Các ông Barack
Obama, Tập Cận Bình và Vladimir Putin gây ảnh hưởng lớn trong năm 2014
Năm 2014 khép lại ở
Anh Quốc bằng nhiều bảng 'phong thần' điểm mặt chỉ tên các nhân vật thắng
hoặc thua trong năm, gọi là 'the winners and losers of 2014'.
Nhưng nhiều người
trong giới chính trị Anh không quen thuộc với các bạn đọc của BBC ở Việt Nam
nên tôi xin chỉ nhắc đến ba nhân vật quốc tế là các ông Barack Obama, Tập
Cận Bình và Vladimir Putin.
Người được các nhà
bình luận tại Anh cho là đang thắng thế nhất trong năm 2014 không phải ai khác
mà là Chủ tịch Trung Quốc, còn người thua nhiều nhất lại chính là ông Putin.
Sức mạnh Obama
Tôi sẽ quay lại hai
vị này sau khi bàn qua về ông Obama vì có thể ông sẽ thăm Việt Nam vào một thời
điểm nào đó trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ, theo hy vọng của tân đại sứ
Ted Osius vừa sang Hà Nội nhậm chức.
Ông Obama có một
năm không hẳn thắng mà cũng chẳng thua.
Về đối nội, kinh tế
Mỹ khởi sắc, cải cách y tế của ông có thêm 10 triệu người đăng ký và dù có xung
đột sắc tộc, Hoa Kỳ vẫn là nước đi đầu trong nhóm quốc gia sáng tạo công
nghệ cao, biểu hiện bằng các đời iPhone mới lan ra thế giới.
Việc thay đổi cán
cân năng lượng khiến Mỹ bớt lệ thuộc vào các đại gia dầu lửa, và gián tiếp
góp phần làm ông Putin điêu đứng.
Về đối ngoại, đau đầu
nhất cho ông Obama hiện là IS và hồ sơ Iran nhưng phần ưu điểm có sự quyết
đoán ngăn chặn Ebola và cú ngoạn mục nối lại với Cuba, mở cơ hội ổn định toàn
vùng Tây Bán Cầu.
Trong cuộc trả lời
phỏng vấn cuối năm với đài NPR, ông Obama xác nhận sự thất vọng với chiêu 'cản
mũi kỳ đà' mọi nơi mọi lúc của phe Cộng Hòa nên ông cũng sẽ khỏi cần họ nữa.
Chính vì đảng của
ông đằng nào cũng thất cử giữa kỳ rồi và ông Obama cũng không còn phải lo tái
tranh cử nên nay rảnh tay làm những điều ông muốn mà vụ Cuba chỉ là một.
Có thể nói, vì yếu
mà ông Obama lại trở nên mạnh và ông báo trước sẽ dùng cây bút phủ quyết nhiều
hơn khi cần trong năm 2015.
Nhìn sang châu Á,
cán cân 50/50 cũng là đánh giá công bằng cho chính sách của Hoa Kỳ.
Ông Obama đối thoại
trực tiếp, thân thiện với lãnh đạo Trung Quốc nhưng không làm các đồng minh
truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc thua thiệt gì.
Chính sách xoay trục,
lúc mềm lúc cứng ở Biển Đông của Hoa Kỳ tuy không làm Trung Quốc rút hẳn đi
nhưng cũng ngưng đối đầu và khiến các nước ASEAN yên tâm hơn, và cả Manila với
Hà Nội đều được nhờ.
Ông Putin mở đầu năm
2014 bằng cuộc cờ Crimea khiến cả thế giới sửng sốt, và như chính lời ông
Obama thì ngay tại Washington không ít người Mỹ cho rằng nhà lãnh đạo trong
Kremlin là 'thiên tài'.
Ngay tại châu Âu,
không hiếm nhân vật phe thiên hữu ở cả Anh, Đức, Ba Lan ngưỡng mộ ông Putin
'bàn tay sắt' trước một EU mềm yếu.
Nhưng ông Putin kết
thúc một năm không phải là 'người hùng' mà là nhân vật bị cô lập, lên án tại
các khu vực của thế giới văn minh, bị cấm vận kinh tế tài chính, và bị giá dầu
sụt giảm cho cú đo ván.
Nói như Roger Boyes,
nhà bình luận kỳ cựu của The Times về Đông Âu, ông Putin không chỉ đốt luật
chơi sau Chiến tranh Lạnh mà còn liên tục đùa với lửa trong lúc cứ ngỡ mình
đang có các bước đi chiến lược.
Ông Tập giải quyế̉t
gọn khủng hoảng ở Hong Kong trong năm 2014
Trong bối cảnh đó,
người ta càng thấy ông Tập Cận Bình về nhất trong bộ ba.
Kinh tế Trung Cộng có chững lại nhưng đà tăng trưởng vẫn mạnh, và tác động của Nhân dân tệ ngày
càng lan tỏa ra khu vực châu Á, vào sâu châu Phi, Mỹ La Tinh.
Bắc Kinh còn thừa sức
mạnh để gợi ý giúp Moscow bằng cách tăng trao đổi thương mại bằng Nhân dân tệ
vì Nga bị kẹt khi tiêu USD và euro.
Nhưng điều làm giới
bình luận thán phục nhất là vị thế lên cao không ai hơn của ông Tập ngay tại
Trung Cộng.
Sau đợt thanh trừng
Bạc -Chu, có tin nói ông sẵn sàng nhắm tới cả những người tiền nhiệm mà vụ bắt
ông Lệnh Kế Hoạch, cựu bí thư của Hồ Cẩm Đào chỉ là món khai vị, theo Michael
Sheridan, nhà báo Anh viết từ Hong Kong.
Trong quân đội ông
cũng cho đi một loạt tướng tá và thay bằng người thân cận từ quân đoàn 31 ở
Phúc Kiến nơi ông từng làm bí thư.
Không chỉ cho xử Từ
Tài Hậu, ông Tập còn bổ nhiệm ông Miêu Hoa, người chưa bao giờ đi biển làm
chính ủy Hải quân Quân Giải phóng, chứng tỏ ở vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung
ương, ông đã hoàn toàn kiểm soát quân đội.
Như truyền thống của
các vị hoàng đế Trung Hoa xưa, lên cầm quyền là phải 'nội công, ngoại kích' để
xác lập vị thế, năm 2014, ông Tập không chỉ 'đả hổ diệt ruồi' trong nhà mà
còn ra tay đe Nhật Bản, ép Việt Nam, lấn Philippines.
Thậm chí ông còn lạnh
nhạt muốn 'cho đi' luôn cả Bắc Triều Tiên nếu Kim Jong-un cứ một mình một kiểu.
Với Trung Á và Ấn
Độ, Trung Cộng tiếp tục hai tuyến Con đường tơ lụa, một trên bộ, một trên
biển để vươn sang phía Tây và Nam như hai vành đai chiến lược.
Sau khi đã định hình
các nét lớn về đại cục với Mỹ, Nhật và EU, ông Tập Cận Bình nay đưa khu vực
'châu biên' thành ưu tiên số một, báo hiệu các chuyện trong vùng, liên quan
tới Việt Nam và ASEAN sẽ tiếp tục chịu tác động mạnh từ Trung Cộng trong năm
2015.
Ứng phó có khó khăn?
Trong hoàn cảnh đó,
Việt Nam cần lãnh đạo gì?
Là nước có gắn bó
sát sườn với cả ba quốc gia nói trên, Việt Nam bước vào thời điểm cần có sự
lãnh đạo vượt trội về chất lượng trị nước và về tầm nhìn.
Trung Cộng đang có
một nhà lãnh đạo rất mạnh, rất quyết đoán cả trong lẫn ngoài và với một
nhiệm kỳ còn khá lâu, ít nhất là 10 năm nữa.
Việt Nam lại vào cuối
nhiệm kỳ của một loạt vị lãnh đạo và đà của Đổi Mới, hội nhập đợt một đã hết.
Trong năm 2014, khi
thế giới bước vào những chuyển biến tầm thế kỷ, Việt Nam có dấu hiệu lúng
túng.
Ví dụ động thái lại
gần ông Putin không phải là sáng suốt vì vũ khí của Nga ai mua chẳng được và để
nâng quốc gia lên một đẳng cấp khác, Việt Nam cần EU hơn Nga.
Căn cứ vào học thuyết
quốc phòng vừa công bố, Nga trong những năm tới sẽ chỉ còn tập trung vào khu vực
Ukraine và châu Âu, Trung Á, không còn hơi sức đâu mà giúp Việt Nam.
Bản thân ông Putin
nhận định kinh tế Nga sẽ còn khó khăn trong hai năm tới nên tạm thời ta có thể
để mối quan hệ Nga - Việt vào một USB thay vì để trong ổ cứng.
Kinh tế điêu đứng
ông Putin thiên về các giải pháp quân sự
Từ phía bên kia Thái
Bình Dương, Hoa Kỳ thì đã có một chiến lược rõ rệt về Việt Nam và khu vực.
Cho tới nay người
Việt Nam cứ nghĩ 'Mỹ cần mình' theo kiểu lợi dụng vị trí địa chiến lược để co
kéo, mặc cả.
Đây là một tư duy hết
sức ngắn hạn.
Vì một khi Hoa Kỳ
đã có chiến lược tức là họ sẽ thực hiện bằng được chiến lược đó.
Có bạn tham gia thì
tốt, không có bạn người Mỹ vẫn thừa đủ thực lực và đồng minh thực hiện các mục
tiêu đã hoạch định.
Họ cũng hoàn toàn có
thể gạt bạn sang một bên để quyết cho nhanh.
Sau Thế Chiến II,
Anh Quốc, đồng minh hữu hiệu nhất của Hoa Kỳ tại châu Âu, có cách nhìn khác hẳn
về vùng Đông Âu, Balkans và Cận Đông nhưng Hoa Kỳ vẫn quyết theo ý riêng, tùy
vào quyền lợi lớn của họ.
Anh và Pháp 'ương bướng'
cho đến vụ kênh đào Suez là hết lực và đành chấp nhận nhường chỗ trọn vẹn cho
Mỹ trong các chính sách từ châu Âu sang tới Trung Đông, Hồng Hải.
Từ Thế Chiến I đ̣ến
nay tôi chưa thấy ở đâu Hoa Kỳ chưa đạt được mục tiêu chiến lược của họ và nước
Mỹ luôn không thiếu người sẵn sàng giúp.
Ngay trong chuyện
chuyển hướng với Cuba vừa qua, ai mà ngờ được đồng minh hữu hiệu nhất cho ông
Obama lại là Đức Giáo hoàng Francis.
Viễn kiến của Hoa Kỳ
cho khu vực và Việt Nam thì ai cũng đã thấy vì họ công khai nêu ra từ lâu.
Một bộ phận cán
bộ ở Việt Nam hiển nhiên luôn cho rằng Hoa Kỳ có ý muốn thay đổi chế độ ở Hà
Nội.
Tôi chưa nghe quan
chức cao cấp nào của Mỹ đáp lại điều này nên xin tạm lấy lời của Tổng thống
Obama nói về Iran để cùng chia sẻ cách nghĩ của người Mỹ về những ai ghét họ.
Theo ông Obama, có
những người bảo thủ ở Iran "vì đã đầu tư quyền lợi và tình cảm quá nhiều
vào chủ nghĩa bài Mỹ nên sự thay đổi, mở cửa ra với thế giới khiến họ run sợ"
và vì thế trong đàm phán hạt nhân cứ 'một bước tiến hai bước lùi'.
Hiển nhiên, Việt
Nam không phải là Iran mà thậm chí còn là đối tác toàn diện của Hoa Kỳ.
Tư duy đ̣ộc lập với
nước ngoài là điều tốt nhưng Việt Nam đã không ở vào vị thế trung lập mà còn
ký đối tác chiến lược với một loạt nước nên bài toán là làm sao vừa giữ vừa
xây và bỏ giáo điều để canh tân chứ không phải bị động, loay hoay giữa xung
đột của các bên.
Lấy ví dụ trước học
thuyết quân sự mới của ông Putin coi Nato là kẻ thù chính, mà Việt Nam lại là
đối tác chiến lược với cả Nga và một loạt nước Nato, thách thức ngoại giao sẽ
không đơn giản khi xung đột của họ gia tăng trong năm 2015.
Việt Nam ứng xử thế
nào với các diễn biến quốc tế?
Chính sách của ông
Tập Cận Bình với Việt Nam thế nào thì các lãnh đạo Trung Cộng sang thăm cũng
đã nói khá rõ.
Chỉ một chuyện mở
Viện Khổng tử thôi đã làm náo động các giới trong và ngoài nước cho thấy người
Việt Nam nói chung quá bị động và không có sự chuẩn bị để chơi với môộng nước
Trung Cộng đang vươn ra mạnh mẽ.
Quan hệ với Mỹ và
châu Âu thì trở thành cuộc kéo co về nhân quyền, bắt thả thả bắt, chẳng ra đâu
vào đâu cả.
Nếu có sang thăm
Việt Nam, như đã nói ở trên, vì không còn bị ràng buộc bởi Quốc Hội, ông
Obama không hề yếu mà là người ở vị thế rất mạnh, có thể có những quyết định cơ
bản cho quan hệ hai nước.
Căn cứ vào những gì
ông Obama nói về Trung Đông, Nga và Cuba, ông có vẻ tỏ ra là người luôn chủ
động chìa tay ra tạo cơ hội cho bất cứ ai, kể cả kẻ thù, đối thủ đáng gờm nhất,
nhưng vế sau của tư duy Obama lại là nếu cho cơ hội mà không nhận thì hãy
ráng chịu.
Năm 2015 như thế sẽ
là năm bản lề cho Việt Nam trước kỳ Đại hội Đảng tới và câu hỏi là ai sẽ là
người lãnh đạo đủ mạnh ở Việt Nam để chơi tay ba với các nhân vật quốc tế tầm
'khủng' như thế.
Nguyễn Giang
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen