Sonntag, 31. August 2014

Đảo chính quân sự ở Thái Lan thách thức lý thuyết đấu tranh bất bạ ...

Trái với dự đoán của người quan tâm, nhận định các cuộc biểu tình của phe ủng hộ cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ bùng phát trên cả nước sau cuộc đảo chính quân sự ngày 22/05/2014 do quân đội Hoàng Gia Thái Lan thực hiện, nhưng cho đến nay, khi thủ lĩnh đảo chính – tướng Prayuth Chan O-cha lên làm thủ tướng – đất nước Thái vẫn khá bình yên.
 
Thủ tướng mới của Thái Lan - tướng Prayuth Chan Ocha
Nếu đi sâu tìm hiểu, có thể thấy các cuộc biểu tình rầm rộ từ sau cuộc đảo chính năm 2006 (cũng do quân đội thực hiện) lật đổ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đến trước khi chính phủ của bà Yingluck Shinawatra bị phế truất, đều là những cuộc tranh giành quyền kiểm soát đất nước giữa những phe phái lớn ví dụ như Phe áo Đỏ và Phe áo vàng.

Mặc dù những cuộc biểu tình kéo dài có làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và sự phát triển kinh tế của nước Thái, đặc biệt là ngành du lịch, nhưng nói chung Thái Lan vẫn đang phát triển tương đối ổn định.

Người dân sống ở Bangkok và nhất là khách du lịch đều nhận thấy, từ năm 2008 đến nay, ngay cả những lúc các cuộc biểu tình lên đến đỉnh cao của sự căng thẳng, ngoại trừ tại một vài điểm người biểu tình đóng quân, các hoạt động sinh hoạt và thương mại của thủ đô vẫn diễn ra bình thường…

Thái Lan có một thể chế chính trị Quân chủ Lập hiến tương tự như Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, vv… bởi vậy mô hình chính trị của họ là đa nguyên đa đảng, tôn trọng quyền đấu tranh ôn hòa của con người bằng việc pháp luật cho phép tự do hoạt động chính trị và lập hội biểu tình. Nhưng sự tự do đó vẫn phải đối mặt với những thách thức vũ lực, một khi nó vượt quá giới hạn sự chịu đựng của quân đội(!)

Tại Thái Lan, việc áp dụng phương pháp đấu tranh bất bạo động của các phe đối lập có những lúc tưởng như đã thành công hoàn hảo, nhưng “cái tát” bất thình lình của cuộc đảo chính quân sự ngày 22/05/2014 đã làm cho nhiều người bừng tỉnh!

Thì ra hình thức đấu tranh bất bạo động đã lộ ra những điểm yếu chết người!
Nếu đi sâu nghiên cứu những tài liệu đấu tranh bất bạo động ví dụ như cẩm nang “Từ độc Tài đến Dân chủ” của Tiến Sĩ Gene Sharp thì có thể thấy rằng, phương pháp đấu tranh bất bạo động luôn hứa hẹn sự chiến thắng tuyệt đối cho người đấu tranh. Tuy nhiên, người ta có thể phải nghĩ lại sau vụ đảo chính ngày 22/05/2014 tại Thái Lan.

Dường như chiến thuật và chiến lược của Mahatma Gandhi – người được cho là phát minh ra phương pháp đấu tranh bất bạo động đầu tiên trên thế giới – Liên Hợp Quốc đã phải chọn ngày sinh của ông (22/10/1869) là Ngày quốc Tế đấu Tranh bất Bạo động, cũng có thể sẽ chưa hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp.
 
Mahatma Gandhi - "vua" đấu tranh bất bạo động
Không những ở Ấn Độ thời Gandhi, mà Nam Phi thời Nelson Mandela, họ đã thành công nhờ sự nỗ lực đấu tranh phi bạo lực, nhưng cũng phải nhờ vào sự mệt mỏi của nước Anh trong việc cai trị các thuộc địa và phong trào đòi trả độc lập cho các quốc gia bị đô hộ trên toàn thế giới sau Thế Chiến II.

Tại Nam Phi, nhiều người cho rằng Nelson Mandela đã thành công nhờ phương pháp đấu tranh bất bạo động. Thực ra, ban đầu lý do ông bị bắt và lãnh án tù chung thân chính là vì lãnh đạo một số hoạt động đấu tranh võ trang.

Tại Chi Lê, người dân đã hạ bệ được nhà độc tài Pinochet bằng con đường tranh cử công bằng. Nhưng nếu như không nhờ các hoạt động võ trang mạnh mẽ của phe đối kháng, đặc biệt là vụ ám sát hụt giết chết một số cận vệ và làm Pinochet bị thương năm 1986; thì chưa chắc y đã chịu chấp nhận tổng tuyển cử.

Rõ ràng là tại Nam Phi và Chi Lê, áp lực từ các hoạt động võ trang của phe đối kháng đã có những tác dụng nhất định.

Chúng ta phản đối cách đấu tranh dùng bạo lực. Ngày nay quốc tế cũng không ủng hộ đấu tranh bằng bạo lực. Thậm chí có thể những người phản kháng cứng rắn bằng bom mìn, súng đạn, sẽ bị coi là thành phần khủng bố. Vì vậy chuyện kết hợp đấu tranh bạo lực và ôn hòa cùng lúc là khó thực hiện.

Vậy vấn đề ở đây của phương pháp đấu tranh bất bạo động là gì?

Hai điều kiện tiên quyết cần để một phong trào phản kháng ôn hòa có thể thành công là: Khi sự tức giận của người dân đã lên đến đỉnh điểm và nhà cầm quyền đã thực sự suy yếu – đó gần như là một chân lý!

Nhưng đối với Thái lan, mặc dù bộ phận người dân ủng hộ phe anh em nhà Thaksin có thể đã rất tức giận, nhưng mối đe dọa từ sức mạnh vũ lực của quân đội đã làm họ phải do dự, cân nhắc: Trước và sau 12 cuộc đảo chính do quân đội thực hiện từ năm 1932 đến nay, đã có những bài học bằng máu của hàng ngàn sinh mạng trong các cuộc biểu tình ví dụ như cuộc biểu tình của học sinh sinh viên tháng 3 năm 1976 tại khu vực Tượng đài Chiến thắng Anusawari.

Cuộc biểu tình của sinh viên Thái bị quân đội đàn áp đẫm máu hồi tháng 3/1976
tại khu vực Anu Sawari

Nhớ lại sự kiện Thiên An Môn hay gần đây là các cuộc đàn áp đẫm máu ở Tân Cương, Tây Tạng (Trung Quốc), để giải tỏa bế tắc, người phản kháng đã buộc phải chuyển sang sử dụng bạo lực. Đó rõ ràng là những thất bại của phương pháp đấu tranh ôn hòa.

Đối với thực tiễn Việt Nam, nhìn vào hai yếu tố quan trọng để phương pháp đấu tranh bất bạo động có thể thành công, những câu hỏi đặt ra là: Hiện nay người dân đã tức giận hay chưa? Và thể chế Cộng Sản đã thực sự suy yếu hay chưa?

Yếu tố người dân tức giận đã có, nhưng công bằng mà nói, đó chỉ là những phản ứng từ một bộ phận nào đó những người có nhận thức đúng, bộ phận dân oan, bộ phận những cán bộ nhà nước bị thất sủng mà thôi.

Về yếu tố chính thể suy yếu đã có, nhưng đó chỉ là sự suy yếu về “chính trị chủ nghĩa” vì lý tưởng Cộng Sản đã không còn. Nhưng từ nhiều năm nay hệ thống chính trị cầm quyền ở Việt Nam đã kịp thời biến tướng dù rằng trên danh nghĩa họ vẫn là những người Cộng Sản.

Cho tới hôm nay công an và nhất là quân đội vẫn thuộc quyền kiểm soát của họ, ràng buộc chắc chắn với chế độ bằng hiến pháp, bằng những đãi ngộ dành riêng cho giới lãnh đạo quân đội và công an (quân đội và công an thậm chí còn dám vươn ra nắm giữ một số mảng phát triển kinh tế thị trường).

Điều đặc biệt là nền kinh tế Việt Nam mặc dù nạn tham nhũng tràn lan, với những vụ việc thất thoát ngân sách cực lớn tới hàng tỉ USD; nhưng vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào thể hiện sự sụp đổ của nó.

Một yếu tố khác mà chế độ cầm quyền Cộng Sản có lợi thế là: Nếu kinh tế Việt Nam sụp đổ như Argentina năm nào, thì sẽ có hai cường quốc tranh nhau trợ giúp, đó là Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhằm biến Việt Nam thành đồng minh chắc chắn của họ.

Trở lại với điểm yếu của việc đấu tranh bằng phương pháp bất bạo động. Nhiều người khi tiếp nhận phương pháp này có thể đã reo lên: A, nó đây rồi!… Nhưng sự thật thành công của phương pháp ấy chỉ thuộc về họ 50% mà thôi, còn lại là phải phụ thuộc vào những yếu tố khác, họ buộc phải chấp nhận đóng vai “bắc nước chờ gạo người” – đó là những yếu tố ví dụ như quân đội không còn phục tùng nhà cầm quyền, hoặc quân đội không đảo chính như Thái lan.

Lịch sử đã cho thấy, trên thế giới này, sức mạnh bạo lực vẫn ngự trị ở đỉnh cao: Pinochet của Chi Lê, Gaddafi của Libya chẳng hạn – đều lên nắm quyền nhờ đảo chính quân sự. Và điều chắc chắn rằng, một khi quân đội đã đoạt quyền thì họ sẽ không nhả quyền lực ra một cách dễ dàng, đôi khi họ còn là hiện thân của sự độc tài ở mức cao hơn.
 
Phiến quân IS chặt đầu nhà báo Mỹ
Đối với những gì đang diễn ra ở Afghanistan, Iraq, Syria, Ukraina, vv.., kinh hoàng nhất hiện nay là sự tàn bạo của Phiến quân Hồi giáo IS; hiện tượng bạo lực vẫn đang leo thang và ngự trị. Chúng ta thấy bóng ma bạo lực vẫn đang là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với loài người.

Chẳng có ai dám phản kháng ôn hòa với những kẻ đã mất tính người giống như Phiến quân Hồi giáo IS, bạo lực rồi sẽ phải đối mặt với bạo lực mà thôi. Đó chính là những thách thức đôi khi là không thể vượt qua của phương pháp đấu tranh bất bạo động.

Lê Nguyên Hồng – Sydney, Australia

*Được sự đồng ý của tác giả, trang BBC Việt Ngữ đặt lại tựa bài viết này là “Khó khăn của đấu tranh bất bạo động”:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/08/140829_dautranh_bat_bao_dong.shtml

Đọc bài viết trên trang blog Lê Nguyên Hồng:

http://lenguyenhong.blogspot.com.au/2014/08/ao-chinh-quan-su-o-thai-lan-thach-thuc.html

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen