ĐỊNH
NGUYÊN
Đối với
các dân tộc khác trên thế giới, ngày 30 tháng 4 ấy cũng chỉ là một ngày bình
thường như mọi ngày, hỏi như thế, họ sẽ ngớ người không biết trả lời sao cho phải. Nhưng đối với người Việt Nam, ngày đó là ngày
đã xẩy ra một biến cố lịch sử quan trọng khó ai quên được. Nhưng, nếu hỏi ngày 30 tháng tư là ngày gì,
người Việt Nam sẽ không có câu trả lời như nhau. Đó là vấn đề mà người viết muốn lạm bàn cùng
quý độc giả.
HẬN THÙ
30-4-1975,
Cộng Sản Việt Nam (CSVN) chiếm được miền Nam Việt Nam nên ngày đó là “ngày chiến
thắng” đối với họ.
30-4-1975,
Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) sụp đổ nên đó là ngày bại trận đối với quân dân miền
Nam.
Sau
30-4-75, CSVN tổ chức duyệt binh mừng chiến thắng.
Sau
30-4-75, xã hội miền Nam tan hoang, người dân miền Nam khiếp hải, kinh hoàng, ngơ
ngác, hổn loạn, đói khổ, ly tán; quân, cán, chính VNCH, đảng viên và lãnh đạo
các đảng phái quốc gia các cấp… người trước kẻ sau, người lâu kẻ mau lần lượt
“được” ví vào các trung tâm/trại cải tạo để tẩy não!
Như
thế ngay từ khởi đầu, ngày 30-4 tuy không còn bom đạn nhưng cũng không phải là ngày
hoà bình mà mọi người Việt Nam mừng vui đoàn tụ sau mấy chục năm chiến tranh tàn
khốc!
Với
chính sách khủng bố tàn độc của CSVN đối với quân, dân VNCH; ngày 30
tháng 4 năm 1975, ngày bắt đầu một hận thù mới, có vẻ như sâu sắc và nghiệt ngã
hơn trước. Ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ tướng
CSVN nói một câu nghe khá lọt tai tuy hơi muộn màng và gần như mị dân: “Ngày 30
tháng tư có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn”! Người buồn kẻ vui trong ngày 30-4 chỉ là chuyện
nhỏ, chuyện tâm lý bình thường trước một thay đổi bất ngờ trong đó có người “thắng”
kẻ “thua”, người được kẻ mất. Ông Kiệt
đã lờ đi không nói đến cái cốt lõi của vấn đề xẩy ra từ trước cho đến lúc ông
qua đời, kéo dài cho đến nay: chính sách
phi dân tộc của CSVN! Họ coi trọng ý
thức hệ cộng sản hơn tình cảm dân tộc. Bành trướng Chủ Nghĩa Cộng Sản mới là mục tiêu
hàng đầu của họ, độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ chỉ là chiêu bài chiến
thuật. Hận thù Quốc-Cộng bắt nguồn từ
chính sách phi dân tộc nầy. Trong lúc hận
thù đang sôi sục, họ vẫn tổ chức mừng “chiến thắng”, tự coi mình như một lực lượng
chiếm đóng, coi người miền Nam như kẻ thù bị trị. Nếu
CSVN đối xứ với quân dân miền Nam như tinh thần hậu Nội Chiến của người Mỹ (1861-1865):
không coi người bại trận như kẻ thù, không hạ nhục chưởi bới, không trù dập,
không tước đoạt tự do, không bắt bỏ tù, không chiếm đoạt tài sản, không bần
cùng hoá đời sống… của phe thua trận thì hận thù đó không có lý do hiện hữu và
tồn tại cho đến ngày hôm nay. Tôi không nói
tốt cho Mỹ, đó là sự thật lịch sử. Mỹ
cũng có nhiều cái xấu, nhưng cái tốt đẹp nhất của họ (cũng như của các chế độ tự
do) là không đưa hận thù lên hàng quốc sách như các chế độ cộng sản. Hãy quay nhìn nước Đức để biết thêm. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ (1989), nếu
Tây Đức tự do thua Đông Đức cộng sản thì, cũng như Việt Nam, hận thù Đông-Tây
khó tránh khỏi. Nhờ Tây Đức tự do thắng
nên nước Đức đã thống nhất trong hoà bình, đã phát triển một cách tốt đẹp như
hiện nay. Người thắng cuộc Tây Đức biết
đặt tình cảm dân tộc lên trên hết, không theo một chủ nghĩa ngoại lai phi dân tộc
nào nên không thù hận, không trù dập người Đông Đức mà lại dang vòng tay chào
đón và cưu mang người anh em trở về từ bên kia chiến tuyến. Bà Angela Dorothea Merkel là cựu quan chức
cao cấp của Đông Đức, thế mà chỉ hơn 15 năm sau ngày thống nhất, bà đã trở
thành Thủ tướng nước Đức (từ 2005 đến nay).
Bà là người cộng sản may mắn được Tây Đức tự do giải phóng. Nếu bà là quan chức miền Nam Việt Nam vào thời
điểm 30-4-1975 và “được” CSVN “giải phóng” chắc chắn bà phải là người “có nợ
máu với nhân dân”, sẽ bị bỏ tù và con cháu của bà sẽ chịu ảnh hưởng lý lịch ba
đời…
Ở đâu
có cộng sản, ở đó có hận thù. CSVN phải
chịu tránh nhiệm và phải trả giá cho hận thù dân tộc mà họ hô hào trong hơn nửa
thế kỷ nay.
BA
MƯƠI THÁNG TƯ: NGÀY MẤT NƯỚC, NGÀY QUỐC HẬN HAY NGÀY BẮT ĐẦU HÀNH TRÌNH TÌM TỰ
DO?
Chủ
Nghĩa Cộng Sản là “người” duy nhất chiến thắng vào ngày 30-4-1975. Dân Tộc Việt Nam là kẻ chiến bại. Chúng ta phải gọi ngày đó là ngày gì cho đúng
với ý nghĩa của nó? Ngày mất nước, ngày
quốc hận hay gần đây còn có một tên gọi mới: ngày bắt đầu Hành Trình Tìm Tự Do?
Với tôi, ngày 30-4-1975 là ngày mất nước,
ngày quốc hận, hay ngày bắt đầu hành trình tìm tự do đều đúng cả, gọi sao cũng
được. Tôi không ba phải, xin được giải
thích.
Là một
con dân miền Nam, VNCH bị sụp đổ, tôi mất nước, rõ như ban ngày không có gì để
bàn luận thêm. Chắc rằng những công chức,
sỹ quan chế độ VNCH, những người quốc gia chân chính đều quan niệm như
tôi.
Ngày
30-4-1975 cũng đúng là Ngày Quốc Hân. Cả
nước uất hận vì đất nước bị lâm nguy bởi hoạ cộng sản.
Chiến
Tranh Việt Nam vừa qua, dù hai bên nhân danh bất cứ thứ gì để đánh nhau thì
hình thức vẫn là “nồi da xáo thịt” nghĩa là người Việt Nam bắn giết lẫn nhau. Máu đã chảy thành sông, xương đã chất thành
núi, không ai muốn thấy cảnh máu đổ xương rơi nầy kéo dài mãi. Để chiến tranh có thể kết thúc, nếu không có
một giải pháp chính trị hai bên đều có thể chấp nhận, thì phải có một bên thắng
một bên thua. Rất tiếc là “kẻ xấu đã thắng,
the bad guys have won” (John McCain, Thượng Nghị Sỹ Hoa Kỳ); VNCH đã thua! Nhà văn nữ miền Bắc Dương Thu Hương đã viết:
“Chiến tranh Việt Nam là một trò đùa ngu xuẩn của lịch sử, kẻ thắng trận lại
man rợ hơn kẻ thua trận”!
Đúng
thế, nếu kẻ thắng miền Nam không phải là kẻ “man rợ” CSVN mà là một thế lực dân
tộc khác tốt đẹp hơn hẳn VNCH, hoặc ít lắm cũng như VNCH, không tôn thờ một chủ
nghĩa ngoại lai tàn ác nào, biết vì dân vì nước, biết tìm cách xoá bỏ hận thù
dân tộc sau chiến tranh, biết lo bảo vệ sự độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh
thổ của nước nhà…thì ngày 30-4-1975 có thể không phải là Ngày Quốc Hận nữa. Dù thua nhưng chúng tôi cũng chấp nhận cái
“thua” cho riêng mình bên cạnh cái “được” của cả dân tộc.
CSVN
không phải là một thế lực dân tộc tốt đẹp ấy.
Họ là con đẻ của một chủ nghĩa ngoại lai, những kẻ “Ốc mượn hồn”, tuy
tên họ, dáng dấp và màu da Việt Nam nhưng máu và hồn của họ không còn là máu và
hồn Việt Nam nữa: Họ là những người cộng sản phi dân tộc, có “đảng tính” trái
ngược hẳn với dân tộc tính Việt Nam, có “văn hoá XHCN” không phù hợp với văn
hoá Việt Nam, có “đạo đức cách mạng” phi nhân so với đạo đức truyền thống Việt
Nam, có mục tiêu chính trị hoàn toàn đối nghịch với ước vọng ngàn đời của người
Việt Nam…. Nhận thức rõ vấn đề như thế để xác định rằng cuộc chiến vừa qua là
cuộc chiến giữa Dân Tộc Việt Nam và Chủ Nghĩa Cộng Sản.
Cho
nên, ngày 30-4-1975 không phải là ngày “giải phóng miền Nam” mà là ngày miền
Nam bị cộng sản thôn tính. Ngày
30-4-1975 không phải là ngày “thống nhất đất nước” cho người Việt Nam mà là
ngày cộng sản thành công trong việc đặt ách thống trị của họ trên toàn cỏi Việt
Nam. Chiêu bài “Chống Mỹ cứu nước” chỉ
là một sự gian lận lịch sử. Lê Duẩn, cựu
Tổng Bí Thư Đảng CSVN từng tuyên bố: “Ta đánh Mỹ là đánh cho ông Liên Sô và ông
Trung quốc”, nghĩa là cho Chủ Nghĩa Cộng Sản, không phải cho dân tộc Việt
Nam. Họ không “cứu” nước Việt Nam thoát
khỏi ngoại xâm mà họ đã “dành lấy” đất nước Việt Nam từ tay những thế lực TỰ DO
(Việt Nam cũng như đồng minh) đem dâng nó cho thế lực tàn bạo và khát máu nhất
trong lịch sử loài người, đó là CNCS! Vì nô lệ CNCS nên, sau khi Liên Sô và cộng sản
Đông Âu sụp đổ, họ trở lại quỵ luỵ Trung cộng để bây giờ bị Tàu cộng lấn đất,
chiếm biển, cướp đảo…mà họ ú ớ như là một kẻ đồng loã, không có một sự phản
kháng xứng mặt nào của một chính quyền bình thường biết bảo vệ sự vẹn toàn lãnh
thổ của cha ông. Có người cho rằng, vì
“lý tưởng cộng sản”, CSVN đã và đang từng bước dâng đất nước Việt Nam cho Trung
cộng để duy trì và bảo vệ “thành trì XHCN”.
Chế độ
miền Nam cũng đầy khuyết tật nhưng so với CSVN, VNCH hơn hẳn về mọi mặt: tự do
dân chủ, nhân quyền và dân quyền, đặc biệt là tinh thần dân tộc và bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ…
- Trong khi chỉ trong vòng hai mươi năm (1955-1975), với
thể chế tự do dân chủ, miền Nam đã có được một kho tàng văn hoá dân tộc đa dạng
và phong phú thì tại miền Bắc, nơi được coi là cái nôi của văn hoá dân tộc, CSVN
ra sức tận diệt nền văn hoá nầy. Qua vụ
Nhân Văn Giai Phẩm hay Trăm Hoa Đua Nở, họ đã gài bẩy để đày ải tù tội các văn
thi nhạc sỹ tinh tuý của quê hương để dựng lên một lớp văn nô đỏ, hô hào đấu tố
và chém giết để phục vụ cho đảng.
-Trong khi VNCH chiến đấu để bảo vệ chủ quyền đảo
Hoàng Sa (1974) thì CSVN công nhận Hoàng Sa/Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung
cộng (Công Hàm Phạm Văn Đồng)!
Chỉ
chừng đó cũng đủ để quý vị thấy cái chân tướng sắt máu và phi dân tộc của tập
đoàn CSVN.
Sau
khi CSVN tràn ngập Miền Nam, nhà thơ Phan Huy (một thi sỹ miền Bắc?) trong một
chuyến thăm miền Nam đã sáng tác bài thơ
CẢM TẠ MIỀN NAM, có những đoạn như sau:
Tôi còn nhớ
sau ngày “thống nhất”
Tôi đã vào một
xứ sở thần tiên
Nếp sống văn
minh, dân khí dịu hiền
Cơm áo no
lành, con người hạnh phúc.
Tôi đã ngạc
nhiên với lòng thán phục
Mở mắt to
nhìn nửa nước anh em
Mà đảng bảo
là bị lũ nguỵ quyền
Áp bức, đoạ
đày, đói ăn, khát uống.
Trước mắt tôi
một Miền Nam sinh động
Đất nước con
người dân chủ tự do
Tôi đã khóc
ròng đứng giữa thủ đô
Giận đảng giận
đoàn bao năm phỉnh gạt…
(sưu tầm trên net)
Tôi thông
cản nhưng cũng tội nghiệp cho người thi sỹ miền Bắc nầy, sống với Bác và Đảng
hàng chục năm mà không biết bản chất của họ.
Không phỉnh gạt, không lừa dối, không trí trá, không lật lọng…thì không
phải cộng sản, đặc biệt là CSVN! Để thôn tính toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, CSVN
đã bất chấp mọi thủ đoạn gian xảo, mọi âm mưu thâm độc, mọi láo lường vô liêm…để
kích động người dân đứng lên cầm súng giúp họ đạt mục đích. Kết quả là, sau miền Bắc họ đã chiếm nốt miền
Nam.
Dân tộc Việt Nam phải rơi vào vòng nô lệ mới, khắc nghiệt và thê thảm
hơn bất cứ một hình thức nô lệ nào trước đây!
Hạ bệ
được VNCH coi như kẻ xấu đã bức hại người tốt, độc tài tiêu diệt tự do, hung
tàn thắng nhân ái, bần cùng chiếm chỗ sung túc... Mất miền Nam, dân tộc Việt
Nam coi như đã mất một vận hội để vươn tới tự do, dân chủ, độc lập dân tộc, văn
minh và giàu mạnh… Cho nên phải gọi ngày 30-4-1975 là NGÀY QUỐC HẬN, không những
đối với con dân miền Nam mà còn đối với đồng bào cả nước, bất cứ ai yêu tổ quốc,
chống cộng sản, biết thao thức và lo lắng cho sự mất còn của dân tộc và đất nước
Việt Nam.
Đây là một nhận định thuộc lương tri và trí
tuệ dân tộc, không một cá nhân, đoàn thể nào có thể “Âm mưu xoá bỏ ngày Quốc Hận”
nầy được. Hơn nữa, “Ngày Quốc Hận” không
phải là một bức tượng, một điều luật, một văn kiện hành chánh… mà là một niềm
đau tâm linh bất biến trong lòng mọi người, ai tài cán gì mà đòi huỷ bỏ?!
Sau khi giật sập được VNCH, CSVN đã thi hành một
chính sách tàn ác, khắc nghiệt, tước đoạt hết mọi tự do đã có sẵn của người miền
Nam, bần cùng hoá đời sống của mọi tầng lớp nhân dân vốn đang sống trong sung
túc…Chính từ đó nên phong trào vượt biên, vượt biển mới thành hình. Người miền Nam lớp lớp vượt thoát ra đi tìm tự
do bất chấp mọi gian nan và nguy hiểm.
Nhìn sự chạy trốn cộng sản rầm rộ của người Việt Nam, một người ngoại quốc
đã có một nhận định khá khôi hài: “Dưới chính sách khắc nghiệt của cộng sản, nếu
cái cột đèn mà biết đi chắc nó cũng vượt biên” (Ginetta Sagan)!
Nếu CSVN không cưỡng chiếm miền Nam vào
ngày 30-4-1975 thì sẽ không có mấy triệu người Việt Nam đi tỵ nạn khắp thế giới!
Nếu VNCH không sụp đổ vào ngày 30-4-1975
thì người Việt Nam không cần BỎ NƯỚC ĐI TÌM TỰ DO TẠI NHỮNG XỨ KHÁC!
(Sau
vượt biên, vượt biển, các “diện” con lai, đoàn tụ, HO lần lượt ra đi. Nếu không tìm tự do thì ra đi để làm gì)?!
Như vậy,
nếu nói ngày 30-4-1975 là ngày bắt đầu cho một hành trình TÌM TỰ DO của chúng
ta thì bất ổn chỗ nào, sai chỗ nào, xa thực tế chỗ nào, “thiên cộng” chỗ nào?! Hiện nay, gần đến ngày 30-4 lần thứ 40, tại hải
ngoại đang rộn lên sự tranh luận về ý nghĩa ngày nầy, nhất là sau khi Thượng
Nghị Sỹ Canada Ngô Thanh Hải đề nghị dự luật S219 coi ngày 30-4-1975 là ngày bắt
đầu HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO cho cư dân Việt tại đó. Một số người Việt hải ngoại chống đối dự luật
nầy đã chưởi bới lăng nhục TNS. Ngô Thanh Hải thậm tệ. CSVN cũng thế, họ điên tiết phản đối dự luật
nầy. Quả là một sự gặp gỡ hi hữu! Nếu không phải là hiện tượng “đồng thanh
tương ứng, đồng khí tương cầu” thì giải thích sự “gặp gỡ” nầy như thế nào? Điều gì đã xẩy ra khiến hai bên đối địch mà lại
có cùng một hành động, một mục đích, một “chí hướng” như thế? Quốc cộng đề huề chăng?
Vì
sao CSVN sợ dự luật S219 ai cũng có thể biết.
Nhưng một số người Việt hải ngoại
sợ dự luật nầy vì lý do gì? Sợ bị sập bẩy
tuyên truyền của CSVN, theo đó ngày “giải phóng miền Nam” là ngày bắt đầu hành
trình của tự do cho người Việt Nam?! Nghĩ
như thế là thiếu căn bản thực tế, coi thường sự quan sát và nhận định của chính
mình! CSVN là một chế độc tài đảng trị mọi
người Việt Nam đều biết, cả thế giới đều biết, sao mình không biết?!
Với
tôi, như đã nói phần trên, Ngày Quốc Hận hay Ngày Bắt Đầu Cuộc Hành Trình TÌM TỰ
DO không có gì mâu thuẩn nhau cả. Hai ý
nghĩa ấy không hề triệt tiêu lẫn nhau, không bắt buộc CÓ cái nầy thì phải KHÔNG
CÓ cái kia, mà ngược lại cả hai đã bổ túc cho nhau nói lên sự bất dung tàn bạo
của CSVN. Do vậy, sự tranh luận ngày
30-4-1975 là “Ngày Quốc Hận” hay “Ngày Bắt Đầu Cuộc Hành Trình Tìm Tự Do” hoàn toàn không cần thiết, và chắc chắn
sẽ không đi đến đâu, chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ, chưa cần nói đến sự mất
đoàn kết (nếu có) giữa những người cùng chiến tuyến!
Sacramento, THÁNG
TƯ ĐEN năm 2015
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen