Donnerstag, 2. Oktober 2014

Trung Quốc ngăn chặn thông tin về cuộc đấu tranh ở Hồng Kông

mediaNhững người biểu tình ở Hồng Kông chuẩn bị sạc điện thoại di động gần trụ sở chính quyền, 01/10/2014.REUTERS/Carlos Barria
Bịt thông tin, đánh sập blog, phong tỏa website. Không che giấu được sự bực bội về phong trào đấu tranh đòi dân chủ tại Hồng Kông, chưa bao giờ đảng Cộng sản Trung Quốc lại tăng cường kiểm duyệt như lúc này, nhắm vào các mạng xã hội, đồng thời Bắc Kinh tuyên truyền rầm rộ là những người biểu tình ở Hồng Kông chỉ là những « kẻ cực đoan » vi phạm pháp luật.
Tại Trung Hoa lục địa, hàng triệu người dân không hề biết đến phong trào đấu tranh tại Hồng Kông, đòi có quyền tự do lựa chọn người đứng đầu cơ quan hành pháp lãnh thổ vào năm 2017, theo hình thức bầu cử phổ thông đầu phiếu trực tiếp thực sự.
Mạng xã hội có nhiều người sử dụng – Instagram – đã hứng chịu hậu quả của sự kiểm duyệt : Từ Chủ nhật 28/09, mạng này đã bị phong tỏa, trong khi đó, Twitter và YouTube thì vẫn bị cấm tại Trung Quốc.
Thế nhưng, mọi nỗ lực kiểm soát thông tin của Bắc Kinh dường như vô ích. Để tránh kiểm duyệt và tiếp tục đưa tin về cuộc đấu tranh đòi dân chủ, những người biểu tình ở Hồng Kông, trong những ngày qua, đã dùng FireChat, một ứng dụng mới về tin nhắn cho điện thoại thông minh (smartphone), hoạt động không cần mạng và internet.
Ông Jeremy Goldkorn, phụ trách website thông tin danwei.org (đơn vị) hiện cũng bị phong tỏa, cho biết : « Hệ thống kiểm duyệt cực kỳ hiệu quả mà chính quyền Trung Quốc phát triển từ năm 1949 đến nay, hoạt động thực sự và do vậy, có rất ít thông tin nằm ngoài đường hướng chính thức được loan tải và duy trì » trên mạng. Tuy nhiên, « điều này không có nghĩa là người dân không biết những gì đang xẩy ra, cho dù thông tin bị kiểm duyệt rất chặt chẽ ».
Về chủ đề Hồng Kông, truyền thông chính thức Trung Quốc nhận được chỉ thị chỉ đưa tin theo đường lối tuyên truyền chính thức, miêu tả những người đấu tranh ở Hồng Kông như những kẻ « cực đoan », sẵn sàng gây bạo động, những kẻ mang lại hiểm họa cho kinh doanh, làm ăn, gây mất ổn định, đe dọa hoạt động của thị trường chứng khoán. Bầu không khí hiện nay giống như hồi đầu năm 2011, khi Bắc Kinh muốn bưng bít mọi thông tin kêu gọi người dân tập hợp đấu tranh đòi dân chủ tại Trung Quốc, theo gương các cuộc cách mạng trong thế giới Ả Rập.
Đi cùng với chính sách kiểm duyệt, Bắc Kinh ra lệnh đánh sập rất nhiều blog. Theo ông Phó Cảnh Hoa (King-wa Fu), chuyên gia về truyền thông tại trường đại học Hồng Kông, số tiểu blog bị xóa trên Sina Weibo (Vi Bác) đạt mức kỷ lục. Là người lập website Weiboscope, hàng ngày theo dõi số phận của khoảng 50 đến 60 ngàn tiểu blog mới ra đời tại Trung Quốc, ông Phó Cảnh Hoa cho biết, thứ Bẩy 27/09, tỉ lệ tiểu blog bị xóa là 98 trên 1.000, sang đến Chủ nhật, tức là vào thời điểm cảnh sát Hồng Kông trấn áp người biểu tình, con số này là 152/1.000. « Đây là tỷ lệ cao nhất trong năm 2014, thậm chí còn cao hơn cả ngày 04/06 », ngày Bắc Kinh trấn áp phong trào đấu tranh đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn, năm 1989, làm hàng trăm người thiệt mạng trong đó có nhiều sinh viên. Sau một phần tư thế kỷ, đây vẫn là một chủ đề cực kỳ nhậy cảm tại Trung Quốc. Mối ám ảnh, lo sợ của Bắc Kinh là việc so sánh giữa Hồng Kông và Thiên An Môn.
Tối Chủ Nhật, 28/09, một số ít hình ảnh cảnh sát Hồng Kông dùng lựu đạn cay trấn áp sinh viên, đã được loan tải ở Trung Quốc và gây trấn động. Ông Phó Cảnh Hoa nhấn mạnh, « tại Trung Quốc, những sự việc này gợi nhớ lại vụ 04/06, làm nhiều người liên tưởng hai sự kiện, nhất là khi họ biết thông tin hoặc nhìn thấy những bức ảnh » ở Hồng Kông. Do vậy, giới kiểm duyệt tại Trung Quốc rất bực bội và căng thẳng.
Hệ thống kiểm duyệt tại Trung Quốc, được gọi là « Vạn lý trường thành tin học », sử dụng hàng ngàn nhân viên, phong tỏa, ngăn chặn mọi truy cập vào những website bị đánh giá là « nhậy cảm ». Danh sách các website bị phong tỏa được cập nhật đều đặn : Gần đây, tờ báo Hồng Kông có tên tuổi South China Morning Post cũng bị chặn.
Theo website GreatFire.org, chưa bao giờ, tại Trung Quốc, số lượng website thông tin bị ngăn chặn lại nhiều như hiện nay. Đây là một xu hướng ngày càng lan rộng và gây lo ngại. « Đa số mọi người cho rằng chính quyền Trung Quốc sẵn sàng làm mọi việc để nắm giữ quyền lực, nhưng có rất ít người nghĩ rằng chính quyền thậm chí sẵn sàng đi xa tới mức cô lập cả đất nước với mạng internet trên thế giới, theo kiểu này ».
Về phần mình, chuyên gia Goldkorn kết luận : « Mối ám ảnh đối với mọi người là việc sử dụng bạo lực, xe tăng và trấn áp tàn bạo ». Nếu điều này xẩy ra, thì những kẻ kiểm duyệt phải đối mặt với những thách thức rất to lớn.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen