Tháng Hai 13, 2105 Nhóm Văn Tuyển
Tháng
Tư sắp tới đây là kỷ niệm 40 năm ngày Sài Gòn thất thủ. Đây là khởi
điểm của làn sóng tị nạn cộng sản khi hàng triệu người dân miền nam
Việt Nam đã liều mạng sống vượt biên tìm tự do.
Đại
đa số những người nầy bỏ đất nước ra đi hầu như với hai bàn tay
trắng. Tài sản duy nhất phần lớn họ cùng mang theo chỉ là những kỷ
niệm của một khoảnh đời đã mất và đôi chút vốn liếng văn hóa nằm trong
tâm trí họ. Và hình ảnh lá cờ màu vàng ba sọc đỏ.
Những
người vượt biên nầy, trong đó có tôi, qua mấy thập niên nay đã xây
dựng lại cuộc đời mới trên quê hương thứ hai của họ. Những kỷ niệm của
khoảnh đời đã mất vẫn còn lảng vảng trong những giấc mơ gần sáng hay
ngậm ngùi giữa lúc trò chuyện với bạn bè xưa cũ. Chút vốn liếng văn
hóa mà họ mang theo vẫn còn được cố níu kéo, gìn giữ dưới hình thức
những phong tục, tập quán trong cuộc sống hàng ngày hay các dịp lễ
hội, đình đám. Điều quan trọng nhất, đối với tôi, là lá cờ vàng ba sọc
đỏ cho đến ngày nay vẫn còn là lá cờ duy nhất được công nhận và tôn
trọng bởi các cộng đồng người Việt tự do tại tất cả các quốc gia họ đã
định cư.
Tuy nhiên, hiện tượng nầy có thể sẽ không tồn tại mãi mãi.
Ngày
nay nếu bạn hỏi bất cứ người bản xứ nào tại nơi bạn đang sinh sống,
“lá cờ của Việt Nam là gì?” thì, nếu họ biết, câu trả lời sẽ là “cờ đỏ
sao vàng”. Chắc chắn nhiều phụ huynh học sinh trong chúng ta đã từng
có dịp vào thăm viếng trường học của con em mình và thấy nếu họ có
treo cờ của các quốc gia trên thế giới thì trong số đó sẽ có lá cờ đỏ
sao vàng bên trên chữ “Vietnam”.
Đó
là vì trên chính trường quốc tế, trong tất cả các sách vở hay báo
chí, lá cờ đỏ sao vàng là lá cờ chính thức và hợp pháp của cái quốc
gia Việt Nam hình chữ S nằm ở một góc đông nam của Á Châu. Chúng ta
không thể thay đổi sự kiện nầy.
Nhiệm
vụ của những người Việt Nam tự do ở hải ngoại chúng ta là phải tìm
cách giải thích với những người bạn bản xứ của mình, hay với trường
học của con em mình rằng sự hiện diện của lá cờ đỏ sao vàng ở những
nơi công cộng sẽ mang đến một phản cảm không nhỏ trong cộng đồng người
Việt tị nạn cộng sản tại địa phương. Chúng ta cần phải giải thích với
họ rằng chỉ có lá cờ vàng ba sọc đỏ là được nhìn nhận và tôn trọng
trong các cộng đồng nầy. Chúng ta có thể yêu cầu các cơ sở nầy đừng
trưng bày lá cờ đỏ sao vàng nữa. Họ có thể cảm thông và hưởng ứng. Họ
cũng có thể không quan tâm đến lời yêu cầu của chúng ta và tiếp tục
trưng bày lá cờ đỏ. Chúng ta không thể làm gì khác hơn lắm được.
Tuy nhiên những việc trên không phải là chuyện lo ngại chính của tôi.
Trong
khoảng 10 năm gần đây, hiện tượng tư sản đỏ từ Việt Nam chuyển vận
tiền của ra nước ngoài để tẩu tán tài sản xảy ra ngày càng lan tràn và
rõ rệt. Họ thành lập nhiều công ty đứng tên bởi bạn bè, con cháu họ
để tậu mua bất động sản ở những quốc gia Tây Phương được xem là “an
toàn”. Vì công ty nầy làm chủ công ty nọ nhiều tầng lớp chồng chất lên
nhau nên họ sẽ không bao giờ có tên tuổi dính líu đến các tài sản nầy.
Những bất động sản trị giá hàng chục triệu mỹ kim mỗi cái được mua
bằng cách chuyển dịch “tiền mặt” trực tiếp, nghĩa là không cần vay
mượn qua bất cứ ngân hàng nào. Điều lo ngại chính của tôi là việc các
đại tư sản đỏ nầy tậu mua những cơ sở thương mãi, những tiệm buôn,
những khách sạn, v.v. ở các khu buôn bán lớn trong cộng đồng người
Việt tự do.
Tôi không có dữ liệu chắc
chắn để khẳng định bao nhiêu cơ sở thương mãi dạng nầy đã bị tậu mua
bởi các đại tư bản đỏ Việt Nam. Tuy nhiên chỉ cần quen biết mật thiết
đôi chút với những dịch vụ mua bán bất động sản địa phương thì chúng
ta có thể được cho biết về “rất nhiều người từ Việt Nam qua đây mua
bất động sản” kể cả những bất động sản nào, cũng như giá trị của
chúng, trong những năm gần đây.
Và nếu
tinh ý một chút là chúng ta cũng có thể nhận thấy trong vài năm gần
đây một số lớn các cơ sở buôn bán nầy đã thay đổi người điều hành.
Những người đứng bán ở nhiều cửa hàng trong các khu thương mại lớn
Việt Nam đều là những khuôn mặt mới. Và họ nói chuyện với một loại
tiếng miền Bắc cao vút mà nhiều người trong nam sau nầy gọi là “giọng
Bắc Kỳ 75”.
Điều nầy có liên quan gì đến sự tồn vong của lá cờ vàng ba sọc đỏ trên những quê hương thứ hai của chúng ta?
Hiện
giờ thì không có gì đáng nói cả. Hiện giờ thì số lượng cơ sở thương
mãi nằm trong tay tư sản đỏ Việt Nam tuy đã có nhiều thật nhưng vẫn
chưa đủ để có chuyện gì nổi bật xảy ra. Tuy nhiên với đà bành trướng
mạnh mẽ hiện giờ thì không bao lâu sau nhiều khu thương mại chính
trong những khu vực người Việt sẽ hoàn toàn thuộc về sở hữu của các
cán bộ cao cấp trong chính quyền Việt Nam hiện hành. (Có người cho
rằng hiện nay khoảng phân nửa những đất đai và hạ từng cơ sở trong
khu Little Saigon ở Los Angeles đã thuộc về dạng nầy. Tôi không biết
con số nầy chính xác bao nhiêu, tuy nhiên ngay cả nếu thay vì ½ mà chỉ
là ¼ đi nữa thì đó cũng là một điều đáng lo nghĩ).
Có
nhiều quán xá, tiệm tùng trong các khu thương mại Việt Nam lúc sau
nầy không bao giờ thấy treo cờ vàng ba sọc đỏ trong những ngày lễ hội
nữa. Vì đây là một việc tự nguyện, và chúng ta đang cư ngụ ở những
nước tự do, nên nhiều người không để tâm đến điều trên. Tuy nhiên, tôi
không khỏi có nhận xét rằng các tiệm quán nầy đồng thời cũng thường
là các tiệm quán của những người có “giọng Bắc Kỳ 75”.
Điều
nầy cũng không khó hiểu lắm. Ngay cả nếu những người di dân từ miền
Bắc sau 1975 qua đến đây chỉ với mục đích làm ăn buôn bán mà thôi đi
nữa thì phần đông họ vẫn có ít nhiều ngượng ngùng sẵn với lá cờ vàng
ba sọc đỏ. Đó là vì từ nhỏ họ đã được nhồi nắn vào đầu rằng nó là lá cờ
của “bọn Ngụy tàn ác”. Cho nên sẽ có những người tự ý không treo cờ
vàng trong những ngày lễ hội. Nhưng cũng có thể có những người được
chủ phố “bỏ nhỏ” là đừng treo cờ vàng (và họ cũng sẽ chẳng có gì để
bất đồng ý về lời đề nghị đó cả).
Tôi
ước đoán một ngày nào đó không xa, con số những quán xá, tiệm tùng
không treo cờ vàng ba sọc đỏ sẽ chiếm đa số trong các khu thương mãi
trên. Và không lâu sau đó, khi nhiều đủ các khu phố chính yếu đã nằm
trong tay bọn đại tư sản đỏ Việt Nam, chúng ta sẽ bắt đầu thấy lá cờ
đỏ sao vàng dần dần xuất hiện.
Sẽ có
những người Việt Nam tự do lên tiếng chống đối về việc nầy. Sẽ có
những buổi biểu tình bày tỏ lòng phẩn nộ, v.v. về việc các khu phố đó
treo cờ đỏ sao vàng. Tuy nhiên chủ nhân của những khu phố thương mại to
lớn trên lúc đó sẽ không những có thế lực tiền của mà cả luật pháp
đứng bên phe họ nữa. Trên mặt pháp lý, họ không vi phạm luật lệ gì
cả. Trưng bày một lá cờ được quốc tế chính thức công nhận không có gì
là phạm pháp. Những người phản đối sẽ không làm gì được họ cả. Những
người phản đối nếu không khéo có khi lại còn vô tình trở thành những
người phạm luật nữa.
Những cuộc biểu
tình rồi dần dần cũng sẽ thưa thớt và tàn lụn. Những sự chống đối rồi
dần dần cũng bị quên lãng đi. Người dân, bất kể chủng tộc nào, nói
chung có tính dễ quên. Cộng thêm vào đó là một phần không nhỏ những
người Việt Nam ở hải ngoại mang quan điểm “tôi chỉ làm ăn sinh sống
bình thường chớ không muốn dính dáng đến chính trị”. Với cách suy nghĩ
đó, những người nầy sẽ vẫn tiếp tục sinh hoạt buôn bán như thường lệ
trong các khu phố xá, các khu thương mại có treo cờ đỏ sao vàng. Số
cờ vàng ba sọc đỏ sẽ ngày càng ít đi, nếu không nói là sẽ biến mất
hoàn toàn trong những khu phố chợ nầy. Nếu chủ phố ủng hộ, khuyến khích
treo cờ đỏ và đề nghị, khuyên nhủ đừng treo cờ vàng thì phần đông
những người mướn phố sẽ nghe theo. Với tài lực dồi dào như các đại tư
sản đỏ thì họ sẽ cho mướn phố rẻ hơn những nơi khác để thu hút nhiều
người mướn chỗ. Không khó lắm để tưởng tượng ra hình ảnh những khu
phố nầy treo đầy những lá cờ đỏ sao vàng từ trong ra ngoài.
Làm sao để tránh cảnh tượng nầy xảy ra?
Chúng
ta cần phải tích cực tạo ý thức và tạo thói quen cho mọi người về lá
cờ vàng ba sọc đỏ. Chúng ta cần phải giải thích với mọi người rằng tuy
nước Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa nhưng lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn
là biểu tượng của những người Việt Nam lưu vong từ khi họ bị mất nước.
Chúng ta cần phải tạo thói quen cho mọi người nhìn thấy lá cờ vàng ba
sọc đỏ bay phất phới tràn ngập mọi khu phố chợ Việt Nam trong những
dịp lễ hội. Chúng ta cần phải tỏ ra cho thấy rằng chỉ có nó là lá cờ
duy nhất được chấp nhận và được tôn trọng trên vùng đất tự do của
những người Việt tị nạn chúng ta.
Cụ thể chúng ta có thể làm gì?
Hầu
như ở mỗi thành phố lớn nào trong các quốc gia định cư đều có một tổ
chức mang tên Cộng Đồng Người Việt Tự Do, hay thường được gọi tắt là
“Cộng Đồng”. Cho đến nay, những tổ chức nầy được tham gia và điều hành
bởi những người có tâm huyết, nhiệt tình với việc gìn giữ chút văn
hóa còn lại của dân tị nạn chúng ta. Những người nầy đứng ở vị thế có
thể làm được rất nhiều trong việc bảo vệ sự sống còn cho lá cờ vàng.
Thí
dụ như khi các Cộng Đồng tổ chức những hội chợ Tết Nguyên Đán ở địa
phương, họ cần phải chú trọng hơn nhiều đến việc phô trương lá cờ
vàng. Cờ vàng ở cổng chính, cờ vàng ở lối vào bãi đậu xe, cờ vàng trên
sân khấu. Và điều quan trọng nhất là mỗi gian hàng tham gia đều cần
phải treo cờ vàng. Cờ vàng ba sọc đỏ phải cần bay rợp trong ngoài ở
những buổi lễ hội tổ chức bởi người Việt Nam Tự Do Hải Ngoại. Đó là
hình ảnh chúng ta cần phải biểu hiện mạnh mẽ không những cho người địa
phương mà còn cho cả những người Việt Nam mới gia nhập cộng đồng
chúng ta sau nầy thấy rõ chúng ta là ai và nguồn gốc của chúng ta là
gì.
Tại nơi tôi cư ngụ những năm gần
đây, tôi nhận thấy nhiều gian hàng ở hội chợ Tết không treo cờ vàng.
Tôi hỏi thăm người bán hàng tại sao thì họ nói “không có ai nói đến
chuyện đó cả”. Khi tôi hỏi ban tổ chức thì họ bảo “có nói chớ nhưng
chắc người ta bận nên không treo cờ”. Không ai có vẻ thật sự quan tâm
lắm về việc nầy vì ban tổ chức cũng đang rối rắm về nhiều việc khác.
Theo
tôi thì Cộng Đồng nên giao kết trước điều kiện với những người muốn
mở gian hàng ở hội chợ Tết là gian hàng của họ phải có treo một lá cờ
vàng. Đồng thời Cộng Đồng cũng cần đầu tư một số tiền nhỏ mua vài
mươi cây cờ vàng kích thước trung bình để dành ở đó sẵn. Trong ngày
hội chợ nếu gian hàng nào viện lý do “bận quá nên quên mua cờ” thì ban
tổ chức sẽ đem đến cho họ mượn ngay một cây, và cắm nó luôn giùm lên
trước cửa hàng của họ.
Thí dụ như khi
sắp đến những dịp lễ lớn như ngày quốc hận 30 tháng Tư, Cộng Đồng nên
tích cực đi đến từng cửa tiệm, quán ăn, ngân hàng, nhà thuốc, v.v.
của người Việt nằm ở mặt tiền của những khu thương mãi lớn để đề nghị
và nhắc nhở họ về việc treo cờ. Nếu đến ngày đó mà cửa hàng nào không
có cờ treo thì đại diện Cộng Đồng có thể đem đến cho họ “mượn” và cắm
giùm luôn cho họ một cây cờ trước cửa họ. Một chút khéo léo và nhẫn
nại trong việc thuyết phục thường sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp trong vấn
đề nầy.
Chúng ta cần phải tích cực
làm đủ mọi cách, trong bất cứ dịp nào có thể, để phô trương lá cờ vàng
của chúng ta và ngăn cản mọi cơ hội để lá cờ đỏ có thể xuất hiện
trong địa phương chúng ta.Thỉnh thoảng chúng ta thấy một vài người Tây
phương mặc những áo thun hay đội nón kết mang hình cờ đỏ sao vàng đi
dạo ngoài phố Việt. Những người nầy thường là đã du lịch qua Việt Nam
và họ mua những áo thun, những nón kết dạng nầy về làm quà kỷ niệm. Họ
thường không có khái niệm chính trị gì về hình ảnh cờ đỏ sao vàng mà
họ đang mặc cả. Đã có vài lần tôi bước đến ngõ lời trò chuyện với
những người nầy và giải thích cho họ hiểu rằng họ đang vô tình gây ra
những phản cảm không cần thiết khi đi dạo giữa khu phố Việt Nam với
các áo, nón như thế. Tôi luôn luôn dùng lời lẽ nhã nhặn và thân thiện
nhất nên tôi chưa bao giờ gặp phản ứng gì không hay cả. Họ có bao giờ
mặc những áo, nón đó trở lại các khu phố Việt Nam nữa hay không thì tôi
không biết, tuy nhiên tôi biết rằng ít nhất tôi đã cho họ một chút ý
thức về chuyện nầy.
Bốn mươi
năm xưa chúng ta đã mất cái quê hương của ông bà tổ tiên truyền lại.
Tuy nhiên những người Việt tị nạn cộng sản chúng ta ngày nay có một
quê hương thứ hai nằm rải rác trên toàn khắp địa cầu. Đây là xứ sở
của chúng ta những người Việt lưu vong. Đây là quê hương của những thế
hệ con cháu sau nầy của chúng ta. Lá cờ vàng ba sọc đỏ là một biểu
tượng chính xác và sắc bén nhất cho người Việt tự do ở hải ngoại. Nó
nhắc nhở chúng ta và mọi người nhớ vì lý do gì chúng ta có mặt ở đây.
Chính quyền cộng sản Việt Nam không muốn thấy những cộng đồng người
Việt tị nạn hải ngoại có tiếng nói và tên tuổi bên ngoài Việt Nam. Lá
cờ vàng của chúng ta là biểu tượng của tiếng nói và tên tuổi đó.
Đừng
để chính quyền Việt Nam thành công. Hãy cố làm mọi cách để màu cờ
vàng mãi mãi bay rợp trên quê hương thứ hai của chúng ta.
Nguyễn Nhân Trí
http://nguyennhantri.wix.com/tieuluan
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen