Võ Long Triều
Bộ trưởng Quốc Phòng các nước ASEAN hội đàm “không chính thức”
với phái đoàn Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ ngày 4 tháng 4 năm 2014 tại Hawaii. Lần đầu
tiên hội nghị diễn ra trên đất Mỹ cho thấy các quốc gia Châu Á và Hoa Kỳ đang
xây dựng và tăng cường quan hệ đối tác nhằm đối phó với những đe dọa quân sự
trong vùng. Cuộc họp đánh dấu sự can dự ngày càng gia tăng của Mỹ và cũng chứng
minh vai trò quan trọng của các nước ASEAN trong việc duy trì hòa bình và ổn
định khu vực.
Trong bài diễn văn kết thúc hội
nghị ông Chuck Hagel tuyên bố: “Mỹ đề nghị Trung Quốc tôn trọng tự do không
phận.” Cũng nhân cơ hội, trợ lý bộ trưởng Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh rằng: “Trung
Quốc không nên nghi ngờ quyết tâm của Mỹ là bảo vệ các nước đồng minh của Hoa
Kỳ.” Những lời tuyên bố đó trấn an các nước Á Châu trước sự de dọa của Bắc Kinh
về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển đảo.
Sau cuộc hội đàm với các quan chức
quốc phòng ASEAN, Bộ Trưởng Chuck Hagel công du thăm Nhật và Trung Quốc. Tại
Nhật ngày 6 tháng 4, 2014, ông Hagel tuyên bố thẳng thừng, nhắn gởi Trung Quốc
trước khi gặp đồng nhiệm của ông tại Bắc Kinh rằng: “Mặc dù không đứng về phía
bất cứ nước nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo, Hoa Kỳ thừa nhận quyền
quản lý trên thực tế của Nhật Bản bao gồm các quần đảo ở biển Hoa Ðông, và theo
hiệp ước có tính ràng buộc giữa hai nước, Mỹ sẽ bảo vệ trong trường hợp Nhật Bản
bị xâm lăng.” Ông Hagel còn nói thêm: “Tất cả mọi quốc gia đều cần phải được tôn
trọng, cho dù đó là nước lớn hay nhỏ.” Và “Chúng tôi chống lại mọi hành động
cưỡng chế đơn phương nhầm phủ nhận sự kiểm soát hành chánh của Nhật Bản trên
biển đảo thuộc quyền sở hữu của nước nấy.” Nhân cơ hội ông Hagel thông báo với
ông Itsunori Onodera, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, Mỹ sẽ điều động thêm hai chiến
hạm trang bị phi đạn phòng thủ Aegis đến Nhật trước năm 2017. Ngoài ra Tổng
Thống Barack Obama cũng dự kiến đến thăm Philippines cuối tháng này để nhấn mạnh
cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ đồng minh bằng cách rót thêm nhiều nguồn lực vào khu
vực Châu Á Thái Bình Ðương.
Rời Nhật Bản, ông Hagel đến Bắc
Kinh viếng thăm trong ba ngày kể từ 14 tháng 4, 2014 với mục đích, theo quan
chức Mỹ cho biết, là “cởi mở” để cải thiện quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung
Quốc, Tuy nhiên hai bên. ông Chuck Hagel và đồng nhiệm Thường Văn Toàn, đã dùng
những lời lẽ cứng rắn để trao đổi với nhau về những mục tiêu và chính sách trái
ngược nhau trong khu vực. Ông Hagel đã kích Trung Quốc thiết lập khu vực nhận
dạng phòng không bao trùm lãnh thổ có tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Ðông.
Ông nói, “Các nước có quyền thiết lập vùng phòng không, nhưng không có quyền
thiết lập một cách đơn phương, không có sự hợp tác, không có sự tham khảo ý
kiến, điều đó có thể gây hiểu lầm tai hại dẫn đến xung đột nguy hiểm cho Hòa
bình và an ninh khu vực.” Trong những phát biểu nghiêm khắc có đoạn kêu gọi
Trung Quốc sử dụng “quyền lực to lớn” của mình một cách có trách nhiệm và yêu
cầu Bắc Kinh tôn trọng các nước láng giềng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Hãng
thông tấn Reuter trích lời ông Hagel nói rõ ràng: “Tất cả các nước trong thế kỷ
21 không thể đi một vòng để xác định lại đường ranh giới và vi phạm toàn vẹn
lãnh thổ, chủ quyền của các quốc gia bằng vũ lực, ép buộc và đe dọa, cho dù đó
là những hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương hay những nước lớn ở Châu Âu.” Trước
những lời cảnh báo của Hoa Kỳ Trung Quốc vẫn một mực khẳng định quyết tâm bảo vệ
lãnh thổ của mình và quyền lợi cốt lõi không thay đổi.
Trong khi các nước ASEAN không đủ
đoàn kết để trở thành đối tác quan trong đương đầu với sự đe dọa của Trung Quốc
về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo. Hiện nay tại Châu Á chỉ có Nhật Bản là
quốc gia đang chuẩn bị trở thành một cường quốc quân sự đủ điều kiện và khả năng
thách thức Trung Quốc, và là một đối tác quan trọng có thể buộc Bắc Kinh phải dè
chừng trong việc sử dụng sức mạnh quân sự để ép buộc các nước láng giềng. Thủ
Tướng Shinzo Abe theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, đang chuẩn bị cải tổ Hiến pháp
hiện hành, nhân danh nguyên tắc “tự phòng thủ tập thể.” Do đó Nhật có thể ứng
cứu các đồng minh gặp khó khăn, kể cả đồng minh Hoa Kỳ. Thủ Tướng Abe chủ trương
Nhật Bản phải có vai trò lớn hơn trong việc gìn giữ hòa bình quốc tế và tỏ ra
cứng rắn hơn trước sự đe dọa của Trung Quốc. Trong khi tại Nhật Bản có một ủy
ban gồm 14 chính khách do cựu đại sứ Nhật tại Mỹ đứng đầu, đề nghị thay đổi
chính sách nếu chính phủ hiểu khác về Hiến Pháp hòa bình hiện nay.
Ông Shinzo Abe cũng đang tìm cách
sửa đổi điều lệ chương trình ODA (Official Development Assistance) để mở đường
cho sự viện trợ quân sự nước ngoài. Bởi vì điều lệ qui định năm 1992 “cần tránh
sử dụng nguồn vốn ODA cho các mục đích quân sự hoặc làm tăng xung đột quốc
tế.”
Theo báo Asahi ra ngày 1 tháng 4,
2014, nếu việc sử dụng khoản tiền hộ trợ ODA được thông qua thì Nhật Bản sẽ xây
dựng hoặc nâng cấp các hải cảng và sân bay có thể sử dụng cho mục đích quân sự ở
Philippines và Việt Nam là hai nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ðồng
thời Nhật vừa chính thức bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí trong bối cảnh căng
thẳng do tranh chấp đảo biển với Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện tại Việt Nam
có vị trí quan trọng chiến lược ở Ðông Nam Á xét về tình hình chính trị, quân sự
và tiềm năng nhân lực. Việt Nam cũng là quốc gia có tranh chấp lãnh hải gay gắt
với Trung Quốc.
Do đó Nhật xem Việt Nam là một đối
tác tốt đẹp nhất trong khu vực. Riêng Việt Nam cũng dựa theo những thay đổi về
kinh tế và an ninh để kết hợp chặt chẽ hơn với Nhật Bản. Cả hai đều có tranh
chấp chủ quyền với Trung Quốc, cả hai đều quan ngại về sự lớn mạnh, về tinh thần
bành trướng và động thái hung hăng của Bắc Kinh. Chính những điểm chung đó làm
cho quan hệ Việt-Nhật trở nên mật thiết và gắn bó hơn.
Khác với Hoa Kỳ và các nước Tây
phương, Nhật Bản không bao giờ công khai chỉ trích giới cầm quyền Việt Nam về hồ
sơ nhân quyền hay bất cứ một vấn đề gì khác.
Người ta tự hỏi Nhật chuẩn bị thay
đổi chính sách ngoại giao và phát triển hợp tác quân sự trong vùng, có phải do
Hoa Kỳ khuyến khích hay ngấm ngầm hỗ trợ không? Chắc chắn phải có bởi vì thực tế
một nước Nhật đồng minh của Mỹ, tự hào sẽ cân bằng lực lượng quân sự với Trung
Quốc trong thời gian ngắn hạng, đang liên kết chặt chẽ với các nước ASEAN bằng
viện trợ quân sự và chủ trương “tự phòng thủ tập thể,” phải chăng là Nhật sẽ
thay thế Hoa Kỳ bảo đảm an ninh hòa bình cho khu vực.
Và biết đâu sự cân bằng lực lượng
quân sự Nhật-Trung giúp cho ASEAN thỏa thuận được với Trung Quốc về một văn bản
qui định việc ứng xử hòa bình trên biển Ðông (COC) có qui tắc ràng buộc các bên
không xâm lấn đối phương nữa. Trong hoàn cảnh đó Việt Nam còn có hy vọng giữ
được Trường Sa.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen