Donnerstag, 28. August 2014
Báo Cáo Vi Phạm Tự Do Tôn Giáo và Tín Ngưỡng Với Quốc Tế
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 26 tháng 8, 2014
http://machsong.org
Công bố sơ khởi của Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ngày 31 tháng 7 vừa qua đã tạo một yếu tố thuận lợi cho các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam nhanh chóng mở rộng không gian hoạt động tôn giáo độc lập: Quốc tế bắt đầu thấu hiểu thực trạng đàn áp tôn giáo đã được chính quyền Việt Nam khéo léo che đậy cho đến nay.
Yếu tố thứ hai là thế kẹt mà chính quyền Việt Nam đã rơi vào sau sự việc giàn khoan HD-981: Họ đang cần sự chống đỡ của quốc tế và đặc biệt của Hoa Kỳ trước sức ép của Trung Cộng. Chính quyền Việt Nam không thể xem thường sự lên tiếng của quốc tế nhưng chắc chắn sẽ tìm nhiều cách để giấu giếm sự thật.
Chúng ta cần giúp cho quốc tế, bao gồm các chính quyền dân chủ, các cơ quan LHQ, và các tổ chức nhân quyền trên thế giới, biết rõ các vi phạm tự do tôn giáo để can thiệp cấp thời cho các cá nhân hay cộng đồng tôn giáo đang gặp hiểm nguy và đồng thời tạo áp lực lâu dài lên chính quyền để phải thực sự tôn trọng tự do tôn giáo.
Trong mục đích này, đầu năm 2013 BPSOS bắt đầu đẩy mạnh 3 công tác phát triển “nội lực”, với cộng tác của một số tổ chức quốc tế:
(1) Hướng dẫn và huấn luyện về báo cáo vi phạm: Từ đầu năm 2013 BPSOS đã hướng dẫn nhiều cộng đồng tôn giáo thực hiện các bản báo cáo gửi LHQ cho cuộc Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát và chuẩn bị cho chuyến thị sát Việt Nam của Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về quyền văn hoá vào cuối năm ngoái. Tính đến nay chúng tôi đã hướng dẫn và huấn luyện khoảng 100 nhân sự thuộc các cộng đồng tôn giáo độc lập về báo cáo vi phạm. Họ đã thực hiện các báo cáo phù hợp tiêu chuẩn và thủ tục của LHQ. Các báo cáo này đã giúp Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng chuẩn bị chuyến thị sát Việt Nam tháng 7 vừa rồi. Từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ huấn luyện thêm 100 nhân sự thuộc nhiều cộng đồng tôn giáo độc lập. Song song, chúng tôi sẽ phổ biến các tài liệu huấn luyện để mọi người có thể “tự học” tại đây: http://dvov.org/vietnamese-language-documents/. (2) Thành lập và phát triển Ban Nghiên Cứu ở hải ngoại: Để hỗ trợ cho công việc báo cáo vi phạm, BPSOS đã thành lập Nhóm Nghiên Cứu. Nhóm này rà soát và biên soạn lại các bản báo cáo từ trong nước cho phù hợp với tiêu chuẩn của LHQ, rồi phiên dịch sang Anh ngữ trước khi gởi đến các cơ quan LHQ, các chính quyền có ảnh hưởng và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Sau khi Liên Minh Cho Một Việt Nam Tự Do Và Dân Chủ được hình thành, Nhóm Nghiên Cứu đã sáp nhập vào Ban Nghiên Cứu của Liên Minh. Ban này còn neo người và chúng tôi cầu mong sẽ có thêm nhiều người tình nguyện tham gia.
(3) Tạo năng lực và thế ảnh hưởng cho các tổ chức/nhóm tôn giáo liên đới ở hải ngoại: Mỗi cộng đồng tôn giáo ở trong nước cần có một tổ chức đồng tôn giáo ở hải ngoại để yểm trợ tinh thần và vật thể, để giúp Ban Nghiên Cứu về thông tin và từ ngữ chuyên biệt, và để làm nhịp cầu truyền thông và quốc tế vận giữa trong và ngoài.
Song song là 3 công tác “ngoại vận”:
(1) Giới thiệu các cộng đồng tôn giáo độc lập ở trong nước với thế giới: Đây là cách để vén tấm màn che phủ mà chế độ dùng trong bao năm qua để che mắt thế giới. Tháng 3 năm nay, BPSOS sắp xếp để LM Phan Văn Lợi và nữ Chánh Trị Sự Nguyễn Bạch Phụng của Cao Đài điều trần ở Quốc Hội Hoa Kỳ, qua Skype. Tháng 7 vừa rồi, chúng tôi lại sắp xếp cho 12 thành viên của các cộng đồng tôn giáo độc lập tiếp xúc với 4 toà đại sứ Mỹ, Anh, Úc và Na Uy. Tiếp ngay sau đó là khoảng 180 thành viên của các cộng đồng tôn giáo độc lập đã tiếp xúc với Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở nhiều nơi trong nước. Đầu tháng 8, 3 chức sắc Cao Đài đã tiếp xúc với TNS Robert Corker. Nhờ đã có kinh nghiệm báo cáo vi phạm theo tiêu chuẩn LHQ, các người tham gia các buổi họp trên đã trình bày rành rọt và giúp thế giới ngày càng nhìn thấy rõ hơn chính sách đàn áp tôn giáo rất khốc liệt nhưng được khéo che đậy ở Việt Nam. (2) Kết nối các nhóm/tổ chức tôn giáo ở hải ngoại với quốc tế: Trong 2 năm 2013-2014, ngày càng nhiều các nhóm/tổ chức tôn giáo Việt Nam ở hải ngoại có quan hệ với các cộng đồng tôn giáo độc lập ở trong nước đã tham gia điều trần ở Quốc Hội, và họp thường xuyên với Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. Họ chuyển đạt trực tiếp đến chính quyền Hoa Kỳ các thông tin và đề nghị của các cộng đồng tôn giáo độc lập ở trong nước. Giữa tháng 9 tới đây một phái đoàn đa tôn giáo lại sẽ họp với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
(3) Vận động sự yểm trợ của các tổ chức tôn giáo và tổ chức bảo vệ tự do tôn giáo quốc tế: Tương tự như cuộc vận động sự lên tiếng mạnh mẽ của nhiều công đoàn lao động Hoa Kỳ, BPSOS đang vận động khoảng 50 tổ chức Hoa Kỳ và Âu Châu quan tâm đến tự do tôn giáo quốc tế để tạo nên sức ép ngày càng tăng lên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Mục tiêu là đưa Việt Nam vào danh sách CPC vào tháng 7 sang năm. Bắt đầu đã có một số tổ chức hưởng ứng. Chẳng hạn, một số tổ chức Hoa Kỳ và quốc tế đã tham gia cùng với chúng tôi để vận động TNS Corker tiếp xúc với các chức sắc Cao Đài như kể trên. Xem: https://democraticvoicevn.files.wordpress.com/2014/07/irf-roundtable-vietnam-letter-ranking-member-corker.pdf và https://democraticvoicevn.files.wordpress.com/2014/07/csw-letter-to-senate-foreign-relations-committee-senator-corker.pdf. Chúng tôi đang tạo cơ hội để một phái đoàn đa tôn giáo của người Việt sẽ tiếp xúc với khoảng 50 tổ chức kể trên tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào trung tuần tháng 9 này.
Phần lớn các công tác “ngoại vận” ở trên đang được bàn giao cho Liên Minh Cho Một Việt Nam Tự Do Và Dân Chủ.
Chúng tôi quan niệm rằng, một khi nhất cử nhất động đàn áp tôn giáo ở Việt Nam đều bị quốc tế kiểm tra và lên án thì dù ngay cả bạo quyền cũng sẽ e dè hơn, nhất là khi nội tình đang bị rối rắm tứ bề nên phải cầu cạnh quốc tế. Muốn tận dụng cơ hội này, các cộng đồng tôn giáo ở trong nước cần phát triển khả năng báo cáo vi phạm và phát triển quan hệ trực tiếp với quốc tế, với sự yểm trợ của các nhóm/tổ chức đồng tôn giáo ở hải ngoại.
Bài liên quan: Việt Nam: CPC, không TPP http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2940
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen