Chuyện
nhỏ nhưng không nhỏ. Một qui định “nhỏ” của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
(GD & ĐT) sẽ ảnh hưởng xấu lâu dài và sâu rộng tới nhân quyền, và
văn hóa của toàn thể xã hội. Báo Giáo dục điện tử ngày 4/9/2014 có đăng
một bài về sự đổi mới trong giáo dục tiểu học với tựa đề “Chính thức áp
dụng không chấm điểm cấp tiểu học,” của tác giả Xuân Trung (1).
Theo bài
báo, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo chính thức ra thông tư qui định hủy bỏ
việc chấm điểm học sinh tiểu học như hiện nay và thay vào đó là biện
pháp đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét. Với sự đổi mới này, ngoài
biện pháp nhận xét, đánh giá học sinh của giáo viên, còn có đánh giá
của cha mẹ, của bản thân, của đồng bạn, và của người khác nếu có (chưa
biết là ai!). Bài báo viết, “Bên cạnh đó, học sinh cũng tự đánh giá và
tham gia nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn.” Bài báo cũng viết tiếp, “Hàng
tháng, giáo viên thông qua quá trình quan sát, ý kiến trao đổi với cha
mẹ học sinh và những người khác (nếu có) để nhận xét học sinh, ghi vào
sổ theo dõi chất lượng giáo dục.” Dựa theo những qui định trên, ngoài
biện pháp đánh giá của giáo viên, các biện pháp còn lại đều vi phạm luật
pháp, xâm phạm quyền riêng tư (privacy), là một sự xách nhiễu tinh thần
học sinh, có tính cách vô nhân đạo, vô văn hóa, và phản giáo dục.
Trước
hết một cụm từ trong thông tư viện dẫn cần được tìm hiểu rõ đó là cụm
từ “tự đánh giá và tham gia nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn.” Cụm từ này
đương nhiên bắt học sinh sau khi viết bản tự đánh giá phải mang ra đọc
trước lớp. Như vậy hành vi “tự đánh giá” ở đây không khác gì hành vi “tự
kiểm điểm trước tổ, đội, cơ quan hay khu phố”; và đó cũng chính là hình
thức “đấu tố trước tổ, đội, khu phố hay trước nhân dân”, một biện pháp
được đảng Cộng sản áp dụng từ thời cải cách ruộng đất cho tới ngày nay
thỉnh thoảng vẫn được chính quyền địa phương áp dụng đối với các nhà bất
đồng chính kiến. Nói cách khác, cụm từ vừa nêu chính là hình thức bắt
buộc mỗi học sinh tiểu học, theo thường kỳ, phải bị mang ra đấu tố trước
toàn lớp.
Việc
bắt buộc người công dân viết tự kiểm điểm mọi sinh hoạt hàng ngày của
họ là một vi phạm pháp luật. Trong một xã hội pháp quyền, văn minh,
người công dân không thể bị bắt buộc làm điều gì luật pháp không đòi
hỏi; và luật pháp Việt Nam hiện hành thì không đòi hỏi người công dân
phải viết tự kiểm điểm. Vậy thì hà cớ gì bộ GD& ĐT lại có quyền ra
thông tư qui định bắt học sinh tiểu học viết tự kiểm điểm (tức tự đánh
giá) thường kỳ?
Viết
kiểm điểm khác viết bản tường thuật. Câu hỏi được đặt ra là khi học
sinh vi phạm nội qui của trường thì giáo viên phải làm sao? Câu trả lời
là nếu giáo viên chứng kiến thì sẽ cho học sinh biết hành động của học
sinh là vi phạm nội qui. Học sinh có quyền hỏi vi phạm điều nào của nội
qui thì giáo viên phải chỉ rõ. Và giáo viên chỉ có thể áp dụng biện pháp
kỷ luật đã được qui định trong nội qui chứ không được có biện pháp kỷ
luật nào khác. Trong trường hợp học sinh vi phạm kỷ luật mà giáo viên
(hay hiệu trưởng) không chứng kiến, ví dụ một học sinh báo cáo bị học
sinh khác hành hung trong trường (nếu sự việc xảy ra ngoài trường thì
không thuộc thẩm quyền của nhà trường), thì giáo viên phải gọi học sinh
bị tố cáo lên và yêu cầu tường thuật (miệng hay văn bản). Cần phân biệt
đây là bản tường thuật chứ không phải bản tự kiểm điểm. Có nghĩa là
trong bản tường thuật này, học sinh tác giả của hành động không bị buộc
phải nhận khuyết điểm. Việc nhận xét tác giả của hành động có khuyết
điểm hay không chính là và chỉ có thể là giáo viên, sau khi chỉ ra hành
vi đó vi phạm điều thứ mấy của nội qui.
Ngoài
vi phạm luật pháp, việc bắt học sinh đọc bản tự đánh giá trước bạn đồng
lớp để các bạn đồng lớp góp ý lại là một vi phạm vào quyền riêng tư,
vốn là một quyền quan trọng được luật pháp bảo vệ. Trong bài Sự riêng tư
và luật pháp (Privacy and the Law) của Micheal McFarland, tác giả viết
rằng “hầu hết các chính quyền đều công nhận sự cần thiết phải bảo vệ sự
riêng tư của công dân, ít nhất ở một mức độ nào đó” (2). Sự bảo vệ sự
riêng tư theo luật Anh – Mỹ thì “Việc tiết lộ những thông tin riêng tư
là bất hợp pháp, nếu việc tiết lộ đó khiến người đó cảm thấy khó chịu,
nếu người đó không phải nhân vật của công chúng (public figure) và nếu
việc tiết lộ đó không vì quyền lợi công cộng một cách chính đáng (It is
illegal to reveal private facts about someone if the average person
would find it objectionable to have that information made public,
provided that the subject of the information is not a public figure and
there is no legitimate public interest in making the information known
(3). Trong giáo dục thì Hoa Kỳ có đạo luật bảo vệ quyền và sự riêng tư
trong giáo dục của gia đình (The Family Education Rights and Privacy Act
(1974)). Đạo luật này kiểm soát việc tiếp cận hồ sơ của học sinh trong
trường học. Những thông tin này gồm điểm học, các lần bị kỷ luật, tình
trạng tâm lý, bệnh tật, lý lịch gia đình, các thông tin cá nhân khác và
các nhận xét, phê bình của giáo viên. Luật này cho phép học sinh hay cha
mẹ (nếu học sinh còn vị thành niên, tức dưới 18 tuổi) quyền được xem hồ
sơ của học sinh và yêu cầu sửa đổi những điều cần thiết. Luật cũng giới
hạn người ngoài tiếp cận hồ sơ học sinh (4). Theo đạo luật này, ngay cả
cha mẹ cũng không có quyền tiếp cận hồ sơ con mình khi chúng đã đủ 18
tuổi. Bởi thế, việc qui định cho phép bạn học trong lớp tiếp cận thông
tin đời tư của học sinh để nêu nhận xét, đánh giá và góp ý là hoàn toàn
bất hợp pháp và vi phạm trầm trọng quyền riêng tư của học sinh.
Thông
tư của bộ GD& ĐT lại còn cho phép người khác, không phải là cha mẹ
và bạn đồng lớp biết và góp ý về các thông tin cá nhân của học sinh lại
là một vi phạm nữa vào quyền riêng tư của học sinh. Trong trường học mọi
cấp ở Hoa Kỳ, việc trả bài thi, bài trắc nghiệm của học sinh, sinh viên
với điểm số và lời phê bình, nhận xét, giáo viên phải úp mặt có điểm và
lời phê xuống bàn để không cho học sinh khác trông thấy điểm và lời
phê, vì đó là những thông tin cá nhân, tuyệt đối có tính cách riêng tư.
Hành động của giáo viên Hoa Kỳ như vậy là việc thực thi hàng ngày “đạo
luật bảo vệ quyền và sự riêng tư trong giáo dục của gia đình.”
Ngoài
việc vi phạm luật pháp, vi phạm quyền riêng tư, việc bắt học sinh viết
tự đánh giá mọi sinh hoạt hàng ngày để đem ra cho bạn đồng lớp nhận xét,
đánh giá, góp ý là một hành vi sách nhiễu tinh thần (mental abuse). Thế
nào là sách nhiễu tinh thần là điều người Việt Nam quá thấu hiểu, mà
không cần tìm một giải thích kinh điển (academic) nào khác. Người Việt
Nam nào mà không thường xuyên bị chính quyền sách nhiễu tinh thần từ
trong trường học, cơ quan và phường khóm, nhất là thời bao cấp. Ngay bây
giờ, không còn bao cấp nữa, nhưng công an khu vực, an ninh thành phố,
tổ dân phố, tổ an ninh, tổ văn hóa v.v… vẫn thường xuyên xâm nhập gia cư
bất hợp pháp, không có sự đồng ý của chủ nhà, mà người dân có khiếu nại
cũng không được giải quyết. Đặc biệt, trong trường học, học sinh thường
bị sách nhiễu tinh thần dưới các hình thức như bị đòi hỏi quá đáng
trong học tập và kỷ luật (abusive expectations), bị chỉ trích vô lý
(criticism), (5). Theo Maria Bogdanos, có thêm hai trong nhiều hình thức
sách nhiễu tinh thần là khi bạn bị nhắc nhở về khuyết điểm của mình và
khi kẻ sách nhiễu tinh thần là kẻ không bảo vệ những thông tin riêng tư
của bạn, mà lại chia sẻ những thông tin đó trong khi bạn không đồng ý
(Do they remind you of your shortcomings? Do they not protect your
personal boundaries and share information that you have not approved?)
(6) Rõ ràng hai hình thức sách nhiễu tinh thần mà Maria Bogdanos đề cập
là hai hình thức nằm trong sinh hoạt tự đánh giá của học sinh tiểu học
theo đòi hỏi trong thông tư của bộ GD & ĐT.
Sách
nhiễu tinh thần là hành vi vô nhân đạo và sẽ mang lại những chấn thương
tinh thần có hậu quả lâu dài vì khiến người bị sách nhiễu luôn sống
trong lo sợ. Người bị sách nhiễu tinh thần thường có các triệu chứng như
trầm cảm (depression), tránh giao tiếp (withdrawal from social
interaction), thiếu tự tin (low self-esteem), hay sợ sệt (fearfulness),
luôn lo âu (increased anxiety, nervous), cảm thấy mình có lỗi (guilty
feeling), không tin tưởng ai (not trusting others) (7) và mất tính độc
lập (8). Hậu quả rõ ràng nhất của việc tự kiểm điểm trước tổ, đội, lớp,
hay khu phố là dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mọi người dù là dân hay cán
bộ, đảng viên đều lo sợ sự theo dõi của công an, của đồng nghiệp trong
cơ quan, của hàng xóm láng giềng, và của “bạn bè” trong trường học. Dưới
chế độ xã hội chủ nghĩa, người ta không bao giờ tâm tình những chuyện
bí mật riêng tư với đồng nghiệp trong cơ quan, với đồng chí trong cùng
tổ đảng, với hàng xóm, vì sợ có nguy cơ một ngày nào đó chỉ vì một bất
đồng hay tranh dành quyền lợi nhỏ, họ sẽ bị tố cáo trong cơ quan, trong
tổ đảng hay trong tổ dân phố.
Không
những vô nhân đạo, việc bắt người dân viết tự kiểm điểm định kỳ còn là
biện pháp vô văn hóa vì nó gây chia rẽ, nghi kỵ, thậm chí hận thù giữa
những người trong một lớp, trong một tổ, trong một cơ quan, trong một
khu phố. Nó khiến người dân không còn dám tin ở ai. Có thể nói không
ngoa, không có ai là bạn bè chí cốt dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Bạn bè
hôm nay có thể chính là người sẽ tố cáo mình ngày mai. Bạn bè hôm nay,
có thể sẽ là người ngoảnh mặt làm ngơ, thậm chí bước sang bên kia lề
đường để tránh mặt, khi mình bị hoạn nạn do kết quả của tự kiểm điểm và
“góp ý xây dựng” của tổ, lớp. Những ví dụ của hiện tượng này ngày nay đã
được các nạn nhân phổ biến trên mạng quá nhiều khiến không cần trích
dẫn. Tương tự, đòi học sinh viết bản tự đánh giá định kỳ để mang ra toàn
lớp “góp ý xây dựng” chính là biện pháp đấu tố có hậu quả phá hủy văn
hóa tốt đẹp của dân tộc vì sẽ tạo sự mất đoàn kết, nghi kỵ, lừa dối và
hận thù trong toàn lớp.
Vừa
vi phạm pháp luật, vừa vi phạm quyền riêng tư, vừa là sự sách nhiễu
tinh thần, vừa vô nhân đạo, vừa vô văn hóa, biện pháp bắt học sinh tiểu
học viết tự đánh giá thường kỳ còn là một biện pháp phản giáo dục. Để
học sinh có thể phát triển toàn diện, học đường phải là môi trường thân
thiện, trong đó giáo viên và bạn bè phải là những người được cá nhân học
sinh tin tưởng, yêu thích. Trong bài Ước gì con tôi không phải đi du
học của nhà báo Nguyễn Anh Thi, bà viết về môi trường giáo dục trung học
ở Hoa Kỳ như sau, “các thày cô dạy chuyên môn thì sẵn sàng chào đón
cháu ở văn phòng riêng khi cần và tận tâm chỉ dạy cháu học hành đến nơi
đến chốn. Cháu luôn nói với gia đình là mọi người xung quanh rất tốt và
thân thiện, con cảm thấy vui vẻ và thoải mái.” (9). Việc bắt học sinh
viết tự đánh giá để mang ra đọc cho các bạn đồng lớp góp ý chỉ tạo mâu
thuẫn, hận thù, nghi kỵ, chia rẽ giữa các học sinh. Một môi trường giáo
dục như vậy rõ ràng đi ngược lại phương pháp giáo dục văn minh.
Với
một biện pháp vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm quyền riêng tư, vừa là
sự sách nhiễu tinh thần, vừa vô nhân đạo, vừa vô văn hóa, vừa phản giáo
dục như trong thông tư viện dẫn của bộ GD & ĐT, tại sao không thấy
phụ huynh nào lên tiếng phản đối, mặc dù họ từng có nhiều kinh nghiệm
đau thương của biện pháp đấu tố, kiểm điểm này? Điều này chỉ có thể hiểu
được là vì quần chúng vẫn còn ngây thơ trước những ngôn từ lừa dối của
cộng sản. Cũng là đấu tố nhưng có khi được gọi với tên khác là tự kiểm
điểm, để rồi bây giờ lại được đổi thành một từ mới là tự đánh giá. Cộng
sản vẫn là siêu lừa và người dân vẫn hết thế hệ này tới thế hệ kia mắc
lỡm.
Thế
thì cần phải đặt câu hỏi là tại sao giới lãnh đạo giáo dục lại áp dụng
chính sách tàn bạo lâu đời như vậy với lớp học sinh tiểu học? Có quan
điểm cho rằng cộng sản muốn rèn luyện dân chúng từ lúc mới lọt lòng.
Người CS từng nói đi nói lại trồng người để mưu lợi trăm năm cơ mà!
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng giới lãnh đạo giáo dục thiếu trình độ.
Quan điểm thứ hai này có vẻ hữu lý vì có nhiều bằng chứng cụ thể.
Giới
gọi là trí thức xã hội chủ nghĩa nói chung đều thiếu trình độ. Đó là
nhận xét của chính những con người xã hội chủ nghĩa đã từng được du học
Liên Sô và các nước cộng sản Đông Âu. Đã có vài người trong số họ từng
viết lên báo rằng con bò được mang sang Liên Sô cũng có thể trở thành
tiến sĩ. Không ít bài báo của những người có hiểu biết mới đây cũng nhận
định giới gọi là “trí thức xã hội chủ nghĩa” đều có trình độ kém cỏi và
thiếu đạo đức khoa học, trong đó có một số bài của GS Nguyễn Văn Tuấn
(dậy đại học Y Khoa Australia) (10), bài của Tiến sĩ Nguyễn Đình Đăng
(hoạt động khoa học nguyên tử tại Nhật) (11), hay bài mới đây của luật
sư Lê Công Định khi ông tự đánh giá kiến thức của chính ông (12). Thêm
nữa, ngày nay môi trường đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ nhiều phần trăm là
dùng luận án đạo văn. Chính các hội đồng chấm thạc sĩ, tiến sĩ cũng đồng
ý không những cho đỗ mà còn đỗ hạng cao những luận văn có đạo văn. Đó
là tiết lộ của Tiến sĩ ngữ văn Hà Thanh Vân (13).
Không
những kém cỏi về chuyên môn, đạo đức, trí thức xã hội chủ nghĩa còn
hoàn toàn thiếu kiến thức tổng quát, gọi là liberal arts, trong đó cái
thiếu nhất và quan trọng nhất là tư duy độc lập (critical thinking), và
khả năng lý luận (logic), tức là những kiến thức để một người đi học trở
thành “người” chứ không chỉ trở thành một người máy robot. Trong nền
giáo dục của Miền Nam Việt Nam trước 1975, cũng như nền giáo dục của các
nước tiên tiến khác trên thế giới, ngoài chuyên môn, kỹ thuật, người ta
chú trọng cung cấp cho học sinh, sinh viên những kiến thức tổng quát
của các bộ môn nhân văn như âm nhạc, hội họa, văn chương, triết học,
luật học (ở trung học người ta gọi là môn công dân, hay công quyền
(government)), tâm lý học, xã hội học, các vấn đề xã hội (social
problems), kinh tế học, thống kê học cơ bản, quản trị v.v… Và đặc biệt,
học sinh được học tập suy nghĩ độc lập (critical thinking) và lý luận.
Khả năng này hoàn toàn không có trong môi trường giáo dục xã hội chủ
nghĩa. Một học sinh lớp 12 đang du học tại Hoa Kỳ đã nhận xét về trường
học Việt Nam như sau, “Đối với Việt Nam, hầu hết các tiết học đều như
sau: giáo viên đọc, học sinh chép, về học thuộc lòng, hôm sau kiểm tra.
Mọi lời giáo viên nói ra đều là “chân lý” và không thể có bất cứ tranh
luận gì thêm.” (14) Một học sinh lớp 12 trong nước cũng gửi bức thư lên
Bộ Trưởng Giáo Dục & Đào Tạo nêu tình trạng như vậy (15). Đào tạo
như thế thì bảo sao trí thức xã hội chủ nghĩa có khả năng để tìm ra
những sáng kiến, đưa ra những giải pháp và hoạch định kế hoạch.
Kế
hoạch kinh tế sai có thể sửa chữa sau một thời gian không lâu. Kế hoạch
khoa học kỹ thuật sai có thể sửa chữa mau chóng hơn. Nhưng kế hoạch
giáo dục mà sai thì di hại ít nhất vài chục năm. Ví dụ, sự sai lầm của
chính sách giáo dục và những lần cải tổ kế tiếp từ sau 1975 đã di hại
tới mãi bây giờ vẫn chưa tìm được giải pháp. Cái kém cỏi của trí thức
giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt nam đã được khẳng định bởi ông Trần đình
Sử, tổng chủ biên SGK THPT từ năm 2002 đến năm 2008. Ông Sử thú nhận
nhiều khuyết điểm lớn của chính ông, trong đó khuyết điểm “viết sách
trước, hoàn chỉnh chương trình sau. Nguyên văn ông Sử viết, ” tổng chủ
biên SGK THPT từ năm 2002 đến năm 2008, ròng rã hơn mười năm trời, tôi
đã nhận ra nhược điểm lớn của cuộc đổi mới ấy. Ngoài các nhược điểm như
việc biên soạn chương trình cắt khúc tiểu học, THCS, THPT, làm theo quy
trình ngược, viết sách trước, hoàn chỉnh chương trình sau, xây dựng
chương trình giáo dục toàn thể cuối cùng…” (16). Sự kém cỏi này thật khó
ai có thể tưởng tượng được. Ngay một người có sức học bình thường,
không tốt nghiệp trung học phổ thông, trong một nền giáo dục bình thường
phi xã hội chủ nghĩa, cũng hiểu rằng, chương trình phải là một tổng thể
thống nhất từ mẫu giáo tới tốt nghiệp trung học phổ thông và phải hình
thành trước rồi mới dựa vào đó để soạn sách. Thế mà giới lãnh đạo cải tổ
giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt Nam lại làm ngược lại. Làm sao hiểu nổi
mức độ ngu dốt của giới lãnh đạo giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt Nam như
vậy.
Một
ví dụ phản giáo dục, vô nhân đạo của việc bắt buộc học sinh tiểu học
phải viết bản tự kiểm điểm (tức tự đánh giá và nhận khuyết điểm trước
lớp) là bản kiểm điểm của một học sinh lớp bốn dưới đây: Bản kiểm điểm
với “tội danh” “nghịch bóng bay” và “không đứng thẳng”.(17)
Theo
như bản kiểm điểm của em thì em chẳng có một vi phạm gì mà chỉ nghịch
bóng bay, và không đứng thẳng hàng trong giờ khai giảng. Nhưng phải nhớ
rằng em mới học lớp 4. Lớp tiểu học không phải là trại lính mà bắt học
sinh kỷ luật như quân đội. Vả chăng, cứ cho là việc nghịch bóng bay và
không đứng thẳng trong giờ khai giảng là điều cần chấn chỉnh, thì giáo
viên chỉ cần chấn chỉnh bằng động tác nhắc nhở ngắn và nhẹ nhàng ngay
tại chỗ, đâu cần phải về lớp bắt viết kiểm điểm nhận lỗi, một hình thức
quá nghiêm trọng, khiến em học sinh trở nên sợ sệt. Tạo cho học sinh sự
khiếp sợ là biện pháp phản giáo dục.
Giải pháp đề nghị:
Đối
phó với biện pháp trong thông tư viện dẫn của bộ GD & ĐT, một biện
pháp vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm quyền riêng tư, vừa là sự sách
nhiễu tinh thần, vừa vô nhân đạo, vừa vô văn hóa, vừa phản giáo dục như
đã trình bày, để cứu con em mình, thì chính các phụ huynh phải lên tiếng
đòi hỏi bộ GD & ĐT hủy bỏ tức khắc biện pháp này. Không những vậy,
mọi người dân đều cần lên tiếng đòi hỏi chính quyền phải hủy bỏ mọi biện
pháp có tính cách đấu tố người dân và cương quyết không chấp hành biện
pháp viết tự kiểm điểm, đấu tố khi bị chính quyền đòi hỏi, nếu muốn xây
dựng một nhà nước pháp quyền như chính quyền từng tuyên bố.
© Nguyễn Tường Tâm
© Đàn Chim Việt
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen