<
Quyết định cấm ngư dân Việt Nam cũng như ngư dân một số nước
trong khu vực có liên quan đến Biển Đông đánh bắt ở vùng do Trung Quốc
khoanh vùng, tự coi mình là chủ quyền đã khiến hàng chục ngàn ngư dân
Việt Nam rơi vào cảnh khốn đốn. Ngư dân đánh bắt xa bờ của Việt Nam từ
Nam chí Bắc đều khốn đốn như nhau. Đặc biệt, ngư dân Lý Sơn bị ảnh hưởng
nặng nề nhất khi quyết định vô lý này được đưa ra.
Vùng biển hẹp lại còn bằng cái ao
Ông Thiện, ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi, chua chát: “Mới nghe lệnh
cấm đây thôi chứ còn dân biển chưa nghe nhiều. Tin này mới có, dân biển
vẫn còn ngoài khơi chưa về. Thường thì tụi em gởi tàu ở Đà Nẵng, Thanh
Hóa hoặc Nha Trang, gởi đó rồi bắt xe về Quảng Ngãi. Vì đánh bắt xong,
bán cá rồi đi về thì thuận tiện hơn. Mang tàu về tốn kém lắm. Nói chung
mùa biển năm nay khó đó, vẫn chưa nói được gì…”.
Theo ông Thiện, Việc Trung Quốc cấm đánh bắt trên vùng biển đảo Hoàng
Sa, Trường Sa ngay trong mùa đánh bắt sẽ gây tổn thất nặng nề cho ngư
dân cả nước chứ không riêng gì ngư dân Lý Sơn. Bởi trên thực tế, bất kì
ngư dân nào đánh bắt xa bờ đều gặp phải sự cản trở của Trung Quốc nếu
không vài chục lần thì cũng một vài lần. Nếu may thì bị nhẹ, không may
thì bị húc hư tàu, bị cướp tài sản.
Và bất kì ngư dân nào từng gặp tàu Trung Quốc rồi khi về cũng sẽ lâm
nợ, phải vay mượn ngân hàng để gia cố hoặc mua tàu mới có công suất lớn
hơn để đánh bắt, phòng khi tàu Trung Quốc xuất hiện mà chạy. Cũng có
nhiều trường hợp bị Trung Quốc húc tàu vài lần, mất vốn, chuyển sang
đánh trộm ở vùng biển Thái Lan, lại bị cảnh sát biển Thái Lan rượt đuổi,
bắt nhốt, mất cả chì lẫn chài.
Việc Trung Quốc cấm đánh bắt trên vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngay trong mùa đánh bắt sẽ gây tổn thất nặng nề cho ngư dân cả nước chứ không riêng gì ngư dân Lý Sơn
Nhưng số này ít, số người quyết tâm bám biển rất cao, họ quyết vay
tiền đóng tàu mới, trang bị lưới loại tốt để ra khơi. Và mỗi lần trang
bị như vậy, số tiền đầu tư sẽ lên đến tiền tỉ, nếu ít cũng vài trăm
triệu đồng, nhiều thì vài chục tỉ. Mà với nghề đánh bắt xa bờ, mỗi năm
chỉ có một vụ cá từ tháng hai âm lịch cho đến tháng bảy âm lịch. Đó là
mùa thu hoạch đỉnh cao để sống cả năm. Những tháng còn lại ngư dân không
thể ra khơi bởi thời tiết xấu, cá cũng di tản, không có để đánh bắt.
Nhưng với đà này, mỗi năm Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc ra lệnh cấm đánh
bắt vào mùa cá bắt đầu dậy biển cho đến tháng tám dương lịch, trùng dịp
tháng bảy âm lịch, xem như cả mùa đánh bắt của ngư dân bị khóa. Ngư dân
chỉ còn nước đánh bắt gần bờ hoặc úp thuyền ở nhà uống rượu.
Trong khi đó, đường lưỡi bò của Trung Quốc vẽ đã nuốt trọn biển Đông,
đẩy ngư trường của Việt Nam vào một cụm teo tóp. Nếu như họ tiếp tục
giữ thái độ cấm đoán và nhà nước lại phản đối suông như vậy, ngư dân
Việt Nam sẽ không có biển để đánh bắt. Trong trường hợp này, toàn bộ tàu
đánh bắt xa bờ phải về đánh gần bờ để vớt vát tiền xăng dầu, chi phí.
Vấn đề này sẽ tạo ra một vùng ngư trường hết sức lộn xộn ở gần bờ và
chắc chắn cũng không đủ trữ lượng cá để đánh bắt. Bởi nếu đủ trữ lượng,
ngư dân Lý Sơn, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Bình, Thanh Hóa đã không chọn
đánh bắt xa bờ ngay từ đầu.
Âu thuyền Lý Sơn. RFA
Riêng với huyện đảo Lý Sơn, nơi có số lượng tàu đánh bắt xa bờ và ngư
dân bám biển nhiều nhất xét theo chiều ngang, thiệt hại của ngư dân
trong vụ đánh bắt này sẽ lên đến hàng trăm tỉ đồng. Và một khi mức thiệt
hại lên đến hàng trăm tỉ đồng thì số tiền vay ngân hàng để mua sắm
thiết bị đánh bắt sẽ lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Ngư dân hết đường xoay
sở.
Ông Thiện buồn rầu chia sẻ thêm rằng chỉ riêng gia đình ông, mức
thiệt hại có thể lên đến ba tỉ đồng vì lệnh cấm này. Ông đang cân nhắc
thử nên liều thân ra đánh bắt hay chuyển sang đánh bắt trộm ở vùng biển
Thái Lan. Vì hiện tại, ông không còn lựa chọn nào khác. Trong khi đó,
nhà nước Việt Nam cũng chỉ phản đối suông, không hề có chính sách nào
hợp lý để bảo vệ ngư dân, vùng biển Việt Nam chỉ còn hẹp lại như một cái
ao không hơn không kém!
Nhà nước phản đối đến bao giờ?
Một ngư dân khác, không muốn nêu tên, sống tại huyện đảo Lý Sơn, chia sẻ thêm: “Tháng
nắng này mình đi nhiều, chứ tháng chín tháng mười trời mưa mình đi ít.
Thường thường thì những tháng này đi nhiều đây, mùa này, tháng này đi
nhiều. Nhưng bữa nay thì chỉ lai rai…”
Tại sao cho đến giờ phút này, nhà nước vẫn cứ lên tiếng phản đối suông và xem việc đánh bắt kiếm cơm của ngư dân như một thứ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quốc phòng. Trong khi đó, cảnh sát biển và bộ đội biên phòng lại ở không, chưa hề có động thái nào để bảo vệ ngư dân
Theo ông này, với tình hình hiện tại, gia đình ông sẽ phải bán nhà để
trả nợ bởi ngư trường bị cấm cửa. Ngược lại, nếu ông vẫn tiếp tục đánh
bắt để kiếm chác chút vốn thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với gia
đình ông. Bởi theo kinh nghiệm của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, Lê Tân
và nhiều thuyền trưởng từng bị bắt, khi bắt ngư dân Việt Nam giải về đảo
Hải Nam, không hiểu sao trong các nhà lao của Trung Quốc lại có cả hình
ảnh gia đình của các ngư dân này dán trên tường. Kiểu dán hình gia đình
như thế giống như một lời đe dọa nếu còn tiếp tục đánh bắt sẽ ảnh hưởng
đến tính mạng của người thân.
Với ngư dân, một khi chọn nghề đánh bắt xa bờ và tự đặt cho mình sứ
mệnh bám giữ phần biển thiên liêng của ông bà để lại, họ chẳng còn biết
sợ. Nhưng với cá nhân họ thì không sợ, với người thân lại là chuyện
khác. Vị này nói rằng nếu để đánh đổi tất cả sự nghiệp mà giữ lấy người
thân, ông sẽ chọn người thân.
Mà một khi gián điệp Hoa Nam đã vào tận đảo Lý Sơn, họ đã chụp được
hình người thân của ông trong lúc làm việc thì e rằng khó mà lường được
họ sẽ làm gì tiếp theo. Hơn nữa, ngành du lịch Lý Sơn mở cửa, khách
Trung Quốc cũng đã đến đây ở lại, làm sao có thể biết được trong số
khách du lịch ấy có bao nhiêu là gián điệp, bao nhiêu là người dân bình
thường!
Mặc dù không làm việc gì dính đến chính trị, nhưng theo vị này, một
khi nhà nước đùn đẩy việc đi đánh bắt của ngư dân trên vùng biển lưu
truyền nhiều đời Hoàng Sa và Trường Sa thành nhiệm vụ chính trị thì e
rằng khó mà nói được gì về sự an toàn tính mạng của ngư dân cũng như
người thân của họ!
Điều mà ông lấy làm lạ là tại sao cho đến giờ phút này, nhà nước vẫn
cứ lên tiếng phản đối suông và xem việc đánh bắt kiếm cơm của ngư dân
như một thứ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quốc phòng. Trong khi đó, cảnh
sát biển và bộ đội biên phòng lại ở không, chưa hề có động thái nào để
bảo vệ ngư dân Việt Nam và bảo vệ vùng lãnh hải bị chiếm ngang nhiên. Và
nhà nước còn phản đối suông đến bao giờ?!
Nhóm phóng viên tường trình từ việt Nam.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen