Freitag, 25. Juli 2014

VIỆT NAM SẼ ĐI VỀ ĐÂU

 Nguyễn Văn Tuấn
Đó là một câu hỏi ám ảnh rất nhiều người quan tâm đến Việt Nam. Mặc dù một cách chính thức, Việt Nam theo đuổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa (XHCN), nhưng hình như chẳng ai biết hình thù cái XHCN đó ra sao, vì nơi khai sinh ra cái chủ nghĩa đó đã khai tử trước khi nó hình thành. Cũng chẳng ai biết khi nào thì đạt được XHCN, vì ngay cả  tổng bí thư từng nói “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Nói tóm lại, chúng ta chẳng biết VN sẽ đi về đâu.
Nhìn qua con số thu nhập trung bình  (GDP/capita) sẽ thấy Việt Nam ta đang ở đâu. Theo tài liệu 2013, thu nhập bình quân của VN là 1901 USD, bằng khoảng 1/3 của Thái Lan (5779 USD). So với Mã Lai (11513 USD), Singapore (55182 USD) và Hàn Quốc (24400 USD) thì VN càng thê thảm hơn nữa. Có người tính toán bao nhiêu năm sau VN mới bằng Singapore, nhưng tôi nghĩ những tính toán như thế tuy rất thú vị nhưng chẳng có ý nghĩa gì khi khoảng cách quá xa. Tất cả các nước vừa kể đều theo Mỹ, chẳng có ai theo Tàu và chẳng ai muốn tiến lên XHCN cả.
Nhưng Việt Nam thì xem cái định hướng XHCN là một mục tiêu, một mục tiêu rất có thể là sai lầm. Giáo sư Đặng Phong (1939-2010) một chuyên gia kinh tế có uy tín từng nói về XHCN như sau: “Xã hội chủ nghĩa là sự vớt vát thuộc quá khứ mà mình không thể chấp nhận nó nữa, nhưng mình không thể thẳng thắn tuyên bố giã từ nó cho nên dùng một chữ rất mơ hồ chung chung như vậy. Bây giờ mà mải mê đi tìm xã hội chủ nghĩa thì không bao giờ tìm thấy giá trị thật của nó đâu. Cái nội dung thật của nó là cái gì thì không tìm thấy đâu. Nó là một món nợ của lịch sử. Người Việt Nam chưa bao giờ xây dựng chủ nghĩa xã hội như Liên Xô, nhưng Việt Nam đã đi theo con đường đó mà ngày nay chưa ai dám thẳng thắn tuyên bố rằng con đường đó là sai lầm.” Nói cách khác, XHCN là một sai lầm lịch sử, nhưng VN không dám nói đó là một sai lầm!
Thế nhưng người ta chẳng những không dám nói là sai lầm, mà vẫn phải nói đó là một mục tiêu cao cả! Người ta vẫn phải nói về mục tiêu XHCN, nhưng chính người nói có lẽ cũng không tin những gì mình nói. Vì nhiệm vụ và đồng lương nên phải nói, nhưng trong thâm tâm thì họ chắc gì đã tin. Một mặt, họ chỉ trích thế giới phương Tây, thậm chí xem Mĩ là kẻ thù, nhưng trong thực tế thì họ thích đi máy bay Airbus và Boeing, và thích gửi con cái sang Mĩ và các nước phương Tây học!
Đó chính là một “hội chứng” rất thường thấy trong xã hội ngày nay: “nói vậy mà không phải vậy”. Người ta làm nhưng không tin vào việc mình làm, nói nhưng không tin những gì mình nói. Họ dùng ngôn từ hoa mĩ để che đậy sự thật. Đó cũng là một cách tự bảo vệ mình, phòng ngừa những bất trắc, những soi mói lời ăn tiếng nói trong một thể chế chuyên chế.
Nhưng hội chứng trên còn lan tràn sang mối liên hệ giữa người dân và lãnh đạo. Lãnh đạo cứ đọc diễn văn, vẫn hô hào năm này sang năm khác về con đường XHCN, học tập tấm gương của ai đó, về dân chủ tự do, về chí công vô tư, về chống tham nhũng, v.v. Lãnh đạo cứ nói, người dân vẫn không tin vì họ cho rằng “nói vậy mà không phải vậy”. Thậm chí, người dân cũng không chắc các vị ấy tin vào những gì họ nói, vậy thì tại sao mình phải tin. Người cầm quyền thừa biết rằng người dân đang rất khổ và bất bình, nhưng họ cứ lờ đi và phải nói những gì họ phải nói. Thế là hai bên lệch pha, chẳng ai tin ai. Trong một xã hội như thế thì quả là nguy hiểm. Chính quyền cứ nói, nền kinh tế vận hành theo hướng của nó.
Có lẽ Việt Nam sẽ chẳng đi về đâu, mà vẫn bồng bềnh trong tình trạng hiện nay. Bây giờ thì chắc nhiều người đã nhận ra một điều hiển nhiên từ lâu: Việt Nam không có cải cách thật sự, không có “đổi mới” thật sự. Tất cả thiết chế chính trị của chế độ vẫn như xưa, không có gì thay đổi. Ngôn ngữ của lãnh đạo vẫn như thời bao cấp, có khác chăng là có màu mè hơn một chút. Có thể có vài thay đổi bề ngoài, nhưng bên trong thì vẫn y chang từ thời bao cấp. Họ vẫn “nói vậy mà không phải vậy”, đến nỗi Thủ tướng Đài Loan nói thẳng rằng “Chính phủ Việt Nam thiếu thành thật”. Để người ta nói như thế vào mặt thì còn mặt mũi nào mà nhìn thế giới. Có lẽ Việt Nam không có khả năng tự đổi mới, nên đất nước sẽ chẳng đi về đâu cả, và khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong vùng càng ngày càng xa hơn.
Nguồn: FB Nguyen Tuan

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen