Sonntag, 30. November 2014

Cả Ngố Đi Sài Gòn



Hoàng Huy

      Khoảng cuối năm 1975, từ vùng quê Thủy Nguyên ở ngoại thành Hải Phòng, mùa màng vào lúc thong thả, ông Hiền nói với vợ ý định nung nấu bấy lâu nay của mình:

- Bà ạ, miền Nam giải phóng hơn nửa năm rồi, giờ tôi muốn đi Sài Gòn một chuyến để thăm chú Tiến nó.

Chú Tiến nói đây là em ruột của ông Hiền. Nhà chỉ có hai anh em trai. Tháng 7 năm 1954, hiệp định Genève ra đời, chia đôi đất nước. Tiến dạo ấy là một thanh niên 20 tuổi, chán cảnh sắp tới phải sống dưới chế độ cộng sản độc tài nên đầu năm 1955 bỏ nhà ra Hải Phòng xuống tàu há mồm của Pháp một mình vào Nam lập nghiệp. Sau đó ít lâu, có tin bố mẹ họ lần lượt qua đời. Kể từ ấy về sau, bắc nam cách trở, không tin tức gì nữa. Cho đến sau 30/4/1975 hai bên cố gắng tìm cách liên lạc, cuối cùng cũng biết được là cả hai gia đình ở trong Nam và ngoài Bắc đều còn nguyên vẹn, chiến tranh không cướp đi của họ người nào. Giờ đây đất nước đã thống nhất thì việc đi lại để thăm nhau là điều nên làm và làm càng sớm càng tốt vì thời gian xa cách 20 năm quá lâu, có biết bao điều để hàn huyên tâm sự.

Nghe chồng ngỏ ý, bà Hiền thoáng chút băn khoăn:

- Chuyện ông đi thì hợp lẽ thôi nhưng đào đâu ra tiền tàu xe?

- Tôi định thế này bà ạ -  ông Hiền nói như đã chuẩn bị sẵn - Ta có con heo trong chuồng chắc nay cũng khoảng 80 cân, chưa tới một tạ kể ra cũng tiếc, nhưng thôi cứ bấm bụng bán đi để lấy tiền làm lộ phí.

Bà Hiền suy nghĩ một chút rồi nói:

- Đành phải thế, không còn cách nào khác. Nhưng hai anh em xa nhau thời gian đến 20 năm, giờ đi thăm cũng phải có tí quà cáp gì chứ chả nhẽ đi hai tay không? Ông thử tính xem nên mua món gì vừa túi tiền mà coi cho được?

- À, bà nói chí phải. Trước nay nghe báo, đài nói dân chúng ở trong Nam bị Mỹ- Ngụy bóc lột tàn tệ, đến nỗi mọi người không có cái chén mà ăn cơm, nhà nào cũng phải dùng sọ dừa thay chén bát, tội nghiệp quá. Vậy bà giúp tôi ra chợ mua chục chén đá, ràng buộc cho kỹ để tôi mang và Sài Gòn biếu chú thím nó.

- Được, ngày mai có ngay. Còn cái vụ lương thực nữa, ông tính sao đây? Người ta bảo trong đó rất đói khổ. Hay là khi đi ông mang theo tiêu chuẩn nguyên tháng 13 kg vào trong ấy để góp gạo thổi cơm chứ vác mặt không thì kỳ lắm đấy.

- Đúng thôi. Kế hoạch là nửa tháng nữa tôi sẽ lên đường đi Sài Gòn thăm chú em 20 năm cách biệt với biết bao trăn trở, thương nhớ. Bà ở nhà giữ gìn sức khỏe tốt nhé. Đảm bảo một tháng sau tôi sẽ về với bà để ta cùng ăn một cái Tết nguyên đán đầu tiên đất nước có hòa bình thật vui vẻ.

Thế là vào một ngày đẹp trời cuối năm 1975 dương lịch, ông Hiền vác một túi xách đủ các thứ lỉnh kỉnh làm cuộc “hành phương Nam” bằng xe đò. Khởi hành từ Hải Phòng lên Hà Nội, rồi Hà Nội vào Sài Gòn, cà rịch cà tang mất 2 ngày 2 đêm mới đến nơi. Đặt chân xuống bến xe miền Đông, đang còn ngơ ngác thì ba bốn anh xích- lô máy sấn đến, kẻ nắm tay, người chụp lấy túi xách của ông lôi kéo, mời mọc. Cuối cùng thì cũng thoát ra được khỏi vòng vây, ông ngã giá với một anh trông có vẻ tử tế nhất trong bọn, lên xe (ôm chặt túi xách vào lòng) để hắn ta chở về nhà người em theo địa chỉ ghi sẵn trên giấy.

- Ông anh yên chí – người chạy xích- lô máy nói – đường Trần Quốc Toản nay đổi thành 3 tháng 2, mấy con hẻm trong đó cũng khá lớn, xe gì vào cũng được, ta đi độ 20 phút là đến nhà thôi.

Lúc bấy giờ trời vừa sụp tối, thành phố đã lên đèn, cả một vùng trời rộng lớn sáng trưng khiến ông Hiền thấy choáng ngợp, hoa cả mắt. Chiếc xích- lô máy nổ phành phạch, nhả khói đen, lao nhanh qua các đường phố. Ông Hiền ngồi yên trên xe, lòng thầm mong tay xích- lô máy này là người lương thiện, đưa ông thẳng đến nơi chứ không chạy lòng vòng như người ta thường nói. Quả đúng như là mong muốn, khoảng 20 phút sau, chiếc xích- lô máy giảm tốc độ, tìm cách rẽ trái vào một con hẻm rộng tráng xi- măng sạch đẹp. Anh lái xe chạy chầm chậm dò tìm, đâu khoảng 50 mét thì dừng xe trước một căn nhà còn đang mở rộng cửa nằm phía tay phải, nói lớn:

- Tới nơi rồi, ông anh.

- Dò kỹ địa chỉ xem, đúng thật không đấy? –Ông Hiền gặng hỏi.

- Đúng phóc số nhà…/…còn hỏi tới hỏi lui gì nữa, cha nội.

Tin lời, ông Hiền bước xuống, móc bóp đếm tiền cẩn thận trả cho anh xích- lô máy. Anh ta liếc sơ, nhét vội vào túi áo rồi nổ máy, quành xe lại phóng ra đường lớn.

Khi anh xích- lô máy đi khỏi rồi, ông Hiền tần ngần đứng nhìn lại bảng số nhà một lần nữa, thấy nó quả đúng y như trong thư Tiến viết ra cho ông. Nhưng chưa thật sự tin vào mắt mình, ông Hiền bước ra xế góc gần đó, chặn hỏi một em nhỏ đi ngang:

- Này cháu, bác từ xa đến, cháu có thể chỉ giúp cho bác nhà ông Tiến là căn nào không?

Thằng bé nhanh nhẩu đáp:

- Đấy, bác đang đứng ngay trước nhà ông Tiến đấy. Cứ gọi cửa là có người bước ra thôi. Chào bác cháu đi.

Thằng bé khuất rồi, ông Hiền quay lại nhìn kỹ vào căn nhà lần nữa. Đó là một ngôi nhà hai tầng, bề ngang khoảng 4 mét, trên trần có chiếc quạt máy đang quay chầm chậm, dưới là nền gạch hoa với bộ xa- lông ở giữa, sát vách tường phía trong là chiếc tủ kính chưng nhiều thứ bát đĩa sứ, trên lưng tủ đặt chiếc ti- vi khá lớn đang phát hình… Nhìn thấy tất cả những thứ ấy ông Hiền ngơ ngác tự hỏi: Sao lâu nay ngoài Bắc họ cứ nói trong Nam nghèo đói thê thảm mà sự thật sờ sờ trước mắt ông nó lại như thế này? Chả nhẽ chúng nói điêu, nói láo ư? Nội cái chuyện đời sống mà sự thật đã phơi bày ra trước mắt ông trái ngược 180 độ như thế, thử hỏi bao nhiêu vấn đề khác thì còn sao nữa? Nghĩ đến đây, chợt nhớ tới chục chén đá bao gói cẩn thận nằm trong túi xách mang theo từ Hải Phòng vào, ông Hiền bỗng thấy nó vô duyên quá nên thò tay lôi ra rồi bước tới, trông trước trông sau không thấy ai, ông lặng lẽ bỏ cái cục nợ ấy xuống chân một cây cột đèn gần đó.

Làm xong việc trên, thấy người nhẹ nhõm, ông Hiền quay trở lại đứng trước cửa ngôi nhà, lấy hết can đảm, lên tiếng gọi vọng vào bên trong:

- Có ai ở nhà không? Chú Tiến ơi, anh Hiền từ Bắc vào thăm chú thím và các cháu đây.

Nghe có tiếng gọi, ông Tiến từ đâu đó bước vội ra phòng khách. Nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc luộm thuộm, tuổi có lẽ chưa tới 50 nhưng dáng hom hem, già háp, tay xách cái túi vải, lúc đầu không nhận ra ai nhưng sau phút định thần, ông Tiến lao nhanh đến ôm chầm lấy người đó, nói lớn để cả nhà cùng nghe:

- Ôi bác cả, bác cả vào thăm chúng ta. Má nó đâu, thằng Minh thằng Quang đâu xuống chào bác đi các con.

Ngay lúc ấy, từ phòng trong vợ ông Tiến bước nhanh ra, tươi cười nói:

- Em xin chào anh ạ. Anh đi đường xa có mệt lắm không?

- Chào thím, cũng có mệt chút đỉnh nhưng giờ cả nhà gặp nhau, vui quá rồi.

Vừa lúc đó, Minh và Quang cũng từ trên gác chạy ào xuống cầu thang, đến trước mặt ông Hiền, khoanh tay:

- Chúng cháu chào bác cả ạ.

Ông Hiền vui thích nhìn hai đứa trẻ, nói:

- Chú thím có tất cả ba cháu, đúng không?

- Vâng, đây là hai đứa em, còn thằng anh lớn vắng nhà.

- Hai cháu này mặt mày trông rất sáng sủa. Chúng nó ngoan, lễ phép lắm đấy.

- Thôi, giờ bác cả ngồi đây trò chuyện với nhà em -  vợ ông Tiến nói -  em xin phép vào trong lo cơm nước kẻo bác đi đường xa đói bụng.

Do có chuẩn bị sẵn từ trước nên chỉ một lát sau là vợ ông Tiến đã làm xong bữa cơm bưng dọn lên. Cả nhà cáo lỗi vì đã ăn cơm chiều từ lúc 6 giờ, chỉ một mình ông Tiến ngồi lại tiếp đãi anh mình.

Sau bữa ăn, hai anh em còn ngồi hàn huyên đến khuya mới đi ngủ.

Vợ ông Tiến là người Sài Gòn trăm phần trăm. Phía bà thì có gia đình, bà con họ hàng ở đây đông đảo, còn ông Tiến vô Nam một thân một mình, sống đời tự lập. Duyên trời đưa đẩy, hai người gặp nhau yêu nhau rồi cưới nhau. Do khéo tay và có năng khiếu về nghề mộc, ông Tiến mua sách tự học một thời gian rồi mở xưởng đóng đàn ghi- ta. Nhờ biết chọn ván gỗ tốt, đóng đàn đúng yêu cầu kỹ thuật, thùng đàn phát ra âm thanh ấm và vang, nên đàn mộc (đàn đóng xong chưa đánh vẹc- ni, chưa lắp trục và dây) của ông Tiến sản xuất ra lúc nào cũng được nhiều nơi đến mua về tiêu thụ. Nhờ vậy mà gia đình ông có cuộc sống tương đối dễ chịu giữa một Sài Gòn đông đúc lúc sau này.

Từ hôm có khách, ngày nào bà Tiến cũng đi chợ để lo cho bữa cơm lúc nào cũng có thịt cá tươm tất. Mỗi lần ngồi vào bàn ăn, thấy có đĩa thịt, ông Hiền đều hỏi:

- Thịt đâu mà lắm thế? Ngoài Bắc chúng tôi mỗi tháng mỗi hộ dân chỉ được phân phối cho vài lạng thịt, chả bõ dính răng!

- Ở đây người ta bán đầy các chợ -  ông Tiến giải thích – có tiền thì cứ tha hồ đến mua, mua bao nhiêu cũng được, chẳng ai cấm cản.

- Ồ, thế à? – ông Hiền trợn mắt ngạc nhiên – Vậy mà ngoài ấy họ cứ bảo là trong này lầm than, khốn khổ lắm.

- Ngoài đó lầm than, khốn khổ thì có – ông Tiến lật ngược vấn đề. Ông Hiền làm thinh, không nói gì.

Những ngày tiếp theo, ông Tiến lấy xe Honda 67 chở ông Hiền đi “tham quan” thành phố, suốt từ trung tâm Sài Gòn lên đến Chợ lớn, qua Gia Định v.v…Ông Hiền trầm trồ bảo cái xứ Sài Gòn này lớn thật đấy, xe cộ nhiều thấy phát ngợp. Đặc biệt, khi nhìn thấy những building, cao ốc đồ sộ, ông Hiền buột miệng hỏi em trai mình:


- Này chú, nhà gì mà cao to thế? Trụ sở đảng ủy, ủy ban à?

- Không, không phải trụ sở đảng ủy, ủy ban nào cả – ông Tiến suýt bật cười trước câu hỏi ngây ngô của anh trai mình – Trong Nam này làm gì có trụ sở đảng ủy, ủy ban? Tất cả những tòa ngang dãy dọc mà anh thấy đó chỉ là nơi làm việc của các cơ quan tài chánh, ngân hàng, các công ty xuất nhập khẩu, doanh nghiệp lớn, hoặc các chung cư đông người ở, thế thôi.

- Thịnh vượng, giàu có nhỉ.

- Vậy nên trong Nam này đâu có ai cần mấy ổng vào giải phóng. Nơi cần giải phóng là ngoài Bắc ấy.

Đến một tối nọ, cả nhà quay quần bên nhau, ông Hiền đưa ý kiến thăm dò:

- Tôi có điều muốn nói với chú thím.

- Điều gì vậy anh? – ông Tiến sốt sắng hỏi.

- Là thế này: Tôi với bà nhà ngoài đó thật vô phúc, ăn ở với nhau bao nhiêu năm không có được mụn con nào để nối dõi. Nay vào đây, thấy chú thím có đến ba thằng con giai, cho nên tôi muốn xin chú thím một đứa đem về ngoài đó ở với chúng tôi cho vui cửa vui nhà. Cam đoan chúng tôi sẽ coi cháu nó như con đẻ của mình. Chú thím thấy sao?

- Ước muốn của anh có thể hiểu được – ông Tiến đáp -  nhưng vụ này vợ chồng em không thể quyết định, mà chính anh phải hỏi ý kiến của tụi nhỏ, từng đứa một, xem chúng nó có đứa nào khứng chịu không cái đã.

Vậy là màn “trưng cầu ý dân” bắt đầu. Trước tiên ông Tiến gọi Minh từ trên gác xuống cho bác cả nó hỏi ý kiến. Thằng bé năm ấy 17 tuổi, đang học lóp 12. Sau khi nghe câu hỏi của người bác xa lạ, nó trả lời lễ phép nhưng giọng cương quyết:

- Thưa bác. Trước nay cháu sống với ba má cháu trong này và đi học ở trường cũng quen thầy quen bạn. Giờ thình lình chuyển ra Bắc, e khó thích nghi với môi trường ngoài đó. Mà năm tới là năm quan trọng, cháu sẽ phải thi tốt nghiệp trung học rồi tiếp đó là thi vào đại học, quyết định cả tương lai của mình. Cho nên thời gian trước mắt cháu cần phải tập trung cho việc học tập, không để xảy ra bất cứ điều gì ảnh hưởng đến việc học của mình. Cháu xin lỗi không thể đáp ứng yêu cầu của bác, mong bác rộng lượng hiểu cho.

Vừa dứt lời, không đợi nghe ý kiến người bác ra sao, thằng bé phóng tót lên lầu.

Phần ông Hiền, nghe đứa cháu lập luận như thế, ông thấy nó cũng có lý, không thể dùng quyền người lớn ép uổng được.

Thấy vậy, ông Tiến liền gọi thằng Quang xuống tiếp để bác cả nó dò ý. Quang năm ấy mới 15 tuổi, đang học lóp 10. Nghe ông Hiền nói xong, nó lễ phép thưa:

- Bác cả ơi. Cháu là con út trong nhà, thường quấn quýt bên cha mẹ, anh em. Nay tách ra khỏi các vòng tay ấm áp ấy, cháu nghĩ là sẽ khó khăn cho cháu lắm. Mong bác hiểu giùm.

Dứt lời, cũng giống như anh nó, thằng út liền ba chân bốn cẳng phóng lên lầu.

Đến đây coi như chấm dứt màn thăm dò ý kiến bọn trẻ.

Qua một đêm bóp trán suy nghĩ, ngày hôm sau, ông Hiền ngỏ ý cùng vợ chồng ông Tiến:

- Hay là thế này chú thím ạ. Bây giờ tôi đổi ý, muốn xin thằng lớn trong nhà của chú thím. Nó tên Tú phải không? Thằng Tú hồi đó làm gì mà giờ phải đi cải tạo?

- Thưa anh, chả là trước đây, năm 18 tuổi, cháu nó đỗ tú tài 2 nhưng thi rớt vào kỹ sư trường Đại học kỹ thuật Phú Thọ nên phải đi sĩ quan Thủ Đức. Ra trường 18 tháng, vừa lên Thiếu úy được ít lâu thì xảy ra vụ 30/4/75. Sau đó toàn bộ quan chức, sĩ quan lớn bé của miền Nam đều bị lùa vào các trại tù cải tạo mọc ra trên khắp nước. Đây là thứ tù không tuyên án, chưa biết ngày nào ra.

- Ôi, nó là sĩ quan ngụy à? -  ông Hiền trợn mắt -  sĩ quan ngụy, những kẻ có nợ… với nhân dân.

- Xin lỗi, nợ nần gì, anh đừng có nói theo giọng điệu của Việt cộng – ông Tiến nổi cáu – Đất nước có chiến tranh, chính quyền cả hai miền đều ra sức gọi thanh niên trai tráng ra chiến trường. Cuối cùng dĩ nhiên phải có kẻ thắng người thua. Nhưng người ta nói, ở bên Mỹ, khi cuộc nội chiến Bắc- Nam kết thúc, tất cả binh sĩ buông súng, được tự do trở về quê quán làm ăn sinh sống bình thường, chỉ các vị chủ tướng hai bên ngồi lại nói chuyện phải trái với nhau. Còn ở xứ mình, mấy ông “đỉnh cao” thường khoe là Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến, là rất khoan hồng nhân đạo, nhưng trên thực tế, họ chủ trương bắt nhốt hết để trả thù một cách tàn độc và bất nhân chưa từng thấy!

Nghe vậy nhưng ông Hiền vẫn chưa thông, lại hỏi:

- Thế chú thím có cuốn album gia đình nào không? Nếu có, cho tôi mượn để nhìn hình thằng Tú xem sao.

Bà Tiến bước vội vào phòng trong tìm kiếm, lát sau mang ra một tập album dày cộm đưa cho chồng. Ông Tiến lật giở từng trang, đến chỗ có các hình ảnh của Tú, ông trao cuốn album cho ông Hiền xem.

Ông Hiền cầm lấy cuốn album, nhìn chăm chú vào những tấm hình của Tú chụp lúc còn là sinh viên sĩ quan trường bộ binh Thủ Đức, đầu đội mũ cát- két, mình mặc lễ phục, cổ thắt cravate, hai cầu vai mang alpha cùng dây biểu chương lấp lánh, trông đẹp trai và oai vệ ra phết, nhưng ông vẫn ngờ ngợ, thắc mắc, quay sang hỏi vặn vợ chồng ông Tiến:

- Này, hỏi thật chú thím nhé. Đây có đúng là hình thằng Tú nhà ta không hay là đứa nào khác?

Vợ ông Tiến vốn là một phụ nữ xuề xòa dễ tính nhưng khi nghe ông anh chồng hỏi lôi thôi như thế cũng đâm bực bội. Bà nói:

- Trời đất ơi! Thằng Tú do vợ chồng tui sanh ra, nó không là con cháu nhà này thì còn ai vào đó nữa, hỏi kiểu gì kỳ cục quá!

- Nhưng người ta nói sĩ quan ngụy là bọn… đầu trâu mặt ngựa, ăn gan uống máu người mà sao trong hình trông mặt mày nó khôi ngô tuấn tú, hiền lành và thư sinh thế kia? Liệu có gì…

- Ơ hay, lại còn liệu với lọ! -  ông Tiến ngắt lời -  Anh ở ngoài đó lâu năm bị tuyên truyền nhồi sọ nên lú lẫn rồi. Là đồng bào, đồng loại với nhau sao lại đối xử như thế được? Anh có cái đầu mà không dùng nó để suy xét xem đâu là đúng, đâu là sai. Nhưng thôi, đến đây tạm chấm dứt, không bàn thảo về việc thằng Tú nữa. Nghe nói tới đây người ta sắp cho gia đình đi thăm con em trong các trại cải tạo. Hôm đó chúng tôi sẽ mời anh đi cùng, giáp mặt cháu tất sẽ rõ thực hư thôi…

Thời gian thấm thoắt, một bữa đang ngồi uống trà sáng ở nhà, ông Hiền bỗng nói:

- Này chú thím. Tôi mới vào đây mà nay đã gần một tháng. Mấy ngày qua cũng suy nghĩ kỹ rồi. Thôi, tôi phải thu xếp về lại ngoài đó kẻo bà ấy mong. Cho nên cũng không phải nán chờ ngày đi gặp thằng Tú nữa. Tôi nghĩ rằng mai kia cháu nó học tập tốt, được trở về thì tôi cũng không nên đem nó ra Bắc, vì đem nó ra, người ta… căm thù, ném đá nó vỡ đầu chết mất! Mà tôi thì rất thương các cháu, không bao giờ muốn chứng kiến cảnh đau lòng đó.

- Xin anh khỏi lo xa -  ông Tiến cười khẩy, đáp – Tôi cá với anh là dù anh có thuyết phục đến gãy lưỡi, đám con chúng tôi cũng không đứa nào chịu ra Bắc sống đâu, đừng có mơ hồ ảo tưởng về điều đó. Hai mươi năm xa cách, lòng người cũng quá cách xa. Chúng ta đây là anh em cùng cha sinh mẹ đẻ mà nói chuyện với nhau đã không trôi, huống chi đến thế hệ con cháu. Phải nhìn ra sự thật chua chát này: Cộng sản Việt Nam đã làm tan nát hết, tan nát cả quê hương đất nước, tan nát cả tình dân tộc, nghĩa gia đình…

Để chuẩn bị quà cáp cho chuyến về của ông Hiền, bà Tiến mua sẵn hai xấp vải gửi ông Hiền đem về biếu bà Hiền may quần áo.

Riêng ông Tiến, nhớ tới câu “nhất đổng, nhì đài” mà mấy người Bắc 75 thường nói, ông tháo chiếc đồng hồ Seiko 5 đang dùng và lấy cái radio hiệu Phillips 3 băng trước nay ông vẫn nghe tin tức tặng ông Hiền. Nhận hai món quà này, ông Hiền mừng như bắt được vàng, cứ xuýt xoa mãi.

Ngày đi, ông Tiến lấy xe Honda 67 chở ông Hiền ra bến xe miền Đông. Dù sao, trước phút chia tay, hai anh em cũng có chút bịn rịn. Ông Tiến ôm vai ông Hiền vỗ vỗ mấy cái rồi dặn ông Hiền nên giữ kỹ mấy món quà kẻo bị mất cắp. Ông Hiền ôm chặt cái “đài” vào lòng, cười khoe hàm răng vẩu ra, hớn hở nói với em trai:

- Tôi về có cái này là nhất xã đấy chú!

- Vâng, có “đài” mỗi tối nên bỏ ra chừng nửa tiếng nghe VOA hay BBC, chắc chắn sau một thời gian anh sẽ “mở mắt” ra được rất nhiều…

Hoàng Huy

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen