Mittwoch, 11. Juni 2014

Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần: Hưng Đạo Đại Vương

10/06/201400:00:00(Xem: 652)
“Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228- 1300) một danh tướng lỗi lạc, một thiên tài quân sự đời nhà Trần không những được tất cả người Việt Nam biết đến mà còn được các nhà nghiên cứu quân sự, sử gia, chính trị gia, các danh tướng mọi thời đại trên thế giới ngưỡng mộ qua tài mưu lược quân sự kiệt xuất của Ngài: biết dụng binh theo thời thế, tiến thoái đúng lúc.

Đặc biệt là Ngài đã có một lòng tin mãnh liệt vào sức mạnh và ý chí của toàn dân kết hợp cùng tướng sĩ, lấy đó làm nguồn sức mạnh giữ nước, nguồn sức mạnh mà không bạo thù nào có thể khuất phục, một nội lực chống quân thù trong thế yếu chống mạnh.

Dưới sự lãnh đạo của Hưng Đạo Vương, quân dân nhà Trần đã đồng tâm hiệp lực 3 lần đánh tan hàng vạn quân Nguyên Mông (1258, 1285. 1288), một quân đội hùng mạnh nhất thời bấy giờ đã chiếm khá nhiều lãnh thổ của châu Á và châu Âu. Danh tiếng Ngài đã vang đến phưong Bắc, làm cho quân Nguyên Mông phải khiếp sợ khi giao chiến và chúng thường gọi Ngài là An Nam Hưng Đạo Vương chứ không dám gọi thẳng tên Ngài.”

Trở về sự kiện lịch sử vào thời gian trận chiến thứ 2 (1284-1285):

“Tháng 12 năm Giáp Thân 1284, đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương thất thế phải lui quân về Vạn Kiếp. Vua Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng:

"Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?"

Hưng Đạo Vương tâu:

"Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn miếu Xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng !"

Vua Trần NhânTông nghe thế yên lòng. Hưng Đạo Vương trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 20 vạn quân Nam, và thảo bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Hịch tướng sĩ) để khuyên răn tướng sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách Binh thư yếu lược, chuẩn bị cho cuộc chiến.”

“…Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xẻ thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.

…Nay các ngươi thấy chủ bị nhục mà không biết lo, nhìn quốc sĩ mà không biết thẹn. Làm tướng một nước, phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường để thết tiệc sứ mà không biết căm.

Bởi giặc Nguyên với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên, không biết rửa nhục, không lo trừ hiểm họa, không biết dạy quân sĩ; chẳng khác nào quay mũi giáo mà quy hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc, nếu như sau trận Bình Lỗ mà ta phải tiếng xấu muôn đời thì còn mắt mũi nào đứng trong trời đất nữa!”

Tháng 5 (dương lịch) năm (1285), Hưng Đạo Vương vạch kế hoạch tổng phản công. Chỉ sau một tháng chiến đấu quyết liệt với các trận Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp,...quân dân nhà Trần đã đánh tan đội quân Nguyên Mông.”

blank
Hy vọng sẽ có Tượng Đức Thánh Trần ở Bolsa.

Năm 1287 giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ ba.

“… Khi đoàn thuyền lương bị tiêu diệt ở Vân Đồn, chủ tướng giặc là Hoàng tử Thoát Hoan phải rút lui, Hưng Đạo Vương đã bố trí lực lượng mai phục ở cửa sông Bạch Đằng tiêu diệt toàn bộ thủy binh của Ô Mã Nhi vào tháng Tư (âm lịch) năm Mậu Tý (1288)”, máu hàng chục ngàn quân giặc lại nhuộm đỏ Bạch Đằng Giang lần thứ hai sau chiến thắng của Ngô Quyền năm 938.

Ngày nay lịch sử lại tái diễn, bọn man rợ phương Bắc (Trung tặc) đã đem quân xâm chiếm biển đảo và đãt nước của chúng ta, lòng dân muôn người như một đồng tâm hiệp nhất quyết sống chết với quân thù, nhưng tiếc thay chính quyền cộng sản lại hèn nhát can tâm làm khuyển mã cho giặc sai khiến, trở mặt với dân tộc “hèn với giặc, ác với dân” đàn áp những công dân yêu nước một cách dã man với mục đích làm tiêu hao sức mạnh nội lực của dân tộc, dọn đường cho bọn man di xâm chiếm dần từng phần của lãnh thổ. Ngày lễ giỗ của các bậc tiền nhân đã có công chống giặc Tàu đều bị hạn chế, ngăn cấm. Tài liệu giáo khoa về những chiến công hào hùng của cha ông cũng bị thay đổi hay bỏ mất. Các chiến tích lịch sử, thơ văn ghi chép trên bia đá liên quan đến thảm bại của giặc Tàu đều bị đục bỏ. Thật là đại nhục cho quốc thể và nguy hại cho nền văn hÓa lịch sử của dân tộc!

Khi đãt nước lâm nguy thì toàn dân hữu trách, phải cùng nhau hợp lực chống quân thù trên mọi mặt trận và phương tiện sẳn có. Nhiệm vụ duy trì văn hóa, lịch sử chống giặc phương Bắc thật oai hùng của tiền nhân cho con cháu đời sau cũng không kém phần quan trọng.

Về mặt văn hóa và tâm linh, thì việc xây dựng tượng Đức Thánh Trần nơi trung tâm của Little Saigon thiết nghĩ là một việc rất nên làm trong “thời điểm” hiện nay.

Thánh tượng của Ngài nơi đại lộ Bolsa không những là một biểu tượng văn hóa đặc thù của cộng đồng Việt tai Nam California còn mang lại niềm hãnh diện, hùng khí và sự đoàn kết cho dân Việt nơi xứ người.

Đây cũng chính là cơ hội giúp cho chúng ta lưu truyền lại cho thế hệ mai sau cũng như giới thiệu đến người bản xứ hay du khách một trong những danh tướng lẫy lừng của nước Việt.

Hy vọng các nhân sĩ, các ứng cử viên, các hội đoàn trong cộng đồng Nam California sẽ sớm cùng nhau đứng ra thực hiện dự án xây dựng thánh tượng Trần Hưng Đạo thì thật là công đức vô lượng.

Hy vọng các vị dân cử cùng các nghị viên thành phố cũng sẽ cố gắng tiếp tay thực hiện với cộng đồng. Việc làm của quý vị chắc chắn sẽ được sự tín nhiệm của hầu hết cử tri gốc Việt trong kỳ bầu cử xắp đến.

Đây là lúc cộng đồng Việt rất cần đến sự trợ giúp của quý vị. Tiếng nói và quyền lực đang nằm trong tay quý vị, đừng để cơ hội qua đi trong tiếc nuối hay những lời hứa xuông.

Đừng vì sợ mất ảnh hưởng của một “thiểu số” mà quên đi lợi ích lớn lao cho cộng đồng. Một nhiệm kỳ hay hai ba nhiệm kỳ rồi cũng sẽ trôi qua vào quên lãng nhưng một việc làm ý nghĩa cho dân tộc của quý vị sẽ lưu danh muôn thuở trong cộng đồng.

05/2014

Phương Chính & Tuệ Giải

__._,_.___

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen