Montag, 9. März 2015

Lm An Thanh: Rất xúc động với đề nghị của Nghệ sĩ Kim Chi

alt
RadioCTM - Hoang Long@S:
LM Lê Ngọc Thanh

alt

RadioCTM: Trong những ngày qua Nghệ sĩ Kim Chi đã đề nghị chúng ta vào ngày 14-3 lúc 12 giờ trưa dành 2 phút tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong ba cuộc chiến chống Trung Quốc bảo vệ đất nước. Linh mục cảm nhận thế nào về đề nghị này của Nghệ sĩ Kim Chi ạ?

Lm. Lê Ngọc Thanh: Chúng tôi rất xúc động với đề nghị của Nghệ sĩ Kim Chi về việc ngày 14-3 mọi công dân Việt Nam, và nói chung, mọi người Việt Nam trên khắp thế giới nên dành vài phút để tưởng niệm những người đã hy sinh cho tổ quốc, bảo vệ biển đảo cũng như biên giới phía Bắc Việt Nam do Trung Quốc tấn công. Đây là một đề nghị đúng thời điểm, bởi vì thời điểm này theo tin tức chúng ta được biết thì Trung Quốc đã tiến thêm một bước nữa trong việc đã biến đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa trở thành sân bay. Và bắt đầu trở thành một căn cứ quân sự thật sự nguy hiểm cho sự an bình của đất nước Việt Nam.
Việc làm của Nghệ sĩ Kim Chi có tác động đánh thức những nhà cầm quyền về sự lơ là của họ hay sự cố tình bỏ quên những người đã hy sinh, và như vậy cũng đang trong tình trạng thờ ơ với nguy cơ ngoại xâm của đất nước. Cho nên trước tiên tôi minh danh cá nhân của mình và những người cùng tranh đấu với tôi cám ơn đề nghị chân thành và thật đặc biệt này của Nghệ sĩ Kim Chi.

Điều thứ hai tôi suy nghĩ đến khi nghe Nghệ sĩ Kim Chi đề nghị điều này, đó là, Nghệ sĩ Kim Chi một thời gian dài trước đây người ta chỉ biết đến bà trong nghệ danh và với tư cách là một nghệ sĩ cũng như đạo diễn. Nhưng từ hơn một năm nay thì người ta bắt đầu biết đến bà với tư cách là một người quan tâm đến tổ quốc một cách cụ thể, đó là quan tâm đến tự do ngôn luận; quan tâm đến quyền con người; và đặc biệt ngày hôm nay bà diễn tả sự quan tâm rõ ràng của mình hơn đối với những người đã hy sinh cho tổ quốc.

Điều này lẽ ra mọi công dân Việt Nam đều phải nhớ và đều phải làm và mọi cán bộ viên chức của nhà nước cũng đều phải làm điều này. Bởi vì chính vì sự hy sinh của đồng bào của các chiến sĩ, của các người đã hy sinh đó đã làm cho đất nước này tạm được cái sự an bình đó.
Đề nghị của Nghệ sĩ Kim Chi làm cho tôi thay đổi rất nhiều [cái nhìn] về giới nghệ sĩ hiện nay. Nếu một Nghệ sĩ Kim Chi đã được như vậy rồi thì bây giờ nếu có được khoảng 100 nghệ sĩ Kim Chi khác cũng có tâm tình như vậy, thì tôi biết chắc chắn rằng sự đánh động công chúng và đánh động kể cả nhà cầm quyền sẽ mạnh thêm rất nhiều. Hy vọng những người bạn của Nghệ sĩ Kim Chi cũng ý thức được điều này và góp sức mạnh của mình cho quê hương đất nước.

Điều thứ ba tôi muốn chia sẻ trong đề nghị của Nghệ sĩ Kim Chi, đó là trách nhiệm của công dân. Mỗi công dân đều có bổn phận đối với quốc gia, tổ quốc của mình. Và khi mình chưa thể đổ máu, hoặc không thể đổ máu, hoặc không dám đổ máu để bảo vệ đất nước mà những anh chị em khác của mình đã đổ ra để bảo vệ đất nước của mình, thì lúc này mình phải tỏ lòng tri ân, phải tỏ lòng cám ơn, ghi ơn họ bởi vì đó là trách nhiệm phải làm, vì chính họ đã làm thay cho mình. Mình phải thể hiện một cái gì đó, một cách thức nào đó mà mình thấy phù hợp nhất chứ không thể thờ ơ.

Đúng ra nhà cầm quyền với hệ thống truyền thông đã phải cổ động những việc này, nhưng không may là đến thời điểm này điều đó không được cổ động. Và thậm chí những nhóm công dân ý thức điều đó thực hiện những dịp tưởng niệm, như ở Hà Nội, ở Sài Gòn trong dịp 17-2 vừa qua cũng đã không được thực hiện thật sự trang trọng theo đúng ý nghĩa mình mong muốn như chúng ta đã thấy. Nếu vì một lý do ngoại giao nào đó với Trung Quốc mà họ không dám, thì họ cần phải yểm trợ cho những nhóm công dân để họ thể hiện lòng tri ân của mình như tại Hà Nội, tại Sài Gòn vào ngày 17-2 vừa qua. Những công dân đó họ rất tha thiết với những người đã hy sinh, nhưng họ lại không được cử hành sự tưởng niệm một cách trang trọng nhất, một cách chân thành nhất để giáo dục lòng yêu nước và giáo dục nhân bản cho các công dân nhỏ tuổi, mà ngược lại công an bố ráp, công an canh me như thể là cứ đe dọa tấn công họ bất cứ lúc nào.
Chúng ta nhớ rằng trên thế giới Phát xít Đức ở Thế chiến thứ 2 đã gây rất nhiều đau khổ cho nhiều nước, đặc biệt là người Do Thái. Và cái đó là một cái vết nhơ, nhưng ngày hôm nay chính nước Đức cũng liên kết với các nước trên thế giới vẫn kỷ niệm ngày tàn sát của Phát xít Đức, mặc dù người Đức vẫn đóng góp cho cộng đồng thế giới về tài chánh và văn hóa sau Thế chiến 2 rất nhiều; và hiện nay [đóng góp] rất đáng kể tại Âu Châu. Vấn đề là người ta dám nhìn lại quá khứ để hiểu rõ giá trị của nó để xây dựng nhân cách cho dân tộc của mình. Nhà cầm quyền cộng sản thì không dám làm điều đó. Đó là điều thật sự không nên chút nào đối với tư cách một nhà cầm quyền.

RadioCTM: Ông có nghĩ rằng đối với những người đang phục vụ trong QĐND ngày hôm nay, chính họ cũng phải tưởng niệm những người đồng đội của họ đã bỏ mình, nhất là trong cuộc chiến biên giới vào năm 1979?

Lm. Lê Ngọc Thanh: Tôi nghĩ rất cần, cần lắm. Các anh bộ đội, các chú bộ đội, các quân nhân hiện nay cần phải dành một vài phút để tưởng niệm cho những đàn anh của mình đã hy sinh cho đất nước. Việc tưởng niệm đó vừa giúp cho mình nâng cao tinh thần yêu nước và trách nhiệm của mình. Và đặc biệt hơn, nó giúp cho mình nhớ rằng: sau này đến một ngày nào đó khi mình lâm trận bảo vệ tổ quốc và hy sinh, thì đàn em của mình, những người công dân khác không trực tiếp tham chiến họ vẫn biết ơn mình. Họ thắp cho mình một nén nhang, họ dâng cho mình một lời cầu nguyện để rồi ở một nơi nào đó ở thế giới bên kia mình được an ủi, được nâng đỡ và được vượt qua. Chắc chắn tất cả các quân nhân đều ước ao điều đó.

Vậy thì ngay lúc này, với lời mời gọi của Nghệ sĩ Kim Chi này, thì hơn ai hết, các quân nhân cần phải làm điều đó. Nhưng tất nhiên, làm thế nào thì tùy theo qui định. Điều thứ hai trong việc này, là khi các quân nhân dám tìm nhau thực hiện điều này thì chính các quân nhân nói với các cấp lãnh đạo của mình và những người lãnh đạo cấp cao hơn rằng, chúng tôi cần cái điều này; không chỉ cho đàn anh của chúng tôi mà cho chúng tôi trong tương lai. Nên càng cần phải làm hơn những người bình thường để nhắc nhớ và yêu cầu nhà cầm quyền phải ghi ơn, phải tri ơn những người lính đã đổ xương máu mình cho tổ quốc.

Tôi nghĩ rằng Nghệ sĩ Kim Chi rất mong muốn thấy đề nghị của mình được nhiều người đáp ứng, được nhiều người hưởng ứng; thì đó là một việc làm rất tốt, rất chân thành và nó mang tính xây dựng giá trị con người Việt Nam rất cao.

Chúng tôi nhớ vào năm 1979 hoặc 1988 khi biến cố Trung Quốc xâm chiếm biên giới và quần đảo Trường Sa thì những bài hát "bọn bành trướng Trung Quốc hãy cút ra khỏi Việt Nam ngay" được ào ào hát để nâng cao tinh thần. Nhưng bây giờ thì những người Việt Nam biểu lộ lòng yêu nước của mình lên tiếng phản đối Trung Quốc thì bắt đầu bị bắt tù, rồi bị đánh đập. Do đó phong trào nó là một cái bánh vẽ, một sự lừa đảo dân, nên người dân Việt Nam rất ngán ngẩm đối với phong trào. Họ không còn hứng thú với phong trào, nhất là những phong trào theo kiểu đó.  

Nên tôi nghĩ rằng điều quan trọng hơn nữa là làm sao chuyển tải lời mời gọi của Nghệ sĩ Kim Chi đến với từng người và sâu hơn để đánh thức mọi người, để mọi người thấy rằng mình có quyền, và mình dám vượt qua sợ hãi để với tính cách cá nhân, tính cách cộng đồng mình tỏ lòng ghi ơn tưởng nhớ đến những người con Việt Nam đã hy sinh cho tổ quốc. Đó là điều cần làm và điều phải làm.

RadioCTM: Cám ơn Lm. Lê Ngọc Thanh.

Nguồn: RadioCTM

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen