Montag, 23. März 2015

Tại sao bạn chưa ký lá thư ngỏ cho chiến dịch nhân quyền 2015?


Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Chiến Dịch Vận Động Nhân Quyền 2015, khởi sự vào ngày 10 tháng 3 năm 2015, hy vọng đạt được, vào khoảng cuối tháng 4 hoặc tháng 5, 2015, 100.000 người ký vào thư ngỏ tới các cơ quan nhân quyền quốc tế. Sau mười hai ngày, số người ký chỉ lên tới khoảng 8.500, còn quá xa với mục tiêu 100.000. Điều đó cho thấy một số lớn người vẫn chưa ký hoặc quyết định không ký vì lý do nào đó. Có nhiều lý do khiến nhiều người ngần ngại chưa ký hoặc quyết định không ký. Bài này trình bày một số lý do có thể có và trả lời cho những lý do này. Chúng ta cần phải ký lá thư ngỏ nhanh chóng để ủng hộ chiến dịch và/hoặc đạt những mục tiêu tuy phụ thuộc nhưng quan trọng trong chiến dịch này.
Lá thư ngỏ trong Chiến Dịch Vận Động Nhân Quyền 2015, khởi đầu vào ngày 10 tháng 3, 2015, vạch ra những hoạt động biểu tình, tọa kháng, thắp nến, và tuyệt thực ôn hòa trong năm 2015, và thông báo đến các tổ chức nhân quyền quốc tế, kể cả Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQLHQ), rằng những hành vi đàn áp của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trên những người dân thực hiện quyền tự do phát biểu và hội họp ôn hòa là bằng chứng cho hành động tiếp tục vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam (nhanquyen2015 2015a). 

Giai đoạn đầu của chiến dịch này kêu gọi mọi người dân Việt Nam và công dân gốc Việt sinh sống ở hải ngoại ký lá thư ngỏ on-line qua trang mạng Change.org dưới hình thức một thư yêu cầu (petition), kiến nghị, hoặc thỉnh nguyện thư. Ban tổ chức chiến dịch hy vọng đạt được 100.000 chữ ký vào khoảng cuối tháng 5 năm 2015, để chuẩn bị cho một cuộc "hành động trên đường phố" xảy ra vào ngày Quốc Tế Nhân Quyền, ngày 10 tháng 12 năm 2015 (Nhanquyen2015 2015b). Sau mười hai ngày, số người ký lá thư ngỏ chỉ tới khoảng 8.500, còn quá xa với mục tiêu 100.000. Tuy nhiên, vẫn có hy vọng là mục tiêu này sẽ đạt được vào cuối tháng 5.

Có thể bạn đang theo dõi tiến triển của chiến dịch này, đọc các bài viết và xem video clips kêu gọi ký thư ngỏ. Có thể bạn đã ký. Có thể bạn muốn ký, nhưng chưa có dịp đọc kỹ thư ngỏ và chưa có thì giờ. Có thể bạn còn đắn đo suy nghĩ chưa biết có nên ký hay không. Có thể bạn quyết định không ký vì một hay nhiều lý do nào đó. Bài này nhắm vào các bạn còn do dự chưa ký hoặc quyết định không ký. 

Tại sao bạn vẫn còn do dự chưa ký hoặc quyết định không ký lá thư ngỏ?

Dù bất cứ lý do gì, chắc bạn cũng phải có chút suy nghĩ về chuyện này. Tôi hy vọng lý do của bạn chính đáng. Trong bài này, tôi xin được nêu ra những ý kiến góp ý trả lời về các lý do mà bạn có thể có. Tuy những lý do sau đây phản ảnh phần lớn suy nghĩ của nhiều người, chắc chắn sẽ có thiếu sót, và bạn có thể có lý do mà tôi không nêu ra. Tuy nhiên, tôi hy vọng phần trả lời giúp bạn hiểu rõ hơn về chiến dịch và mục tiêu ký lá thư ngỏ, và xúc tiến việc ký lá thư ngỏ càng sớm càng tốt. 

Tôi xin xác nhận tôi hoạt động hoàn toàn độc lập, với tư cách cá nhân, và không có liên hệ với bất kỳ tổ chức nào, kể cả Chiến Dịch Vận Động Nhân Quyền 2015. Do đó, những suy diễn của tôi không phản ảnh ý kiến của Chiến Dịch Vận Động Nhân Quyền 2015, mà chỉ là ý kiến của một người ủng hộ chiến dịch này.

A. Vài khái niệm căn bản

Trước hết, ta phải hiểu rõ sự khác biệt giữa các văn kiện công chúng cho các mục tiêu tranh đấu. Có nhiều loại văn kiện cho mục tiêu tranh đấu và không có một định nghĩa rõ rệt cho thấy sự khác biệt giữa các loại này, và cũng không có sự tương đương chính xác giữa từ ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Tuy nhiên, có vài đặc tính giúp ta phân biệt chúng. Các loại văn kiện này gồm có: thư yêu cầu (thường gọi là "thỉnh nguyện thư") (petition), kiến nghị/ dự kiến/ đề xuất (proposal), khởi xướng/ đề xướng (initiative), và thư ngỏ (open letter). Trong bài này, tôi sẽ chỉ đề cập vắn tắt đến thư yêu cầu và thư ngỏ.

Thư yêu cầu (petition): Văn kiện yêu cầu dưới hình thức lá thư, gửi tới người có quyền quyết định, chính phủ hoặc cơ quan công, hoặc tư nhân, và được ký bởi một người hoặc một nhóm người ủng hộ yêu cầu đó (Xem, UN Women). Một thư yêu cầu thường vạch ra lời đòi hỏi rõ rệt và cụ thể để người nhận (chính phủ, cơ quan công, hoặc tổ chức tư nhân) thi hành. 

Thư ngỏ (open letter): Văn kiện dưới hình thức một lá thư gửi đến người có quyền quyết định (decision-makers) được đăng tải trên phương tiện truyền thông công chúng để nhấn mạnh trách nhiệm của người nhận và dẫn đến một cuộc tranh luận công chúng (Xem, UN Women).

Văn kiện của Chiến Dịch Vận Động Nhân Quyền 2015 là thư ngỏ, và không phải là thư yêu cầu/ thỉnh nguyện thư. Tuy nhiên, ban tổ chức Chiến Dịch Vận Động Nhân Quyền 2015 kêu gọi mọi người ký tên dùng một trang mạng chuyên về thư yêu cầu (petition). Đó là trang mạng Change.org. Về khía cạnh cơ chế thu thập chữ ký, đăng tải văn kiện, và quản lý diễn tiến việc ký tên, không có gì khác biệt giữa thư ngỏ và thư yêu cầu. Tuy nhiên, vì trang mạng Change.org dùng chữ "petition" khắp nơi, nhiều người nghĩ rằng văn kiện của Chiến Dịch Vận Động Nhân Quyền 2015 là một thư yêu cầu (hoặc thỉnh nguyện thư). Sự khác biệt tuy nhỏ nhặt nhưng quan trọng. 

Lá thư ngỏ (open letter) chỉ bày tỏ lập trường, quan điểm, và ý nghĩ của người gửi về vấn đề mà người nhận có khả năng đáp ứng hoặc quyết định. Một lá thư ngỏ không đưa ra một đòi hỏi hay yêu cầu gì, và cũng không cần có trả lời từ người nhận. Mục đích của thư ngỏ là báo cho công chúng biết về vấn đề. Ngược lại, một thư yêu cầu (petition) đặt ra một yêu cầu cụ thể và rõ rệt mà người gửi mong muốn người nhận sẽ thi hành. Do đó, đối với thư ngỏ, sẽ không có vấn đề thành công hay thất bại. Với thư yêu cầu, có thể có thành công nếu người nhận đồng ý thi hành lời yêu cầu, hoặc thất bại nếu người nhận từ khước thi hành lời yêu cầu.

Thể thức ký thư ngỏ trên trang mạng Change.org rất đơn giản. Sau khi bạn bấm vào link www.nhanquyen2015.net, bạn sẽ được dẫn đến trang mạng Change.org và chỉ cần bấm vào phím mềm "Sign" là bạn có thể ký bằng cách điền tên, địa chỉ e-mail, và nơi cư trú. Với những người quen xài máy tính và Internet, thời gian ký chỉ độ nửa phút. Nếu bạn không rành về máy tính và Internet, bạn có thể đọc hướng dẫn ký thư ngỏ (nhanquyen2015 2015c).

B. Những lý do và trả lời cho mỗi lý do

Sau đây là những lý do bạn có thể có đã khiến bạn do dự hoặc quyết định không ký thư ngỏ. Với mỗi lý do, tôi trả lời với quan điểm tôi với hy vọng bạn sẽ đồng ý và xúc tiến việc ký thư ngỏ càng sớm càng tốt, trước cuối tháng 4 năm 2015.

1. Tôi thấy chuyện này vô ích, vì chúng ta đã gửi thư ngỏ, kiến nghị, thỉnh nguyện thư nhiều lần rồi, mà có gì thay đổi đâu. 

Trả lời: Như được trình bày ở trên, văn kiện mà bạn ký là thư ngỏ, không phải là thư yêu cầu hay kiến nghị. Do đó sẽ không có việc thành công hay thất bại. 

Lá thư ngỏ của Chiến Dịch Vận Động Nhân Quyền 2015 không đặt ra một đòi hỏi hoặc mục tiêu cụ thể nào. Lá thư ngỏ chỉ là lời công bố hoặc báo trước cho các cộng đồng nhân quyền thế giới về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và nhận xét về phản ứng tương lai của chính quyền Việt Nam với các hoạt động tự do ngôn luận và hội họp. Do đó, sẽ không có chuyện thành công hoặc thay đổi gì. Tuy nhiên, việc ký vào lá thư ngỏ rất quan trọng cho các mục tiêu liên hệ phụ thuộc. Các mục tiêu này gồm có:

Chứng minh cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sức mạnh của toàn dân một cách rõ ràng và cụ thể. Nhóm cầm quyền cộng sản Việt Nam lúc nào cũng hô hào là dân tin tưởng vào đảng cộng sản Việt Nam, nhưng họ không bao giờ dám tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc để xác nhận điều đó. Đây là dịp toàn thể dân Việt Nam, trong nước và hải ngoại, cùng đứng lên và quát to vào mặt nhóm cầm quyền cộng sản Việt Nam ý muốn thực sự của dân Việt.

- Tạo niềm tin trong nước và hải ngoại cho tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Khẩu hiệu của chiến dịch này là WE ARE ONE (Chúng Ta Là Một), cổ võ cho tinh thần đoàn kết của toàn dân Việt Nam và những người gốc Việt sống hải ngoại. Bằng cách cùng ký vào thư ngỏ, chúng ta tạo niềm tin lẫn nhau và cùng lúc cho nhóm cầm quyền cộng sản và thế giới thấy tinh thần đoàn kết và thương yêu nhau của người dân Việt, cho dù ở bất cứ nơi nào trên trái đất.

- Gạt bỏ mọi chia rẽ, nghi ngờ, hiềm khích, tranh cãi trong cộng đồng người Việt, trong nước và hải ngoại, để cùng phục vụ cho một mục tiêu tối thượng. Khi chúng ta cùng ký vào thư ngỏ cho một mục tiêu chú trọng vào nhân quyền, chúng ta gạt bỏ mọi khác biệt, nghi kỵ, và chia rẽ trong cộng đồng. Tuy sẽ vẫn có những khác biệt và tranh cãi, sự kiện ký vào thư ngỏ giúp chúng ta ý thức tầm quan trọng của tinh thẩn đoàn kết và sẽ cùng làm việc với nhau hiệu quả hơn.

- Tiếp tục chứng minh cho các nhà chính trị tại các quốc gia nơi người Việt cư ngụ sức mạnh chính trị của người Việt hải ngoại (NVHN). Cộng đồng người Việt hải ngoại đang trên đà lớn mạnh và cần cho thấy sức mạnh của số đông tới viên chức, chính khách, vả các thành phần lập pháp và hành pháp của chính quyển nơi họ sinh sống. Ký vào thư ngỏ là một dịp NVHN hiển thị sức mạnh đó.

Ta thấy những mục tiêu phụ thuộc này, tuy không liên quan trực tiếp đến chiến dịch nhân quyền 2015, có tầm quan trọng bao gồm nhiều khía cạnh khác của cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, và nhân quyền tại Việt Nam. Nhiều thư yêu cầu, tuy không đạt hoàn toàn mục tiêu chính trong lời yêu cầu, nhưng thành công trên các mục tiêu phụ thuộc. Thí dụ, thư yêu cầu gởi tới Toà Bạch Ốc vào tháng 2 năm 2012, kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt phát triển thương mại với Việt Nam nếu không có cải thiện về nhân quyền, đạt kỷ lục với 150.945 chữ ký (Whitehouse 2012). Tuy Tòa Bạch Ốc không có đáp ứng cụ thể cho đòi hỏi này vì điều kiện (Việt Nam không cải thiện tình trạng nhân quyền) khó có tiêu chuẩn rõ rệt, kỷ lục chữ ký này khiến các nhà chính trị Hoa Kỳ hiểu sức mạnh trong lá phiếu của người Mỹ gốc Việt, và do đó đã có sự kính nể cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ trong các quyết định ngoại giao, chính trị, kinh tế, và xã hội khác. 

2. Tôi không có thì giờ đọc kỹ thư ngỏ và lời kêu gọi và chỉ mới đọc lướt qua, nhưng tôi thấy dài dòng và không rõ rệt cụ thể.

Trả lời: Bạn có thể đúng. Lá thư ngỏ và lời kêu gọi tham gia chiến dịch có thể hơi dài dòng và không rõ rệt với một số người. Nhưng bạn không cần phải đọc lời kêu gọi để ký thư ngỏ. Nếu bạn đồng ý với nội dung của thư ngỏ thì bạn cứ việc ký. Phần kêu gọi chỉ đề cập đến các giai đoạn trong chiến dịch. Một cách vắn tắt, thư ngỏ báo trước cho các cơ quan nhân quyền quốc tế, kể cả HĐNQLHQ, về những hoạt động ôn hòa cho nhân quyền tại Vịệt Nam trong năm 2015, và tuyên bố rằng những hành động đàn áp các hoạt động ôn hòa này của nhóm cầm quyền Việt Nam, nếu xảy ra, là bằng chứng cho sự vi phạm nhân quyền.

3. Tôi không đồng ý vài điểm trong thư ngỏ hoặc cách làm việc tổ chức những hoạt động sau đó trong chiến dịch.

Trả lời: Bạn có thể không đồng ý hoàn toàn các điểm ghi trong thư ngỏ và các hoạt động trong chiến dịch, nhưng bạn nên nghĩ đến những mục tiêu phụ thuộc liên hệ nêu trên. Ngoài ra, bạn có thể không đồng ý 100%, nhưng nếu bạn đồng ý phần lớn của thư ngỏ thì bạn cũng nên ký cho phần lớn đó. 

Bạn nên nhớ rằng số đông biểu tượng sức mạnh. Cho dù bạn có ý kiến khác với các hoạt động của chiến dịch, bạn cũng nên dựa vào việc ký thư ngỏ để biểu dương sức mạnh của dân Việt với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Sự biểu dương sức mạnh đó vừa giúp chiến dịch nhân quyền, vừa có thể giúp cho cuộc tranh đấu nào đó theo ý bạn. 

4. Tôi nghi ngờ hoặc không ưa một số người đã ký trong thư ngỏ. Tôi không muốn đứng chung trong cùng hàng ngũ với họ.

Trả lời: Những người bạn nghi ngờ hoặc không ưa chẳng liên hệ gì đến quyết định ký thư ngỏ của bạn. Họ có thể có hoạt động, tuyên bố, hoặc bày tỏ ý kiến mà bạn không đồng ý hoặc ghét. Nhưng trong việc ký thư ngỏ, họ cũng như bạn. Họ và bạn cùng đồng ý với lời tuyên bố trong thư ngỏ, và cùng là chiến hữu trong mặt trận này. Ngoài ra, mục tiêu phụ thuộc trong việc ký thư ngỏ là gia tăng tinh thần đoàn kết và giảm thiểu những bất đồng ý kiến và chia rẽ. Bạn nên dùng dịp này để tạo kinh nghiệm cho chính mình trong việc đứng cùng hàng ngũ với người bạn không hạp trong chuyện khác nhưng cùng chí hướng trong thư ngỏ này.

5. Tôi không thắc mắc gì về ý chí, tâm địa, và trí tuệ của những vị tổ chức Chiến Dịch Vận Động Nhân Quyền 2015 và những người đã ký thư ngỏ, nhưng tôi e rằng trong lúc nhiệt thành trong công cuộc tranh đấu, các vị có thể vô tình sa vào bẫy của cộng sản trong việc này, với những mưu mô quỷ quyệt như đánh lạc hướng, dương Đông kích Tây, làm loãng trọng tâm tranh đấu, v.v...

Trả lời: Đảng cộng sản Việt Nam và nhóm cầm quyền tại Việt Nam đã có thành tích lừa đảo, bịp bợm, dối trá. Do đó chúng ta lúc nào cũng phải thận trọng đối phó với họ. Tuy nhiên, một trong những lý do họ đã thành công trong quá khứ là người dân thiếu phương tiện truyền thông, tài liệu, và nhân chứng. Với sự thịnh hành của Internet, facebook, và các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay, cộng sản Việt Nam không còn lừa đảo dối trá ai được nữa.

Họ cũng vẫn giữ bản chất gian xảo và sẽ cố gắng len lỏi phá hoại hàng ngũ những người chống cộng. Tuy nhiên, trong chiến dịch nhân quyền này, rất khó mà họ có thể lừa gạt được ai, vì có sự hiện diện và canh chừng của biết bao nhiêu tổ chức dân sự và những người đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền trong biết bao năm. Chúng ta nên cảnh tỉnh, nhưng một mặt chúng ta cũng không nên quá đề cao khả năng của họ để khiến chúng ta lúc nào cũng nghi ngờ, thận trọng, và bỏ lỡ những cơ hội tốt đẹp có thể lật đổ chế độ cộng sản một cách hữu hiệu. 

Cộng sản sẽ không thể gài được bẫy gì trong việc hô hào mọi người ký vào lá thư ngỏ. Cho dù giả sử chiến dịch ký thư ngỏ là kết quả của một kế hoạch dụ khị tài tình hoặc một điệp vụ tinh vi qua mặt đươc biết bao nhiêu người, cộng sản cũng không có được kết quả gì, nhất là chiến dịch này có thể phản ngược lại. Cùng lắm là họ có âm mưu dùng chiến dịch để đo lường sức mạnh của dân Việt, một âm mưu có lẽ đến từ Tàu cộng, nhưng âm mưu này là một con dao hai lưỡi. Nếu kết quả cuộc ký thư ngỏ là 75.000 chữ ký hoặc ít hơn, không đạt được mục tiêu 100.000, họ sẽ biết dân Việt vẫn còn yếu kém và họ sẽ tiến sang mức đàn áp kế tiếp. Quan thầy họ, Tàu cộng, sẽ rất hoan hỉ. Tuy nhiên, nếu kết quả cuộc ký thư ngỏ là 7 triệu chữ ký, gấp 70 lần mục tiêu, họ sẽ thất đảm kinh hổn, và quan thầy Tàu cộng của họ sẽ hồn phi phách tán. Lúc ấy chỉ cần một cuộc biểu tình nhỏ là cũng đủ làm cả bọn run như cầy sấy. 

Không, cộng sản ngu thật, nhưng không ngu đến nỗi để tự đặt mình vào vị trí nguy hiểm như vậy.

6. Nhân quyền là khái niệm mơ hồ và xa lạ với tôi. Tôi không muốn ký đòi hỏi những gì mà tôi không biết.

Trả lời: Có nhiều khái niệm còn mơ hồ, không rõ rệt, không cụ thể hơn nhân quyền, nhưng ta vẫn hiểu và quý. Đó là vì ta có thể rút ra những ý tưởng đặc thù và rõ rệt áp dụng cho cá nhân. Thí dụ, hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng, nhưng lái chiếc xe Lamborghini Aventador mui trần với người yêu trên con đường vắng vẻ trong một đêm sáng trăng là một hình ảnh cụ thể của hạnh phúc. Tương tự, nhân quyền có thể mơ hồ với bạn, nhưng tự do tới nhà bạn bè ngủ qua đêm mà không cần khai báo ai là một hình ảnh cụ thể của nhân quyền. 

Một xã hội tôn trọng nhân quyền là một xã hội tôn trọng tự do của người dân, một xã hội dân chủ, và không dung dưỡng những tệ trạng xã hội. Một khi dân chủ, tự do, tôn trọng nhân quyền được gây dựng và phát huy tại Việt Nam, ta sẽ có biết bao nhiêu thành quả và thay đổi tốt đẹp, cụ thể. Do đó, nếu tranh đấu cho nhân quyền đòi hỏi những gì trừu tượng và xa lạ với bạn, bạn có thể tưởng tượng ra những mục tiêu rõ rệt, cụ thể, và gần gũi với bạn hơn. Ký thư ngỏ trong Chiến Dịch Vận Động Nhân Quyền 2015 sẽ coi như là ký thư ngỏ cho những mục tiêu sẽ có được từ chiến dịch này. Vài thí dụ các mục tiêu này như sau:

- Trả lại tên Sài Gòn cho thủ đô miền Nam.

- Thử DNA để xác nhận Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Tất Thành, hoặc là cha của Nguyễn Tất Trung hoặc Nông Đức Mạnh.

- Công bố toàn diện hiệp ước Thành Đô.

- Chấm dứt tệ nạn hối lộ trên đường xá, phi trường, bệnh viện, học đường, và các cơ quan chính phủ.

- Giải quyết nạn thất nghiệp cho giới sinh viên ra trường. 

- Công bố những vấn đề chính phủ đang làm trong việc đối ngoại, kinh tế, chính trị.

- Công bố rõ tài sản của tất cả viên chức cao cấp trong nhóm cầm quyền.

- Giải quyết tình trạng dân oan qua những chương trình bồi hoàn thích đáng và mau chóng.

Trên đây chỉ là vài thí dụ cho thấy sự tôn trọng nhân quyền của dân sẽ dẫn đến những kết quả rõ rệt, cụ thể, và gần gũi với bạn.

7. Tôi không cảm thấy cái gì kích động tôi trong việc ký thư ngỏ vì nội dung lá thư không khiến tôi chú tâm, mặc dù tôi rất thù ghét cộng sản.

Trả lời: Có thể bạn vẫn chưa nhận ra khía cạnh thực tế và cụ thể của nhân quyền, và bạn cho rằng những điều đó là xa vời. Nhưng như viết ở trên, chính những mục tiêu phụ thuộc mới là quan trọng. Bạn nghĩ phản ứng của những kẻ nắm quyền hành tại Việt Nam sẽ ra sao nếu có không phải 100.000 người ký, mà một triệu người, một chục triệu người ký? Bạn hãy tưởng tượng hình ảnh Nguyễn Tấn Dũng mặt xanh như tàu lá, Phùng Quang Thanh líu lưỡi, lắp ba lắp bắp, khi được biết có cả triệu người ký vào thư ngỏ. Hình ảnh đó có đủ kích động bạn không?

8. Tôi đang sống ở hải ngoại, sung túc vật chất và bình an tinh thần. Tôi đã "xin nhận nơi này làm quê hương." Tại sao tôi phải dính líu vào những chuyện tào lao ở Việt Nam mà lẽ ra dân Việt phải tự lo lấy?

Trả lời: Bạn không thể sống trong một xã hội mà không nghĩ đến người khác. Nếu bạn đóng thuế hoặc đóng góp việc từ thiện, bạn đang đóng góp vào xã hội. Xã hội con người không nhất thiết giới hạn trong khuôn khổ quốc gia. Nếu bạn không còn coi Việt Nam là quê cha đất mẹ, chuyện đó cũng không sao. Nhưng bạn vẫn phải coi người dân Việt như đồng loại với bạn, và bạn nên giúp đỡ, như giúp đỡ đồng loại mình. Người dân Việt trong nước sẽ đối phó với đảng cộng sản Việt Nam trực tiếp, nhưng họ chưa có đủ sức mạnh và niềm tin để làm chuyện đó bây giờ. Chuyện ký thư ngỏ cho nhân quyền có thể là tào lao với bạn, nhưng đó là vấn đề sống chết cho hàng triệu người dân Việt trong nước. Trong đời bạn, có lẽ bạn còn làm nhiều chuyện tào lao hơn chuyện ký thư ngỏ này. Ngoài ra, sự giúp đỡ của bạn không đòi hỏi nhiều. Chỉ độ một phút thời gian của bạn mà thôi.

9. Tôi đang sống ở hải ngoại. Tuy không nghèo khó, nhưng cũng không dư dả. Vợ chồng chúng tôi chỉ kiếm tiền đủ trả tiền nhà, ăn uống, và chi phí lặt vặt. Chúng tôi đã làm việc cực khổ hai mươi năm. Tại sao chúng tôi phải ký thư ngỏ cho dân Việt Nam? Bộ họ không ký được hay sao?

Trả lời: Bạn ký thư ngỏ không phải là một hành động ban ơn huệ cho dân Việt trong nước, mà đó là một nghĩa vụ của bạn, có gốc Việt, đối với đồng bào đang trong cảnh khốn khó trong nước. Ngoài ra, chuyện đó cũng giúp ích cho bạn nữa trong việc gây ảnh hưởng vào chính trường nơi quốc gia bạn ở, khi các chính trị gia ở đó ý thức được sức mạnh của dân Việt và NVHN. Có thể bạn đã phải tranh đấu cực khổ, mất những người thương yêu, và vật lộn với cuộc sống để có được ngày hôm nay; nhưng ít nhất bạn có được cơ hội làm việc và hưởng thụ những quyền lợi khác. Dân Việt trong nước là nạn nhân của một chế độ tàn bạo, và không có được những cơ hội và quyền lợi bạn đang có. Do đó, đã từng sinh sống trên đất nước Việt Nam hoặc có nguồn gốc văn hóa lịch sử với người dân Việt trong nước, bạn nên giúp đỡ họ trong tinh thần một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Và đó cũng là cách bạn tự giúp lấy mình.

Người dân Việt trong nước không có hoàn toàn tự do để ký thư ngỏ on-line vì nhóm cầm quyền ngăn chận dân vào các trang mạng tự do. Đó là không kể phần lớn dân không có phương tiện lên mạng để biết đến chiến dịch này.

10. Tôi không muốn lôi thôi rắc rối với pháp luật sau này.

Trả lời: Lá thư ngỏ không phải là một văn kiện pháp lý, và việc bạn ký on-line không có một giá trị pháp lý, và do đó không ai có thể gây khó khăn trong vấn đề pháp luật với bạn. 

11. Tôi đang ở Việt Nam. Tôi không muốn an ninh cộng sản tìm ra tôi đã ký thư ngỏ và làm khó dễ hoặc quấy phá tôi.

Trả lời: Không cách chi mà an ninh cộng sản làm được chuyện đó. Trang mạng Change.org là một trang mạng chuyên về petitions cho thường dân có uy tín ở Hoa Kỳ. Nếu bạn không ghi danh (register) và tiết lộ các chi tiết cá nhân, thì sẽ không có gì về bạn để tiết lộ. Ngoài ra, bạn không cần phải tiết lộ những chi tiết cá nhân khi ký thư ngỏ. Bạn có thể tạo e-mail chỉ để dùng cho việc ký thư ngỏ và sau đó bạn không dùng đến nó nữa. Bạn chỉ cần ghi tên và nơi cư trú. Ở Việt Nam, bạn chỉ cân ghi tên thành phố và tỉnh. Ngoài ra, cho dù an ninh cộng sản biết bạn ký thư ngỏ, họ làm gì được bạn? Họ có thể bắt hết được hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người khác không? Đã có hàng trăm hàng ngàn người viết thư ngỏ với dữ kiện tin tức cá nhân công khai trước đây, mà có ai hề hấn gì đâu. Nhóm cầm quyền cộng sản tuy ngu, nhưng không ngu đến độ phí thì giờ và tiền bạc, trả lương cho lũ công an đi sách nhiễu những người chỉ ký tên trên một lá thư ngỏ xác nhận những gì mà chính họ vẫn thường rêu rao.

12. Tôi hiện đang ở Hoa Kỳ. Tôi không sợ an ninh cộng sản làm khó dễ cho dù chúng có điều tra tôi là ai. Nhưng tôi lo sợ chuyện còn ghê gớm hơn. Đó là những chi tiết riêng tư, và e-mail hoặc địa chỉ của tôi có thể bị bán, trao đổi, hoặc chia sẻ với các công ty để họ gởi quảng cáo và làm phiền tôi.

Trả lời: Bạn hãy đọc chính sách về quyền riêng tư (Privacy Policy) ở trang mạng Change.org. Nếu bạn không ghi danh và tạo một trương mục hoặc hồ sơ với Change.org, thì sẽ không có chi tiết riêng tư nào có thể bị tiết lộ. Ngoài ra, bạn có thể tạo e-mail chỉ để dùng cho việc ký thư ngỏ và sau đó bạn không dùng đến nó nữa. Bạn chỉ cần ghi tên và nơi cư trú. Ở Hoa Kỳ, tuy trang mạng ghi là "Địa chỉ đường" (Street address), bạn không cần cho biết chính xác địa chì mà chỉ cần ghi thành phố/ tiểu bang.

13. Tôi không muốn tiết lộ tên của tôi, nhưng trang mạng Change.org không cho phép tôi ký nặc danh.

Trả lời: Trang mạng Change.org không cho lựa chọn ký nặc danh hoặc ẩn danh, nhưng họ có cho bạn lựa chọn hiển thị chữ ký bạn trên trang mạng Change.org bằng cách bấm vào ô vuông bên cạnh hàng chữ "Display my signature on Change.org" (Hiển thị chữ ký của tôi trên Change.org). Nếu bạn không muốn chữ ký bạn (tên và nơi ở) dược hiển thị thì bạn để ô vuông đó trống trơn.

14. Tôi sống ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài và tôi không phải là "người dân Việt Nam" trong khi thư ngỏ viết rõ là "Chúng tôi, những người dân Việt Nam." 

Trả lời: Bản tiếng Việt viết là vậy, nhưng bản tiếng Anh ghi rõ "Vietnamese citizens and those of Vietnamese origin living abroad" (công dân Việt Nam và những người gốc Việt sống hải ngoại). Như trình bày ở trên, lá thư ngỏ không phải là một văn kiện pháp lý và không có những đòi hỏi chính xác đúng luật.

15. Tôi tiên đoán chuyện này sẽ chẳng đi tới đâu khi đã mười hai ngày rồi mà chỉ mới có gần 8.500 người ký, khác hẳn với kỳ petition gửi tới Tòa Bạch Ốc năm 2012.

Trả lời: Chiến dịch mới chỉ bắt đầu mười hai ngày trước. Vẫn còn có rất nhiều người chưa biết đến chiến dịch này. Cần phải có thời gian cho mọi người truyền bá tin tức qua e-mails, facebook, tin nhắn trên điện thoại, v.v...

Bạn không thể so sánh việc ký thư ngỏ này với các vụ gởi petition trước đây vì có nhiều khác biệt căn bản. Trước hế̉t, chuyện gởi petition lên Tòa Bạch Ốc năm 2012 là kinh nghiệm đầu tiên của NVHN có tiếng nói thẳng đến Tòa Bạch Ốc nên có nhiều kỳ vọng cao, nhất là với những người cư trú tại Hoa Kỳ. Thứ nhì, petition gửi tới Tòa Bạch Ốc dùng kỹ thuật ký trên mạng do Tòa Bạch Ốc tạo ra. Kỹ thuật này cho tên và thành phố của người ký được công bố trên trang mạng một cách liên tục và cập nhật hóa vào thời gian đang xảy ra. Trước khi ký, mọi người có thể coi danh sách những người đã ký, với tên và nơi họ cư ngụ. Khung cảnh đó tạo ra một niềm hăng hái, thích thú, và kích động cho mọi người. Do đó mọi người tham gia tích cực và hãnh diện khi thấy tên mình được hiển thị cùng với các người ký khác như là "đồng đội." Tinh thần "đồng đội" đó kích động mọi người, và người này truyền bá đến người kia, tạo ra một sự lan rộng nhanh chóng. Ngược lại, trang mạng Change.org không cho mọi người thấy tên và thành phố của người ký. Vì không thấy tên và thành phố của những người ký khác, người ta có khuynh hướng dè dặt vì không biết chi tiết của mình sẽ được ghi nhận thế nào.

Bạn không cần phải nhìn thấy tên và thành phố của những người đã ký để có động cơ thúc đẩy bạn ký. Thể thức ký rất đơn giản. Sau khi bạn ký xong, trang mạng Change.org sẽ gởi một e-mail tới địa chỉ e-mail bạn dùng như là xác nhận chữ ký của bạn đã được nhận. Bạn không cần phải trả lời e-mail đó.

16. Khẩu hiệu "We Are One" nghe không hay, nếu không muốn nói là chủ bại, vì nó phát âm giống hệt như "We Are Won" (mặc dù nhiều người Việt phát âm hai chữ “One” và “Won” khác nhau), nghĩa là chúng ta "bị người khác thắng" tức là chúng ta bại trận.

Trả lời: Bạn nói đúng. "One" và "Won" phát âm giống hệt nhau, theo như tất cả mọi tự điển và tất cả người nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên bạn không thể để cách phát âm của một khẩu hiệu ảnh hưởng ý nghĩa chính của nó. Ngoài ra, cho dù khẩu hiệu đó nghe giống hệt như "We Are Won" câu đó còn thiếu vì đó là thể thụ động, cần có "by what? by whom?" theo sau. Khi câu đó được đầy đủ, ý nghĩa mới được rõ rệt. Bạn có thể thêm nhóm chữ nào theo ý bạn để diễn tả ý tưởng trọn vẹn. Thí dụ, câu "We are won by One" là tên một bài hát, nhóm âm nhạc, hoặc một khẩu hiệu ca ngợi Chúa Giê-su của Cơ đốc giáo.

17. Tôi chỉ là một người trẻ chưa tới hai mươi sống tại Việt Nam. Tôi biết gì về chính trị mà ký thư ngỏ?

Trả lời: Từ ngữ "chính trị" đã bị cộng sản "cộng sản hóa" khiến nó trở thành một từ ngữ nghe có vẻ dữ dội lắm, dính líu đến quốc gia và cơ cấu chính quyền. Thực ra, "chính trị" là từ ngữ có ý nghĩa rộng rãi hơn: "chính trị" là hành động trực tiếp hay gián tiếp tạo ảnh hưởng đến người khác, hoặc gây quyền lực trong một nhóm, cộng đồng, hoặc quốc gia (Wikipedia 2015). Nếu bạn có bạn bè trong trường, và bạn cố lôi kéo hai ba người về phe bạn trong một quyết định đi chơi cuối tuần, đó là một hành động chính trị. Do đó, hầu như mọi hành động tương tác với mọi người trong xã hội ít nhiều có màu sắc chính trị. Ở tuổi hai mươi, sống trong xã hội và học đường, chắc chắn bạn đã có nhiều kinh nghiệm về chính trị mà có thể bạn không biết. Ký lá thư ngỏ trong chiến dịch nhân quyền này là một hành động chính trị không khác gì chuyện bạn rỉ tai bạn mình để thuyết phục họ đi chơi ở Cần Thơ thay vì Nha Trang, hoặc hưởng ứng phong trào phản đối nhóm cầm quyền chặt đốn cây xanh trong thành phố.

18. Tôi đã hơn 80 tuổi, sắp xuống lỗ rồi. Ký làm chi cho mệt sức mà chẳng có lợi lộc gì cả.

Trả lời: Chính vì vậy mà bạn cần phải ký lẹ trước khi bạn xuống lỗ (*mỉm cười*). Đòi hỏi nhân quyền không hoàn toàn là đòi hỏi cho bạn, mà cho cả toàn dân Việt, hiện tại và trong tương lại, cho mọi thế hệ sau này.

19. Tôi thấy cái xác suất cho sự thành công của chiến dịch nhân quyền này không tới một phần ngàn, và tôi không muốn phí thì giờ.

Trả lời: Có nhiều việc người ta vẫn làm cho dù xác suất thành công rất nhỏ. Đó là vì kết quả của sự thành công, nếu xảy ra, rất to tát so với mức đầu tư vào chuyện đó khiến nhiều người bỏ qua cái xác suất thành công nhỏ nhoi. Thí dụ bạn biết xác suất bạn trúng độc đắc xổ số là một phần triệu, nhưng bạn vẫn hoan hỉ bỏ ra hai đồng mỗi tuần để mua vé số. Đó là vì số tiền bạn bỏ ra quá ít so với số tiền bạn có nếu bạn trúng số. Ở đây, bạn chỉ bỏ ra vỏn vẹn một phút mà kết quả nếu thành công sẽ thật là to tát, có ảnh hưởng đến cả một quốc gia và dân tộc với 90 triệu dân. 

20. Tôi thấy những hoạt động nhân quyền chỉ là một hình thức hóa trang cho những ý định đen tối nhằm phá hoại nhà nước và an ninh công cộng.

Trả lời: Có lẽ bạn bị nhồi sọ và tuyên truyền quá lâu nên không biết rằng đảng cộng sản Việt Nam và nhóm cầm quyền không đại diện cho nhà nước (quốc gia). Những hoạt động nhân quyền tại Việt Nam từ trước tới giờ hoản toàn ôn hòa và có trật tự, và không hề có vấn đề trong an ninh công cộng. Cho dù những hoạt động này được coi là "phá hoại," nếu nhóm cầm quyền bất tài, tàn bạo, ngu xuẩn, tham nhũng, và hèn hạ thì "phá hoại" họ là chuyện nên làm. 

Tại Hoa Kỳ (và hầu hết các quốc gia dân chủ tự do), mọi người dân có quyền "phá hoại" và "lật đổ" chính phủ hành pháp cứ mỗi bốn năm (hoặc hai năm hay sáu năm cho lập pháp). Nhóm cầm quyền cộng sản Việt Nam, xuất thân hoặc đào tạo trong môi trường khủng bố, giết hại dân lành, tưởng ai cũng như họ và quy gán những hoạt động ôn hòa là ngụy trang cho những hành động khủng bố bạo lực.

21. Tôi rất thù ghét cộng sản, nhưng tôi thấy chúng vững vàng và khó bị lay chuyển. Tôi chẳng thà cầu nguyện với Thượng Đế hoặc Trời Phật để mong mỏi đấng tối cao ra tay, chứ ký tên vào mấy lá thư ngỏ hoặc kiến nghị không ăn thua gì cả.

Trả lời: Bạn sai rồi. Cộng sản không vững vàng như bạn tưởng. Chính những đàn áp bắt bớ, huy động người phá phách các vụ bình thường như vụ tưởng niệm nạn nhân Gạc Ma gần đây cho thấy nhóm cầm quyền sợ hãi thế nào. Nếu bạn tin tưởng vào Thượng Đế hoặc Trời Phật thì bạn phải biết có những chuyện mà Thượng Đế hoặc Trời Phật đưa ra mà bạn không biết, biết đâu chính là Chiến Dịch Vận Động Nhân Quyền 2015 này. Bạn cần phải có một hành động cụ thể thay vì chỉ cầu nguyện không. Bạn không thể chỉ cầu nguyện Thượng Đế hoặc vái lạy Trời Phật cho bạn trúng số nếu bạn không đi mua vé số.

C. Kết Luận:

Bạn có thể có lý do hoặc nhiều lý do khác với những lý do trên cho việc tại sao bạn do dự ký hoặc quyết định không ký lá thư ngỏ. Tuy nhiên, tôi mong là bạn suy nghĩ thêm về những điểm trình bày trong phần trả lời trên, và đồng ý với tôi là bạn nên ký lá thư ngỏ càng sớm càng tốt. Không những thế, sau khi bạn ký, bạn nên kêu gọi người thân, bạn bè, đồng nghiệp, và bất cứ ai mà bạn biết, cùng tham gia ký lá thư ngỏ. Cái nỗ lực bạn bỏ ra quá nhỏ nhoi (chỉ độ một phút để ký) so với cái thành công của chiến dịch nếu mục tiêu được đạt hoặc vượt qua.

Nếu bạn đồng ý với nội dung thư ngỏ thì càng tốt. Nếu bạn không đồng ý hoàn toàn, bạn nên nghĩ đến các mục tiêu phụ thuộc, nhất là mục tiêu biểu dương sức mạnh đoàn kết của dân Việt cho nhóm cầm quyền cộng sản Việt Nam sáng mắt. Trong cả hai trường hợp, bạn cần ký lá thư ngỏ ngay tức khắc.

Tài liệu tham khảo:

nhanquyen2015. 2015a. Thư ngỏ gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các cơ chế nhân quyền quốc tế về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và chiến dịch Vận động Nhân quyền 2015. Đăng 11-3-2015.http://danlambaovn.blogspot.com/2015/03/thu-ngo-gui-hoi-ong-nhan-quyen-lien.html (truy cập 19-3-2015).

nhanquyen2015. 2015b. Lời kêu gọi tham gia Chiến Dịch Tranh Đấu cho Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền 2015. 13-3-2015.http://danlambaovn.blogspot.com/2015/03/loi-keu-goi-tham-gia-chien-dich-tranh.html (truy cập 19-3-2015).

nhanquyen2015. 2015c. Hướng dẫn ký tên ủng hộ Chiến dịch Vận Động Nhân Quyền 2015. 13-3-2015http://danlambaovn.blogspot.com/2015/03/huong-dan-ky-ten-ung-ho-chien-dich-van.html (truy cập 20-3-2015).

UN Women. Không rõ ngày. Letters and petitions. Không rõ ngày.http://www.endvawnow.org/en/articles/1296-letters-and-petitions.html?next=1297(truy cập 20-3-2015).

Whitehouse. 2012. Stop expanding trade with Vietnam at the expense of human rights. 2012. https://petitions.whitehouse.gov/petition/stop-expanding-trade-vietnam-expense-human-rights/53PQRDZH (truy cập 19-3-2015).

Wikipedia. 2015. Politics. Thay đổi chót: 8-3-2015.http://en.wikipedia.org/wiki/Politics (truy cập 20-3-2015).

© 2015 Cao-Đắc Tuấn





Một góc nhìn về Chiến dịch Tranh Đấu cho Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền 2015

Lê Nam Khoa (Danlambao) - Nếu có 100.000 chữ ký, nếu có 100 người tuyệt thực và hàng ngàn người tọa kháng, thắp nến... từ nhiều thành phố tại Việt Nam và trên thế giới... liệu chế độ độc tài có sụp đổ? Câu trả lời là KHÔNG. Nhưng tại sao đây là những việc phải làm?

1. Chúng ta thường chủ quan nghĩ rằng cả thế giới đương nhiên BIẾT rằng Việt Nam không có tự do, dân chủ, nhân quyền và 90 triệu người dân Việt đang bất mãn, không chấp nhận và chống lại tình trạng đó. Nhưng nếu bạn hỏi một người ngoại quốc, một nhân viên Liên Hiệp Quốc, một thành viên của tổ chức Nhân Quyền quốc tế là họ đã từng chứng kiến bao nhiêu người Việt Nam bày tỏ thái độ, thì câu trả lời là thực sự họ chứng kiến không nhiều người. Nếu muốn biết thì họ phải sinh hoạt và theo dõi lâu dài những trang blog, FB và những lời comments để có thể có được một cảm nhận nào đó về thái độ của người Việt Nam đối với nhà cầm quyền.

Một thư ngỏ qua đó nói lên những vấn nạn Việt Nam, những đòi hỏi tranh đấu với 100.000 chữ ký của người Việt là một bằng chứng về thái độ chính trị của chúng ta muốn trao cho thế giới.

2. Nhưng 100.000 chữ ký không dừng lại ở mục tiêu chỉ để chứng minh cho thế giới. Nó còn là cơ hội để tạo sự tham gia của người Việt ở mức độ thấp nhất trong công cuộc đấu tranh. Đó là chính danh bày tỏ lập trường và quan điểm. Nó cũng là tiến trình tạo nên số đông, đồng hành với nhau để làm nền tảng cho sự tham dự đông đảo ở mức độ đấu tranh cao hơn và khó khăn hơn. Nó cũng phương thức để các tổ chức, cá nhân hoạt động đo lường mức độ tham gia của quần chúng. Nếu huy động 100.000 chữ ký mà không thành công thì viễn ảnh có được 100.000 người xuống đường tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền sẽ còn rất xa, còn đòi hỏi nhiều công sức để thay đổi hiện trạng của khối đông quần chúng.

3. Nếu bước vận động chữ ký là bước duy nhất của một chiến dịch thì những tác động của kết quả sẽ bị giới hạn. Cùng lắm là Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQLHQ) và các tổ chức quốc tế nhận được một thông báo rồi họ cũng lờ đi. Nhưng nếu chúng ta nhìn 100.000 chữ ký, cộng thêm các hoạt động về thắp nến, tọa kháng, tuyệt thực... đồng khắp từ trong ra ngoài nước là thành quả của một phong trào mang tính "grass-root" và xem đó là "vốn liếng chính trị" để thành lập các phái đoàn đến tiếp xúc với HĐNQLHQ, các ĐSQ của các quốc gia thành viên đã cảnh báo VN trong các báo cáo UPR... thì nỗ lực tranh đấu của người Việt sẽ gia tăng trọng lượng và nâng cao áp suất.

4. Trong lời kêu gọi tham gia Chiến dịch Tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền 2015 của thành phần chủ xướng có viết rằng: "Chúng ta biết rõ những giới hạn của Liên Hiệp Quốc trong khả năng kiểm soát và chế tài các thành viên về những vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, bước đầu tiên của chiến dịch này là nhằm mở rộng lãnh vực hoạt động đến với quốc tế, buộc họ trở thành một thành phần trong tiến trình tranh đấu của người Việt Nam..." cho thấy những người khởi xướng chiến dịch đã "dùng" HĐNQLHQ như là một thành phần có liên quan, có một vị trí nằm trong bàn cờ tranh đấu của người Việt ngay từ đầu, buộc HĐNQLHQ phải quan tâm, thay vì như trong quá khứ là chỉ khi kết thúc một chiến dịch thì HĐNQLHQ mới nhận 1 thông tin về sự đàn áp (nếu có) và HĐNQLHQ nhận nó như là một thành phần bàng quan.

5. Việc thông báo trước mọi hoạt động tranh đấu đến với HĐNQLHQ ngay khi hội đồng này nhóm họp với sự tham dự của thành viên VN, và xác định trước hệ quả nhà nước VN đàn áp hay không đàn áp là một chiến thuật đặt nhà nước Việt Nam vào thế tiến thoái lưỡng nan và HĐNQLHQ phải quan sát xem thành viên VN của hội đồng phản ứng như thế nào. Trích lời kêu gọi:

"Nếu chúng tôi phải chịu bất kỳ sự ngược đãi, tấn công, đàn áp, tù đày, bắt đi mất tích v.v... nào do Nhà nước Việt Nam gây ra, thì đó là chỉ vì chúng tôi thực hiện các quyền tự do phát biểu và hội họp ôn hòa, và chúng tôi tha thiết yêu cầu quý vị xem sự việc này như là một minh chứng sống khác cho hành động tiếp tục vi phạm nhân quyền của Chính phủ Việt Nam. Đây là hành động không xứng đáng với tư cách của một nước thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc... Và vào thời điểm tái bầu cử nhiệm kỳ mới cho các thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam phải nhận được một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng bằng lá phiếu bất tín nhiệm của quý vị, rằng Nhà nước Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những vi phạm trắng trợn đối với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các công ước mà Việt Nam đã ký kết."

Nếu vì lá thư ngỏ cảnh báo trước của chúng tôi với thế giới tự do và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về chiến dịch nhân quyền 2015 mà Chính phủ Việt Nam biết kềm chế hành động trấn áp những cuộc tụ tập, những hành động tuyệt thực, thắp nến, phê bình chính phủ về những vấn đề mà xã hội quan tâm..., xin quý vị hãy xem hành động không đàn áp của Nhà nước Việt Nam là một minh xác mạnh mẽ về vai trò quan trọng và hiệu quả của các tổ chức nhân quyền quốc tế, các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc trong việc bảo vệ quyền con người tại các quốc gia độc tài..."

6. Toàn bộ những chiến thuật tạo số đông, đặt HĐNQLHQ trở thành đối tác của chiến dịch ngay từ đầu, các tổ chức Nhân Quyền, các quốc gia thành viên đã theo dõi, quan sát chiến dịch ngay từ lúc chiến dịch khởi động sẽ hỗ trợ cho những người hoạt động tại Việt Nam có thể hoạt động hữu hiệu hơn, an toàn hơn và nếu bị đàn áp thì nhà nước Việt Nam phải trả giá đắt với những tổn thất về hình ảnh cũng như quan hệ ngoại giao cho sự đàn áp đó.

7. Sau cùng, như kết luận của Lời Kêu Gọi: "Hãy cùng nhau chấm dứt tình trạng mong chờ người khác, tình trạng mỗi người tự giam cầm những khát vọng, ước mơ của mình bằng thái độ mong chờ người khác làm thay mình..." thì chiến dịch này sẽ giúp cho chúng ta thấy liệu có thể chấm dứt tình trạng tất cả đều ước mơ nhưng đa số đều "nhường" việc thực hiện ước mơ đó cho một thiểu số người khác hay không? Và nếu không, thì những lý do gì mà nhiều người dùng nó (những lý do) để không tham gia vào việc biến giấc mơ chung thành hiện thực? Có còn những cách nào khác để họ thay đổi thái độ, vị trí của một người đứng ngoài quan sát, xem người khác tranh đấu cho ước mơ của mình ra sao?

Nếu có 100.000 chữ ký, nếu có 100 người tuyệt thực và hàng ngàn người tọa kháng, thắp nến... từ nhiều thành phố tại Việt Nam và trên thế giới... liệu chế độ độc tài có sụp đổ? Câu trả lời là KHÔNG. Nhưng nó sẽ giúp ta đặt được một viên gạch làm nền tảng cho bước đi kế tiếp để mỗi lúc mỗi tiến gần đến mục tiêu sau cùng.


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen