Samstag, 14. Februar 2015

ĐẢNG tránh né thì DÂN phải làm

Lê Vĩnh@S:

Trong Ngày Hoàng Sa, 17 tháng 1, năm nay, ngoài một đoạn phim ngắn chiếu trên đài truyền hình, tất cả các buổi lễ tưởng niệm như mấy năm trước đều biến mất. Nhìn hiện tượng này, người dân có thể hiểu ra nhiều điều:
  • Các màn tưởng niệm của mấy năm trước chỉ được lãnh đạo đảng ra lệnh thực hiện một cách miễn cưỡng, để "cạnh tranh" với các buổi tưởng niệm do dân tự làm, nghĩa là để tránh bị mang tiếng "lãnh đạo đảng không yêu nước bằng dân thường".

  • Nhưng năm nào biết công an ngăn chận được các buổi tưởng niệm của dân thì lãnh đạo đảng dẹp luôn các màn kịch tưởng niệm của nhà nước.

  • Đặc biệt năm nay, khi vừa đón nhận chỉ thị bổ nhiệm nhân sự từ Du Chính Thanh, Ủy viên bộ Chính trị kiêm Chủ tịch Chính hiệp Trung quốc, cho Đại Hội Đảng XII, và bày tỏ lòng thần phục với việc khai trương văn phòng 2 sứ quán Trung Quốc dưới tên Viện Khổng Tử, thì lại càng không có chuyện cho tưởng niệm Hoàng Sa.
Nhưng không chỉ các chiến sĩ Hoàng Sa, mà mọi anh hùng dân tộc đều có cùng số phận. Sau bao nhiêu năm gạt tất cả cha ông một cách khinh miệt xuống cùng hạng "giai cấp phong kiến" để chỉ tôn thờ các ông tổ Mác, Lê và các thần thánh cộng sản quốc tế, đến cuối thế kỷ 20 ngày Quốc Tổ Hùng Vương của Việt Nam (10 tháng 3 âm lịch) mới được lãnh đạo đảng miễn cưỡng công nhận là ngày quốc lễ sau khi Liên Xô và thế giới cộng sản sụp đổ. Nhưng vào năm ngoái, lại vừa xuất hiện một nghị định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hạ cấp ngày Quốc Tổ cùng với TẤT CẢ các ngày tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Hưng Đạo Đại Vương, Quang Trung Hoàng Đế,...
Ngược lại, từ năm 2015 này trở đi, đảng chỉ cho phép kỷ niệm ở cấp quốc gia những lãnh tụ của đảng CSVN như cố TBT Trần Phú - người bị đổ cho đủ thứ tội lỗi trong suốt thời ông Hồ Chí Minh và Lê Duẫn cầm quyền; hay cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người đứng tên bản công hàm năm 1958 thừa nhận toàn bộ hải phận đường lưỡi bò, bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa, là của Trung Quốc; hay cố TBT Nguyễn Văn Linh - người dẫn đầu đoàn lãnh đạo CSVN đến hội nghị Thành Đô năm 1990 xin thần phục Bắc Kinh, mà đến nay các điều đã ký kết vẫn tiếp tục phải giữ ở độ tuyệt mật, ...
Tóm tắt lại, ai bị cố tình đẩy vào quên lãng và ai được nâng lên bàn thờ đều phụ thuộc vào một tiêu chuẩn chính để xét định, đó là "ảnh hưởng thế nào đến quan hệ Hà Nội - Bắc Kinh?". Những người con dân Việt đã hy sinh để bảo vệ đất nước chống ngoại xâm trong lịch sử cận đại cũng bị xét theo cùng tiêu chuẩn đó. Mỗi năm, trong ba tháng đầu năm dương lịch, dân tộc Việt Nam có 3 biến cố không thể quên. Đó là trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974, trận chiến 10 năm biên giới phía bắc nổ ra ngày 17/2/1979, và biến cố đảo Gạc Ma nơi 64 chiến sĩ Việt bị Trung Quốc tàn sát ngày 14/3/1988.
Ngày nay, ngay cả trong những năm có các buổi tưởng niệm gượng gạo nêu trên, nghĩa trang của các chiến sĩ Việt Nam dọc theo biên giới phía Bắc vẫn bị cố tình để trong tình trạng hoang phế trong khi các phái đoàn đại diện đảng và nhà nước Việt Nam vẫn khệ nệ mang vòng hoa hàng năm sang bên kia biên giới để "Kính nhớ các liệt sĩ Trung Quốc". Tệ hơn nữa, các tấm bia tưởng niệm tại những khu nghĩa trang binh sĩ Việt Nam còn bị đập phá hoàn toàn hoặc bị đục bỏ các hàng chữ ghi khắc lý do họ đã hy sinh,... chỉ vì sợ lãnh đạo Bắc Kinh khó chịu.
Số phận 64 chiến sĩ Trường Sa - những người bị lính Trung Quốc tàn sát tại đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) chỉ vì Bộ Chính Trị không dám cho lệnh bắn trả mà cũng chẳng cho lệnh rút lui, chỉ hoàn toàn im lặng - cũng bị đối xử tồi tệ không kém. Không những họ đã chết mất xác và không được tưởng niệm, mà ngay cả phần nói về họ trong quân sử Quân Đội Nhân Dân cũng bị xoá nhòa. Các thế hệ mai sau đọc những trang sử này sẽ chẳng thấy có gì đáng nhớ, chẳng biết vì sao họ đã hy sinh, và chẳng học được bài học gì vì những dữ kiện lơ mơ như bị "hải quân nước lạ", "tàu nước ngoài" bắn chết.

Hiển nhiên, dân tộc Việt Nam, với truyền thống biết ơn và tôn kính mọi anh hùng dân tộc, mọi con dân đã hy sinh để bảo vệ đất nước, không thể chấp nhận thái độ phản bội hèn kém đó của những người lãnh đạo hiện nay. Vì việc vùi dập những người đã hy sinh cho đất nước vào quên lãng không chỉ là sự uất hận của gia đình những người đã nằm xuống mà còn là sự nhục nhã của cả dân tộc và ngược lại đạo đức truyền thống của người Việt Nam.
Chính vì thế mà trong nhiều năm gần đây, trong làng báo lề dân đã xuất hiện rất nhiều những bài vở do người dân tự nghiên cứu, tự đi phỏng vấn các nhân chứng, tự dịch thuật từ các nguồn nước ngoài, và tự tổng hợp để có bức tranh lịch sử đúng nhất có thể được về 3 biến cố kể trên. Làng báo công cụ, một lần nữa, sau khi cố bẻ cong và che đậy không xong, đành chạy theo với những bài bình luận theo kiểu "vừa viết vừa run" và không dám nhắc đến các tội ác của quân đội Trung Quốc đối với quân và dân Việt Nam. Ngay cả những bài "nửa mùa" đó cũng có lúc bị kéo xuống sau khi vừa xuất hiện trên các trang mạng báo lề đảng.
Người dân cũng tự tổ chức những buổi tưởng niệm cho TẤT CẢ các chiến sĩ Việt đã bỏ mình tại Hoàng Sa, Biên Giới, và Trường Sa. Đây là những buổi lễ phát xuất từ đáy lòng của những người trân quí và biết ơn những tấm gương yêu nước. Họ cố hết sức tổ chức bất kể những trò phá phách cực kỳ hèn kém của lãnh đạo đảng như cho công an giả vờ cắt đá cho tung bụi mù, cho các nhóm múa đôi (nhảy đầm) gấp rút tới nhảy nhót để giành chỗ, cho Đoàn Thanh Niên Cộng Sản tổ chức thi hát với âm thanh tối đa để át tất cả, cho công an giả dạng côn đồ xông vào giật các băng vải trên vòng hoa tưởng niệm, hay xông vào giật micrô như tại Đà Nẵng, v.v...
Với những hành động phá phách bỉ ổi đó, báo Nhân Dân vẫn trắng trợn phê phán rằng việc tưởng niệm tự phát trước tượng đài Lý Thái Tổ là không nghiêm túc. Nhưng Ban Tuyên Giáo không dám viết tiếp vậy thì tổ chức tưởng niệm những người đã hy sinh chống Tàu bảo vệ tổ quốc ở đâu? Đảng và nhà nước không tổ chức. Dân làm ở nhà riêng thì công an xông đến bắt vì tụ tập đông người bất hợp pháp. Dân làm nơi công cộng và trước tượng đài anh hùng dân tộc thì lãnh đạo tìm mọi cách hạ cấp để làm cho buổi tưởng niệm "không nghiêm túc". Vậy Ban Tuyên Giáo muốn gì? Họ muốn dân cũng theo lãnh đạo đảng đẩy nhanh những người đã hy sinh vào quên lãng để Bắc Kinh cho giữ ghế cai trị?
Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa không chấp nhận sống hèn như thế!
Nhưng thay vì chỉ tổ chức tại một nơi như công viên Lý Thái Tổ và dễ bị côn an phá hoại, có nên chăng vào ngày Trường Sa 14/3 năm nay tổ chức các buổi cầu nguyện trên khắp nước theo mọi tôn giáo cho TẤT CẢ những chiến sĩ đã hy sinh tại Hoàng Sa, Biên Giới, và Trường Sa? Các nơi tổ chức sẽ thông báo lên mạng Internet để toàn dân cùng biết và hiệp thông. Ngoài ra, các đoàn của dân trong mấy tuần trước ngày 14/3 cũng chia nhau đi đến các khu nghĩa trang để chăm sóc các mộ phần chiến sĩ, thắp hương và cắm những bảng giấy ghi tấm lòng biết ơn của toàn dân. Và những loại hành động tưởng nhớ tương tự mà nhiều người có thể làm vào những thời điểm và không gian khác nhau, rồi cùng nhập lại trên mạng Internet.
Hiển nhiên, lãnh đạo đảng trước hết sẽ cố gắng xuyên tạc ý nghĩa những việc làm nêu trên, qua báo đài công cụ và bằng các trò rình rập, bao vây của công an; rồi khi thấy không thể ngăn cản được, họ sẽ cho tổ chức các hình thức tương tự để "cạnh tranh", y như những màn kịch tưởng niệm mấy năm trước.
Nhưng đã đến lúc mọi người dân Việt gạt bỏ sang bên các trò hèn kém của lãnh đạo đảng, dù là phá hoại hay chạy theo, và cứ làm những việc đúng với đạo đức và lòng yêu nước từ ngàn đời của cha ông; hãy cứ làm những việc không chỉ cho những người yêu nước đã nằm xuống mà còn vì lòng yêu nước đang mờ nhạt dần nơi các thế hệ tương lai.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen