đã sống
trong xà lim tăm tối với sự mơ tưởng về hình ảnh của một đứa bé thơ. Con
tôi không nói gì cả, có lẽ cũng ngỡ ngàng, không biết tôi là ai, nhưng cháu đã khóc. Nước mắt tự nhiên chảy ra từ máu chung dòng.
Hình chụp Ông Võ Đại Tôn trước khi về VN phục quốc (trái) và sau khi ra tù trở lại Úc.
Và
vợ tôi, ánh mắt đã ngời lên mừng tủi, nhưng không dám nhìn thẳng tôi vì
hình hài của tôi quá tang thương tiều tụy. Và tôi cũng nghe trong đám
đông đồng hương tiếng khóc gào của một bà cao niên, mà hiện nay tôi
thỉnh thoảng vẫn gặp lại bà ngoài phố: “Trời ơi, sao mà gầy ốm quá vậy, Ông Tôn ơi”.
Tiếng khóc của tình Dân Tộc ban cho tôi thêm sức sống. Còn bao nhiêu
hội ngộ kỳ diệu nữa, không thể kể hết, khi tôi như từ cõi chết trở về.
Riêng đối với người ngoại quốc, tôi đã có một hội ngộ kỳ diệu, tưởng như là chỉ xảy ra trong tiểu thuyết. Đấy là vào năm 1993, (Liên Bang Sô Viết đã sụp đổ) khi tôi qua Mạc Tư Khoa cùng với quý vị trong phái đoàn Liên Châu đấu tranh cho Nhân Quyền. Sau phần thuyết trình của tôi, chị Irina là giám đốc đài phát thanh Mạc Tư Khoa Tự Do, người Nga nói tiếng Việt thông thạo, đến gặp tôi và nói “Có người muốn gặp anh tại phòng khách”.
Chị Irina giới thiệu tôi với một ký giả người Nga, tên là Palov. Ông ta
chợt ôm chầm lấy tôi và khóc. Tôi chưa biết chuyện gì thì Ông ta đã vội
nói bằng Anh ngữ trong nước mắt: “Tôi đã thấy Ông trong buổi họp báo quốc tế tại Hà Nội năm 1982. Tôi nghĩ là Ông đã chết rồi. Không ngờ lại gặp nhau ở đây. Lúc ấy tôi là tùy viên báo chí trong đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội, và có tham dự buổi họp báo của ông.
Ông có biết không, ngay sau khi Ông tuyên bố những lời chống đối Hà
Nội, cuộc họp báo đã phải bế mạc lập tức, ai cũng bàng hoàng. Chúng tôi đã tham dự một phiên họp kín sau đó với Bộ Nội Vụ Hà Nội, có cả Ông đại sứ Liên Xô được mời dự họp. Ai
cũng biểu quyết phải đem Ông ra bắn ngay ở chợ Đồng Xuân vào sáng hôm
sau, nhưng Ông đại sứ của chúng tôi đã đề nghị cứ giam giữ Ông lại để
tiếp tục khai thác. Chúng tôi không còn biết tin tức gì về Ông cả. Sau đó thì tôi về lại Mạc Tư Khoa cho đến bây giờ đã hơn 10 năm rồi, chúng tôi không còn là cộng sản nữa, và tôi đã nghĩ là Ông đã chết rồi. Chị
Irina có mời tôi đến tham dự buổi thuyết trình về Nhân Quyền hôm nay,
tôi nghe có tên ông, tôi không tin, cho nên đến để xem có thực là Ông
không. Không ngờ là Ông còn sống!”...
Chúng tôi đã nghẹn ngào nói chuyện với nhau. Và trước khi từ giã, Ông ta có tặng cho tôi một cuốn sách dịch ra Việt ngữ “Người Việt đất Việt” trong
đó có một chương viết về buổi họp báo của tôi tại Hà Nội do các ký giả
Nga Sô viết lại, gọi tôi là “anh hùng”. Tôi có chụp hình chung với ký
giả Palov và chị Irina, lưu niệm cuộc gặp gỡ hi hữu này, và có in trên
trang bìa cuốn Video “Cờ Ta Bay trên thành phố Mạc Tư Khoa” ghi lại chuyến đi của tôi.
Hữu Nguyên: Trong
suốt 40 năm qua, bên cạnh hình ảnh người lính bất khuất Võ Đại Tôn còn
có hình ảnh nhà thơ đấu tranh Hoàng Phong Linh với những bài thơ vang
vọng đầy hào khí. Nay sau 40 năm nhìn lại, trong hai hình ảnh này, Ông
thấy hình ảnh nào thể hiện đúng tâm tư, nghị lực, hoài bão của Ông hơn
cả? Nếu mô tả về Võ Đại Tôn Hoàng Phong Linh một câu ngắn gọn, Ông sẽ mô
tả như thế nào?
Ô. Võ Đại Tôn: Thưa quý anh, tôi không muốn nói nhiều về “cái tôi” riêng tư tầm thường của mình. Chỉ xin mượn lời của nhà thơ Phùng Quán để thưa: "Mỗi khi tôi ngã lòng, tôi vịn Nàng Thơ mà đứng dậy!”.
Nàng Thơ của tôi là những Lời Viết Cho Quê Hương. VĐT-HPL, nhị trùng
bản ngã, đều là con của Mẹ Việt Nam, suốt đời chỉ mong được giữ vẹn đạo
Hiếu-Trung.
Hữu Nguyên: Câu
hỏi cuối cùng. Chúng tôi được biết, trong cuốn hồi ký thẩm vấn tù binh
Việt Cộng của Ông Sedgwick Tourison, tác giả có viết tặng Ông bằng Việt
ngữ “Kính biếu Võ Đại Tôn, anh hùng Quân Lực VNCH”. Ông Tourison còn có
nhận xét thêm: "Những người anh hùng như Võ Đại Tôn thì rất quý. Sự
đóng góp của họ không nhất thiết phải ở ngoài mặt trận khu rừng già.
Ngồi viết ra những kinh nghiệm của mình đôi khi hiệu quả hơn”. Phải
chăng cuốn hồi ký “Tiếng Vọng Hoàng Hôn” của Ông đang viết sẽ là tập hợp
những kinh nghiệm đấu tranh, những bài học quý giá được Ông rút tỉa
trên con đường đấu tranh?
Ô. Võ Đại Tôn: Thưa
quý anh, tôi không dám nhận hai chữ “anh hùng” mà bất cứ ai đã có lòng
thương mến tặng cho tôi, vì tôi tự cảm thấy ngượng ngùng khi biết mình
chưa làm được gì cả cho Tổ Quốc. Tôi đã xuất bản hai cuốn hồi ký: "Tắm Máu Đen” (đường về quê hương và 10 năm trong ngục tù CS Hà Nội) và “Tuổi Thơ và Chiến Tranh” (chiến tranh tại quê tôi, Quảng Nam, 1945-1950). Bây giờ tôi đang viết gần xong cuốn hồi ký dài “Tiếng Vọng Hoàng Hôn”
- có lẽ là cuốn hồi ký cuối đời - về công cuộc kháng chiến phục quốc
tại hải ngoại từ 40 năm qua. Xin quý anh đón đọc khi tôi xuất bản.
Hữu Nguyên: Một
lần nữa cảm ơn thì giờ quý báu của Ông. Và kính chúc Ông mãi mãi xứng
đáng là người con Trung Hiếu của Mẹ Việt Nam Tự Do, đúng như tâm nguyện
duy nhất của Ông...
Ô. Võ Đại Tôn: “Dù là bụi, xin vuông tròn hạt bụi. Lăn theo đường Tổ Quốc của ta đi”.... Chân
thành cám ơn quý anh về buổi phỏng vấn hôm nay, cầu chúc cho nhau Tâm
Rộng Nghĩa Sâu, Chí Bền Dạ Sáng trong việc đóng góp công đức vào đại
cuộc Cứu Nước của Toàn Dân nhằm giải trừ cộng sản, quang phục quê hương.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen