Mittwoch, 4. Juni 2014

Chính quyền Việt Nam đang đối mặt với những nguy cơ nào?

Tàu TQ lại đâm chìm tàu cá VN

Bản điều trần của tiến sĩ, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Việt Nam
Tại Tiểu Ban Nhân Quyền thuộc Ủy Ban Thường Trực về Đối Ngoại và Phát triển Quốc Tế của Quốc hội Canada, thông qua Liên Hội Người Việt Canada, vào ngày 29.5.2014
(bài đăng báo có điều chỉnh và bổ sung so với bản điều trần)
Chưa bao giờ kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Nam – Bắc vào năm 1975, những người lãnh đạo ở Việt Nam lại phải đối mặt với 5 nguy cơ quá lớn như hiện nay:
1.     Nguy cơ khủng hoảng kinh tế:
Đây là nguy cơ lớn nhất và giải thích vì sao giới lãnh đạo Hà Nội lại quá cần đến Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cuộc suy thoái kinh tế ở Việt Nam kéo dài từ năm 2008 đến nay đã làm kiệt quệ gần như toàn bộ nền kinh tế. GDP giảm đến 50%, tương ứng với các ngành kinh tế chủ chốt như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và du lịch đều suy giảm trầm trọng. Khoảng 50% số doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản, giải thể, hoặc tạm ngưng hoạt động. Tỷ lệ thất nghiệp thực tế lên đến khoảng 20%. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng lên đến ít nhất 500.000 tỷ đồng (khoảng 25 tỷ USD), khoảng 75% nợ xấu tập trung vào thị trường bất động sản. Còn nợ công quốc gia lên đến ít nhất 95% GDP.
Tuy nhiên, đáng chú ý là gần như toàn bộ hậu quả cho đến nay vẫn chưa hề được giải quyết. Nhiều chuyên gia phản biện cho rằng đáy kinh tế vẫn chưa lộ ra, và nền kinh tế vẫn còn tiếp tục lao dốc trong những năm tới. Trong những năm sắp tới, Nhà nước Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ như Argentine vào năm 2001.
2014 có thể là năm đầu tiên của một chu kỳ khủng hoảng ngân hàng, bắt đầu từ sự đổ vỡ của vài ngân hàng hạng trung và có thể dẫn đến sụp đổ dây chuyền trong ít nhất 50% số ngân hàng hiện hữu, dẫn đến khủng hoảng gần như toàn bộ nền kinh tế. Chu kỳ khủng hoảng kinh tế có thể lên đến cao điểm vào năm 2016-2017 và trở thành sóng nhấn cuối cùng đối với con thuyền chính trị. Đây là diễn biến quan yếu nhất.
2.     Bất ổn xã hội và phản kháng dân chúng:
Bất ổn xã hội và phản kháng dân chúng đã gia tăng đột ngột từ năm 2011 cho tới nay. Trong những năm tới, phản kháng xã hội sẽ tăng cao về số lượng, quy mô, tạo nên áp lực lớn đối với chính thể và nằm trong giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng xã hội trong những năm sau. Xu hướng này sẽ mau chóng biến thành xu thế ở rất nhiều địa phương, liên quan đến đất đai, môi trường, đình công, quan hệ giữa người dân và nhân viên công lực, nạn tham nhũng…
Quy luật khủng hoảng kinh tế dẫn đến khủng hoảng xã hội đang ứng nghiệm ở Việt Nam. Nếu hệ thống ngân hàng bị vỡ một phần, tình trạng đó sẽ lập tức ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của số doanh nghiệp còn lại và đẩy cao tình trạng thất nghiệp. Lạm phát cũng được thổi bùng và làm cho đồng tiền mất giá, có thể tái hiện một phần tình trạng lạm phát đến 600% những năm 1985-1986. Tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng vọt đến 30-40% và đẩy phần lớn người lao động ra đường. Tình cảnh đó rất có thể làm cho niềm tin chính thể của người dân hoàn toàn tan vỡ và tạo nên làn sóng phản kháng rộng khắp, đặc biệt là trong nông dân và công nhân.
Khả năng cạn kiệt ngân sách và kinh phí an sinh xã hội cũng khiến cho nguy cơ vỡ quỹ lương hưu và quỹ bảo hiểm xã hội trở nên rất hiện hữu. Nếu khả năng này xảy ra, phần lớn cán bộ đảng viên về hưu, vốn đã tích tụ bất mãn và bức xúc đối với đảng và chính quyền, sẽ có thể trả thẻ đảng, tạo nên một phong trào thoái đảng trên diện rộng và gia nhập vào làn sóng biểu tình của người dân.
3.     Phong trào dân chủ – nhân quyền và sức ép quốc tế:
Từ năm 1975 đến nay, chưa bao giờ đảng cầm quyền phải đối đầu với một là sóng phản kháng của giới bất đồng chính kiến và dân chủ – nhân quyền trong nước như hiện nay. Từ đầu năm 2013, xã hội dân sự đã chính thức hình thành ở Việt Nam, cho dù không được chính quyền thừa nhận. Vào tháng 4/2014, lần đầu tiên từ năm 1975, Nhà nước Việt Nam phải thỏa hiệp với Hoa Kỳ để thả đến 5 tù nhân chính trị.
Cũng chưa bao giờ giới lãnh đạo Việt Nam lại ở thế yếu ớt như hiện thời trong mối tương quan với Hoa Kỳ và phương Tây. Cuộc đi dây của Việt Nam giữa hai quốc gia Trung Quốc và Hoa Kỳ được xem là rất phiêu lưu và không mang lại hiệu quả.
4.     Hiểm họa Trung Quốc:
Việt Nam càng bị phụ thuộc và Trung Quốc và càng bị Trung Quốc lấn ép ở Biển Đông và trong vấn đề nhập khẩu. Trong tương lai gần, nguy cơ từ Trung Quốc là rất tiềm tàng và có thể xảy ra những đột biến, không chỉ ở Biển Đông mà có thể là những can thiệp vào nội trị ngay tại Hà Nội và cả quân sự ở biên giới phía Bắc Việt Nam. Không loại trừ vào giai đoạn 2016-2017, khi Việt Nam có thể rơi vào khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội và nội bộ phân hóa sâu sắc, Trung Quốc có thể tung ra một chiến dịch tấn công quân sự tổng lực vào Việt Nam.
Trước sức ép và hiểm họa liên tục từ Trung Quốc, gần đây đã có vài dấu hiệu cho thấy ngay cả phe bảo thủ nhất trong đảng cũng đang có xu hướng dần chuyển sang quan hệ thỏa hiệp hơn với các đòi hỏi về dân chủ và nhân quyền của Hoa Kỳ và phương Tây, nhằm đổi lại quan hệ TPP, đầu tư, thương mại đa phương và hợp tác quân sự Biển Đông.
5.     Cuộc tranh đoạt không khoan nhượng giữa các nhóm lợi ích:
Khác với sự thống nhất tạm thời trong quá khứ, hiện thời và tương lai gần của đảng cầm quyền không cho thấy những dấu hiệu khả quan về tính đồng thuận. Ngược lại, mối mâu thuẫn và xung khắc nội bộ ngày càng lớn, chủ yếu xuất phát từ quyền lợi của các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị. Đây là cuộc tranh đoạt ở giai đoạn cuối cùng, không khoan nhượng và cũng là một mối nguy rất lớn mà có thể làm tan vỡ đảng cầm quyền ở Việt Nam, ngay cả trong điều kiện nền kinh tế chưa thật sự rơi vào khủng hoảng.
* Kết luận:
Một cách đương nhiên, việc xem xét và lượng giá 5 nguy cơ nêu trên có thể bổ túc cho giới chính khách và các nhà đầu tư Canada một cái nhìn đầy đủ hơn về tình hình thực tại và tương lai trung hạn ở Việt Nam, từ đó đưa ra những chính sách đối xử Canada – Việt Nam không nhất thiết phải quá mềm dẻo về thương mại song phương, đầu tư và viện trợ nhân đạo.
Tôi cho rằng chính sách và áp lực về thực thi dân chủ, nhân quyền của phương Tây, chính sách xoay trục về châu Á- Thái Bình Dương của Hoa Kỳ vẫn còn nguyên giá trị và sẽ phát huy tác dụng lớn trong những năm tới, đặc biệt vào giai đoạn 2016-2017 là thời gian mà nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng đạt đỉnh khủng hoảng kinh tế, dẫn đến những biến loạn xã hội khôn lường và có thể tiếp biến một cuộc khủng hoảng chính trị ghê gớm.
Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen