Freitag, 25. April 2014

TỰ DO CỦA BẠN LÀ TỰ DO CỦA CHÚNG TÔI

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 24.4.2014
Tưởng nhớ Ngày 30 Tháng Tư qua phát biểu của các nhân sĩ quốc tếHôm nay là Nữ thi sĩ Nga Natalya Gorbanevskaya



Bài 1 : “Người trí thức Hoa Kỳ và Tù ngục Việt Nam” Eugène Ionesco, Kịch tác gia Hàn Lâm viện Pháp : http://www.queme.net/vie/news_detail.php?numb=2273

PARIS, ngày 25.4.2014 (QUÊ MẸ) - Để Tưởng nhớ Ngày đất trời đảo lộn : Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cho đăng lại một số bài viết những năm sau 1975 trên Tạp chí Quê Mẹ, phát hành tại Paris, của các nhà văn, nhà báo, triết gia, nhân sĩ quốc tế như Eugène Ionesco, Paul Goma, Ilios Yannakakis, André Glucksmann, Leonid Plyushch, Vladimir Bukovsky, Joan Baez, Natalya Gorbanevskaya, Jean-Marie Benoist, Brigitte Friand, Edith Lenart, Denise Dumolin, v.v…


Hôm nay là bài viết của Nữ thi sĩ Nga Natalya Gorbanevskaya có tựa đề “Tự do của bạn là tự do của chúng tôi” đăng trên Tạp chí Quê Mẹ số 21 & 22 phát hành ngày 30.4.1978. Natalya GORBANEVSKAYA, Nữ Thi sĩ Nga, tác giả sách “Midi, Place Rouge — Công trường Đỏ giữa trưa”, người đã tặng cho thế giới hai phương thức tranh đấu lẫm liệt : Đem thi ca vào đời sống thành tiếng ca cho những người bị áp chế, Samizdat, một lối kháng chiến tự phát và tự lực cá thể bằng con đường văn hóa. Đây là sự can đảm nói lên những gì mình nghĩ, mình tin, không che tên giấu tuổi, hay sợ hãi vì lý nầy lẽ nọ, cũng không lải nhải rên than trước thời cuộc như ve sầu. Ta hãy hình dung, một Nữ thi sĩ đẩy chiếc nôi đứa con mới sinh 3 tháng với 6 người bạn biểu tình giữa Công trường Đỏ mông mênh trước điện Cẩm Linh để phản đối chính quyền Sô viết độc tài đưa quân xâm lược Tiệp Khắc năm 1968. Con châu chấu thần kỳ đã đá ngã được xe. Điều này là một tiền lệ cho Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.

Quê Mẹ


TỰ DO CỦA BẠN LÀ TỰ DO CỦA CHÚNG TÔI


Natalya GORBANEVSKAYA


Chuyện của tôi rất giản dị và tự nhiên. Khởi xuất từ thi ca nước Nga, qua đó chúng tôi học được tinh thần tự do. Nền thi ca bí mật hay nửa bí mật đã hình thành ra Samizdat và tôi. Liền đó, tôi trở thành tác giả và người đánh máy cho Samizdat. « Samizdat », đã thành một từ ngữ quốc tế và được dùng trong mọi ngôn ngữ, có nghĩa là « tự mình xuất bản ». Khởi đầu là những bài thơ đánh máy chuyền tay nhau đọc. Từ đó hình thành các câu lạc bộ đọc thơ rộng rãi, quan trọng còn hơn các cơ quan tuyên truyền của nhà nước.

Sự phát triển của Samizdat đã xác định cho cuộc tiến hóa tâm thức tôi. Từ việc ngồi đánh máy những văn bản, dần dà tôi tham dự tích cực vào những kháng thư chống sự chuyên chế pháp lý. Tôi nghiễm nhiên trở thành người xuất bản một tập san thời sự. Số 1 phát hành vào ngày 30 tháng 4 năm 1968. Thế là đúng 10 năm trước đây. Trong những năm đó, hàng chục người bị lục soát, bị đuổi sở, bị bắt, bị hành hạ, chỉ vì họ tham gia thực hiện tập san nói lên sự vi phạm nhân quyền ở Liên Xô và tranh đấu chống sự vi phạm này. Rồi tới lượt tôi cũng bị bắt vào tháng 12 năm 1969, bị kết án vì tội xuất bản tập san.

Tội của tôi là : đánh máy nhiều bản văn cho Samizdat, viết tạp bút, giúp đỡ y tế (1), tham gia thành lập Nhóm Tranh Đấu Bảo Vệ Quyền Làm Người ở Liên Xô, v.v... Tôi bị kết án nặng nhất về tội biểu tình ở Công Trường Đỏ ngày 25.8.68 và viết cuốn sách kể lại diễn biến này (2).

Các bạn đọc tôi, chẳng cần thiết bắt tôi phải giải thích việc : « Có hay không có tự do biểu tình dưới các chính thể cộng sản ? ». Thật khó quên những cuộc diễn hành lớn mà nhà cầm quyền bó buộc, với biết bao là biểu ngữ lảng xẹt.

Chúng tôi đã xuống Công Trường Đỏ, nơi những hàng người dài đến biểu tình vào dịp mồng 1 tháng 5 hay mồng 7 tháng 11. Ngày đó, một ngày không lễ lượt, chúng tôi chỉ có 7 đứa. Ngày chủ nhật đầy nắng đó là ngày ô nhục, khó chịu và khủng khiếp thứ năm. Đã năm ngày rồi quân đội Liên Xô chiếm đóng Tiêp Khắc. Quân đội Liên Xô ? Mọi ngưòi đều đánh lên dấu hỏi đó ? Chúng ta chiếm đóng ư ? Phải, hay là chúng ta cứ im lặng ? Hoàn toàn do ngẫu nhiên mà chúng tôi không ngồi trong các chiến xa đó, và chúng tôi hiện diện ở Mạc Tư Khoa, chúng tôi đọc báo thấy bài nào cũng nói tới sự ủng hộ của “toàn dân Sô-Viết” cho « cuộc tiếp tay huynh đệ » này.

Đối với chúng tôi, im lặng là tự dối với chính lương tâm mình, không phản đối là chấp nhận cuộc xâm lược đó. Điều không thể chấp nhận.

Khi đồng hồ ở điện Cẩm Linh vang trên Công Trường Đỏ 12 tiếng, người ta đã đọc được trên một biểu ngữ : « Cho tự do của các bạn, cho tự do của chúng tôi ». Một lòi kêu gọi cũ kỹ cho cuộc tranh đấu các dân tộc chống kẻ thù chung.

Bây giờ còn đâu những bạn hữu trên Công Trường Đỏ ngày đó của tôi ? Một phần, sau khi bị giải đến các trại hay đày đi Tây Bá lợi Á, đã rời nước tỵ nạn. Hai người còn ở lại bên Nga. Tôi muốn nhăc tới người bạn thân yêu Larissa Bogoraz hiện đang bị giam giữ trong một trại cải tạo lao động (xin xem « Quần Đảo Goulag » của Soljenitsine). Một phụ nữ can đảm, bị giam 4 năm ở một xó góc Tây-Bá-Lợi-Á, nơi người Zeks còng lưng xây đường xe lửa dưới thời Staline. Đó là nhà ga Tchouna ở vùng Irkoutsk gần Bratsk.

Hết hạn tù, tuy được trả tự do, nàng vẫn cứ ở mãi Tchouna. Vì sao ? Chồng nàng, nhà văn Anatoly Martchenko, tác giả cuốn sách miêu tả những trại giam chính trị sau thời Staline, ông bị bắt tới lần thứ tư, và bị đày về vùng Tchouna (3), ốm nặng, tai gần điếc. Larissa đã quyết định dẫn đứa con trai tới sống và săn sóc chồng. Cuộc lưu đày thứ hai của Larissa xem như tình nguyện.

Sau cuộc biểu tình, tôi không bị giam ngay. Lúc đó, con trai thứ hai của tôi mới lên 3 tháng. Tôi đã đặt con trong nôi đẩy ra Công Trường Đỏ biểu tình. Nhà cầm quyền ngại gây căm phẫn trong quần chúng nên thả tôi ra. Nhưng họ đã sai các y sĩ bệnh tâm thần khám nghiệm tôi : cuộc khám nghiệm này như chiếc kiếm của Damoclès treo trên đầu, tôi ngồi chờ ngày bị bắt một năm sau đó. Tôi dùng thời gian này thu tập các tài liệu về vụ xét xử các bạn tôi để viết cuốn « Công Trường Đỏ giữa trưa ».

Khi con tôi đã lớn, phần tôi vẫn hoạt động không ngừng, nên họ bắt tôi. Thanh kiếm của Damoclès rơi xuống : họ khép tôi bệnh phát cuồng, theo họ, vì vậy mà tôi đã có cử chỉ vô trách nhiệm. Họ gửi tôi vào nhà thương điên. Tôi bị giam cả thảy 2 năm 2 tháng, hết 9 tháng trong nhà thương điên. Bây giờ nghĩ lại, tôi sẵn sàng đổi 9 tháng này lấy 7 năm ở các trại lao động.

Đây là mẩu chuyện đời tôi. Những năm tháng tự do tương đối ở Mạc Tư Khoa, hai năm tỵ nạn, thật chẳng có gì đáng nói, nếu không là một câu chuyện như muôn chuyện khác chưa chấm dứt.

Natalya Gorbanevskaya

---------------------------------------------------------- 
(1) Xem « Condamnés par la folie » Paris 1970 (kể chuyện tôi bị giam một cách võ đoán trong nhà thương điên).
(2) Xem « Midi, Place Rouge » Natalya Gorbanevskaya, NXB Robert Laffont, Paris 1970.
(3) Xem « Mes témoignages » và « Histoire d’une grève de la faim » của A. Marchentko.
 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen