Hành khách Trung Quốc lộng
hành ăn cắp trên các chuyến bay đi quốc tế
Người Lao Động, 18.01.2014
Việc tội phạm ăn cắp trên các chuyến bay quốc tế bắt đầu rộ lên từ đầu năm 2012 và công tác phòng chống loại tội phạm này rất phức tạp vì là hiện tượng mới, cần sự phối hợp của nhiều nước.
Gần đây, hành khách đi trên một số đường
bay quốc tế của nhiều hãng hàng không trong khu vực châu Á đã không còn cảm giác
thật sự thoải mái khi bị đạo chích táo tợn trộm tài
sản.
Vụ việc gần đây nhất là hôm 16-1, một
người Trung Quốc bị bắt quả tang trộm 700 USD của một hành khách người Indonesia
cùng đi trên chuyến bay VN630 của Vietnam Airlines (VNA) từ Jakarta về TP HCM.
Đối tượng này đã bị Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất trục xuất về nước và bị VNA
đưa vào danh sách từ chối vận chuyển.
Không còn cá biệt
VNA cho biết hiện tượng ăn cắp trên các
chuyến bay quốc tế bắt đầu rộ lên từ đầu năm 2012. Ban đầu, các hãng hàng không
châu Á như VNA, Cathay Pacific, Singapore Airlines và các hãng hàng không Trung
Quốc, Đài Loan có đường bay đến Hồng Kông đều có hành khách khai báo mất tài sản
cá nhân trên chuyến bay. Tài sản mất thường là ví tiền, laptop, máy tính bảng,
điện thoại…
Từ những phản ánh này, cảnh sát Hồng
Kông theo dõi, bắt thủ phạm và gửi khuyến cáo cho các hãng hàng không có đường
bay đến Hồng Kông, trong đó có VNA.
Chỉ tính riêng năm 2012, VNA có 18 vụ
khách khai báo mất tài sản. Điển hình là trên chuyến bay VN 594 TP HCM - Hồng
Kông ngày 22-6-2012, tiếp viên phát hiện 2 khách người Trung Quốc trộm tiền của
khách ngay khi vừa lên máy bay. Ngày 23-7-2012, trên chuyến bay VN 595 Hồng Kông
- TP HCM, tiếp viên cũng bắt quả tang 2 hành khách Zuo Guohui và Shen Yin (quốc
tịch Trung Quốc) trộm tài sản của khách.
Nhưng sau đó, các chuyến bay bị đạo
chích quấy nhiễu không chỉ diễn ra trên đường bay đến Hồng Kông hay một số điểm
đến của Trung Quốc mà lan sang cả một số đường bay khác. Trong thời gian này,
hành khách của VNA cũng khai báo mất tài sản không chỉ trên đường bay đi Hồng
Kông mà cả các đường bay đi Quảng Châu (Trung Quốc), Vientiane (Lào), Phnompenh
(Campuchia).
VNA cho biết trên đường bay từ Indonesia
đến Việt Nam, ghi nhận 1 hành khách người Indonesia báo mất 2 đồng hồ, nhẫn vàng
và 2.000 USD. Hành khách không xác định được thời điểm mất, khi xuống nhà ga mới
khai báo nên hãng hàng không và nhà chức trách không có căn cứ xác minh, truy
tìm.
Chủ động lập chuyên án
Tháng 12-2012, VNA tổ chức hội thảo giữa
các đơn vị liên quan để tìm giải pháp đối
phó.
Đầu tháng 1-2013, Tổng Giám đốc VNA -
ông Phạm Ngọc Minh - có chỉ thị giao nhiệm vụ cho các đơn vị phối hợp phòng
chống loại tội phạm này. Cụ thể là kiểm tra tình trạng đặt chỗ để xác định các
khách, nhóm khách có nghi ngờ, nhất là khách có quốc tịch Trung Quốc đi theo
nhóm 2-3 người, có vé khứ hồi trong ngày hoặc chuyển tiếp chặng bay tiếp
theo.
Khi đã khoanh vùng, bộ phận bán vé thông
báo cho đại diện VNA tại các sân bay để chủ động làm thủ tục cho khách ngồi vào
các vị trí dễ giám sát. Sau đó, bí mật thông báo cho tổ bay giám sát và có sẵn
các phương án xử lý trên máy bay.
Khi bắt quả tang, tổ bay lập biên bản vi
phạm hành chính, có chữ ký của hành khách làm chứng và người bị hại. Cơ trưởng
sẽ thông báo cho kiểm soát viên không lưu để yêu cầu an ninh hàng không, công
an… hỗ trợ bắt giữ đối tượng.
Tiếp theo, VNA sẽ báo cáo Cục Hàng không
Việt Nam để khuyến cáo các hãng hàng không khác, đồng thời lên danh sách hành
khách đã ăn cắp để đề nghị Cục Hàng không cấm bay và công an cửa khẩu cấm nhập
cảnh.
Với các khách có nghi ngờ (là đối tượng
được người bị hại “khoanh vùng” hoặc đối tượng đi cùng nhóm với kẻ bị bắt quả
tang) thì được cho vào “Watch List” để tiếp tục giám
sát.
Phải luôn cảnh giác
Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp
nói trên, trong cả năm 2013, VNA ghi nhận chỉ còn khoảng 4-5 trường hợp có mất
đồ hoặc khai báo bị lục túi nhưng chưa mất tài sản hoặc giá trị tài sản thấp nên
khách bỏ qua. Các vụ việc đều lẻ tẻ, không đủ bằng chứng bắt giữ hoặc trục xuất
kẻ tình nghi.
Theo đánh giá của một cán bộ ngành hàng
không, việc phòng chống tội phạm móc túi trên máy bay rất phức tạp vì đây là
hiện tượng mới, cần phối hợp của nhiều quốc
gia.
“Watch List” ngày càng dài nhưng vì
nhiều lý do, không phải quốc gia nào, dù đã vạch mặt được băng nhóm tội phạm,
cũng có hành động pháp lý tiếp theo là truy tố chúng. Cũng không phải hãng hàng
không nào cũng phát thông báo trước giờ cất cánh để nhắc hành khách lưu ý tự
bảo quản đồ đạc cá nhân trên máy bay vì vấn đề tế nhị này có thể ảnh hưởng đến
uy tín của hãng.
Để phòng ngừa việc tài sản
của khách bị mất cắp trên hành trình bay, tại quầy làm thủ tục, nhân viên VNA
đều khuyến cáo hành khách áp dụng chặt chẽ quy định về kích thước, trọng lượng
và buộc thẻ đối với hành lý xách tay, không để hành lý của mình sang các vị trí
ghế ngồi khác.
Tô
Hà
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen