Tiệm phở của bà Trần Tiếu ở tiểu
bang Minnesota, Hoa Kỳ
Courtesy photo
Theo bản tin của AP, đăng trên
tờ Washington Times số tháng Ba, người đàn bà này tên Trần Tiếu, 59 tuổi, qua Mỹ
năm 1991 theo diện con lai. Sau khi có nhà cửa và cơ sở buôn bán, bà Trần Tiếu
đã đưa hàng chục người Việt vào Mỹ một cách bất hợp pháp không chỉ bằng đường
du lịch từ trong nước sang Mỹ mà còn qua ngã biên giới Mexico vào đất Mỹ.
Nội vụ bắt đầu từ chuyện Cồn Dầu
và tổ chức BPSOS đang giúp đỡ những người từ Cồn Dầu chạy sang Thái Lan vì bị
đàn áp khi tranh cãi đất đai. Giám đốc điều hành BPSOS, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng,
cho biết:
Trong một chuyến đi sang Thái
Lan năm 2010, ngay khi các giáo dân đầu tiên tại Cồn Dầu chạy sang Thái Lan để
lánh nạn, thì có một hồ sơ được biết là người chồng ở bên Mỹ. Chúng tôi lập tức
liên lạc với người chồng của chị ở Cồn Dầu thì mới khám phá ra người chồng này
là nạn nhân của một vụ buôn người. Thủ phạm đã buôn rất nhiều người chứ
không phải một, phần lớn là người trong gia đình trong giòng họ và những bạn bè
thân quen.
Ngay sau đó, BPSOS trình báo vụ
việc lên FBI - Cơ Quan Điều Tra Liên Bang Hoa Kỳ:
Sau một thời gian khá dài FBI
đã phỏng vấn, chụp hình, điều tra kỹ lưỡng thì công lực Hoa Kỳ đã truy tố bà Trần
Tiếu là thủ phạm buôn người. Bà ta đã nhận tội ít ra trong một vụ buôn người,
nhưng thực sự ước lượng khoảng vài chục người đã bị bà buôn sang Hoa Kỳ.
Theo luật pháp Hoa Kỳ, hành động
của bà Trần Tiếu như giữ giấy tờ hộ chiếu của nạn nhân, ép buộc lao động không
lương, hăm dọa trả thù nếu bỏ trốn vân vân… là những biểu hiện và những chứng cớ
của tội buôn người mà sẽ bị xử phạt rất nặng. Bản tin trên tờ Washington Times
cho thấy bà Trần Tiếu đang đối diện bản án 20 năm tù và 250.000 đô la tiền phạt:
Tin cuối cùng là bà ta đang chờ
ngày ra tòa để nhận bản án, 250.000 USD đó là tiền phạt của tòa về tội
hình sự, cộng vào đó có thể bà ta phải bồi thường cho nạn nhân nữa. Lấy thí dụ
một người trong gia đình bà ta ở Cồn Dầu, được đưa sang và bà ta nói người đó mắc
nợ bà ta một trăm nghìn tiền đưa sang Mỹ. Cứ như vậy nạn nhân làm lụng bao lâu
để trả nợ cho bà ta, đến ngày được thoát đi vẫn chưa trả xong nợ thì lấy
đâu mà trả tiền nợ ở Việt Nam vì họ phải cầm cố tài sản thì mới có tiền sang Mỹ
được. Đáng tiếc đây không phải là hồ sơ độc nhất mà ít ra vài chục hồ sơ khác
cũng tương tự như vậy.
Lường gạt và bóc lột cả người
nhà khi đưa họ sang Mỹ lao động bất hợp pháp. Ông Trần Phương, em ruột bà Trần
Tiếu, trước ở Đà Nẵng, đi kinh tế mới ở Dak Lak năm 1981, sang Mỹ năm 2007:
Em là em ruột của chỉ đó, em đi
diện du lịch cuối năm 2007 rồi trốn ở lại. Em rất lệ thuộc chỉ,
hồi đó đi làm cho chỉ mà em sợ thứ nhất là bả đuổi, mọi chuyện em không dám nói
gì hết. Với lại chị em thì không ai nói được bả, nói ra bả bác liền thành
ra em biết mà em không nói chi được. Trong thời gian em qua 2007 thì 2008 em có
kết hôn giả với một bà đó người Kampuchia, em có Work Permit đi làm, sau
em cũng khai thiệt với FBI là em kết hôn giả chứ không phải kết hôn thật. Hồi
trước em có nói chuyện với anh Nguyễn Đình Thắng thì chỉ chửi quá đi, chỉ đuổi
luôn. Giờ em qua Tennessee em ở đây. Em qua Tennessee năm 2011, hàng năm
em có nhờ văn phòng BPSOS xin cho Work Permit để đi làm, năm nào cũng cứ xin rứa
đó.
Với sự trợ giúp của FBI, ông Trần
Phương đã có giấy phép đi làm việc song chưa được cấp thẻ xanh. Không chỉ mình
ông mà vợ ông, bà Nhị, cùng cô con gái 14 tuổi hiện đang sống với ông ở
Tennessee, cũng là nạn nhân của bà chị Trần Tiếu.
Em ở 2 năm rồi không biết chị
đi qua Mexico chơi chỉ thấy đường dây sao đó cái về chỉ nói với em là “tao có
đường dây đưa vợ con mi qua được, hai người tao chỉ lấy 45.000 USD”. Em làm cho
chỉ rồi chỉ trừ hàng tháng, như làm được 2.000 thì chị trừ bảy tám trăm có khi
một ngàn. Làm được 3.000 chỉ trừ đi 1.500 hay 2.000 USD.
Thủ phạm đã buôn rất nhiều người chứ không phải một, phần lớn là người trong gia đình trong giòng họ và những bạn bè thân quen.
- TS. Nguyễn Đình Thắng
Cái khác ở đây, như ông Trần
Phương kể, là vợ con ông được bà Trần Tiếu đưa sang Hoa Kỳ bằng ngã
Mexico.
Cái này em có khai với FBI hết
rồi, tính ra là cô Đông với vợ em với con bé là ba, rồi có một cô tên Huỳnh Thị
Sang nữa là bốn. Em chỉ biết có 4 người đó thôi.
Từ San Jose, nơi cư ngụ
và làm việc sau khi chạy thoát khỏi tay bà Trần Tiếu, bà Trần Thị Đông mà quí vị
vừa nghe ông Trần Phương nhắc tên, cho biết bà cũng là dân Đà Nẵng dọn đi kinh
tế mới vào Daklak như bà Trần Tiếu trước kia. Sau này, khi sang Mỹ định cư được
nhiều năm thì bà Trần Tiếu tìm cách móc nối và rủ rê để bà Trần Thị Đông qua
làm việc trong quán phở của con trai bà ta:
Năm 2008 bả ở bên Mỹ gọi về,
nói là để chỉ đường cho qua Mỹ, bả có cái tiệm Phở Sài Gòn qua làm cho bả, mùa
đông thì bả trả một tháng 3.000, mùa hè thì một tháng 2.500. Nghe như vậy
tôi mới nghĩ bây giờ 5 đứa con ăn học, hơn nữa một mình tôi làm
nuôi bọn hắn cũng không có tiền cũng khổ. Tôi đồng ý tôi đi, mấy đứa con nghe vậy
thì nó cũng mừng.
Thoạt đầu bà Trần Tiếu bảo bà
Đông xin giấy đi du lịch Hoa Kỳ rồi sẽ trốn ở lại như ông Trần Phương em ruột
bà, nhưng :
Cuối cùng đi không được, 3 lần
đều rớt hết, sau bả mới chỉ đi ra Hà Nội phỏng vấn đi Mexico. Tôi cũng nghe bả
cầm cái tài sản cái nhà mình ở rồi bắt đầu làm giấy tờ đi. Bả dặn khi đi phải
mang theo cỡ năm hay sáu ngàn (Đô La), tới Mexico rồi bả làm giấy tờ cho qua Mỹ.
Nói chung cũng tốn rất nhiều, tính ra qua tới nơi hết trên dưới coi như năm
trăm triệu (500.000.000) tiền Việt Nam.
Năm 2009, bà Đông cùng vợ con
ông Trần Phương lên đường tới Mexico:
Bả chỉ đường hết, đến sân bay của
Mexico bả kêu là đi kiếm chỗ bán máy bay nội địa đi Tijuana sát ranh với Mỹ đó.
Đến sân bay Tijuana khoảng 8 hay 9 giờ tối thì bả có cho 2 người, một người đàn
ông và một người đàn bà mà tôi nghĩ là Mỹ tại chú đó cao mà trắng lắm. Chú
đó cầm cái bảng để chữ Đông với Nhị. Chở về hotel thì bả gọi điện qua, biểu
là ở yên không được đi đâu hết. Bả cũng dặn mấy người đón mua cho đâu một mớ
bánh mì với lại mì tôm.
Nghe lời bà Trần Tiếu, bà Đông,
bà Nhị và đứa con gái bà Nhị không dám ra khỏi phòng khách sạn, chỉ ăn độc bánh
mì hay mì tôm cầm chừng:
Qua ngày thứ tư hắn đói quá
không có gì ăn hết. Hai mẹ con bà đó sợ không dám đi, còn tôi cũng liều
tôi đi dạo dạo xuống dưới, tới cây xăng thấy người ta bán bánh mì với chuối tôi
mua về ăn. Mấy ngày ở đó rất là cực. Sự thật ra hồi đó mà bả nói đi theo kiểu
như vậy mình cũng không dám đi đâu.
Sau 17 ngày vật vạ trong khách
sạn ở Tijuana, bà Đông, bà Nhị và cháu gái gặp những người dẫn đường do bà Trần
Tiếu gởi tới:
Bả làm như thể gián điệp, nói
người ta tới đưa ra miếng giấy có chữ B chữ C là mấy người đón, nhưng mà người
ta nói tiếng gì mình đâu có hiểu. Cái rồi 2 ngày sau là có 2 người khác và 2
ngày sau lại có 2 người khác, cuối cùng không ai đưa đi hết.
Tới khi đó, đích thân bà Trần
Tiếu, con trai bà cùng em ruột là ông Trần Phương tức chồng bà Nhị đi với
bà Đông đến Mexico, từ Minnesota bay sang California rồi mướn xe chạy qua
Tijuana. Ba người ở Tijuana được đưa bằng xe qua biên giới Mexico vào Mỹ như thế
nào, bà Đông kể tiếp:
Bả mướn xe đưa tôi qua trước
xong rồi bả lên máy bay bả về. Đầu tiên là tôi đi theo chiếc xe truck, hai
người đàn ông dỡ cái ghế lên rồi nhét tôi nằm dài dưới băng ghế và chở
tôi qua khỏi biên giới. Qua đó là đúng ngày Quốc Khánh của Mỹ, ngày 4 tháng
Bảy 2009. Hai ngày sau hai mẹ con bà Nhị mới qua.
Về tới tiểu bang Minnesota, bà
Trần Tiếu xếp đặt cho bà Đông ở chung với vợ chồng ông Trần Phương và bà Nhị.
Qua ngày sau, bà Đông bắt đầu cuộc sống của một người ở đợ trong nhà và trong
tiệm phở của bà Trần Tiếu:
Bả có tiệm phở nhưng hình như bả
lãnh làm vệ sinh cái mall đó thành bả giao cho tôi làm. Buổi sáng 7 giờ tới là
phải xách nước tưới hết mấy cái cây hết hai tiếng đồng hồ. Tới 9 giờ nhà hàng mới
mở cửa thì vô bắt đầu đi lau cầu tiêu, lau nhà. Xong rồi xuống bếp luộc bún,
làm rau chuẩn bị tới giờ bán. Qua giờ trưa là tui phải rửa chén.
Ở cái mall đó có hai nhà vệ
sinh chung, bề ngang khoảng 4 mét, bề dài cỡ 30 mét, buổi trưa ăn cơm
xong mà tiệm không có khách thì tui phải lau chùi hai nhà vệ sinh đó.
Hết tháng đầu tiên mà không thấy
bà chủ đả động gì đến tiền lương, bà Đông bèn nhắc thì bà Trần Tiếu chỉ đưa ra
con số 1.000 thay vì 2.500 hoặc 3.500 đô la như đã hứa:
Đến mức độ tôi quị lụy tôi khóc lóc mà bả không chịu, bả chửi bả nói hỗn ghê lắm rồi bả đánh. Cứ mỗi lần cãi nhau là bả chụp đầu bả đánh, bả đánh 3 lần như vậy.
- Bà Trần Thị Đông
Bả nói trả cho mày 1.000
đô nhưng tao trừ 500, còn lại 500. Bả nói bây giờ tôi làm là tôi phải trả cho bả
35.000 là tính cái tiền đưa từ Mexico qua, thì mỗi tháng bả trừ 500.
Tôi mới nói nếu đưa qua mà bây
giờ em có giấy tờ thì chị lấy em ba lăm ngàn, bốn chục ngàn hay năm chục ngàn
em cũng làm mướn làm thuê để trả cho chị, nhưng bây giờ chị đưa qua mà em không
có giấy tờ em sống bất hợp pháp làm sao chị lấy em 35.000. Qua tháng thứ
nhì tôi hỏi lương thì bả nói tháng trước tao đưa cho mày 1.000 rồi
tháng này mày còn hỏi gì nữa.
Do nóng ruột vì không có tiền gởi
về cho mấy đứa con ở bên nhà, phần không có tiền trả món nợ cầm nhà trước khi
đi, bà Trần Thị Đông nhiều lần lời qua tiếng lại với bà Trần Tiếu, dẫn đến
chuyện bị bà Trần Tiếu đánh đập:
Đến mức độ tôi quị lụy tôi khóc
lóc mà bả không chịu, bả chửi bả nói hỗn ghê lắm rồi bả đánh. Cứ mỗi lần cãi
nhau là bả chụp đầu bả đánh, bả đánh 3 lần như vậy. Lần thứ ba là tôi bức quá rồi,
tháng thứ ba cũng không có tiền nữa. Bả còn bắt ông Mười Phương là đuổi tôi ra
khỏi nhà.
Thấy cảnh bà Đông bị chị mình đối
xử tàn tệ, phần khác sợ bị liên lụy vì trong nhà bà Trần Tiếu đang chứa cả chục
người bà con không có giấy tờ, ông Trần Phương đưa bà Đông đến nhà một
người bà con xa. Người này sau đó giúp bà Đông qua San Jose, California. Tại
đây, bà Đông cũng đi phụ bếp cho tiệm phở của một người Việt Nam.
Kịp khi chuyện buôn người của
bà Trần Tiếu vỡ lỡ do BPSOS khai báo và làm việc với FBI, tình trạng bất hợp
pháp của bà Trần Thị Đông cùng một số nạn nhân khác được đưa ra ánh sáng:
FBI điều tra cũng xác nhận được
hoàn cảnh sự việc của tôi như vậy. Bên FBI đưa tôi lên chỗ văn phòng luật
sư làm giấy tờ cho tôi để mà đi làm, cho tôi hưởng trợ cấp bước ban đầu.
Văn phòng luật sư cũng làm giấy
bảo lãnh cho con gái nhỏ nhất cho tôi được qua Mỹ tháng Mười Một năm rồi. Người
ta chuyển diện cho hai má con tôi rồi, thẻ xanh thì chưa có nhưng mà giấy tờ hồ
sơ thì làm hết rồi.
Cần rõ pháp luật Mỹ nghiêm trị
những kẻ phạm tội đưa người bất hợp pháp vào Hoa Kỳ dưới hình thức kết hôn giả
hay đi du lịch rồi ở lại như chuyện bà Trần Tiều đã làm. Pháp luật Mỹ cũng bảo
vệ đích đáng cho những ai thực sự là nạn nhân của tệ nạn lạm dụng và buôn người.
Liên lạc góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen