Những người Hán đổ ra đường trong vụ bạo loạn ở Tân Cương
Tạp chí Le Nouvel Observateur ra tuần này quan tâm đến vùng tự trị Tân Cương,
một trong những vùng khép kín nhất của Trung Quốc. Nhìn từ phía Bắc Kinh thì đây
là một điểm nóng khủng bố cần phải bài trừ, thế nhưng, vùng tự trị Tân Cương có
một gương mặt khác : đó là một dân tộc Hồi giáo bị sống trong sợ hãi và nghèo
khổ.
Tạp chí nhắc lại vụ tấn công của người Duy Ngô Nhĩ vào nhà ga Côn Minh và tại
quảng trường Thiên An Môn làm nhiều người thiệt mạng và bị thương. Sau các vụ
bạo động liên tục nổ ra tại Tân Cương, đâu đâu cũng được canh phòng nghiêm ngặt,
máy camera giám sát được trang bị khắp nơi công cộng tại Urumqi, thủ phủ của Tân
Cương.
Chính vì vậy mà tạp chí nhận định, không lấy làm ngạc nhiên khi chẳng ai giám
nói điều gì trái ngược với chính quyền Trung Quốc. Khi hỏi một người Duy Ngô Nhĩ
tại đây rằng nguyên nhân dẫn đến bạo lực tại đây là gì thì họ sẽ thuật lại bài
ca của Tân Hoa Xã là : đó là do « những thành phần khủng bố ly khai Hồi giáo
được điều khiển từ nước ngoài ». Phóng viên tuần báo cho biết phải kiên nhẫn và
đề phòng lắm mới mới hỏi được một người đồng ý kể sự thật.
Sidik, một nhà giáo về hưu thuật lại : đâu đâu cũng có gián điệp, ông không
dám nói to. Trong năm người Duy Ngô Nhĩ thì có đến hai người là gián điệp. Ông
cho biết nguyên nhân là vì tiền bởi vì, một người làm gián điệp được trả lương
cố định là 1800 nhân dân tệ/tháng (210 euro) và cứ mỗi vụ tố được ai đó thì được
lãnh 300 nhân dân tệ (35 euro). Do đó, nhất cử nhất động đều có người theo dõi
để tố cáo mọi hành vi hơi khác thường cho cảnh sát.
Ông kể tiếp, cứ mỗi khi có lời tố là cảnh sát nhắm vào thanh niên, bất chấp
họ có tội hay không. Cảnh sát cũng nhận được tiền thưởng khi phát hiện được
khủng bố. Do đó, bất kỳ người nào gây gổ hay một bạo động nhỏ nào ngoài đường
cũng bị dán nhãn là « khủng bố » và bị xử lý rất nặng. Thường thì chẳng ai sống
xót.
Tại Tân Cương, cảnh sát bắt người mà không cần phải báo cho gia đình người bị
bắt. Nghi can bị mất tích. Cha mẹ nạn nhân sẵn sàng chi tiền cho công an để họ
thả con mình. Đôi khi việc này đã trở thành một mối làm ăn thật sự cho công an.
Thế nhưng, vẫn theo ông Sidik kể thì khi người ta không quen biết nhân vật có
thế lực, không đủ tiền hay vụ việc bị dán mác « chính trị » thì các gia đình coi
như mất con.
Một số gia đình nạn nhân bị bắt chạy đến sở công an để cứu con mình và sau
đó, ẩu đả nổ ra. Họ trang bị dao, bom xăng và tấn công cảnh sát để trả thù cho
con mình. Đa số những vụ trên đều mang tính nội bộ, xung đột sắc tộc tại Tân
Cương. Các vụ bạo động của người Duy Ngô Nhĩ là nhằm đòi hỏi tự do tín ngưỡng,
văn hóa, ngôn ngữ, chống lại chính sách trấn áp của Bắc Kinh do công ăn việc làm
của người Duy Ngô Nhĩ bị rơi vào tay người Hán. Nhưng Trung Quốc vẫn cáo buộc là
các vụ bạo động trên bị giật dây từ nước ngoài. Ông Sadik nhận định : « Việc làm
của Bắc Kinh là nhằm gieo rắc sự hận thù và hỗn loạn trong một vùng đất cho đến
nay vốn hòa bình ».
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen