Sonntag, 30. März 2014

Người Tatar đòi li khai, Crimea đã không như Putin toan tính?


 - Nếu Crimea trở về nước Nga là đúng lịch sử, thì người Tatar ở Crimea đang dùng chính lập luận lịch sử ấy để đòi quyền lợi cho mình?                                                        
Sáp nhập chỉ dành cho những người thân Nga
Những biến động thời gian qua tại Ukraine đã đánh dấu một bước chuyển biến to lớn trong lịch sử của đất nước này, bán đảo Crimea, một phần lãnh thổ của đất nước Ukraine đã trở thành của Nga chỉ qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Ngày 16/3/2014, hơn 90% người dân sinh sống trên bán đảo này đã đi bỏ phiếu để ủng hộ việc sáp nhập vào nước Nga. Và một cách tương ứng, trong cuộc thăm dò phản ứng của người dân Nga, hơn 90% là hoan nghênh sự “trở về” của những người anh em Crimea.
Và trong bài diễn thuyết của Tổng thống Nga V.Putin trước Quốc hội nước này hôm 18/3, người đứng đầu nước Nga đã xem đây là sự thật hiển nhiên của lịch sử, là đúng với quy luật và phù hợp với ý nguyện của nhân dân hai nước, đặc biệt người dân Crimea.
Truyền thông Nga hết lời tung hứng sự trở về của phần máu thịt xa cách, họ hô vang những chính sách của ngài Putin sẽ xóa bỏ những bất đồng ngôn ngữ, sắc tộc, sẽ xóa nhòa những vết tối của lịch sử. Tuy nhiên, liệu thực sự kết quả cuộc trưng cầu dân ý này có phản ánh đúng hiện trạng thực chất ý kiến của người đang sinh sống trên bán đảo Crimea?
Các cơ quan hành chính của Crimea đổi cờ Ukraine thành cờ Nga
Các cơ quan hành chính của Crimea đổi cờ Ukraine thành cờ Nga
Phản đối việc Crimea sáp nhập Nga, người Tatar đã tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3 với kết quả Crimea ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập lãnh thổ Nga.
Gần đây nhất, tại Bakhchisaray, thủ đô lịch sử của Tatar, một hội đồng đại diện cho 300.000 người Hồi giáo bản địa thiểu số đã bỏ phiếu ủng hộ mạnh mẽ việc “tìm quyền tự chủ dân tộc và lãnh thổ” ở Crimea.
Những người Hồi giáo Tatar này chiếm dưới 15% trong khoảng 2 triệu người ở Crimea và phản đối việc khu vực này sáp nhập vào Nga.
Ông Refat Chubarov, lãnh đạo hội nghị của người Tatar tại Crimea, phát biểu: “Trong cuộc sống của mỗi quốc gia đều có thời điểm phải lựa chọn để quyết định tương lai cho mình.”
Ông nói tiếp: “Tôi yêu cầu các vị chấp thuận, bắt đầu từ các thủ tục pháp lý và chính trị nhằm tạo ra quyền tự chủ dân tộc và lãnh thổ của người Tatar trên lãnh thổ lịch sử của chúng tôi ở Crimea”. Hội đồng sau đó đã ủng hộ đề xuất của ông Chubarov.
Như vậy, những người Tatar thiểu số đã hoàn toàn phủ quyết việc sáp nhập vào Nga bất chấp những lời hứa hẹn mà Tổng thống Putin tuyên bố. Và cách làm của họ, cũng không khác gì lập luận mà Moscow áp dụng – lịch sử.
Bóng đen Liên Xô là lịch sử của Tatar
Người Tatar chiếm khoảng 12% dân số ở Crimea và tuân thủ các luật lệ của đạo Hồi - dòng Sunni, đối lập với phần lớn dân chúng Crimea theo Chính thống giáo Nga.
Trong cuộc tranh chấp nước cộng hòa Crimea giữa Ukraine và Nga, người Tatar trong vùng có thể sẽ là bên gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất. Xét về quá khứ dưới thời Liên bang Xô viết thì người Tatar có lý do để lo lắng.
Trong Thế chiến II, khoảng 20.000 người Tatar đã liên kết với Đức Quốc xã trong khi nhiều người khác chiến đấu cho quân đội Liên Xô. Viện dẫn lý do người Tatars bắt tay với Đức Quốc xã, lãnh đạo Xô viết đã ra lệnh trục xuất cả nhóm sắc tộc này đến Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Uzbek (thuộc Siberia và Trung Á) vào năm 1944, họ chỉ được quay lại Crimea sau khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Người dân tộc Tatar tại Crimea theo dõi kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3
Người dân tộc Tatar tại Crimea theo dõi kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3
Người Tatar đã có một lịch sử đen tối với những tháng ngày không chốn dung thân. Họ mất quyền bình đẳng dân tộc dưới thời Liên Xô, đến khi Xô Viết sụp đổ, họ tìm lại được chỗ đứng phần nào, tuy nhiên, đến khi xây dựng được một cuộc sống ổn định, thì họ một lần nữa được thay tên nước. Và việc người Tatar không muốn quay trở về Nga, bởi bóng đen Liên Xô vẫn đang ám ảnh họ.
Đặt trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, nước Nga gợi lại cho người Tatar những ấn tượng về thời kỳ đối đầu Đông – Tây, và nỗi đau về một dân tộc bị kỳ thị.
Tatar sẽ là nhân tố ngược với toan tính của Putin
Có thể nói, Tổng thống Putin đã nhìn nhận được vấn đề tại bán đảo này khi đưa ra những chính sách xoa dịu một cách rõ ràng.
Trong “Thông điệp Liên bang”, Tổng thống Nga khẳng định, việc Crimea có ba ngôn ngữ chính thức: tiếng Nga, Ukraine và tiếng Tatar Crimea là đúng đắn, thể hiện sự quyền tự do và bình đẳng của mỗi dân tộc, của mỗi nước cộng hòa trong mái nhà chung - nước Nga.
Thông điệp có đoạn viết: "Chúng tôi tôn trọng tất cả các dân tộc sống ở Crimea, đó là ngôi nhà chung của họ, là quê hương nhỏ bé của họ".
Động thái này của ông Putin đã trái ngược hoàn toàn với trái với chính quyền Kiev, khi đã thông qua dự luật loại tiếng Nga và tất cả các ngôn ngữ khác ra khỏi ngôn ngữ chính thức của Ukraine.
Tổng thống Putin hứa hẹn sẽ dùng những chính sách tốt đẹp nhất để đảm bảo quyền lợi của dân tộc Nga, Ukraine, và Tatar trên đất Crimea là ngang bằng nhau.
Ngày 12/03, Tổng thống Nga Putin đã đích thân điện đàm với nghị sĩ Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine - ông Mustafa Dzhemilev - cựu lãnh đạo Hội đồng Mejlis Tatar ở Crimea, người đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tương lai của đồng bào mình ở bán đảo này. Ông Vladimir Putin hứa hẹn làm tất cả những gì thuộc về trách nhiệm của mình để không một người dân Tatar nào ở Crimea phải chịu thiệt thòi.
Không giải quyết được vấn đề người Tatar, miếng bánh Crimea sẽ không hề dễ xơi
Không giải quyết được vấn đề người Tatar, miếng bánh Crimea sẽ không hề dễ xơi
Như vậy để thấy, Tổng thống Putin đã toan tính toàn cục diện bán đảo Crimea, và ông hoàn toàn tự tin cho rằng những mâu thuẫn ở đây có thể dung hòa nhờ vào tài năng và sách lược của mình.
Tuy nhiên, những gì người Tatar đang tiến hành cho thấy, Putin vẫn không đủ mang lại niềm tin. Và chắc chắn, sẽ phải có những cuộc đàm phán giữa điện Kremlin và những người Tatar đầy mặc cảm.
Nếu không giải quyết triệt để được vấn đề này, nội chiến rất có thể sẽ xảy ra ngay trong bán đảo nhỏ bé xinh đẹp Crimea. Hoặc thậm chí, nỗi đau sẽ dai dẳng khi người Tatar hoàn toàn có thể thành lập những nhóm du kích chống đối chính quyền Crimea – Nga.
Bán đảo Crimea không ổn định, Nga sẽ không thể toàn tâm toàn ý để đối chọi với những sự trừng phạt của phương Tay.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen