Freitag, 30. Januar 2015

Vé xe Tết, nỗi khổ của người lao động nghèo

Nhiều khi phải bỏ cả ngày trời đề mua được vé xe
Nhiều khi phải bỏ cả ngày trời đề mua được vé xe. (Tháng 01/2015)
RFA
Năm nào cũng giống năm nào, việc mua vé xe về quê ăn Tết luôn là nỗi lo lớn nhất của người lao động xa quê tại đất Sài Gòn, bến xe Miền Đông trở thành cái nơi mà họ phải vật vạ, chờ đợi và cầu may để mua được tấm vé, lên xe về quê. Khác với nhiều năm trước, năm nay, người lao động ít lo chuyện phải bị nhét xuống gầm xe, nằm vật vạ trong không gian chật hẹp và có thể bị chết ngạt, chết vì xóc bất cứ giờ nào. Nhưng bù vào đó, giá vé cao ngất ngưởng cùng với hàng loạt giá dịch vụ phụ khiến cho người lao động phải chóng mặt.
Giá xăng giảm nhưng nhà xe vẫn tăng giá vé
Một đại diện nhà xe tên Trúc tại bến xe Miền Đông, Sài Gòn cho biết:“Khoảng từ 24 đến 28 tháng 12 âm lịch đã hết vé, chỉ còn vé từ 23 tháng chạp trở về trước và sau ngày 29 tháng chạp. Vé xe đã có vậy rồi, không giảm, vé Tết mà!”
Theo bà Trúc, giá vé xe hiện nay vẫn chưa có gì thay đổi ngoài việc giảm từ 3% đến 5% nhưng lại tăng mức cước phí theo lịch Tết, mặc dù giá xăng đã được hạ xuống mức khá thấp. Sở dĩ có chuyện như vậy vì nhà xe tuy mới vui mừng vì giá xăng thì những chuyện khác không vui lại đến, mức phí chung chi cho cảnh sát giao thông suốt tuyến đường lại tăng gấp đôi so với trước. Như vậy, giá xăng hạ vẫn không bù được khoản chung chi nhân gấp đôi.
Tuyến đường từ Sài Gòn ra Hà Nội có đến vài ba chục trạm gác, thường thì những trạm gác chính do cảnh sát giao thông mỗi tỉnh đứng đường, rồi thỉnh thoảng có các trạm gác đột xuất do công an huyện đứng đường.
Mỗi xe muốn đi qua trạm gác đều phải chung 200 ngàn đồng, đó là con số qui ước, cứ thấy cảnh sát giao thông chỉ gậy vào xe thì liền tấp xe vào lề, kẹp 200 ngàn đồng vào giấy tờ xe, xuống chào hỏi đúng thủ tục, đưa giấy tờ cho cảnh sát giao thông. Lúc này, cảnh sát giao thông chỉ làm mỗi một việc là nhẹ nhàng kẹp tờ tiền vào giữa hai ngón tay, đưa nó vào giữa lòng bàn tay rồi nhét vào đai nịt cảnh sát.
Trước đây, mức giá chung là 100 ngàn đồng, từ ngày giá xăng giảm, mức giá tăng lên gấp đôi. Chính vì vậy mà giá cước vé xe qui định ở các bến xe luôn là nỗi ám ảnh của nhà xe, họ buộc phải tìm khách bên ngoài bến xe để thỏa thuận giá mà kiếm chút lãi, đỡ đi khoản thuế bến đỗ.
Đôi khi phải xếp hàng từ tờ mờ sáng mới hy vọng mua được vé về quê
Đôi khi phải xếp hàng từ tờ mờ sáng mới hy vọng mua được vé về quê
Cách làm của nhà xe thường tỏ ra rất nghiêm túc, cứ đến giờ là xuất bến. Nhưng thực tế, họ có riêng một đội ngũ cò mồi lân la ở các dãy ghế chờ trong bến xe, tìm hiểu khách đã chờ bao lâu và nếu thấy khách chưa có vé thì bán vé chợ đen với giá cao hoặc chỉ cho họ ra ngoài ngã ba Thủ Đức để đứng chờ, ở đó sẽ có được ghế ngồi và giá cả hợp lý vì nhà xe không cần phải đóng thuế phần trăm vé xe cho bến.
Thường thì những lao động xa quê có mang theo xe máy, nôn nóng về nhà nên nghe theo lời các tay cò, ra đứng đón ở ngã ba Thủ Đức, và đương nhiên là đúng như lời của các cò mồi, giá vé mỗi người không đắt hơn giá vé trong bến, lại có chỗ ngồi tốt vì xe còn trống lúc xuất bến. Nhưng giá dịch vụ phụ thì miễn bàn, một chiếc xe gắn máy có thể tốn cả triệu đồng vận chuyển về đến Hà Nội và sáu trăm, bảy trăm ngàn đồng về đến miền Trung. Đến nước này, không thể bỏ chiếc xe lại, đành phải phóng lao thì theo lao, chấp nhận mất tiền.
Và cũng đương nhiên, với cách làm việc này, bất kì nhà xe nào cũng cố gắng tăng thêm khách, tăn g thêm vòng chạy đua ngày giáp Tết, mức độ an toàn trên đường đi rất thấp do sức khỏe của tài xế xuống dốc bởi liên tục làm việc. Chính vì việc chạy đua này mà giao thông mùa giáp Tết hết sức nguy hiểm, mọi rủi ro luôn rình rập.
Người lao động chật vật vì vé xe
Chị Huệ, là công nhân giày da trong khu công nghiệp Tân Bình, quê ở Quảng Trị, chia sẻ: “Chỉ cần lên xe là chen lấn, Tết là họ nhét mình như nhét heo vậy. Ghế 3 người chứ nhét từ 4 đến 5 người, Họ còn để thêm ghé nhỏ chen giữa các lối đi, ở những khoảng trống nhỏ để nhét thêm khách…!”
Chỗ bán vé nào cũng phải chờ cả ngày
Chỗ bán vé nào cũng phải chờ cả ngày

Chị Huệ cho biết, năm nay, tuy giá xăng có giảm nhưng việc mua vé để về quê ăn Tết và đến mồng Mười tháng Giêng lại quay vào Sài Gòn khiến chị mất hết gần hai tháng lương. Với mức lương một công nhân xí nghiệp may công nghiệp dao động từ hai triệu rưỡi đến bốn triệu đồng, phải trả các loại chi phí chỗ thuê trọ, tiền điện, tiền nước, ăn uống, sinh hoạt… Để dư được một triệu đồng giắt lưng làm vốn mỗi tháng là một chuyện hết sức khó khăn.
Nhiều người cũng là công nhân xa quê giống như chị Huệ, có khi cả năm làm lụng vất vả không dư được 5 triệu đồng vì chi phí hằng ngày đã ngốn hết tiền lương, trong trường hợp này, cuối năm chỉ biết buồn, khóc và tiếp tục trọ lại thành phố để bảo toàn số tiền dành dụm bởi nếu về quê, số tiền này chỉ vừa đủ chi phí đi lại, mua một ít quà Tết cho gia đình, ra Giêng lại cày xới, dành dụm… Chẳng còn gì.
Chính vì khó khăn này nên chị Huệ chọn cứ hai năm lại về thăm nhà một lần vào dịp Tết, dù có tiết kiệm cách gì thì mỗi lần thăm nhà cũng tốn của chị ngót nghét một chục triệu đồng bởi tiền vé xe, tiền mua quà và lì xì Tết cho người thân. Với chị, để có số tiền này, chị phải tốn gần một năm rưỡi dành dụm.
Và đây cũng là nỗi chật vật không riêng gì của chị Huệ mà hầu hết những người lao động xa quê, đặc biệt là với những người lao động bươn bả ngoài đời như lượm ve chai, bán vé số, bán bánh kẹo, đậu phộng rang… Việc mua một tấm vé xe về quê ăn Tết có khi phải dành dụm nửa năm trời mới đủ, và để có một tấm vé khứa hồi vào lại thành phố để làm ăn, tốn cả năm trời dành dụm. Với họ, một năm dài làm lụng chỉ đủ mua vé về quê, vào lại để tiếp tục bươn bả, cày xới qua ngày đoạn tháng, chẳng có gì hơn.
Tết âm lịch sắp đến, không khí mua vé ở các bến xe Sài Gòn bắt đầu chộn rộn, tuy nhiên, giới lao động nghèo chỉ có thể xếp hàng chờ mua vé vào dịp họ chính thức nghỉ Tết, đây cũng là dịp mà các hãng xe có thể hét bất kì giá nào ở ngã ba Thủ Đức vì trong các bến xe đã chật như nêm, khó hy vọng mua được tấm vé Tết.
Và năm nào cũng như năm nào, nhà nước luôn đưa thông tin về chính sách tốt dành cho người nghèo nhưng trên thực tế, Tết, với người nghèo nói chung và người nghèo xa quê nói riêng, bao giờ cũng là dịp người ta cảm nhận được sự chạm đáy thân phận của mình.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen