Thời
kỳ cởi mở tương đối sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền đã chấm dứt.
Tự do phát biểu và nhân quyền bị chà đạp không nương tay. Hàng loạt văn
nhân, trí thức, luật sư, nghệ sĩ, tu sĩ bị tống giam vì can đảm chỉ
trích chế độ. Chiến dịch chống tham nhũng lộ nguyên hình là thủ đoạn
sát kê dọa hầu, giết gà nhát khỉ, của tân hoàng đế Trung Quốc, theo như
giới phân tích độc lập tại Bắc Kinh.
Sau
các phiên tòa trừng trị vợ chồng cựu lãnh đạo tỉnh Trùng Khánh, ông
Bạc Hy Lai bị án tù chung thân còn bà vợ Cốc Khai Khai lãnh bản án «
tử hình treo », hàng loạt quan chức cao cấp khác của Trung Quốc như Chu
Vĩnh Khang và các đàn em, không kể Bạc Hy Lai, người đã vào tù kẻ nằm
chờ lãnh án với tội danh tham nhũng.
Chiến dịch đánh tham nhũng cũng không tha hàng tướng lãnh quân đội như Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn, Dương Kim Sơn
Tuy
nhiên đàng sau những sự kiện được truyền thông Trung Quốc loan tin
rộng rãi để đánh bóng chính sách « diệt hổ » của Tập Cận Bình là cả một
sách
lược tinh vi nhầm củng cố quyền lực cá nhân của nhân vật mà dư luận
gọi là tân hoàng đế Trung Quốc, nắm ghế Chủ tịch đảng Cộng sản vào tháng
11/2012 và lần lượt thu tóm toàn bộ quyền lực trong tay.
Trong
bối cảnh giới trẻ Hồng Kông xuống đường phản đối Bắc Kinh nuốt lời
hứa dân chủ, tình trạng trấn áp tại Hoa lục còn thô bạo hơn, thông tin
bị kiểm duyệt, công dân mạng bị bắt nhốt.
Trong
một bài phân tích dài gửi đi từ Bắc Kinh, phóng viên nhật báo Pháp
Libération trong số báo thứ hai tuần này khẳng định : "Trung Quốc trở
lại thời kỳ im hơi lặng tiếng".
Trường
hợp điển hình là nhà trí thức Hoàng Trạch Vinh (Huang Ze Rong), 81
tuổi, từng bị cầm tù
suốt 23 năm từ năm 1957 đến 1980 trong nhà tù cải tạo. Thực ra, công
an chính trị quan tâm làm gì đến một cụ ông 81 tuổi. Từ nhiều thập niên
qua tên tuổi nhà văn Hoàng Trạch Vinh đã « được » lá chắn bảo vệ
chế độ quên lãng.
Nhà văn từng bị quy
tội « phản động » sống yên bình trong một căn hộ nhỏ ở vùng ngoại ô buồn
thảm của Bắc Kinh. Thỉnh thoảng ông vẫn viết bài, nhắn tin trên mạng
internet mà nội dung dành riêng cho những người quan tâm đến thời cuộc.
Tuổi đời gần đất xa trời của tác giả là một lá bùa hộ mệnh mà ngay đám
mật vụ Trung Quốc của Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào cũng phải tôn trọng
dù biết đối tượng không ưa chế độ này.
Thế
nhưng, từ khi Tập Cận Bình
lên ngôi thì tình thế đổi khác. Đầu tiên, con chó Mao giống Tây tạng
trung thành của ông bị đánh thuốc độc. Có lẽ để chế diễu chế độ, ông
đặt tên cho con chó trung thành giữ nhà là « Mao » như họ của Mao Trạch
Đông.
Cả nhà không hiểu kẻ gian nào làm
chuyện gian ác này và để làm gì ? Chỉ một ngày sau là họ có câu trả
lời. Đêm 15/09, một ngày sau khi con chó canh trộm bị giết, một toán
công an đang đêm đập cửa ào vô nhà Hoàng Trạch Vinh. Ông lão 81 tuổi
bị đánh thức, bị buộc phải thay quần áo và bắt khẩn cấp. Tất cả trang
thiết bị điện tử từ điện thoại, máy điện toán cho đến sách vở, tài liệu
viết tay bị tịch thu để gọi là làm tang vật.
Sau đó một thời gian, gia đình
mới nhận được lệnh bắt giam trong đó nhà văn Hoàng Trạch Vinh bị quy tội « gây mất trật tự và kích động cãi vã ».
Ông
cụ 81 tuổi này thật sự phạm tội gì ? Tiếp xúc với nhà báo Pháp, thân
nhân của Hoàng Trạch Vinh dự đoán có lẽ ông bị trả thù vì một bài thơ
ngụ ngôn chỉ trích một ủy viên bộ Chính trị thiếu tư cách.
Một
luật sư có kinh nghiệm biện hộ cho các nhà tranh đấu dự đoán : nếu ông
Hoàng Trạch Vinh bị kết án tù thì ông sẽ bi quy chụp tội danh hình sự
chứ không phải là do hoạt động chính trị :
Công
an hành xử theo kịch bản quen thuộc. Đầu tiên là bắt đối tượng bị cho
là nói xấu chế độ. Rồi sau đó, họ mới tìm cách này cách kia ngụy tạo
“chứng cớ” để truy tố, để quy buộc tội hình sự bằng cách truy tìm đời
tư trong quá khứ hoặc ép cung bằng bạo lực hay bắt chẹt.
Đó là điều mà chính quyền Trung Quốc gọi là “xét xử theo pháp luật”.
Hàng
loạt nhà báo, luật sư, đối lập, tu sĩ, tín đồ tôn giáo, giáo sư đại
học, thành viên các tổ chức dân sự và đối thủ chính trị biến thành nạn
nhân của chính sách siết chặt kiểm soát xã hội của Tập Cận Bình.
Theo
đạo luật mới “chống phát tán tin đồn” và nhân danh chỉ thị cấm “tiết
lộ bí mật” trên báo chí, tòa án Trung Quốc có quyền kết án tù bất cứ
người nào. Vị luật sư giải thích:
Mục
đích của chế độ là khủng
bố tinh thần một số đông dân chúng, từng bộ phận một, để cuối cùng,
không một ai dám lên tiếng phát biểu gì cả. Để làm cho các tiếng nói
phản biện trong xã hội Trung Quốc phải im lặng, phương tiện tinh vi nhất
là bộ máy tư pháp vì đây là lớp sơn tạo cho chính sách đàn áp một vỏ
bọc “hợp pháp”.
Một luật sư khác, cũng có nhiều kinh nghiệm bảo vệ giới ly khai nhận xét:
Trong
thập niên 90 đã có một số cải tiến về một nhà nước thượng tôn pháp
luật. Quy định về luật tố tụng dần dần được tôn trọng đôi chút. Tuy
nhiên đến năm 2009, tức là một năm sau Thế vận hội Bắc Kinh, thì tình
hình tư pháp xấu đi. Cho đến khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thì mấy
thẩm phán không do dự
sử dụng phương pháp du côn du đảng để dâng cấp trên những bản án mà
lãnh đạo mong chờ.
Trường hợp cụ thể
nhất vừa xảy ra là vụ giáo sư kinh tế Ilham Tohti, người Duy Ngô Nhĩ,
Tân Cương. Ông chỉ trích chính sách đồng hóa thô bạo của Bắc Kinh đang
thực hiện tại Tân Cương nhưng bị kết án tù chung thân với tội danh “chủ
trương ly khai”.
Để triệt hạ nhà trí
thức được sinh viên kính trọng và quốc tế nể phục, an ninh Trung Quốc
đã sử dụng một đoạn băng vidéo thu lại một bài giảng của ông tại giảng
đường trong đó có đoạn liên quan đến lịch sử : trước đây Tân Cương mang
tên Đông Thổ là đất của sắc tộc Duy Ngô Nhĩ chứ không phải của người
Hán. Tòa án gọi đây là bằng
chứng để bắt giam và buộc tội giáo sư Ilham Tohti.
“Bỏ đói tù nhân hàng chục ngày để ép cung”
Tháng
Giêng năm nay, giáo sư Ilham Tohti bị công an đến tận căn hộ trong cư
xá đại học Bắc Kinh, nơi ông sống với người vợ và hai đứa con thơ, bắt
khẩn cấp giải về tận Tân Cương và nhốt vào một “xà lim” chật hẹp trong
một nhà tù ở thủ phủ Urumqi.
Trong nhà
giam này, giáo sư Ilham Tohti bị bỏ đói trong nhiều giai đoạn dài có khi
hơn 10 ngày. Tay chân của ông bị cùm bằng còng sắt cắt sâu vào da
thịt.
Ngày 23/09, trong một phiên tòa
dàn dựng theo kiểu Liên Xô cũ, giáo sư người Duy Ngô Nhĩ này bị kết án
chung thân với tội danh “
thông đồng với báo chí nước ngoài” bởi vì ông đã trả lời câu hỏi của
các phóng viên quốc tế hoạt động tại Bắc Kinh. Bản án nặng nề không
tương xứng này có lẽ do “cấp lãnh đạo” chỉ thị.
Bất
bình bản án này, một luật sư có tiếng tăm tại Bắc Kinh mà Libération
không đưa tên vì lý do an ninh, nhận định: Không phải là tình trạng nhân
quyền ở Trung Quốc không cải thiện. Phải nói là nhân quyền càng ngày
càng tệ hại. Theo quan điểm lập pháp thì Trung Quốc có một số tiến bộ,
chẳng hạn như bỏ các trại tù cải tạo lao động. Nhưng về mặt pháp lý
thì hoàn toàn thụt lùi đến mức tôi vô cùng bi quan cho nền tư pháp
Trung Quốc.
Nhiều đồng nghiệp của luật
sư này đã bị bắt giam trong
những tháng gần đây như Phổ Chí Cường, bị buộc tội “gây mất trật tự,
kích động cãi vã”. Luật sư Đường Kinh Lăng thì bị tội “ âm mưu khuynh
đảo chế độ” còn Hứa Chí Vĩnh đã bị kết án 4 năm tù hồi tháng Tư năm
nay, với tội danh “tổ chức tập họp gây mất trật tự công cộng”.
Giáo
sư Ilham Tohti là tiếng nói Trung Hoa độc lập duy nhất dám trình bày
công khai những nguyên nhân sâu xa đưa đến tình trạng xung đột sắc tộc
đẫm máu tại Tân Cương. Một khi “vô hiệu hóa” được tiếng nói này, Bắc
Kinh tha hồ tiếp tục chính sách đồng hóa các sắc dân thiểu số và áp đặt
quan điểm chính thống.
Nạn nhân thứ hai
trong tương lai rất có thể là bà Tsering Woeser, cũng từ Hoa lục, can
đảm
tố cáo những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Tây Tạng gây tang tóc tại
vùng đất Phật, nơi mà phóng viên quốc tế bị cấm vãng lai. Hơn 130 vụ tự
thiêu xảy ra trong ba năm 2011-2014.
Nữ
sĩ Tsering Woeser là người có quốc tịch Trung Hoa mang dòng máu Tây
Tạng sinh năm 1966 trong gia đình tôn sùng “cách mạng”. Tác giả của hàng
chục tác phẩm nghiên cứu, được 5 giải thưởng quốc tế, bà can đảm
chuyển đến báo chí Tây phương, qua internet, những thông tin liên quan
đến Tây Tạng.
Tsering Woeser đã trả giá
khá nặng, bị quản thúc.Người thân trong gia đình bị công an bảo vệ chính
trị đe dọa coi chừng “hậu quả” nếu không thuyết phục được nữ sĩ im
lặng. Vì sợ mất việc, người em trai của bà không dám
“nói chuyện” với chị từ hai năm nay.
“Sát kê dọa hầu”
Ilham
Tohti, trước khi bị bắt, cũng bị nhiều áp lực tương tự. Bản thân ông
và gia đình bị công an thường phục đe dọa ám sát. Mục tiêu của những
lời hăm dọa này một mặt là để buộc ông phải im tiếng và mặt khác để
trấn áp những người tranh đấu khác theo mưu kế “ giết gà dọa khỉ”.
Để
hù dọa giới phóng viên, an ninh chọn đối tượng cứng cỏi nhất để đánh
phủ đầu. Năm nay, nhà báo Cao Du, một phụ nữ 70 tuổi, biết rõ nhiều
việc cơ mật trong nội tình chóp bu đảng Cộng sản Trung Quốc đột nhiên
“mất tích” hồi tháng Tư. Đến tháng Năm, người ta thấy bà xuất hiện trên
đài
truyền hình đọc “những lời thú nhận phạm tội tiết lộ bí mật quốc gia”.
Bằng
cách nào công an chính trị ép buộc nhà báo có uy tín này chấp nhận
tủi nhục tự tố cáo sĩ nhục mình làm ớn lạnh hàng chục triệu khán giả màn
ảnh nhỏ Trung Quốc ? Theo thân nhân của bà Cao Du, công an dọa truy tố
cả đứa con trai của bà nếu bà không tuân thủ.
Chế
độ Tập Cận Bình điên tiết vì “tài liệu mật số 9” của bộ chính trị bị
tiết lộ. Tài liệu này do chính tay Tập Cận Bình biên soạn “tuyên chiến
với dân chủ và nhân quyền” :
"Chúng ta
không nên để lan truyền những ý kiến khác biệt với quan điểm của Đảng
và đường lối chính sách của Đảng. Chúng ta cũng không để
cho các quan điểm chống lại quan điểm của lãnh đạo được phổ biến".
Nhờ
lòng can đảm và yêu chuộng tự do của một phụ nữ ở đúng chỗ, làm đúng
việc, mà chỉ đạo chiến lược của chủ tịch Trung Quốc về chính sách 10
năm tới đây trong tập tài liệu mật mang số 9 được công khai hóa. Ông
chỉ rõ kẻ thù của đảng Cộng sản Trung Quốc là “ dân chủ hiến định theo
mô hình Tây phương, giá trị phổ quát của nhân quyền, xã hội dân sự , tự
do báo chí, chủ thuyết tân tự do…”.
Bước
ngoặt cực kỳ chuyên chế độc tài mà Trung Quốc đang bị lôi vào vừa là
nguyên nhân vừa là hậu quả của chính sách cải tổ cấu trúc của chế độ.
Chủ trương “tập thể lãnh đạo” do Đặng Tiểu Bình đề
xướng vào năm 1997 đã bị thay thế.
Từ
ngày lên cầm quyền và nắm hết ba chức vụ lãnh đạo cao nhất gồm chủ tịch
Đảng, chủ tịch Nước và chủ tịch Quân ủy Trung ương tức quân đội, ông Tập
Cận Bình không ngừng củng cố quyền lực.
Trước
hết, ông tự phong chức vụ đứng đầu bốn “cơ quan chỉ đạo” gồm an ninh,
quốc phòng, kinh tế, cải cách tổng quát và kiểm duyệt mạng. Tiếp theo
đó, Tập Cận Bình khéo léo khai thác chiến dịch chống tham nhũng, vừa để
thu phục nhân tâm, vừa loại trừ một số đối thủ chính trị trong đảng và
thay thế bằng những kẻ trung thành hoặc những người chịu ơn.
Cuộc
thanh trừng chính trị này, tuy không nói tên, năm 2013 đã dẫn đến
bản án chung thân cho Bạc Hy Lai, ngôi sao chính trị đang lên trong
chính trường độc đảng tại Trung Quốc và hàng chục ngàn cán bộ bị cách
chức, bị án tù vì tội danh tham ô.
Động
thái kế tiếp của Tập Cận Bình là phát súng ân huệ dành cho cựu trùm
mật vụ Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, nhân vật có thế lực nhất nhì trong ban
lãnh đạo tiền nhiệm. Ông Chu cũng bị kết tội tham nhũng.
“Tôn sùng cá nhân lên ngôi”
Khi
tấn công vào một thành viên của bộ Chính trị, Tập Cận Bình muốn gửi
thông điệp cảnh báo mọi người là không ai có thể chống lại ông. Nhân vật
được một số người gọi là “tân hoàng đế” huy động toàn bộ phương tiện
truyền thông vào cá
nhân mình, tái lập hình ảnh “lãnh đạo tối cao” theo mô hình Mao đã bị
cấm từ khi Mao Trạch Đông qua đời.
Song
song với những tuyên bố của Mao Trạch Đông mà Tập Cận Bình luôn trích
dẫn đưa vào diễn văn, “hoàng đế mới” còn sáng chế ra những ngạn ngữ ca
tụng cá nhân mình. Chẳng hạn như hồi tháng Tư, ông tuyên bố : "vận tốc
của đoàn tàu hỏa tùy thuộc vào đầu máy".
Theo
giáo sư Willy Lâm, một nhà phân tích chính trị có uy tín tại Hồng Kông
thì trái với nhà lãnh đạo cải cách Đặng Tiểu Bình, ông Tập Cận Bình
nhấn mạnh đến vai trò cá nhân: khả năng và phẩm chất của người thủ lĩnh
là chìa khóa thành công của đảng và nhà nước.
Một
nhà dân chủ được
Libération giấu tên phân tích: Trước thời Tập Cận Bình, công an bảo vệ
chính trị có mục tiêu duy nhất là kiểm soát xã hội công dân. Họ bắt
giam, trấn áp các nhà hoạt động dân chủ có uy tín hoặc có hành động vượt
qua là ranh giới hạn đỏ. Giờ đây, với Tập Cận Bình, công an bảo vệ
chính trị từ nay có nhiệm vụ tạo môi trường như thế nào để xã hội công
dân không còn không gian để sống”.
Theo
thông tin mới nhất, từ khi phong trào tranh đấu “Cách Mạng Ô Dù” diễn
ra tại Hồng Kông, hàng loạt dân mạng Hoa lục bị bắt vì chia sẻ tình đoàn
kết.
Danh sách của Asia News vào ngày
hôm qua là 17 người. Hôm nay có thêm 10 người trong đó có phụ nữ hoạt
động nhân quyền Lý Đông Mai và thi sĩ Vương
Tạng bị mời về trụ sở công an.
Nếu
hoàng đế Tập cư xử với dân Trung Hoa như vậy thì liệu tương lai nào dành
cho các dân tộc, đất nước láng giềng từ Tây Tạng, đến Tân Cương, từ
Hồng Kông xuống tận Đông nam Á, khu vực nằm trong tham vọng biển đảo
của Bắc Kinh ?
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen