Dòng người chen chúc trên những chiếc trực thăng cuối cùng rời Sài Gòn trước khi thành phố thất thủ.
Tôi
sinh trưởng sau năm 1975 và gia đình tôi không có liên quan gì nhiều
đến cả hai phía trong cuộc chiến tranh Việt Nam vì thế mối tương quan
tình cảm của tôi với những sự kiện lịch sử và hoàn cảnh chính trị xã hội
trong cuộc chiến hầu như rất ít nếu không muốn nói là không có.
Những
gì ít ỏi mà tôi được hiểu biết về nó chỉ đơn thuần là kiến thức. Đứng
trong vị thế đó, tôi tạm thời có thể yên tâm rằng lập trường của tôi, và
những gì tôi nói ra sau đây sẽ được hiểu một cách thiện chí và không bị
gán ghép hay chụp mũ. Tôi không sợ bị chụp mũ, nhưng thiết nghĩ điều đó
cùng với những nguỵ biện không có lợi cho sự tiến bộ.
Gần
đây, tôi tình cờ đọc được một nhận xét của tướng William Childs
Westmoreland- Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt
Nam- về tướng Võ Nguyên Giáp của quân đội Bắc Việt như sau: “Of
course, he was a formidable adversary…. By his own admission, by early
1969, I think, he had lost, what, a half million soldiers? He reported
this. Now such a disregard for human life may make a formidable
adversary, but it does not make a military genius…”. Xin được tạm dịch là: “Dĩ
nhiên, ông ta là một đối thủ (kẻ thù) ghê gớm….Với sự thừa nhận của
chính ông ta, đến đầu năm 1969, tôi nghĩ, ông ta đã mất nửa triệu lính?
Ông ta đã báo cáo điều này. Hiện tại, một sự coi thường mạng người như
thế có lẽ sẽ tạo nên một đối thủ (kẻ thù) ghê gớm, nhưng nó không tạo
nên một thiên tài quân sự….”
Dù
chúng ta là ai, đứng bên nào của cuộc chiến, chúng ta cũng phải đồng ý
với Westmoreland rằng, một chiến thắng quân sự dựa trên chiến thuật đẫm
máu, coi thường sinh mạng binh sĩ chỉ có thể tạo nên một kẻ thù nguy
hiểm chứ không tạo nên một thiên tài quân sự như nhiều người vẫn rêu
rao. Câu nói này của viên tướng Hoa Kỳ làm tôi suy nghĩ rất nhiều về sự
“nguy hiểm” của những người Cộng sản Việt Nam. Họ nguy hiểm bởi họ là
những người luôn hành động theo phương châm “mục đích biện minh cho
phương tiện”, nghĩa là bất chấp mọi thứ, miễn đạt được mục đích. Đối với
tôi, nó không chỉ là lời nhận xét về tướng Giáp mà là một câu nói nêu
bật lên bản chất của những người Cộng sản Bắc Việt, và cả chế độ mà họ
dựng nên. Và những việc họ đã làm suốt từ những ngày đầu có mặt tại Việt
Nam đến nay, từ việc “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” đến gần
đây nhất là vụ cướp đất của nông dân đã chứng minh tất cả.
Một
kẻ đối địch ghê gớm có thể được hiểu theo hai cách. Thứ nhất, đó là một
kẻ thù đáng gờm, là đối thủ khó đánh bại vì có mãnh lực vũ trang, có
chiến lược, chiến thuật hành động khôn ngoan… Nhưng khi nhìn xoáy vào
chữ “formidable” mà Westmoreland đã dùng, tôi chú ý nhiều đến nghĩa
“arousing fear”(gợi nên sự sợ hãi) . Với nghĩa này, nó gần giống với
“terrorise” (làm cho sợ hãi). Mà làm cho người khác sợ hãi có nghĩa là
“khủng bố”. Chúng ta có thể hiểu theo hai cách về một “đối thủ ghê gớm”
như tôi đã tạm phân tích ở trên. Nhưng biết đâu, cách hiểu thứ hai mới
là điều mà ông tướng Mỹ kia ngụ ý? Xin hãy cho tôi tiếp tục trình bày mà
tạm quên đi những mối thành kiến nào đó có thể đang dâng lên trong lòng
quý vị.
Khi
căn cứ vào những dữ kiện lịch sử- những điều không thể chối bỏ, những
điều đã được trải nghiệm bằng chính xương máu của những người đã kinh
qua cuộc chiến ấy- chúng ta sẽ có cái nhìn tường minh hơn. Riêng phần
mình, với kiến thức ít ỏi về chiến tranh Việt Nam, tôi đã có thể tìm
thấy những hình ảnh có khả năng “làm cho sợ hãi” của quân đội Bắc Việt
qua nhiều biến cố như Tết Mậu Thân, và các “trận đánh” của đội Biệt
động Sài Gòn như: “trận đánh” tàu nhà hàng Mỹ Cảnh, “trận đánh” cư xá
Brinks…; và chưa kể đến những câu chuyện ghê gớm mà tôi từng được nghe
những người già kể lại về vô số những “trận đánh” như thế vào trường
học, khu dân cư, cầu cống….Đến nỗi, khi nghe nói quân đội Cộng sản Bắc
Việt sắp vào đến ngã ba Cai Lang, thành phố Đà Nẵng, những người dân
sống ở Đà Nẵng khi đó đã run cầm cập vì nghe tin đồn rằng người Cộng sản
mà vào họ sẽ rút hết móng tay móng chân người dân. Đó có thể là điều sợ
hãi thái quá, nhưng nó cho chúng ta thấy khả năng gieo rắc sợ hãi đến
trình độ đỉnh cao của những người tự xưng là “quân giải phóng”.
Những
ai đọc lịch sử, những ai có đủ lương tâm và tầm tri thức trung bình,
đều thấy rằng, những cái mà quân đội Bắc Việt và những người “nằm vùng”
gọi là “trận đánh” gây nhiều tiếng vang đều không nhằm vào những mục
tiêu trên tiền tuyến, để giành chiến thắng quân sự trực tiếp mà đánh
vào những nơi ăn chốn ở cốt để gây sợ hãi. Gây sợ hãi cho người dân nhằm
làm xáo trộn xã hội, gây sợ hãi đánh vào tâm lý Quốc hội và dư luận
Mỹ…. Ngày nay, ai đi qua đường Hai Bà Trưng, đều nhìn thấy “Bia chiến
công trận đánh cư xá Brinks”. Cái mà người ta gọi là trận đánh thực ra
là một cuộc đánh bom một nơi ở của cố vấn quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam
do hai thành viên Biệt Động Sài Gòn thực hiện. Điều mà họ gọi là “trận
đánh” sao tôi thấy nó hao hao giống cách làm của những kẻ khủng bố Hồi
giáo cực đoan, chỉ khác một chỗ là họ không tự sát. Đối với thế giới
ngày nay, những kẻ đánh bom như thế thật sự là những kẻ “nguy hiểm”,
“ghê gớm” .
Ngoài
cái cách thể hiện “formidable” như trên, quân đội Bắc Việt còn khiến
người ta sợ hãi hơn gấp bội vì sự coi thường tính mạng binh sĩ của họ.
Thông thường, con người sợ hãi những kẻ thù tấn công mình một cách tàn
ác, nhưng người ta sẽ kinh hoàng đến rợn người khi biết về những hành
động coi tính mạng của người phe mình như cỏ rác, cốt chỉ nhằm đạt được
mục đích của kẻ chỉ huy. Người Cộng sản đã lấy chính nghĩa chống giặc
ngoại xâm để lừa dối, tuyên truyền, kích động hàng triệu Thanh niên miền
Bắc lao vào cuộc chiến như con thiêu thân. Chúng ta được nghe nói rất
nhiều về những tấm gương đầy nhiệt huyết và sự hy sinh anh dũng của
những người trẻ tuổi mới chập chững vào đời. Đối với những cái chết đó,
tôi không có bất cứ tình cảm tích cực nào ngoài sự thương tiếc. Cả một
thế hệ người đã bị lừa gạt vì không nhận chân được bản chất của chế độ,
của cái chủ thuyết mà nó rêu rao. Âu tất cả cũng chỉ là những sản phẩm
lịch sử của một thời đại !
Để
rồi sau cái ngày “thống nhất” ấy là những chuyến vượt biên vượt biển
của hàng trăm ngàn người, và đã có cả hàng ngàn người phải bỏ xác ngoài
biển khơi; là những năm tháng bao cấp, đói khổ đến cùng cực; đến nay đỡ
đói khổ một chút, nhưng dân Việt ta vẫn chưa thoát khỏi thân phận làm
thuê, ở đợ cho thiên hạ; đặc biệt vẫn còn cam chịu làm thần dân phục
tùng các ông vua Cộng sản. Thế nhưng bất chấp cái thực tế đau buồn
ấy, nhiều ngụy biện về thống nhất, về “công lao chống Mỹ cứu nước của
Đảng” vẫn tồn tại ngay cả trong lớp người “có học” ở Việt Nam.
Thiết nghĩ
một sự hy sinh chỉ nên có và đáng được ngợi ca khi đánh đổi với nó là
một giá trị to lớn hơn. Bằng lập trường đề cao cá nhân, tôi cho rằng,
mọi ý niệm: thống nhất, giải phóng dân tộc, kẻ thù…phải được đặt trong
mối tương quan của chúng với những giá trị an sinh hạnh phúc thực sự của
người dân. Suy cho cùng, mọi thứ bao gồm: thống nhất, toàn vẹn lãnh
thổ, chính trị…chỉ là những phương tiện để đạt đến những giá trị nhân
bản, để bảo vệ và phục vụ con người. Mọi định chế, mọi nỗ lực chính trị
và xã hội đều nhằm vào cái đích đến quan trọng nhất của nó là CON NGƯỜI.
Nếu mục đích cuối cùng ấy không đạt được thì mọi phương tiện kia chỉ là
mưu đồ của kẻ lãnh đạo. Thật điên rồ thay cho những kẻ luôn hô hào “mục
đích biện minh cho phương tiện”. Chúng ta biết rằng, tính chính đáng
của phương tiện phụ thuộc vào sự thích nghi và mối tương quan về bản
chất của nó đối với mục tiêu. Nói rõ hơn, chúng ta không thể dùng một
phương tiện phi nhân để giành lấy một mục tiêu nhân bản.
Kết
quả là, “sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước” đã không
khiến Việt Nam trở nên hùng mạnh hơn, dân tộc ta trở nên kiêu hãnh hơn;
mà đơn giản chỉ là biến một miền Nam trước “giải phóng” hơn hẳn Hàn
Quốc, sau gần bốn mươi năm thống nhất, cùng với cả nước lẹt đẹt chạy
theo sau cả Thái Lan. Nếu ta lấy cứu cánh là sự phồn thịnh của quốc gia,
là an sinh hạnh phúc, là tự do nhân phẩm của mỗi một người dân làm
chuẩn thì liệu sự thống nhất ấy có nghĩa lý gì?
Đó
là khi vấn đề được đặt dưới lăng kính lý luận. Còn thực tế thì mọi sự
đã quá rõ ràng. Cái mà người ta gọi là “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”
ấy thực chất chỉ là để giúp Trung Quốc “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối
cùng”. Hay như Lê Duẩn từng nói : “ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh
cho Trung Quốc, cho các nước XHCN, cho cả nhân loại”. Nói cho rõ ra, đó
là cuộc chiến giúp cho chủ nghĩa Cộng sản bành trướng xuống Đông Nam Á
theo tinh thần Quốc tế Cộng sản bất chấp tinh thần dân tộc, là giúp cho
Trung Cộng dễ dàng Hán hoá một Việt Nam suy yếu sau cuộc chiến tương tàn
khốc liệt.
Đã
ba mươi bảy năm trôi qua kể từ ngày “giải phóng”, giải phóng miền Nam
khỏi mối quan hệ đồng minh với Mỹ để trở thành chư hầu hèn mọn của Trung
Cộng. Sự thống nhất, sự giải phóng đó mới đau đớn làm sao! Gần bốn
thập niên đã qua đi, dấu vết chiến tranh trên mảnh đất quê hương Việt
Nam đã dần phai nhạt, nhưng những tổn thương của lòng người vẫn còn hằn
sâu, thậm chí ngày càng sâu hơn. Thống nhất hai vùng địa lý nhưng vẫn
vắng bóng một sự Hoà hợp trong tình tự dân tộc. Vết thương cũ do cuộc
tiến chiếm miền Nam chưa kịp lành thì chúng ta lại có thêm những chia
cắt mới : chia cắt giữa một bên là một nhóm người cam phận làm tay sai
cho ngoại bang, với một bên là những con người yêu nước không khoan
nhượng; chia cắt giữa một phía là nhóm người lãnh đạo Quốc gia cùng
những kẻ ăn theo cố gắng bám giữ ngôi vị độc tài để tiếp tục nô lệ hoá
người dân, với một phía là những người đấu tranh và chấp nhận hy sinh
cho tự do và phẩm giá con người. Tôi vẫn nghĩ rằng, một con người trở
nên dũng mãnh nhờ có ý chí. Một dân tộc trở nên hùng mạnh, cũng như vậy,
phần nhiều dựa vào tinh thần và khí chất. Nhưng tinh thần và khí chất
ấy chẳng thể có được nếu dân tộc ấy chia rẽ. Chính sức mạnh của tinh
thần đoàn kết, sự Hoà hợp dân tộc có thể góp phần giúp chúng ta tạo lập
một mãnh lực mới cho dân tộc.
Chỉ
e Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục bỏ lỡ những chuyến tàu thời đại nếu trong
lòng dân tộc còn có những chia cắt chí mạng như thế. Nhưng thiết tưởng,
sự Hoà hợp có khả năng xoá bỏ mọi ngăn cách, hàn gắn mọi vết thương,
mang mọi người Việt về trong cùng một chí nguyện chỉ có thể đạt được
trên tinh thần Hoà giải thiện chí, trên quyền lợi dân tộc và trên những
nguyên tắc hướng thiện chứ không phải là sự thoả hiệp với cái xấu ác.
Chỉ e những người Cộng sản Việt Nam quá u mê và tham lam để khởi động
một chương trình Hoà hợp, Hoà giải và thay đổi chính trị đầy tham vọng
như thế. Chỉ e những người Cộng sản chẳng thể làm nổi những gì mà nhà
cầm quyền độc tài Miến Điện đã làm.
Chỉ
e…. Bởi đến hôm nay, họ vẫn một lòng một dạ coi mối quan hệ với Trung
cộng là “chủ trương nhất quán”, là “ưu tiên hàng đầu” như lời Tổng tham
mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam đã tuyên bố mới đây tại Bắc Kinh.
Mỗi
năm tháng Tư về, bao nhiêu lễ lạc, đình đám vẫn diễn ra bất chấp mối
hoài niệm về quá khứ vẫn nặng trĩu trong lòng nhiều người Việt, bất chấp
mối ưu tư về tương lai đất nước vẫn canh cánh trong lòng những người có
tâm huyết với đất nước. Những con người có lương tâm và tự trọng không
bao giờ vui sướng được trong nỗi thống khổ to lớn ấy của dân tộc. Thử
hỏi xương máu của hàng triệu con người đã ngã xuống trong cuộc chiến chỉ
để tạo nên một Việt Nam thống nhất trong chia rẽ, thống nhất trong sự
Hán hoá, thống nhất trong sự mất tự do và quyền làm người hay sao?
Ba mươi tháng Tư- xin cầu nguyện cho tự do và nhân phẩm, cho sự Hoà hợp dân tộc và nền công lý.
Sài Gòn, ngày 20 tháng 4 năm 2012
Huỳnh Thục Vy
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen