Theo
thông lệ cứ đến tháng 8, thế nào cũng có người nhắc tôi ghi lại những
gì
mà tôi đã chứng kiến và cảm nhận về cái hào khí của cái thuở mặc áo nâu
dung dị vào hơn 30 năm về trước, cái thuở mà tôi đã hăng say “nhập
giòng tranh đấu” cùng với biết bao người bạn cùng chung lý tưởng chỉ với
ước mơ duy nhất: góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào việc giành
lại những gì mà dân ta bị cướp mất. Thời đó, sự tự nguyện đã đến với tôi
rất chân thành và tự nhiên như có lời nào đó đang réo gọi.
Hơn
30 năm sau nhìn lại, vật cũng đã đổi và sao cũng đã dời, sự thể vẫn
xoay quanh ….. chữ “vẫn”, bên ngoài “vẫn” chưa thấy gì là sáng sủa, bên
trong “vẫn” chìm đắm trong vũng
lầy tuyệt vọng. Nghĩ lại thấy buồn! trong số những bạn hữu năm xưa có
người mồ đã xanh cỏ tại một nơi nào đó của rừng núi quê hương, có người
đã bỏ cuộc, có người cũng còn cố gắng đi tới bên cạnh cuộc sống tầm
thường vất vả, nhưng cũng có người dù đã quá tuổi thất tuần, vẫn tin vào
lẽ tất thắng của dân tộc, kiên trì tiến bước dù yếu tố “thiên thời địa
lợi” không còn được như xưa, tôi cúi đầu ngưỡng mộ và chân thành cầu
chúc họ sẽ mãi mãi chân cứng đá mềm.
Tháng
8 năm nay trong lúc đang loay hoay tìm “cảm hứng”, tôi tìm đọc lại
những bài xưa cũ thì thấy có một bài viết nói về câu
chuyện giữa 2 người bạn, một người trở về và một người ở lại. Trong câu
chuyện có gợi lại một chút chuyện xưa lúc cả 2 còn mang áo trận. Dù
không trao đổi nhiều nhưng họ đã hiểu ý của nhau, cả 2 đã hẹn để cùng
nhau thưởng thức trà, để đọc lại một câu thơ vào lần ngắm trăng tới tại
giữa sân vua Đại Nội. Xin mời quí vị theo dõi bài viết tuy cũ nhưng vẫn
còn mới vì ước mơ của tôi và rất nhiều người khác vẫn chưa trở thành
hiện thực và riêng tôi vẫn thắp nén hương tưởng niệm những anh hùng đã
hy sinh vì tổ quốc mỗi khi tháng 8 trở về.
Vũ Đăng
Khuê
Ngô đồng nhất diệp
Thiên hạ cộng tri thu.
Câu thơ ở đâu, do một liên tưởng nào đó bỗng chợt hiện ra bất
ngờ. Thiên hạ cộng tri thu. Cả thiên
hạ ai cũng biết là mùa thu. Bây giờ đang là mùa hè nhưng buổi tối mát
và nhiều gió. Hơi ấm từ bãi cỏ sau vườn được tưới kỹ như giúp thêm cái
mát dịu dàng của một miền gần. Trời đã tối từ lâu và hai người khách đã
kiếu từ. Bát đũa đã được thu vén gọn ghẽ. Tôi được nói khẽ:
- Ông ở lại chơi với tôi một chút hãy
về.
Và
tôi rút ra sau vườn ngồi trên chiếc ghế xếp. Bữa ăn đơn giản mộc mạc.
Người nữ chủ nhân đã kín đáo để mâm cơm thêm thịnh soạn bằng đĩa chả
chiên chắc mua ở đâu đó trong tiệm Việt Nam. Chả không ngon, nhiều bột
nhưng canh rau cải đắng thì tuyệt vời. Thịt kho ăn với dưa giá muối
khéo, vừa đủ chua nhưng cọng giá vẫn còn dòn, không bị ủng. Tôi thoải
mái sau bữa ăn vừa phải.
Cuộc
gặp gỡ đã bắt đầu từ trưa kéo mãi tới lúc sắp ăn cơm mới coi như xong.
Hai người khách kia phải về nhà vì
quá xa. Bốn trăm dặm đường không thể là một quãng đường gần. Nhưng có
những quãng đường hơn thế nữa mà bạn tôi đã vượt qua. Tôi ngồi trầm ngâm
ngắm trời. Mọi sự trong vắt thanh khiết. Màn đêm không ép nổi vẻ trong
sáng của một đêm hè mát. Nơi ấy bây giờ ra sao? Mùa này nóng, cái nóng
cháy da cháy thịt làm xạm người, làm súc vật cũng lờ đờ. Tôi nhớ đoạn
đường từ Mỹ Chánh ra tới Quảng Trị mùa hè năm đó. Xác người và gió Hạ
Lào trộn thêm vào với những ngọn phi lao không lớn nổi những đụn cát
chói chan và những khuôn mặt hốc hác của người dân đã làm tôi điên lên
nhiều lần. Tôi đá vào thành xe M113 khi người dân quê chui từ một xó nào
đó ra run rẩy gọi tôi là “Thầy” xưng “Con”, xin nước, xin cơm, xin được
thoát khỏi
hỏa ngục. Tôi đã mất ngủ vì trông thấy những con gà lạc chủ đứng bươi
xác người khô đét. Tôi đã không nuốt nổi cơm khi nhìn thấy con chó cúp
đuôi, lưỡi thè ra thở phì phò trong cái nóng nung người. Ôi cái mùa hè
dù đã lui vào dĩ vãng mà mổi lần nhớ đến là máu lại sôi lên vì giận dữ.
Người bạn từ trong nhà đi ra mang theo một cái bàn nhỏ.
- Tôi
mời ông uống trà. Có người cho một lọ thiết quan âm từ ba năm rồi. Tôi
vắng nhà nên bà vợ vẫn cất ở một xó. Thiết quan âm của lục địa, có hậu
lắm.
Tôi ngồi quay lại nhìn bạn:
- Tôi
biết gì về trà đâu, toàn là uống như trâu. Hồi xưa ông vẫn chê tôi là thiếu phong nhã, không biết thưởng trà.
- Nghiện
thì không nên nhưng nếu biết uống trà thì cũng là một cái thú đáng ca
ngợi. Có điều cái gì cũng đừng thái quá. Nghe bà vợ tôi kể có mấy ông ở
đây lên tận San Francisco cất trà 120 đồng một pound. Tại sao họ có thể
phung phí như thế trong khi tụi tôi hà tiện chắt bóp từng
xu.
- Nhớ cái hồi uống trà với ông ở sân Đại Nội. Mười năm rồi.
- Hơn chứ. Gần mười hai năm rồi.
Tôi
im lặng nhìn bạn nhẹ nhàng vén khéo bộ đồ trà xinh xắn ra. Cái hôm ở
Đại Nội, trăng sáng như gương. Cung điện vua chúa triều Nguyễn hoang tàn
đổ nát im lìm chìm trong cái thanh vắng của đêm trung thu nguyệt bạch.
Dạo đó đơn vị hậu cần của tôi đóng ở Mang Cá và quản trị an ninh luôn
khu Đại Nội. Bạn tôi ở binh chủng khác tiến theo phía núi bên trái quốc
lộ trong khi tụi tôi đánh dọc theo bờ biển ngược lên phía Bắc Mỹ Chánh
Trường Phước La Vang Triệu Phong.
Trưa
hôm Trung Thu tôi ngồi ăn cơm mắm tôm chua ở quán 76 thì bạn tôi bước
vào. Súng đạn mịt mù, và dù cùng một cái đích là Quảng Trị, tôi biết bạn
tôi còn đang bị ghìm cứng ở La Vang. Tay bắt mặt mừng, hò la inh ỏi
trong cái quán toàn là lính ngồi ăn, súng ống mũ sắt ba lô ngổn ngang.
Bạn tôi về Huế họp tham mưu. Trước khi đứng dậy bạn tôi có nói có trà,
bánh đậu xanh và bánh dẻo của bà vợ mới cưới gửi ra, nếu muốn thì đến bộ
chỉ huy uống trà. Tôi cười ngất. Giữa cái nóng khủng khiếp của miền
Trung và trong cái không khí này mà uống trà thì thật tréo cẳng ngỗng.
Tôi đồng ý và đề nghị lại thay vì đến với bạn tôi, tôi sẽ đón vào sân
vua uống trà thưởng trăng.
Đêm
hôm đó hai đứa ngồi giữa sân chầu uống Thiết Quan Âm đun bằng ca nhôm.
Nếu các vị vua nhà Nguyễn có luyến tiếc ngai vàng lẩn quất đâu đó trong
cái hoang tàn đổ nát của Đại Nội ắt cũng sẽ tha thứ cho hai tên lính
giầy saut áo trận ngất ngưởng ngồi trên thùng đại liên uống trà ăn bánh
đậu xanh Hải Dương nhìn trăng thu.
- Ông nghĩ gì vậy? Sao có vẻ đăm
chiêu?
- Hà, nhớ lại tuần uống trà với ông ở Đại Nội, Huế.
Hôm
nay không phải là thu. Trời cũng không có trăng và nơi đây cũng không
có tro tàn điện ngọc, Ngọ Môn, Tịnh Tâm. Thoáng từ đâu đó từ tâm thức,
tôi nghe vẳng giọng hò:
“Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Thương nhau rồi hãy kíp về mau
Nữa mai đây bóng xé qua cầu
Bậu còn thương, bậu biết gửi sầu về nơi mô”
Thương nhau rồi hãy kíp về mau.
Nhiều người đã về. Bạn tôi cũng đã về và trở ra. Ngày mai bạn tôi lại
trở về sau khi hoàn tất việc làm ở đây. Tôi ngồi thoải mái, nhắm từng
ngụm nhỏ nước trà Tàu đặc vị chát nhưng khi thấm vào để lại dư vị ngọt
mát lan dần từ cuống họng tới khắp châu thân. Bạn tôi ngồi đó, bàn tay
to lớn quả cảm xòe rộng đặt trên đùi. Tôi muốn nói một điều gì. Tôi thực
sự muốn được góp với bạn tôi một chút, dù chỉ của một cái gì to lớn,
mênh mang mà bạn tôi đang suy nghĩ.
- Ngày mai, ông đi mấy giờ?
- Ba giờ chiều.
Tại
sao cái câu hỏi đó lại bật ra.
Tôi biết từ cả tuần ba giờ chiều mai bạn tôi sẽ ra đi. Chúng tôi không
còn gì để nói với nhau nữa. Đêm vẫn giữ êm mầu, êm tĩnh và trong sáng.
Trà Tàu làm tôi tỉnh táo, nhưng đầu óc tôi trống rỗng, đầu óc tôi tê
liệt. Tôi muốn nói cả triệu lần, muốn thao thao bất tuyệt, hùng hổ như ở
Khe Sanh hai đứa bất ngờ cùng chờ một chuyến trực thăng. Hay ít ra tôi
có thể chửi thề văng tục như ngày hai đứa tả tơi nhìn nhau ở Guam. Nhưng
tôi bất động. Cái bạn tôi làm lớn quá, thiêng liêng quá. Không có ngôn
từ để diễn tả. Bất chợt tôi nói:
- Chẳng biết nói gì với ông.
Bạn tôi cười:
- Cần
gì. Ông là đứa mồm loa mép giải, lúc nào cũng ruột để ngoài da, vậy mà
hôm nay ông không nói mới là quí.
Vả lại có gì cũng đã nói hết rồi. Tôi tin những gì mình đã thảo luận,
ông sẽ làm chu đáo. Với ông, thế là đủ. Mỗi người có cách nào đó để góp
tay vào việc này. Tôi với ông còn quá anh em ruột. Vậy đừng áy náy. Làm
một tuần trà nữa nghe.
Ly trà nhỏ trắng ngần, nước trà trong mầu hổ phách, hương trà thoảng trong đêm. Câu thơ lại trở lại. Cả thiên hạ ai cũng biết đã vào thu. Trong cái tĩnh mênh mang với bạn, tôi chợt hiểu câu thơ một cách rõ ràng. Ngô đồng nhất diệp lạc. Chỉ
có một lá cây ngô đồng rụng xuống. Cả thiên hạ đều hiểu mùa thu đã bắt
đầu thay
thế cho mùa hè nóng nực. Vũ trụ tuần hoàn và khi một chiếc lá ngô đồng
rụng thì không thể có trở lực nào kéo dài mùa hè và không ai có thể cản
mùa thu. Lịch sử đã xoay vần. Khi bạn tôi đã về, khi các bạn tôi đã về,
bánh xe lịch sử đã quay. Tôi và tất cả những người Việt Nam khác – hay
cả thiên hạ - biết rằng chúng tôi sẽ cùng về. Mùa thu thay chỗ cho mùa
hè. Tình người sẽ thay cho hận thù.
Tiễn
bạn không có ba ngàn tân khách chít khăn sô bên bờ sông Dịch. Chỉ có
những tách trà đắng ngọt và sự im vắng vô cùng của một đêm hè nơi sân
sau nhà. Tiễn bạn không cần bản đồ Hàm Dương, thủ cấp Ô Kỳ. Chỉ có một
lời
thề đã được hô lớn khắp năm châu bốn biển và lúc nào cũng vang vọng
trong tâm kể cả lúc ăn lúc ngủ. Bạn tôi đi không có gươm báu, không vì
cảm cái tình của Thái tử Đan, cũng không nấn nà chờ Cao Tiệm Ly. Bạn tôi
đi vì bạn tôi phải đi, giống như chiếc lá ngô đồng báo thu, đi để xoay
lại lịch sử chứ không vì “một lưỡi dao bay muôn thuở đẹp”. Đêm vẫn vô
cùng và bạn tôi vẫn im lặng, ung dung chuyên trà ra những chiếc chén hạt
mít. Liệu Kinh Kha có được như vậy chăng hay phải có rượu nóng dê béo,
đàn ngọt hát hay mới đi sang Tần. Kinh Kha đi nhưng biết là mình thất
bại. Bạn tôi khác. Bạn tôi đi và biết mình sẽ thành công.
- Ông nghĩ gì vậy?
- Một câu thơ. Tự nhiên tôi nhớ một câu thơ. Nhưng thôi, để tôi sẽ đọc câu thơ vào lần thưởng trăng tới ở Đại Nội.
Phạm Hoàng
Tháng 8/1983.
|
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen