Mittwoch, 8. April 2015

Kẻ thù của Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam

Lê Diễn Đức
Một nhà nước dân chủ không bao giờ xem sự phản kháng của dân chúng là thù địch với chế độ, bởi vì người dân bằng lá phiếu của mình, đã bầu ra nhà nước ấy.
Quản lý điều hành đất nước, các chủ trương, chính sách của một chính phủ đưa ra không phải lúc nào cũng đúng và hợp với ý nguyện của dân chúng. Khi thấy những người đại diện cho họ làm tổn hại đến lợi ích chung hoặc riêng, họ có quyền biểu tình, yêu sách đòi thay đổi hoặc phản đối.
Hơn nữa, quyền biểu tình là quyền bày tỏ chính kiến hiến định trong các xã hội dân chủ. Sự hiện diện của nó trong sinh hoạt đời sống giúp cho bộ máy công quyền loại bỏ thói quan liêu trong việc ban hành những quy định hay luật lệ.
Người biểu tình không có nhu cầu lật đổ chế độ, mặc dù đôi khi vì áp lực của quần chúng quá mạnh, chính phủ có thể phải tự bãi nhiệm, nhưng một chính phủ khác thông qua bầu cử tự do được lập nên, chứ không có chuyện đám đông cướp chính quyền bằng bạo lực.
Ở Ba Lan, trong thời kỳ Cộng Sản, những cuộc đình công, bãi công, biểu tình của công nhân nổ ra liên tiếp, làm tê liệt kinh tế đất nước, buộc nhà cầm quyền Cộng Sản phải ngồi vào bàn thương lượng. Nhưng không phải lực lượng đối lập đòi cầm quyền mà họ đòi những người Cộng Sản phải chấp thuận một cuộc bầu cử tự do để lựa chọn người xứng đáng cai quản đất nước.
Từ khi chế độ Cộng Sản sụp đổ (năm 1989) nhà nước Ba Lan dân chủ ra đời, xã hội dân sự phát triển hoạt động song song, độc lập. Các cuộc biểu tình vẫn xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Những người biểu tình bao vây dinh thủ tướng, Quốc Hội hay tràn vào chiếm cứ cơ quan Bộ. Họ đòi chính phủ cải thiện tiền lương, điều kiện làm việc, có khi chỉ là đòi quyền bình đẳng giới tính, hay hợp thức hóa sử dụng marijuana...

Các cuộc biểu tình hầu hết diễn ra ôn hòa và cảnh sát chỉ ra tay ngăn chặn khi có hiện tượng vượt quá giới hạn, phá phách làm tổn hại đến tài sản công cộng.
Năm 2004, những nhà báo nổi tiếng của giới truyền thông Ba Lan đã đặt một cái cũi bằng sắt trước Quốc hội rồi thay nhau ngồi vào đó và khóa trái lại. Bằng hình thức này, họ phản đối bản án của một tòa án địa phương đối với một nhà báo về tội bị cho là xúc phạm một vị lãnh đạo khi đăng bài viết nghi vấn ông ta tham nhũng. Sự phản đối đã có tác dụng, tổng thống Ba Lan phải lên tiếng can thiệp và cuối cùng nhà báo vô tội khi xét xử lại.
Đơn giản thế thôi, biểu tình là một sinh hoạt dân sự rất bình thường nhưng là một thứ vũ khí, là tiếng nói của quần chúng nhằm cải thiện, lành mạnh hóa xã hội.
Lợi dụng lòng yêu nước và sự cả tin của quần chúng như một phương tiện, sau khi cướp được chính quyền, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã xây dựng nhà nước bằng bộ máy công an trị, tước đoạt luôn quyền bầu cử tự do của nhân dân và gạt nhân dân vào giới bị trị.
Nhà cầm quyền Cộng Sản rất sợ dân chúng biểu tình với bất kỳ lý do nào. Luật biểu tình được xác định ngay từ bản Hiến Pháp đầu tiên năm 1946 của Nhà Nước Cộng Sản nhưng đến nay vẫn chỉ mang hình thức trưng diễn. Họ khất lần lữa và cuối cùng quốc hội khóa 13 này lại đẩy trách nhiệm qua cho quốc hội tới, khóa 14. Như vậy là 70 năm qua luật biểu tình vẫn không được thể chế hóa. Nhưng có luật nào có thể cao hơn hiến pháp, là bộ luật khung cao nhất của một hệ thống?
Không luật hóa quyền biểu tình nhưng họ nhanh chóng sản xuất ra nghị định cấm tập trung đông người mà trong đó có những điểm phi lý, bất khả thực thi thực tế, chủ yếu để phục vụ mục đích đàn áp. Ra quy định về trật tự xã hội, chính phủ, một cơ quan hành pháp, đã chà đạp lên cả hiến pháp như một điều hiển nhiên.
Trong năm 2011, những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bành trướng, xâm lấn Biển Đông diễn ra sôi động. Tháng 8, 2011, Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc Công An Hà Nội bấy giờ, đã tuyên bố với báo giới rằng, biểu tình là yêu nước. Thế nhưng, chỉ một cuộc xuống đường tiếp theo là bình an, sau đó nhà cầm quyền đã cho lực lượng an ninh, công an, côn đồ quậy phá, đàn áp thô bạo. Những người tham gia biểu tình bị bắt giữ, câu lưu, bị theo dõi, khống chế.
Tương tự gần đây, cuộc xuống đường tuần hành phản đối nhà chức trách Hà Nội chặt đốn cây xanh ồ ạt là thể hiện tâm tư bức xúc của quần chúng thủ đô. Áp lực của công luận khiến Hà Nội đã phải cho dừng dự án. Thế nhưng Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, “các trang mạng lợi dụng nói vống lên, kích động nhân dân xuống đường biểu tình. Nhân danh bảo vệ cây xanh nhưng thực ra là chống chế độ, chống lại chính quyền các cấp...” Trong khi đó báo Quân Đội Nhân Dân thì có bài “Đừng té nước theo mưa” ý nói đừng lợi dụng việc bảo vệ cây xanh để đòi hỏi dân chủ, nhân quyền! Và cuối cùng, cuộc tuần hành bằng xe đạp hôm Chủ Nhật ngày 5 tháng 4 vì cây xanh bị ngăn cản bởi một lực lượng an ninh, công an dày đặc.
Cuộc đình công rồi chuyển sang biểu tình của 90 ngàn công nhân của công ty giày Pou Yuen, trong khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, kéo dài suốt một tuần lễ kể từ ngày 26 tháng 3, cũng là một ví dụ.
Đây là nguyện vọng chính đáng của công nhân trong bối cảnh thực tế Việt Nam. Công nhân đòi được lãnh tiền trợ cấp bảo hiểm một lần khi thôi việc chứ không đợi đến tuổi già. Đa số công nhân việt Nam xuất phát từ nông thôn, chẳng ai muốn cả đời cắm mặt bên chiếc máy khâu, họ sẵn sàng trở về quê khi có điều kiện. Hệ thống an sinh xã hội của nhà nước Cộng Sản Việt Nam không có các chương trình bảo trợ, chăm sóc y tế cho những người công nhân không hội đủ thời gian làm việc để hưởng lương hưu hoặc thuộc diện nghèo, có thu nhập thấp. Ngoài ra nguy cơ vỡ nợ của quỹ bảo hiểm cũng tác động mạnh lên tâm lý.
Cuộc biểu tình đã diễn ra hoàn toàn tự phát, không có ai là người đại diện hợp pháp của họ để đối thoại với nhà cầm quyền. Vậy mà ông Đặng Ngọc Tùng, chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, trong lời kêu gọi đã khuyên họ không để “kẻ xấu lợi dụng, kích động, xúi giục.”
Một nhà nước không do dân bầu ra là một nhà nuớc bất minh, bất chính nên luôn luôn nghi kị, lo sợ bị mất quyền lực, nhìn đâu cũng thấy “thế lực thù địch”!
Nhà nước sợ cả những bài viết trên mạng phản biện một cách ôn hòa, kêu gọi thực thi dân chủ. Các tác giả bị cáo buộc vi phạm Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự “âm mưu lật đổ chính quyền” và lãnh những bản án nặng nề.
Bộ máy tuyên truyền của chế độ và nền giáo dục của nó đã dìm xã hội vào sự sợ hãi thường trực, mọi người đều cảnh giác lẫn nhau.
Sự đàn áp chỉ càng vạch trần bộ mặt giải trá, lừa bịp. Những khẩu hiệu “nhà nước của dân do dân vì dân,” “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra,” chỉ là những thứ trang sức lòe loẹt, rẻ tiền cho một bộ máy độc tài, độc ác.
Ông Hồ Ngọc Nhuận, ủy viên Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, cũng phải thốt lên, “Cái vấn đề chính là họ không tin dân, họ sợ dân thế thôi. Họ biết rằng chỉ cần một nhúm lửa nhỏ nó có thể bùng thành một đám cháy to và đám cháy to thì họ không còn quyền hành nữa, họ sẽ bị lật đổ.”
George Orwell, tác giả của cuốn “Trại súc vật” (Aminal Farm) nhận định về chế độ độc tài:
“Quyền lực không phải là phương tiện của mục đích. Quyền lực là mục đích. Người ta không duy trì chế độ độc tài để bảo vệ cuộc cách mạng; Cuộc cách mạng được củng cố bằng áp đặt chế độ độc tài. Mục đích của đàn áp là đàn áp. Mục đích của tra tấn là tra tấn. Mục đích của quyền lực là quyền lực.”
Vì thế, hoặc là dân chúng chấp nhận làm đàn cừu ngoan ngoãn và ca bài muôn thuở “chấp hành tốt chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước,” hoặc là bất tuân dân sự.
Nhưng đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam mọi sự bất tuân dân sự của nhân dân đều là kẻ thù!
  (Người Việt Online)

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen