Hôm qua (13/5), báo chí đã rộ lên thông tin quân đội Mỹ đang cân nhắc việc điều động máy bay và tàu Hải quân để trực tiếp đáp trả những tuyên bố chủ quyền phi pháp và các hoạt động mở rộng xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Trước sự kiện này, chuyên gia Prashanth Parameswaran trong bài viết
đăng trên The Diplomat đã đưa ra một chiến lược mà theo ông Mỹ có thể áp
dụng để khống chế Trung Quốc trên Biển Đông.
Điểm mấu chốt của chiến lược này là trực tiếp đánh vào sự phi pháp của các hoạt động cải tạo đất do Trung Quốc khởi xướng.
Theo ông Parameswaran, không ít người đã lo ngại Bắc Kinh có thể sẽ
bao biện rằng họ chỉ xây dựng trên các đảo/đá chìm, và điều này sẽ cho
Trung Quốc cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền.
Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ có trong tay 12 dặm lãnh hải, một
vùng đặc quyền kinh tế, và một thềm lục địa đối với mỗi đảo; và 12 dặm
lãnh hải cho mỗi đá.
Tuy nhiên, Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS) đã chỉ rõ, các
nước không được phép tuyên bố chủ quyền đối với đảo đá chìm, bởi khác
với các đảo đá thông thường, đảo đá chìm không được công nhận về mặt
pháp lý do bị ngập nước mỗi khi thủy triều lên.
Kể cả khi đã được cải tạo, về mặt bản chất, các đảo đá chìm không được tính chủ quyền.
Các đảo nhân tạo, các hoạt động xây
dựng, và các công trình liên quan, đều không được coi là đảo theo đúng
nghĩa. Tất cả đều không sở hữu lãnh hải xung quanh, và sự hiện diện của
chúng không có bất kì ảnh hưởng gì đối với các ranh giới đã định sẵn về
lãnh hải, đặc quyền kinh tế, hay thềm lục địa.
"Chiến lược 12 dặm"
Chuyên gia Parameswaran cho rằng Mỹ có thể áp dụng điều 60.8 trong UNCLOS để "gây khó dễ" cho Trung Quốc.
Cụ thể, tàu Hải quân Mỹ sẽ cứ thế mà di chuyển vào bên trong bán kính
12 dặm xung quanh một hoặc nhiều đảo/đá nhân tạo mà Trung Quốc đã xây
dựng trái phép trên Biển Đông, để chứng tỏ rằng Washington không hề công
nhận các đảo/đá này của Bắc Kinh.
Theo ông Parameswaran, nước cờ này của Mỹ sẽ đặt Trung Quốc vào thế "tiến thoái lưỡng nan".
Nếu Trung Quốc muốn cáo buộc Mỹ đã xâm phạm lãnh hải, họ sẽ phải công
khai tuyên bố chủ quyền trên những đảo/đá chìm này, và nói rằng các
đảo/đá này được hưởng quyền 12 dặm lãnh hải như các đảo/đá bình thường
khác.
Đảo nhân taọ do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông
Tuy nhiên nếu làm như vậy, Trung Quốc đương nhiên sẽ vi phạm điều
60.8 của UNCLOS đã được dẫn ở trên. Còn Mỹ sẽ tạo được hình ảnh một
cường quốc không chỉ tuân thủ luật pháp quốc tế mà còn sẵn sàng hành
động để áp đặt những quy chuẩn đó.
Mặt khác, nếu Trung Quốc không có động thái gì đáp trả, thì như vậy
chẳng khác nào nước này "cho phép" Mỹ can thiệp trực tiếp vào Biển Đông,
điều mà Bắc Kinh luôn kịch liệt phản đối.
Cũng theo chuyên gia Parameswaran, chiến lược này không phải là không có rủi ro.
Về phía Mỹ, nước này cần phải hết sức cẩn thận khi điều động tàu vào
một khu vực nhạy cảm có nhiều tranh chấp như Biển Đông để áp đặt một
điều luật quốc tế mà chưa chắc Trung Quốc đã chấp thuận.
"Washington cần đảm bảo rằng họ tiếp cận được đích xác những
đảo/đá chìm mà Trung Quốc xây dựng trái phép, đồng thời giữ khoảng cách
với các đảo đá khác để tránh những phức tạp về mặt pháp lý có thể nảy
sinh" - ông Parameswaran nhận định.
Chuyên gia này cũng cảnh báo, "chiến lược 12 dặm" này chưa chắc đã có thể làm khó Trung Quốc.
Theo ông, Bắc Kinh hoàn toàn có thể ra một tuyên bố
chung chung, cáo buộc Mỹ đang gây ảnh hưởng tiêu cực đối với hòa bình và
ổn định trên Biển Đông, mặt khác vẫn tiếp tục các hoạt động cải tạo đất
và xây dựng trái phép của mình.
Tóm lại, ông Parameswaran nhấn mạnh, dù Washington có áp dụng "chiến
lược 12 dặm" hay không, và hiệu quả như thế nào, thì nó vẫn nên được
nhìn nhận như một phần quan điểm và chính sách lâu dài của Mỹ trên Biển
Đông, thay vì một bước can thiệp nhỏ lẻ.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen