Montag, 10. März 2014

CAY ĐẮNG NỖI HÀM OAN CỦA MỘT PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ


CAY ĐẮNG NỖI HÀM OAN CỦA MỘT PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ

Đi tìm sự thật về nỗi hàm oan của PGS.TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bình: Từ lá đơn kêu cứu


PGS. TS. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Bình bị cho về hưu, dù theo quy định thì đến năm 2018 mới đến tuổi nghỉ. Bà Bình làm đơn kêu cứu trên báo Kinh doanh và Pháp luật. Bài đã được đăng lên ngày 5/3/2104 (kinhdoanhvaphapluat.com.vn) nhưng sau đó bị gỡ xuống, tuy nhiên vẫn có thể đọc được qua Google’s cache.

PGS. TS. Nguyễn Thị Bình là người hướng dẫn cô Đỗ Thị Thoan làm luận văn về nhóm Mở Miệng. Cô Đỗ Thị Thoan sau đó mất việc, bà Nguyễn Thị Bình bị cho về hưu sớm. Vậy là ở Việt Nam, giới khoa học – kể cả tự nhiên và xã hội – không được phép xem xét một số hiện tượng tự nhiên hay xã hội nào đấy đang tự nó phát sinh trong đời sống như những quy luật khó cưỡng là đối tượng khoa học để mình nghiên cứu; những hiện tượng khách quan ấy phải lờ đi, coi như không có, hoặc dành riêng cho một số cơ quan chức năng hoàn toàn không hiểu gì về khoa học xử trí theo lối... dùng lửa để dập, hoặc chôn vùi xuống đất (vụ hóa chất độc hại chẳng hạn). Điều này ẩn chứa những nguy cơ chết người, báo hiệu một thảm họa lớn chắc chắn không sớm thì muộn sẽ xảy ra mà những kẻ ngu tối, không cần đến giới trí thức cảnh báo bằng những tìm tòi khảo sát nghiêm chỉnh, cứ tưởng quay lưng lại với những hiện tượng đang xuất hiện lừng lững trước mắt mình là tha hồ yên ổn, sẽ là đối tượng phải hứng lấy trước tiên.

Ai cũng biết biện pháp xử trí với bà Bình và cô Thoan là một cách "dọa nạt" những người "có góc nhìn khác" bên cạnh việc bắt bỏ tù bằng điều luật 258. Nhưng nếu bớt u mê một chút mà tĩnh tâm suy nghĩ thì phải chăng những người dùng cách "dập lửa" kiểu ấy đang tước đi cái khả năng tìm ra những biện pháp khả thi hơn để trung hòa những đám cháy lớn hình như khó tránh khỏi chờ chực bùng lên?
Bauxite Việt Nam


(KD&PL) - Báo Kinh doanh & Pháp luật xin chuyển nội dung lá đơn này của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bình đến lãnh đạo Bộ Giáo dục và các ngành chức năng quan tâm xem xét và giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi, sự công bằng cũng như làm rõ sự thật đằng sau vụ việc này.

Chiều Chủ nhật ngày 2-2-2014, tôi đến thăm gia đình cậu em là một bác sỹ ở một bệnh viện lớn tại Hà Nội thì tình cờ gặp một người phụ nữ đến khám và nhờ tư vấn phương pháp điều trị căn bệnh quái ác mà chị đang gặp phải. 

Sau khi khám xong, cậu em tôi trả lời: Người phụ nữ này đang bị stress nặng, thêm vào đó là căn bệnh tiền đình cần phải điều trị. Hỏi ra mới biết! Người phụ nữ ấy là Phó Giáo sư, Tiến sĩ - một đảng viên, một Giảng viên chính bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại thuộc khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Các căn bệnh trên không phải thời gian đây mới hành hạ chị mà đã xuất hiện từ trước đó cả năm trời bắt đầu từ một nỗi hàm oan mà chị và gia đình của mình đang phải gánh chịu. Kết quả là một người có học vị như chị đáng ra theo qui định của Chính phủ phải đến năm 2018 mới nghỉ hưu, nay bỗng nhiên đã phải nhận quyết định nghỉ hưu từ Ban Giám hiệu trường Đại học Sư phạm; Mặc dù, chị đã 4 lần gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo nhà trường, song không hề nhận được hồi âm!

Để rộng đường dư luận và góp phần làm rõ sự thật về vụ việc này, tại số báo này, báo Kinh doanh & Pháp luật xin đăng nội dung lá đơn kêu cứu của Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bình.
"Năm 1978, tốt nghiệp ĐHSP, ngành Ngữ văn, do thành tích học tập và tu dưỡng, tôi được giữ lại làm Cán bộ giảng dạy, được học tiếp chương trình đào tạo Sau đại học tại trường. Từ 1980 đến nay, tôi là giảng viên Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đai, khoa Ngữ văn, trường ĐHSPHN. Năm 1996 tôi đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. 

Là một người làm công tác giảng dạy, trong suốt gần 35 năm qua,với lòng yêu văn chương, với tình yêu thương học trò và trách nhiệm của một nhà giáo; tôi đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để nâng cao năng lực chuyên môn, trau dồi phẩm chất nhà sư phạm mẫu mực, tận tụy cống hiến cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường, góp phần tạo dựng uy tín cho đơn vị mình công tác.

Tôi đã giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên các hệ chính quy, tại chức, đã hướng dẫn hơn 60 học viên Cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, đã tham gia đào tạo và hướng dẫn hàng chục Nghiên cứu sinh, tham gia viết các bộ Giáo trình, Tư liệu tham khảo cho hệ Cử nhân, Cao đẳng sư phạm, sách giáo khoa THPT…

Về nghiên cứu khoa học, tôi cũng đã công bố sách chuyên luận, chuyên khảo, các bài báo trên tạp chí ngành, chủ trì và tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước…

clip_image004
Lá đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Bình gửi đến báo KD&PL

Nói chung, trong công việc chuyên môn, tôi được học trò và đồng nghiệp tin cậy, đánh giá tốt, trong quan hệ xã hội, tôi sống giản dị, chân thành nên được đồng nghiệp, cư dân nơi cư trú quý mến.

Quá trình nỗ lực phấn đấu và sự tận tụy cống hiến của tôi đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu cao quý: năm 2004 được phong PGS, năm 2003 nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, năm 2010 nhận Bằng khen Thủ tướng, năm 2012 được phong Nhà giáo ưu tú, nhiều năm được Đảng ủy, Công đoàn trường ĐHSP HN tặng giấy khen, bằng khen…

Là một đảng viên không vi phạm điều lệ Đảng, là một cán bộ, một công dân không vi phạm hiến pháp và pháp luật, không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tôi chưa bao giờ bị xử lý kỷ luật vì bất cứ vi phạm gì.

Bất ngờ, ngày 17 tháng 12 năm 2013, Trường ĐHSPHN gửi công văn số 517/CV-ĐHSPHN-TCCB thông báo về việc tôi sẽ nghỉ hưu từ 01/04/2014. Sau đó, ngày 27/12/2013 Trường đã gửi Quyết định số 8364/QĐ-ĐHSPHN do PGS.TS Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh ký, về việc nghỉ hưu của tôi từ ngày 01/04/2014.

Sự việc này là một cú sốc khiến tôi choáng váng và suy sụp cả tinh thần và thể chất, luôn luôn cảm thấy bất an đến mức suy sụp sức khỏe phải điều trị thường xuyên.

Tôi đã 4 lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp lãnh đạo trường ĐHSPHN đề nghị giải thích lý do tôi bị nghỉ hưu

Lần 1: Ngày 28/12/2013, Đơn gửi Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn trường ĐHSP HN.

Lần 2: Ngày 20/01/2014, Đơn gửi Đảng ủy, Đơn gửi Ban chấp hành Công đoàn trường ĐHSP HN.

Lần 3: Ngày 27/01/2014, Đơn gửi Đảng ủy, Đơn gửi Ban Giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn trường ĐHSPHN.

Tuy nhiên, 3 đơn này của tôi không được trả lời thỏa đáng theo đúng thủ tục hành chính.

Theo Quy định hiện hành của Nhà nước, thời gian nghỉ hưu của PGS.TS như tôi sẽ vào năm 2018. Như vậy, tôi bị buộc phải nghỉ hưu sớm 5 năm mà không có lý do xác đáng. Càng bất thường khi tôi là PGS.TS đầu tiên ở ĐHSPHN bị buộc phải về hưu sớm như vậy.

Ngày 28/02/2014, tức sau 2 tháng nhà trường vẫn không trả lời, tôi đã gửi tiếp đơn lần thứ 4 đến Ban Giám hiệu đề nghị nhà trường sớm có văn bản trả lời để tôi có thể ổn định tinh thần và  sức khỏe, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có hồi âm.

Tôi chỉ là một người phụ nữ yếu ớt, sức chịu đựng có hạn. Sự việc này đã làm tổn thương sâu sắc đến danh dự cá nhân và sự an lành của gia đình tôi.

Tôi phải che giấu bố tôi để ông ra đi được thanh thản trước tết Nguyên đán, nhưng tôi bị giày vò vì ý nghĩ u ám: tôi – con gái một ông bố gần 50 năm tuổi Đảng, bị Pháp bỏ tù vì hoạt động du kích, người đã khích lệ ở tôi tình yêu với văn chương và với nghề dạy học – lại bị đối xử bất công bởi chính nơi tôi đã gắn bó hết mình mà không biết lý do vì sao, không thể giải thích với cha mẹ, bè bạn, học trò rằng mình bị oan uổng không có lý do.

Sự căng thẳng tinh thần, cảm giác oan khuất đè nặng khiến tôi suy sụp, rơi vào trạng thái khủng hoảng, bất an. Lòng yêu nghề của tôi như bị phản bội, tôi không trọn chữ hiếu với mẹ cha. Đồng nghiệp nhìn tôi hoang mang, ái ngại. Tôi không biết tìm lại niềm tin ở đâu nếu tiếng kêu cứu của mình không ai nghe thấy.

Sau thời gian điều trị ở các bệnh viện, tôi phần nào tĩnh trí và nghĩ là cần tìm sự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình từ công luận. Tôi thiết tha mong Quý báo luôn vì quyền lợi của người dân hãy giúp tôi, chỉ cho tôi biết tôi phải làm gì, làm như thế nào.

Tôi xin chân thành cám ơn".

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen