Samstag, 30. August 2014

Làm đàn bà ở Việt-Nam khổ quá

Tôi chỉ tiếc một điều, người đàn ông duy nhất đang hành động vì nữ quyền của đàn bà Việt Nam mà tôi quen, lại là… một người Mỹ chứ không phải là một người Việt.

Trang Hạ
Tôi quen một ông già Mỹ chết vợ và yêu vợ. Nói thế là bởi vì sau khi người vợ Việt Nam của ông qua đời, tình yêu ấy vẫn còn kéo dài. Năm 1974 ông cưới vợ tại Việt Nam và sau khi vợ mất, mấy năm nay ông già Mỹ quay về Việt Nam sống. Ông nói, những phần đời quan trọng nhất của ông đã gắn với Việt Nam. Và những hạnh phúc ngọt ngào của ông cũng gắn với người phụ nữ Việt Nam.
Vì thế, dù lương hưu ở Mỹ của ông đủ để sống tốt, ông vẫn đi khắp nơi xin tiền, xin ở Mỹ, xin ở Việt Nam, xin ở các tổ chức quốc tế, xin ở những người ông gặp mỗi ngày, dù có những người không cho tiền, chỉ cho lời hứa. Ông già Mỹ đi xin tiền gần một năm nay để thực hiện dự án của cuộc đời ông, gom đủ một triệu USD để gửi 10 phụ nữ trẻ Việt Nam ra nước ngoài học lái máy bay, trở thành phi công nữ tại Việt Nam.
Vì ông thấy, làm đàn bà ở Việt Nam khổ quá!
bai-hoc-hon-nhan-cho-moi-phu-n-6096-3147
Ảnh minh họa.
Hồi mới gặp, tôi nghĩ ông già thật điên rồ. Tại sao lại là nữ phi công chứ không phải là chi tiền cho những dự án giúp đỡ phụ nữ bị bạo lực gia đình, giúp trẻ gái vị thành niên đừng mang thai ngoài ý muốn? Những điều ấy thiết thực với xã hội Việt Nam biết bao.
Ông nói rằng, cái người đàn bà Việt Nam thiếu, đầu tiên là thiếu cơ hội. Xã hội đâu cho họ cơ hội mà họ xứng đáng. Ví dụ, họ đâu có nhiều thời gian để sống cách họ muốn. Họ đâu có nhiều quyền quyết định về những thứ quan trọng như trở thành ai, đạt được gì. Thậm chí sẵn sàng bị trách móc khi đến trễ nhưng cũng bị trách móc nếu đến sớm mà chẳng ngồi yên khoanh tay chờ đợi theo cách mà người yêu muốn họ chờ đợi. Họ đâu có nhiều không gian để phát ngôn và cho cái tôi của họ cư trú an toàn. Họ buộc phải giữ trinh từ khi còn đang ẵm ngửa bú tí mẹ. 
Cái thứ hai là thiếu kỹ năng. Người phụ nữ không biết cách để trở thành công chúa của một mối quan hệ. Họ chỉ được dạy cách trở thành cái thảm chùi chân của một mối quan hệ mà thôi. Tức là luôn phải sẵn sàng, luôn phải có sẵn khi đàn ông xài tới. Từ chối bản thân nếu người đàn ông của họ muốn thế. Ngay cả muốn phạt nhẹ nhàng người đàn ông, họ cũng chẳng biết cách, ngoài cách cằn nhằn và khóc.
Cái thiếu thứ ba là động lực mãnh liệt của sự sống. Người đàn bà Việt Nam tại sao phải trở thành một người đàn bà hạnh phúc, khi họ chứng kiến bố mẹ ông bà họ đã sống một cuộc đời thế nào. Khi mẹ họ vẫn giục lấy chồng, khi người yêu họ vẫn hỏi: "Em có đảm đang bếp núc và có quá khứ hay không?". Khi người nhà chỉ quan tâm họ có đẻ được thằng cu chăng, nếu không, họ chỉ là một loại đàn bà vứt đi.
Ở trong xã hội Việt Nam, còn một thứ thiếu nhiều nhất, đó là cảm hứng sống và cảm hứng vươn lên. Những người đàn bà ông gặp vẫn loay hoay với những vấn đề hàng ngày của họ, chỉ bởi họ không có nhiều cơ hội để bao quát và xếp đặt cuộc đời mình theo cách nào đó thật khác chứ không phải vì họ kém cỏi.
Ông già người Mỹ cho rằng, ở Việt Nam, nữ phi công gần như là một biểu tượng ngưỡng mộ về giới. Biểu tượng của sự thành đạt, lòng ngưỡng mộ, cảm hứng vươn tới, được sự trọng thị của cả xã hội hơn mọi ngành nghề khác. Khi ngày càng nhiều người đàn bà nhận ra những khát vọng có thể trở thành sự thật, những người đàn bà khác tạo nên những cảm hứng vượt bậc và khao khát thay đổi, không phải loại khao khát tủn mủn như nấu một bữa ăn ngon, sắm được một cái váy rẻ tiền, có người yêu tặng hoa hồng đúng dịp… Khi ấy, rất nhiều những thứ sẽ thôi thúc trong tim những người phụ nữ trẻ. Để cô ấy mạnh mẽ hơn, cô ấy hy vọng vào xã hội này hơn, cô ấy tin vào những cơ hội tương lai hơn.
Ông già Mỹ chỉ muốn mang lại một niềm cảm hứng đích thực và lành mạnh cho chính xã hội này.
Tôi chỉ tiếc một điều, người đàn ông duy nhất đang hành động vì nữ quyền của đàn bà Việt Nam mà tôi quen, lại là… một người Mỹ chứ không phải là một anh lãnh đạo Việt Nam hoặc một quan chức đàn ông Việt Nam. Ngược lại, chỉ thấy trên báo chí những người đàn ông tự nhận là chuyên gia xã hội và chuyên gia kinh tế của Việt Nam thì lại cho rằng, chỉ có đàn ông mới lãnh đạo xã hội này tốt. Chỉ có đàn ông mới có năng lực và có quyền. Có ông tiến sĩ chỉ nhìn thấy những điều tồi tệ ở một người đàn bà, lên tiếng như muốn tước những cơ hội mà xã hội cần trao cho người phụ nữ, hoài nghi khi nhìn thấy một người phụ nữ được bổ nhiệm.
Hay là hai người đàn ông này chỉ khác nhau ở một điểm: ông già người Mỹ luôn yêu tha thiết người phụ nữ Việt Nam của ông ấy, cho đến ngay cả sau khi cô ấy đã qua đời?
Tôi cứ nghĩ đàn ông khác nhau là bởi tình yêu chứ không phải bởi quốc tịch.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen