Trần Mộng Tú
Nơi
em đến có nhiều nắng, có nhiều xe, nhiều bụi và nhiều người Việt Nam.
Người Việt ở ngoài đường, ở tất cả các ngã tư, ngã ba, các công viên. Những
dịch vụ y tế, ngân hàng, siêu thị, buôn bán xe hơi, nhà cửa, ẩm thực, v.v…
Người Việt làm chủ và làm khách hàng. Người Việt còn ở nhà thờ, ở chùa nữa, rất
đông.
Ở
đây ngôn ngữ chính là tiếng Việt. Có người sang định cư cả trên dưới hai mươi
năm, cũng không cần phải học Anh ngữ, vì họ không cần dùng tới. Ngay cả đi thi
nhập tịch Hoa Kỳ cũng được thi bằng tiếng Việt.
Em
đứng lơ mơ ở một ngã tư Westminster,
nhìn những chiếc xe chạy ngược, chạy xuôi, nhìn người đi ngang, đi dọc. Một ông
đi xe đạp trên vỉa hè, hay một bà đội nón lá, xách giỏ băng qua đường. Thấy
quần áo, điệu bộ của họ đều toát ra một vẻ gì đó rất thân quen làm mình nhận
được ngay ra là người Việt.
Em đôi
lúc bâng khuâng tự hỏi: Lạ thật! Tại sao
giữa một tiểu bang của nước Mỹ lại có một nước Việt Nam thu nhỏ lại ở đây thế này. Có
phải quê mình không? Có phải nước mình không? Em nhớ câu “Thương hải vi tang
điền.”
“Hải”
của người ta sao lại trở thành “Điền” của mình. Nghe như phép lạ!
Em
hay đến thành phố này, một năm hai, ba lần. Mặc dù từ nơi em ở phải bay hơn hai
tiếng mới tới. Nhưng ở đây em có một vài người thân trong họ và có nhiều bạn
văn. Ở đây cho em một nước Việt Nam
nhỏ với tất cả cái vui, buồn của thành phố.
Em
đứng ngơ ngác ở một ngã tư trên đường Bolsa. Nhìn hoài, không thấy một bóng
người Mỹ, có chăng là một ít người Mễ, làm việc khuân vác cho mấy khu chợ. Mấy
người này cũng bập bẹ đôi câu tiếng Việt để nói với khách hàng.
Người
Việt ở đây lâu năm, họ có thể nhận ra ngay vẻ lớ ngớ của em, một người từ tiểu
bang khác tới.
Rất
nhiều tấm bảng có chữ “Trung Tâm” được kẻ lên cho thấy người Việt hoạt động
trên mọi lãnh vực. Từ văn học, nghệ thuật, giáo dục, truyền thông, quan hôn,
tang tế, v.v… Tất cả bằng nghi thức Việt, ngôn ngữ Việt.
Mỗi
lần đến chơi, ở lại ít ngày có dịp hòa mình vào đời sống người Việt tại đây,
gặp những người Việt quen và lạ ở thành phố này. Trao đổi thân quen, hỏi nhau
từ nơi nào trên quê nhà tới đây? Tới lúc nào và tới bằng phương tiện gì? Em
khám phá ra, con số bỏ nước ra đi, ở tuổi mười lăm, mười sáu, do cha mẹ gửi
xuống tàu, một mình, vượt biển khá nhiều.
Họ
làm em lại nhớ đến câu chuyện cái giỏ cói có ông Moses nằm trong đó, được thả
xuống dòng sông Nile trong Kinh Thánh. Mặc dù
họ không phải là những đứa bé sơ sinh.
Chuyện
kể: Ngày xửa ngày xưa, xứ Ai Cập, bắt những người nô lệ Do Thái phải xây lâu
đài cho người Ai Cập. Nhưng họ lại sợ một ngày nào đó dân Do Thái sẽ trả thù,
nên vua Ai Cập Pharaoh Seti I ra lệnh ném xuống sông Nile những đứa bé trai Do
Thái mới sinh ra, cho cá sấu ăn thịt để đề phòng hậu họa.
Một
người mẹ muốn cứu con mình, đã bỏ con trai mới sinh của bà vào một cái giỏ và
thả trôi sông, giao số phận đứa bé cho Chúa. May thay, công chúa Ai Cập đi tắm,
thấy chiếc giỏ trôi lềnh bềnh, sai người vớt lên, mở ra. Thấy có đứa bé kháu
khỉnh, bà mang về hoàng cung nuôi, đặt tên đứa bé là Moses. (*)
Đứa
bé Do Thái đó được nuôi dưỡng như một người Ai Cập. Nhưng khi lớn lên đã tìm
được nguồn gốc Do Thái của mình.
Đã có
bao nhiêu bà mẹ Việt Nam
thả con mình ra biển, trao sinh mệnh con cái mình vào tay Thượng Đế. Bao nhiêu
trẻ em Việt lớn lên như một người thuộc về quốc gia khác nhưng vẫn giữ được bản
sắc Việt của mình.
Bạn
đưa em tới một quán cà phê, nơi tụ họp của phần đông giới văn nghệ sĩ, ngồi
ngay ở hiên ngoài. Họ là những người đàn ông từ bốn mươi cho đến tám mươi. Cà
phê đen và thuốc lá, họ chụm vào nhau nói và thả khói. Họ nhìn quê hương trong
mắt nhau.
Họ
mới sang vài ba năm hay sang ba, bốn chục năm. Họ đã về hưu hay đang còn làm
việc hay đang chẳng làm gì. Nào ai biết!
Chỉ
biết là họ phải ra đó, nhất là những buổi sáng cuối tuần. Để nói chuyện quê
nhà, quê người. Chuyện người vừa qua đời, người sắp ra đi, Chuyện vẻ vang hay
chuyện đáng xấu hổ của dân mình. Muốn tìm một người nào trong đám thân quen đó
mà không có hẹn trước. Cứ việc ra đó từ sáng sớm, ngồi đến trưa, con người đó
thế nào cũng xuất hiện. Họ ra đấy chắc chỉ để hỏi nhau “Ta làm gì cho hết nửa
đời sau?” (*) Mặc dù có người đã đi tới trạm cuối của đời rồi.
Khi
em trở về nhà mình, những con chim đi vắng trong mùa đông đang tìm về vườn cũ,
chúng lăng xăng trên mặt đất tìm sâu, chúng quàng khăn và mặc những chiếc áo
khác nhau, nhưng màu khăn áo nào cũng vô cùng diêm dúa.
Cây
đào ở góc vườn bên cạnh cửa sổ phòng em đang nở rộ tung ra như những đám mây
hồng, em cứ bối rối mở ra đóng vào tấm màn cửa, chỉ sợ tan mất bóng hoa, những
cơn gió nhẹ bay luồn trong hoa làm rụng những giọt lệ hồng trên gò má đất.
Mấy
bụi mai vàng Forsythia trên con dốc sau nhà đang rắc tung tóe những mảnh vàng
trên mặt đất. Đây là loại hoa cánh nghiêng mình xuống, ở quê nhà gọi là “Hoa
chiếu thủy”. Chúng e lệ như những thiếu nữ giấu mặt sau chiếc khăn tay.
Những
đám màu vàng của thủy tiên đất (Daffodil) và hoa huệ xanh (hyacinth) đua nhau
có mặt bên cạnh bụi đỗ quyên hồng (Azalea) và hình như tất cả những cành khô
đang rung những chùm lá ngọc li ti trong nắng mới. Mùa xuân thật sự đến và ở
lại trong thành phố của em.
Sáng
nay em đi mua về hai túi lớn thức ăn cho chim. Em bắt đầu đổ đầy những cái máng
treo đong đưa trên những cành của cây Magnolia vườn sau.
Chim
gọi nhau về đông lắm. Chúng khoe màu sắc trên những cặp cánh khác nhau, chẳng
khác gì các cô thiếu nữ khoe những chiếc áo đẹp của mình. Em cứ rình xem có bao
nhiêu loại áo, bao nhiêu cái khăn quàng cổ, cái mũ khác nhau trên những thân
hình bé bỏng đó. Ôi những con chim tứ xứ kéo nhau về, em không phân biệt được
con chim nào là con chim cũ, con chim nào là khách lạ ghé qua.
Đầu
mùa xuân, chim Sẻ (Sparrow) và chim Hoàng Yến (House Finch) chim Chào Mào ngực
đỏ (Robin), rủ nhau về sân nhà trước tiên. Sáng sớm em cầm ly cà phê, nhìn qua
khung kính đã thấy ba giống chim này đang tranh nhau trong máng ăn.
Chúng
làm bắn tung những hạt ngũ cốc xuống mặt đất. Em theo dõi những mảng màu nâu
pha trắng của lưng chim sẻ, màu vàng anh trên cặp cánh của Hoàng Yến và cái
ngực đỏ của Chào Mào. Em cúi nhìn màu cà phê trong tách, màu nắng sáng hắt trên
vai em.
Mùa
xuân, mùa xuân, mùa xuân. Chao ôi là ân huệ của đất trời!
Anh
có nghe chuyện tại sao chào mào lại có ngực đỏ bao giờ chưa?
Theo
câu chuyện huyền thoại Suquamish. Ngày rất xa xưa, những cơn gió phương Nam nóng và dài
thổi hun các loài động vật. Chúng phải chụm vào nhau và tìm xem gió từ đâu tới.
Chúng thấy nguồn gốc của gió phát xuất từ một pháo đài trên đỉnh một ngọn núi
đá. Nơi đó các ông Thần Gió bảo vệ ngọn gió này. Chúng bàn bạc với nhau rồi vào
một đêm, các loài động vật cùng xông vào pháo đài, đánh bại những ông thần gió.
Sau đó, tất cả các loài động vật nhảy múa quanh ngọn lửa.
Tất
cả, ngoại trừ chim Chào Mào, nó đã từ chối tham gia những điệu nhảy. Chào Mào
chỉ ngồi lặng lẽ, nhìn chằm chằm vào ngọn lửa, nó ngồi rất lâu nên lửa đã hun
ngực nó trở lên một màu đỏ rực. Và từ đó Chào Mào đã có một bộ ngực đỏ đến ngày
nay.
Khi
nhìn những con chim chào mào với cái ức đỏ rực bay vào vườn trong mùa xuân, em
nghĩ đến những người H.O, họ đang ở thủ đô của người Việt di tản, họ mang một
lồng ngực với những thương tích muôn hình, những vết thương rất đỏ, giấu sau
những chiếc áo gắn đầy huy chương trong những ngày lễ hội.
Nhưng
những con chim chào mào, không hề che vết thương của chúng.
Anh
ơi! Chúng ta cất giấu được vết thương trong lồng ngực mình bao nhiêu lâu nữa.
Trần Mộng Tú
Tháng
4/2015
Kỷ
niệm 40 năm di tản.
(1) Theo Torah tên Moses tiếng Hebrew có nghĩa
là kéo ra khỏi nước- According to the Torah, the name "Moses" comes
from the Hebrew verbmeaning "to pull/draw out" [of water].
(2)
Thơ Cao Tần
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen