Mittwoch, 9. April 2014

Tâm su cua nguoi con co cha di hoc tâp

 

Em cám ơn anh Quân đã viết bài này. Bài viết của anh đã đưa em ngược về với quá khứ , những cảm xúc tràn về mà buồn nhiều hơn vui.
Em còn nhớ năm đó em học lớp 4 nhưng trong lớp học đã có những xôn xao về chiến tranh sắp xảy ra ,Thầy Trò cũng không còn tập trung học được nữa. Ở nhà gia đình đã chuẩn bị cho mỗi đứa con một chiếc túi vải trong đó có cơm sấy , đường , muối , để sửa soạn chạy loạn , và là con nhà binh nên còn có một tấm thẻ bài ghi họ tên đeo ở cổ.
Rồi cái ngày đó xảy ra , buổi trưa Ba của em chạy về từ Bộ Tổng Tham Mưu về nhà Bà Ngoại của em nơi tất cả mọi người tụ họp lại ở đó , Ba em nói với Bác của em một câu mà không bao giờ em quên được nhất là mỗi năm đến tháng 04 này " Thôi hết rồi ". Lúc đó em chỉ là đứa bé lên 10 nhưng cũng cảm nhận đuợc nỗi tuyệt vọng và sự bất lực của một người thua trận. Phải chi em chỉ là một đứa bé ngây thơ và vô tư trong những ngày tháng ấy. Rất nhiều người đã hỏi tại sao Ba em làm đến chức Chủ Sự phòng Binh Thư Binh Thuyết của Bộ Tổng Tham Mưu mà vẫn ở lại để rồi 9 năm tù đày từ Bắc vào Nam, vợ và 6 đứa con nheo nhóc , đứa út mới 1 tuổi đói mà nhà chỉ còn có 1 chén cơm, mấy anh em dắt díu nhau ôm thùng thuốc lá đi bán từ nơi này đến nơi khác, ở những quán cà phê , những nơi ăn uống đông người từ chiều đến nữa đêm ; chỗ nào bán được là bị người ta tranh giành ,hà hiếp.
Cũng may có một gia đình thương hoàn cảnh gia đình “ con ông lớn” ( như họ gọi tụi em)cho một chỗ ngồi trước cửa nhà để bán. Tụi em lớn lên hằng ngày chứng kiến cảnh chợ đời giữa những người có tiền và đám bạn hàng nghèo nàn, chơi với những người ăn mày lang bạt tứ xứ , “thằng” Thanh từ ngoài miền Trung vào nhận bà Bắc làm mẹ nuôi , thường tuyên bố “ lớn lên tui có tiền tui cưới con Tiên làm vợ “ . Con Tiên tức quá mét dì Sáu bán sinh tố “ Dì 6 coi thằng Thanh nó nói vậy kìa”. Không biết giờ này cuộc đời “thằng Thanh ra sao , có được may mắn để có một cuộc sống bình an hay lang bạt nơi nào?.
Gần 10 năm lớn lên không có tình thương của người cha , ngày em lên trại tù Z30D thăm ba, hình ảnh những người tù đi giữa hàng công an mặc áo vàng đứng cầm súng tiểu liên canh giữ đã làm tinh thần em bị chấn động và ảnh hưởng tới bây giờ không dám nhìn cảnh bắt bớ tù tội. Em ngồi trước mặt mà Ba không biết em là ai , không nhận ra được em . Cha con gặp mặt mà không nói được một lời thương yêu như Ba nhớ con ; Con thương Ba bời vì “ cán bộ” đứng ngay đó kiểm soát. Bao nhiêu năm dành dụm gia đình mới có đủ tiền để đi thăm gặp mặt được Ba em, lúc đó đã đuợc chuyển vào Nam. Đó cũng là những đồng tiền nhận được từ sự “ trả ơn” của người khác .
Trước khi đi tu nghiệp quân sự ở Mỹ ,  Ba em đã làm Chỉ Huy Trưởng Sư Đoàn 25 ở Đức Hòa. Với chức vụ đó , quyền sinh sát trong tay , một chữ ký cũng có thể đẩy người ra chiến trường hay về thành phố; nhưng Ba Mẹ em sống rất thanh liêm , Mẹ em làm ở Bộ Giáo Dục nhưng gia đình cũng vừa đủ sống , vì thế sau năm 75 gia đình em càng nghèo khổ hơn nữa. Trong lúc Ba em đi tù , có một người mang đến trao cho Mẹ em một phong bì tiền với dòng chữ “để gánh gạo nuôi chồng” . Thì ra anh của Cô này khi xưa nhờ Ba em thương hoàn cảnh gia đình đơn chiếc đã cho về thành phố nên họ mang ơn Ba em cứu giúp. Em còn nhớ hàng Quân Tiếp Vụ với những thùng đồ hộp Mỹ , thay vì mang về cho gia đình con cái ăn hết , Ba em dạy phải nhường cho các chú lính nghèo khổ , phải lễ phép với các chú lính ấy ;có lẽ vì cảm cái ân tình ấy nên sau khi các chú ra tù sớm đã tìm đến thăm gia đình em , vẫn một mực dạ thưa Mẹ em là Bà và gọi tuị em là Cô Cậu dù Mẹ em một mực chối từ vì “ thời thế đã thay đổi”. Bài học về lòng nhân ái em đã học đuợc từ trong gia đình và từ những năm tháng tuổi thơ vất vả kiếm sống
Rồi Ba em được thả về , tài xế xe đò thương người tù đã không lấy tiền xe, hơn 7 giờ tối , dì Bảy Hiền người Tàu trong xóm chạy ra la lớn “Ông Giao về , Ông Giao về” và ôm chầm lấy Ba em.  Gia đình gặp nhau trong ngỡ ngàng vì con đã lớn lên với hoàn cảnh không cha. Niềm vui đoàn tụ cũng không thể nào lấp đuợc những khoảng cách - những khoảng cách từ những hệ lụy của cuộc chiến tranh mà người lính phải buông súng , là “ sự ngã ngựa “ , là những sự uất hận , đau khổ , là sự tuyệt vọng , bất lực, mặc cảm khi ra khỏi  nhà tù đối đầu với cuộc sống mới mà mình chỉ là con số không , một con số không Âm.  Những đứa bạn có cùng hoàn cảnh cha đi tù ngồi xúm lại chia xẻ , thì ra hầu như gia đình nào cũng chịu những hệ lụy từ những năm tháng tù đày của người thân mình. Đau đớn thật.     
Những năm tháng ở Việt Nam ,  mỗi năm đầu niên học , Thầy Cô phải làm thống kê thành phần học sinh của lớp. “ Em nào có cha anh đi học tập cải tạo , giơ tay lên”. Em đã giơ tay lên mà không chút gì ngại ngùng , xấu hổ vì cha đi tù. Em luôn luôn hãnh diện và luôn luôn cố gắng để người ta không thể nào khinh dễ đuợc Ngụy Quân Ngụy Quyền dù là với cái lý lịch xếp hạng thứ 13 đen tối.
Gia đình em đã rời Việt Nam theo diện HO cuối năm 1992 vào một đêm rạng sang khi những người đại diện chính quyền đến đuổi gia đình ra để tiếp thu căn nhà theo giấy tờ “ hiến nhượng đất đai” . Chuyến máy bay đã đưa gia đình em đến vùng đất San Jose này lập cuộc đời mới. Tình người ở khắp mọi nơi, từ những ngày đầu chân ướt chân ráo đến nay, từ cái nệm , bộ sofa , cái chén cái nồi , từ những người cho đi quá giang đi học đi chợ , biết bao ân tình và nay những người lính già HO đã lần lượt ra đi vĩnh viễn. Xin cám ơn Nước Mỹ , xin cám ơn biết bao con người với trái tim nhân hậu đã cứu giúp và nâng đỡ gia đình em cũng như bao gia đình tỵ nạn khác.
Trên đây là những dòng cảm xúc của em để cùng chia xẻ với bài viết của anh Quân.
Chỉ là một chút chuyện riêng nhưng không phải để nói về cái “ tôi” của riêng em mà là cái “tôi “chung cho những ai có những ngậm ngùi …..
“Trải qua một cuộc bể dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” ( Nguyễn Du). Ước gì chỉ là một giấc mơ dài….

Sent from my iPad

 
 
Thái độ vô cảm
                  Trường Sơn

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen