Freitag, 21. März 2014

LHQ : Nhu cầu nước và năng lượng tăng vọt trong tương lai

LHQ : Nhu cầu nước và năng lượng tăng vọt trong tương lai
Giếng nước tại khu nhiệt địa Tolhuaca, miền nam Chilê
Giếng nước tại khu nhiệt địa Tolhuaca, miền nam Chilê
(© UNESCO/Silke Lohmar)

Đức Tâm        
Tăng trưởng kinh tế và dân số trên thế giới, chủ yếu tại các nước đang trỗi dậy, sẽ dẫn đến việc gia tăng nhẩy vọt nhu cầu về nước và năng lượng, từ nay đến 2050, và có nguy cơ làm cạn kiệt các nguồn nhiên liệu và nước. Trên đây là báo động của Liên Hiệp Quốc.

Nhân ngày Thế giới về nước, 22/03, Tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc – UNESCO – vào ngày hôm nay, 21/03/2014, tại Tokyo, đã cho công bố « Báo cáo về việc đề cao giá trị các nguồn nước », nhấn mạnh, nước và năng lượng quan hệ chặt chẽ với nhau và việc gia tăng nhu cầu sử dụng hai nguồn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nguồn tài nguyên có hạn của hành tinh chúng ta.
Bản báo cáo nhắc lại rằng, lĩnh vực nông nghiệp sử dụng tới hai phần ba nguồn nước được khai thác, năng lượng sử dụng 15% trong lúc đó, 90% hoạt động sản xuất năng lượng trên thế giới tiêu tốn một khối lượng nước rất lớn.
Theo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, « nhu cầu về nước ngọt và năng lượng sẽ tiếp tục tăng trong các thập niên sắp tới để đáp ứng các nhu cầu của dân cư và các nền kinh tế đang tăng trưởng, các thay đổi trong lối sống và tiêu thụ, do vậy, làm tăng mạnh áp lực hiện nay đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn có giới hạn và các hệ thống môi sinh ».
Hiện nay, trên toàn thế giới, có khoảng 768 triệu người không tiếp cận được với nguồn nước chắc chắn và đều đặn, 2,5 tỷ người không có được các điều kiện vệ sinh có thể chấp nhận và hơn 1,3 tỷ người không có điện. Bên cạnh đó, khoảng 20% các nguồn nước trên hành tinh bị khai thác quá mức.
Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, từ nay đến năm 2050, nhu cầu về nước sẽ tăng 55%, trong lúc hơn 40% dân số toàn cầu sẽ phải sống trong những khu vực khan hiếm nước nghiêm trọng, chủ yếu là tại một vùng rộng lớn, trải dài từ Bắc Phi, Trung Đông tới tận phần phía tây của vùng Nam Á.
Châu Á sẽ là vùng có căng thẳng nhất, nơi mà các nước thường nằm trong các khu vực biên giới chung giữa các quốc gia. Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh : « Các khu vực xung đột bao gồm biển Aral và các lưu vực sông Hằng, sông Brahmapoutre, Indus và sông Mêkông ».
Về năng lượng, từ nay đến 2035, nhu cầu thế giới sẽ tăng hơn 30%, trong đó, chỉ riêng Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông, nhu cầu sẽ tăng tới 60%.
Khối lượng nước ngọt mà khu vực năng lượng tiêu thụ hoàn toàn, tức là không quay trở lại nguồn nữa, đến năm 2035, sẽ vượt qua mức 66 tỷ mét khối của năm 2010, tức là lớn hơn gấp đôi lưu lượng dòng chảy hàng năm của sông Nil, và có thể sẽ tăng tới 85%.
Nhu cầu tăng vọt về nước này chủ yếu là do hệ thống làm nguội của các nhà máy nhiệt điện và điện nguyên tử.
Hiện nay, các mỏ khí đá và cát dầu ở Bắc Mỹ hầu như chưa được khai thác. Hoạt động khai thác nguồn nhiên liệu này sẽ tiêu thụ một khối lượng nước rất lớn, nhưng dù sao thì vẫn còn ít hơn mức tiêu thụ nước tưới tiêu cho các loại cây trồng phục vụ cho ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học.

Năng lượng tái tạo chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện toàn cầu năm 2011. Thế nhưng, các nguồn năng lượng này, kể cả thủy điện, tuy có sử dụng nước, nhưng với khối lượng thấp, chủ yếu do nước bốc hơi trong các hồ chứa.
Theo Liên Hiệp Quốc, Châu Phi và Châu Mỹ La tinh có tiềm năng rất lớn về thủy điện, cho dù việc xây dựng các đập có quy mô lớn đang gây tranh cãi.

Tuy nhiên, các chuyên gia của UNESCO cho rằng tỷ trọng của năng lượng tái tạo chỉ có thể gia tăng đáng kể nếu như các quốc gia xóa bỏ chính sách trợ cấp cho các năng lượng hóa thạch, như dầu lửa, khí, than.
Báo cáo cũng kêu gọi cần có các nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước, nhất là tại các vùng cằn cỗi ở Trung Đông, nơi mà tỷ lệ lãng phí dao động trong khoảng từ 15 đến 60%, do hệ thống dẫn nước rò rỉ, hư hỏng và nước bốc hơi.
Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, nước ngọt chiếm khoảng 2,5% tổng nguồn nước trên hành tinh. Trong số này, 70% nằm ở Bắc Cực, Nam Cực và các vùng băng tuyết, khoảng 30% dưới lòng đất và chỉ có 0,3% trên mặt đất.
__._,_.___

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen