Ngô Nhân Dụng - 22.05.2015
Sau vụ máy bay Mỹ diễu trên các hòn đảo nhân tạo
do Trung Cộng mới làm ở Trường Sa, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh, Hồng
Lỗi, phản đối với lời lẽ cứng rắn: “Trung Quốc có quyền theo dõi kiểm soát không
phận và hải phận thích đáng để bảo vệ chủ quyền... Chúng tôi hy vọng các nước
can hệ sẽ hết sức tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc trong vùng Nam Hải.” Ở
Washington, phụ tá bộ trưởng Ngoại Giao Mỹ đáp lại: “Hải quân và phi cơ quân sự
Mỹ sẽ tiếp tục thi hành quyền hoạt động trong không phận và vùng biển quốc tế.”
Ông nói nặng hơn: “Không người nào có đủ khôn ngoan lại tìm cách ngăn chặn Hải
Quân Mỹ hành động, làm liều như thế là dại dột.”
Thái độ của Bắc Kinh gần đây thêm hung hăng; khi
đe dọa Philippines phải rời máy bay quân sự khỏi vùng các đảo đang tranh chấp ở
Trường Sa; làm như đang áp dụng một “vùng độc quyền kiểm soát không phận” trên
các hòn đảo mà họ mới xây thêm. Tuần trước, Bộ Trưởng Ngoại Giao Vương Nghị mới
tuyên bố sẽ bảo vệ mấy hòn đảo đó với thái độ “cứng như đá” và xác nhận Bắc Kinh
có quyền lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trong vùng này.
Phản ứng mới của chính quyền Mỹ lần này cũng tỏ
ra cứng rắn hơn trước. Tổng Thống Barack Obama và Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash
Carter công khai tỏ ý quan ngại về hành động xây cất các phi trường trên những
hòn đảo nhân tạo của Trung Cộng trong vùng. Hành động có ý nghĩa nhất là chính
quyền Mỹ mời một nhóm phóng viên đài CNN lên đoàn máy bay thám thính trong ngày
Thứ Tư vừa qua. Những cuốn phim mà họ đem chiếu còn cho thấy hình từ vệ tinh
nhân tạo chụp những đảo nhân tạo Trung Cộng mới dựng lên, tổng cộng rộng 8 cây
số vuông trên bẩy hòn đảo. Diện tích đã tăng gấp bốn lần so với hồi cuối năm
ngoái. Phi cơ Mỹ bay qua ba hòn đảo có phi trường, dân Mỹ được nghe giải thích
rằng trước đây mấy tháng tất cả còn là là mặt nước, nay xuất hiện những phi đạo
dài hai, ba cây số với các căn cứ quân sự sẵn sàng hoạt động. Các hình ảnh này
sẽ ảnh hưởng mạnh trên tâm lý dân Mỹ. Trong cuộc khủng hoảng Cuba năm 1962,
chính quyền Kennedy cũng đưa ra trước dân Mỹ hình ảnh các hỏa tiễn của Nga để
tác động họ trước khi hành động.
Những cuốn phim đó còn nhắm vào cả chính phủ và
dân các nước Ðông Nam Á. Họ được thấy quân Trung Cộng trên các đảo lên tiếng
đuổi “máy bay lạ” tám lần, và nghe những câu trả lời của phi công Mỹ: “Chúng tôi
là máy bay quân sự Mỹ đang hoạt động đúng luật pháp quốc tế.” Luật biển quốc tế
chỉ công nhận chủ quyền 12 hải lý của các nước trên những hòn đảo không chìm
dưới mặt nước khi thủy triều lên; những hòn đảo nhân tạo nhằm thay đổi tình
trạng đó là bất hợp pháp. Trung Cộng đã thay đổi nhiều hòn đảo như vậy bằng việc
bồi đất và xây dựng cao hơn trong vùng Trường Sa mà họ chiếm đóng bất hợp pháp.
Nhưng các vụ xây cất đó sẽ không được ai công nhận. Các máy bay Hải Quân Mỹ muốn
chứng tỏ thái độ của chính phủ Obama là Trung Cộng không có quyền trên các đảo
này.
Nhưng các vụ chạm trán trên không và lời qua
tiếng lại trên sẽ không thể đưa tới một cuộc đụng độ quân sự giữa Mỹ và Trung
Cộng. Hai nước có nhiều quyền lợi liên hệ chặt chẽ với nhau, nhất là kinh tế
Trung Quốc thì không thể nào đứng vững nếu không bán hàng cho Mỹ; trong khi Mỹ
cần vay tiền thì đã có những quốc gia dầu lửa quốc gia minh ở Trung Ðông sẵn
sàng cho vay. Giữa những tin tức sôi nổi trong mấy ngày qua, Ngoại trưởng Kerry
vẫn tới Bắc Kinh và hai nước vẫn đang chuẩn bị cho chuyến công du của Tập Cận
Bình qua Mỹ vào Tháng Chín tới.
Cho nên trong mươi năm sắp tới một cuộc “chiến
tranh lạnh” sẽ diễn ra trong vùng Biển Ðông nước ta. Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục
nhân danh quyền bảo vệ lưu thông đường biển để đưa hạm đội và máy bay vào vùng
này. Mỹ sẽ yêu cầu các nước Ðông Nam Á và Trung Cộng thiết lập các quy tắc hành
xử trên biển. Nếu Trung Cộng không dự, Mỹ sẽ thúc đẩy các nước ASEAN đặt ra các
quy ước và cùng áp dụng.
Mỹ sẽ canh chừng không cho Trung Cộng làm quá.
Hai bên sẽ dò nhau, Mỹ ngăn chặn từng bước xâm lấn của Trung Cộng, nhưng không
để xảy ra chiến tranh. Mỹ sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Philippines, và chia
sẻ trách nhiệm Nhật Bản, Úc trong việc bảo vệ an ninh cả vùng. Trong khi đó
Trung Cộng sẽ tiếp tục lấn lướt các quốc gia Ðông Nam Á từng bước nhỏ một. Mà
quốc gia dễ bị bắt nạt nhất vẫn là Việt Nam, vì đảng Cộng Sản vẫn coi Trung Cộng
là thầy.
Trong tuần qua, chính phủ Mỹ cũng nhấn mạnh rằng
các vụ xây cất mới của Trung Cộng đã vi phạm các thỏa thuận năm 2002 với các
nước Ðông Nam Á, quốc gia ý rằng không nước nào “thay đổi nguyên trạng” trong
vùng biển đang tranh chấp. Nhưng chúng ta đã thấy, Trung Cộng đã “thay đổi
nguyên trạng” mạnh nhất và nhiều nhất ở những vùng ngay sát bờ biển Việt Nam. Họ
liên tục tấn công các thuyền đánh cá, đã và sẽ đưa các giàn khoan thăm dò dầu
khí vào hải phận nước ta, và xây dựng các đảo nhân tạo với phi trường có thể cho
máy bay vào đánh phá các thành phố Việt Nam rồi lại bay về.
Trước tình trạng như vậy người Việt Nam phải làm
gì? Không ai muốn gây chiến tranh với Trung Quốc, một nước có nền kinh tế lớn
hơn 50 lần và hải quân mạnh gấp mười lần. Nhưng muốn bảo vệ chủ quyền vùng biển
của mình, chúng ta không thể để mặc cho Trung Cộng tiếp tục lấn lướt từng bước,
trong khi vẫn giữ tình trạng “chiến tranh lạnh” với Mỹ.
Quyền lợi của nước Mỹ khác quyền lợi nước ta.
Ðối với họ, vấn đề quan trọng nhất là an ninh đường hàng hải. Những xung đột nhỏ
không nguy hiểm cho tình trạng an ninh này, họ sẽ không quan tâm. Không chính
phủ Mỹ nào muốn gây thêm chiến tranh vì những vấn đề nhỏ chỉ quan hệ cho các
nước xa xôi. Thái độ của họ ở Ukraine cho thấy điều đó. Nếu họ muốn, dân chúng
cũng không cho phép.
Nhưng đối với Việt Nam, mỗi hòn đảo bị mất cũng
là mất mát lớn. Nếu Trung Cộng tiếp tục lấn lướt, thì không biết bao giờ họ sẽ
chiếm hết hải phận nước ta.
Cho nên người Việt Nam phải xác định một lằn
ranh, nếu Trung Cộng bước qua thì sẽ phản ứng quyết liệt. Một chính phủ Việt Nam
biết bảo vệ danh dự và chủ quyền dân tộc không thể để cho Cộng Sản Trung Quốc
tiếp tục lấn lướt. Phải xác định trước cả thế giới “lằn ranh” của lòng kiên
nhẫn. Nêu rõ những hành động nào của Trung Cộng sẽ được coi là bước qua lằn ranh
đó, công bố cho cả vùng Ðông Nam Á và các cường quốc có quyền lợi trong vùng
biết rõ. Lằn ranh này được xác định là “bước đường cùng,” tới đó thì nước Việt
Nam không thể chịu đựng với lòng nhẫn nhục. Phải báo trước nếu Bắc Kinh bước qua
lằn ranh đó thì sẽ sinh chuyện lớn.
Sinh chuyện lớn như thế nào? Người Việt phải
chứng tỏ nước mình có khả năng biến cả vùng Biển Ðông trở thành một vùng bất an,
dù mình không muốn gây chiến tranh với Trung Quốc.
Một cuộc hải chiến trong vùng Biển Ðông, dù chỉ
ở cấp nhỏ với mươi chiến thuyền, cũng sẽ làm cho cả con đường hàng hải bất an.
Chính phủ các nước chung quanh biết rằng họ sống nhờ an ninh của con đường biển
này. Bộ trưởng Quốc Phòng Singapore mới bày tỏ mối lo xung đột trên biển đang
tăng cao. Báo chí Nhật Bản đang cảnh cáo nguy cơ Trung Quốc chiếm lĩnh Biển
Ðông; mà một hậu quả là Mỹ có thể bỏ rơi không bảo vệ an toàn cho Nhật nữa. Tất
cả các nước trên thế giới đều liên hệ. Mỗi năm số hàng hóa đi qua vùng này trị
giá 5,000 tỷ đô la Mỹ, chiếm một phần ba giá trị của hoạt động hàng hải thương
thuyền quốc tế. Hàng hóa Trung Quốc bán qua Châu Âu và Phi Châu sẽ bị ảnh hưởng
trực tiếp. Kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn không thể đứng vững nếu những
tiếp liệu dầu lửa, hơi đốt và nguyên liệu đi qua đường này bị cản trở trong vòng
sáu tháng. Những nước bán dầu lửa, nguyên liệu và cả máy móc ở các nơi xa cũng
bị ảnh hưởng.
Cho nên, một cuộc hải chiến nhỏ cũng đủ làm rung
động thế giới, và các nước phải can thiệp để chấm dứt càng sớm càng tốt. Không
cần những nước khác phải “thân thiện” với nước ta, không cần họ phải ký hiệp ước
nào với nước ta, họ vẫn phải can thiệp, vì quyền lợi của chính họ. Khi người
Việt tỏ ra cương quyết bảo vệ chủ quyền và danh dự của mình, liều chết ngăn cản
không cho Trung Cộng tiến thêm một bước qua lằn ranh giới hạn, cả thế giới sẽ
phải giúp bảo vệ dân tộc Việt.
Một câu hỏi người Việt Nam sẽ đặt ra
là: Chúng ta có dám, và có chấp nhận hy sinh nếu Trung Cộng cứ thản nhiên bước
qua lằn ranh mà dân mình coi là “bước đường cùng” hay không?
Phải chấp nhận hy sinh. Vì chúng ta
cũng biết rằng thế giới ngày nay khác với thời quân Nguyên tấn công, thời Tôn Sĩ
Nghị đem quân sang đánh. Nước Việt Nam không cô độc khi phải đối đầu với bọn
Thoát Hoan, Trương Phụ mới. Vì quyền lợi của chính họ, vì muốn bảo vệ an toàn
cho con đường hàng hảo huyết mạch của kinh tế toàn cầu, các nước khác phải can
thiệp và bênh vực một nước nhỏ chống lại một cường quốc mà hiện nay không có
nước nào là đồng minh.
Phải chấp nhận hy sinh. Vì chúng ta
không muốn hèn, để xứng đáng là con cháu những tử sĩ trận Hoàng Sa năm
1974.
Vào năm 1974, khi quân Trung Cộng tiến
chiếm các hòn đảo Hoàng Sa, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đang phải lo chiến đấu
chống quân miền Bắc và ở thế rất yếu, yếu hơn nước thế lực nước Việt Nam bây giờ
rất nhiều. Nhưng Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại kể, khi được hỏi ý kiến, Tổng Thống
Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh phải chống cự đến cùng. Ông Nguyễn Văn Thiệu biết
rằng không thể trông cậy vào Hạm Ðội Thứ Bảy của Mỹ. Lúc đó, chính phủ Nixon đã
báo trước cho cả Nga và Trung Cộng biết rằng họ bỏ Việt Nam; và họ biết miền Nam
không thể đứng vững được khi họ cắt viện trợ. Chính phủ Nixon không có lý do nào
đánh nhau với Trung Cộng chỉ để bảo vệ mấy hòn đảo mà họ biết sớm muộn sẽ rơi
vào tay Việt Cộng.
Nhưng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn
phải ra lệnh Hải Quân Việt Nam tử thủ. Bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải quyết
định như vậy, khi thấy đất nước mình bị ngoại quốc đánh chiếm. Dù biết rằng quân
mình yếu, các chiến sĩ của mình sẽ chết, không một vị tướng nào có thể ngoảnh
mặt làm ngơ khi tổ quốc bị xâm lăng.
Chúng ta tin chắc rằng có những người
lính Việt Nam bây giờ không chịu tiếng hèn nhát hơn những chiến sĩ Hoàng Sa. Khi
đụng trận, sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người chịu hy sinh. Nhưng khi dân tộc đã
đến “bước đường cùng” thì sẽ có hàng triệu người sẵn sàng hy sinh như
vậy.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen