Samstag, 27. Dezember 2014

Té ra những người mình cảm phục đều… lục tục ra đi hoặc bị… nhập kho!

Tô Hải

clip_image001

“…Mong rằng các nhà văn, nhất là các nhà ca-nhạc-sĩ chuyên “sống ngoài chính trị” hoặc chuyên ngợi ca chế độ, nên không lo gì đến chuyện nhập kho cùng Quang Lập, có đọc phải những dòng này thì đừng động lòng mà chửi “cái lão già này lại giở trò kích động mình đi vào con đường phản động của lão Quê Choa đây…”
T.H.
Nhớ lại lời nói của một người bạn từng vác đàn đi hát các thứ swing, rumba ở gần khắp Liên khu IV cũ, nhưng sau, anh này “tiến bộ” nên trở thành Trung ương ủy viên, Bộ trưởng… Anh ta nói thầm vào tai mình một câu thế này: “Ông mà khen ai thì thằng ấy bỏ mẹ đấy!”. Và quả là có phần chính xác. Trong giới văn nghệ kháng chiến (chống Pháp), 99% những người mình phục tài, đồng khẩu khí, dần dần đều… “vù” đi xa tắp hoặc sau này đều mắc vào cái tội “mất lập trường vô sản”, “ăn phải đạn bọc đường”, thậm chí… tư tưởng “chống Đảng”, “chống Nhà nước” cả!… Kẻ vào tù, người đi cải tạo, chẳng mấy ai để thành Bá Nha Tử Kỳ với mình nữa… suốt gần 30 năm nay…
clip_image003
Nhà văn Nguyễn quang Lập trong một lần biểu tình chống Tàu cộng gần đây

Lắm lúc nằm một mình, kiểm điểm sự đời và bản thân, mình cũng thấy cái “tính nết bẩm sinh” của mình: “Coi giời bằng vung”, coi mình là “không nhất thì nhì, không nhì thì ba” chứ chẳng chịu thua ai trong giới văn nghệ (nhất là nhạc sĩ), nó đã … “hại” mình, dù chế độ này đã “chiếu cố” mình đủ thứ, danh hiệu, huân chương mà cho đến nay khối anh có lẽ phấn đấu hết đời cũng không sao đuổi kịp!
Không mấy hội nghị quan trọng về văn nghệ mà mình không được mời tham luận (đang còn văn bản in ấn đàng hoàng). Dư luận đồng nghiệp đều hoan nghênh, thậm chí nhường thời gian cho mình được phép nói thật, nói hết, nói… hộ những gì nhiều người đều nghĩ như mình nhưng “chưa tiện nói ra”.
Và kết quả thường là, “cái gì”, “ai”, “ở đâu” mà mình khen thì… đều mất tăm; “cái gì”, “ai” “ở đâu” mình chỉ mặt, đặt tên, lên án… thì cái đó, người đó, cơ quan đó cứ thẳng đường tiến tới… đủ thứ “thảm họa”. Hai bản tham luận “Nếu tôi được làm thủ tướng lấy một tuần” và “Tất cả chỉ là do vô văn hóa âm nhạc” đọc tại Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ 5 và 6 tại Hà Nội (xem “Tự hào nửa thế kỷ Hội nhạc sĩ Việt Nam”, trang 681) cho đến nay đã chứng minh rõ như ban ngày những gì mình nói ở trên.
Tóm lại, mình khen ai thì người ấy… “tiêu ma” còn chê ai thì người ấy thăng hoa vượt bậc.
Gần đây nhất chẳng hiểu có phải là do mình đã quá lời khen sự dũng cảm của một tờ tập san bằng bài “Báo ta cũng có nhiều cái để đọc đấy chứ” không mà tờ báo bị đóng cửa cái… rụp. Thế là, rút kinh nghiệm lúc cuối đời: Mình, một kẻ “thoái hóa” cực kỳ, không còn một chút tí ti “vô sản tính”, “đảng tính”, do “nhiễm độc” bởi bị “tư tưởng tư bản dẫy chết” suốt 11 năm bị thằng thực dân Pháp nhồi sọ ở học đường và quanh năm vùi đầu vào sách, báo kẻ địch… nên đã trở thành… phi vô sản đến “thâm căn cố đế”.
Bởi dzậy, hễ mình dính vào đâu là kể đó “khốn lịn” tức thì.
Và mình đã “biết thân, biết phận” chả dám học đòi dính líu vào bất cứ cá nhân nào, tổ chức dân sự nào bằng cách trở thành blogger độc lập ở tuổi 80 cho đến nay, chỉ còn thiếu mấy ngày sẽ được 8 năm.
Bài vở tự viết, tự biên tập, tự duyệt, tự xuất bản… Chẳng bao giờ dám gửi cho bất cứ một tờ báo, một trang web nào, kể cả các trang nổi tiếng mà mình rất cảm phục như “anhbasam” hoặc “Quê choa”.
Thế mà… cái năm nay, cái năm mà có ngươi lạc quan tếu dự đoán là “sẽ cởi mở hơn trước”, “sẽ trả tự do cho người này, người kia”, lại là cái năm mà những người mình cảm phục nhưng không dám nói ra bị…. “nhập kho” nhiều nhất. Chỉ riêng với cái vụ “bắt quả tang” Nguyễn Quang Lập thôi, trước sự phản ứng rất dữ dội, công khai và rộng rãi nhất chưa từng có, mình cũng định lên tiếng vài câu, nhưng thấy đã quá đông người phát biểu, “yêu cầu”, “làm đơn kính gửi”, “kiến nghị tập thể” đủ kiểu, mình đành chờ cho hết thời hạn 9 ngày để xem họ đối xử với Lập như thế nào rồi từ đó mà bổ sung hoặc… “nói khác” tí chút với những người đã tỏ thái độ “bất phục tùng và phản kháng” tí chút trước hành vi truy tố Lập theo điều 2 còng số 8 sau 9 ngày tạm giữ.
Sau đây là những điều cá nhân mình, xin lên tiếng có tính chất bổ sung hoặc nói có tí khác về Lập:
Lập là một nhà văn chân chính, đúng nghĩa của một nhà văn lớn của mọi thời đại. Nhìn qua lịch sử văn học thế giới không có một nhà văn nào lưu danh muôn thuở mà không gắn tác phẩm, những nhân vật, bối cảnh, tính cách nhân vật của mình với thực tế xã hội. Họ viết vì nỗi bức xúc trước những nghịch lý, bất công, dối trá, thậm chí, những tội ác của một thời đại, một giai cấp cầm quyền.
Có thể nói ngắn gọn, họ viết về những vấn đề đang xảy ra hoặc đã xảy ra trong xã hội để làm tốt đẹp xã hội lên hay đào thải nó đi. Họ đã mặc nhiên làm chính trị bằng ngòi bút, bằng tư duy và cảm xúc gọi là nghệ thuật. Họ đã tự nguyện “dấn thân vào những thứ có khi… chả dính líu gì đến họ”. Nhưng chính trị của họ là cực kỳ hiệu quả. Nó đi bằng đường từ con tim lên khối óc, cho nên nó thấm thía, nó sâu sắc nhưng ngọt ngào, thúc giục người hưởng thụ từ nhận thức đến hành động.
Điều này thì những kẻ độc tài toàn trị hiểu rõ hơn ai hết.
Bởi thế ngay từ lúc ra đời các Đảng trưởng vô (học) sản của họ đã đề ra “TRÍ, PHÚ, ĐỊA, HÀO ĐÀO TẬN GỐC TRỐC TẬN RỄ”.
Bởi thế Mao mới ví TRÍ THỨC LÀ NHỮNG CỤC PHÂN và làm cách mạng văn hóa triệt tiêu mọi xu hướng văn học nghệ thuật không chịu làm công cụ của Đảng.
Chẳng thế mà ở Việt Nam, mọi trí thức, văn nghệ do thực dân Pháp đào tạo gần như bị tiêu diệt sạch sành sanh để nhường chỗ cho một lô một lốc những Giáo sư, Tiến sĩ do Đảng đào tạo và sắc phong để kịp thời thay thế. Tất cả những ai không chịu biến mình thành công cụ, thành vũ khí đấu tranh của Đảng mà viết lách khác đi thì là đối tượng nguy hiểm cần “chuyên chính” kịp thời, bằng mọi biện pháp từ củ cà rốt đến cây gậy và cuối cùng là …hai còng số 8.
Nguyễn Quang Lập thuộc loại đối tượng nguy hiểm đó. Mình đã nhận định như sau với nhiều bạn bè: “Một Nguyễn Công Hoan thế hệ mới đã ra đời”. Nếu Nguyễn Công Hoan là một nhà văn đã đặt bút là đều nhằm tới việc đả kích một chính sách, một chủ trương, một tình trạng bất công, hư hỏng của xã hội, thậm chí đánh thẳng vào chế độ, chính sách của thực dân Pháp (Các bạn trẻ hãy gõ vào google để đọc những “Kiếp hồng nhan”, “Oẳn tà roằn”, “Ngựa người, người ngựa”, “Tinh thần thể thao”… chứ chưa nói đến tiểu thuyết dài như “Bước đường cùng”, “Lá ngọc cành vàng”…) thì Nguyễn Quang Lập còn hiện thực phê phán cay độc, mạnh mẽ và thâm sâu hơn, độc đáo hơn ở văn phong chưa từng thấy trên văn đàn Việt. Anh là người đi đầu trong nghệ thuật “chuyển văn nói một địa phương trở thành văn viết” mà không hề làm người đọc ngỡ ngàng mà chỉ có thích thú về một tìm hiểu mới, nhờ sáng tạo mới về cái đẹp trong văn chương mới của tác giả.
Chỉ cần đọc đoạn kết của “Chuyện vớ vẩn” sẽ thấy: Tác giả muốn cái gì và đã sáng tạo thế nào để chuyển tải “cái muốn của mình” đến người đọc đề người đọc cùng suy nghĩ. Không thể hạ thấp văn anh biểu tượng hai mặt (équivoque) vì anh đã nói thẳng ruột ngựa, không ngại dùng cả những từ tục tĩu nhất để nói lên cái sự thật trần truồng vưa bi vừa hài của một điều thấp hèn nhất nhưng luôn được bọc kỹ trong những ngôn từ cao sang nhất. Và chỉ thế thôi. Đánh giá thế nào, nhìn nhận câu chuyện xảy ra, nên đối xử thế nào với sự thật đó thì anh nhường cho người đọc. (“Xóm gái hoang”).
Và sau đây là những gì anh tóm tắt về cái nghề và cái nghiệp, nghiệp viết văn của anh trong đoạn kết của “Chuyện vớ vẩn”:
“Mình quá ngạc nhiên, toàn là chuyện mình bịa ra cả sao ai cũng khăng khăng là mình đang viết họ. Ba mình hỏi: con nói thật ba nghe: con có ám chỉ họ không. Mình nói không. Họ đâu phải thần tượng để con đánh đổ. Nếu ghét thì con nói thẳng ra, họ là cái gì mà con phải úp mở, ám chỉ. Hơn nữa 6, 7 năm sống ở cái xóm ấy, họ là người lớn, không hề nạt nộ đánh đập con, chưa kể thỉnh thoảng còn cho quà, ngu gì con đi ám chỉ họ. Ba mình nói rứa thì vì răng, mình nói con chịu. Mạ mình nói thôi thôi đi chữa đài, ti vi cũng kiếm được tiền, viết lách làm cái chi, ngu. Ba mình nói mạ mi nói hay, trời bắt viết thì phải viết chớ, ai muốn. Mạ mình nói rứa thì viết mèo chó lợn gà, đừng có viết người, cực lắm”.
Theo mình, chỉ một câu cuối này của “Chuyện vớ vẩn” thôi, Quang Lập đã vượt thầy tôi (Nguyễn công Hoan) vì thầy Hoan tôi, đến cuối đời cũng không bị Tây hoặc Ta bắt (vì “Đống rác cũ” lúc cuối đời thầy bị bọn chỉ điềm văn nghệ cho là “biểu tượng hai mặt” nên bị thu hồi tác phẩm đem nghiền nát thành bột giấy.
Còn Quang Lập là một nhà văn ra văn thì bị nhập kho với những tội sẽ chắc chắn không phải văn học mà là “nói xấu, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước” do đã có sẵn cái bẫy 88 gọi là luật.
Thôi thì đằng nào Lập mà tôi cảm phục, yêu quí hơn cả con mình (Lập bằng tuổi con thứ hai của tôi) đã bị chính thức đối diện với… 3 đến 20 năm tù theo điều luật 88 rồi, tôi không còn sợ cái “dớp” tôi khen ai thì người ấy “khốn lịn” nữa mà viết vài dòng với mục đích nói cho rõ cái ý của ai đó cho là văn chương Lập “hiền lành”, “ôn hòa” “ý tứ”, ”có ý định chống Đảng, Chính phủ gì đâu” (như nhà thơ X, nhà văn Y chống gì, chống ai đều nói toạc móng heo) mà nỡ bắt anh, là hơi đánh giá thấp một nhà văn thực tâm, thực tài, hiếm có trong cái xã hội hiện nay.
Bày tỏ ước vọng sao cho có nhiều nhà văn trẻ có được cái đầu và trái tim như Lập để… xin lỗi! Không còn tình trạng chỉ có đơn độc một nhà văn Nguyễn Quang Lập nhâp kho nữa. Nói trắng ra là mình ước sao có 100 nhà văn được liệt vào danh sách “phải bắt” thì mới mong… không nhà văn nào bị bắt nữa vì tội viết văn hay.
Còn như hiện nay, mấy ngàn nhà văn chưa ai vào tù như Quang Lập cả mà đề ra “Chỗ của nhà văn không phải là nhà tù” thì “người ta” sẽ dễ cãi là: Cả mấy ngàn nhà văn có ai ở tù đâu, ngoài Quang Lập. Tất cả đều đang được tự do, thoải mái, thậm chí khối người còn giàu có, nhà cao cửa rộng, lên xe, xuống ngựa là đằng khác ấy chứ.
Cho nên, xin phép bổ sung vào câu “Chỗ của nhà văn không phải là nhà tù” của Ô sin HĐ hai chữ “chân chính” hoặc sáu chữ: “dám đứng về phía nhân dân”. Cụ thể như sau: “CHỖ CỦA NHÀ VĂN CHÂN CHÍNH KHÔNG PHẢI LÀ NHÀ TÙ” hoặc “CHỖ CỦA NHÀ VĂN DÁM ĐỨNG VỀ PHÍA NHÂN DÂN KHÔNG PHẢI LÀ NHÀ TÙ”.
Hoặc cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa: “KHÔNG ĐƯỢC BỎ TÙ NHỮNG NHÀ VĂN CHÂN CHÍNH”.
Mong rằng các nhà văn, nhất là các nhà ca-nhạc-sĩ chuyên “sống ngoài chính trị” hoặc chuyên ngợi ca chế độ, nên không lo gì đến chuyện nhập kho cùng Quang Lập, có đọc phải những dòng này thì đừng động lòng mà chửi “cái lão già này lại giở trò kích động mình đi vào con đường phản động của lão Quê Choa đây!”.
Không đâu! Còn lâu các vị mới được liệt vào loại tôi cảm phục. Và tôi không cảm phục thì các vị cứ việc tha hồ tung hoành tự do, thoải mái trên chợ trời văn nghệ xã nghĩa.
T.H.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen