Sonntag, 30. März 2014

Cách mạng hướng dương của thanh niên Đài Loan


Lê Vy
Với nhành hướng dương trên tay, sinh viên Đài Bắc biểu tình trước tòa nhà Quốc hội, phản đối hiệp định thương mại với Trung Quốc, hôm 21/03/2014.
REUTERS/Cheng Ko
        
Thời sự Châu Á khá sôi nổi trên các nhật báo Pháp ngày cuối tuần, thứ Bảy 29/03/2014 lẫn các tạp chí ra số ra tuần này. Trước tiên, đến với Đài Loan, báo Le Monde có bài đề tựa : « Tại Đài Bắc, cách mạng hoa hướng dương cho thấy thanh niên đang khó chịu trước chính quyền Bắc Kinh ».
Đặc phái viên báo Le Monde tại Đài Bắc tường thuật, sinh viên với hoa hướng dương trên tay, chăn gối và thức ăn, tụ tập đông đảo nhiều ngày tại tòa nhà Quốc hội để phản đối hiệp định thương mại ký kết với Bắc Kinh.
Tờ báo giải mã hình tượng hoa hướng dương. Đó là biểu tượng của ánh sáng, chống lại tất cả những việc làm trong bóng tối. Chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu đã cố thông qua hiệp định thương mại với Trung Quốc vào ngày 17/03/2014 vừa qua, thay vì đem ra tranh luận từng điều khoản trong hiệp định như yêu cầu của đảng đối lập từ nhiều tháng nay. Ngay hôm sau, sinh viên đã tụ tập tại Quốc hội để phản đối.
Theo một trong những sinh viên biểu tình thì hiệp định thương mại với Trung Quốc không phải là xấu nhưng có rất nhiều điểm mập mờ. Theo anh, cần lập hệ thống pháp lý giám sát từ khâu ký kết đến thực thi hiệp định. Luật này nếu được chấp nhận chính là điều kiện để dân thôi biểu tình tại tòa nhà Quốc hội. Thế nhưng, chỉ có dân biểu thuộc đảng đối lập chiếm thiểu số là ủng hộ dự luật này.
Ngày 23/03/2014, cảnh sát chống bạo động đã giải tán đám đông. Lực lượng biểu tình cho biết sẵn sàng huy động lực lượng về lâu dài. Họ thông báo một cuộc biểu tình lớn trước dinh thổng thống vào ngày mai (Chủ Nhật 30/03/2014).
Tại nơi biểu tình, các sinh viên báo chí chịu trách nhiệm tường thuật trực tiếp diễn biến trên trang mạng xã hội Facebook. Chân dung biếm họa Tổng thống Mã Anh Cữu bị vẽ đầy trên tường, người đã quyết định xích lại gần với Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc bị ràng buộc bằng một quy chế : không độc lập mà cũng chẳng phải là thống nhất đất nước.
Báo Le Monde thuật lại, một đoàn sinh viên khác của Hồng Kông đáp máy bay đến Đài Loan với biểu ngữ đỏ cùng hàng trăm chữ ký để đấu tranh về dự án Trung Quốc muốn sát nhập Hồng Kông vào Trung Quốc vào mùa hè này, nhằm thúc đẩy Bắc Kinh giữ lời hứa cho bầu cử phổ thông đầu phiếu vào năm 2017 mà cho đến nay, Bắc Kinh thường vẫn không giữ lời.
Cuộc cách mạng hướng dương được người trong cuộc nhận định là kết quả của nhiều sự ức chế tích tụ lâu ngày, trong đó có biểu tình về các vấn đề môi trường, về việc phá dỡ một số ngôi làng. Nguyên nhân làm cho dân chúng phẫn nộ là sự độc tài và bá quyền của đảng lãnh đạo. Người tiền nhiệm của ông Mã Anh Cửu luôn theo chủ trương « độc lập » còn Tổng thống đương nhiệm lại luôn muốn xích lại gần với Trung Quốc.
William Trần, lãnh đạo sinh viên biểu tình nhận xét : « Sinh viên Đài Loan không chống lại Trung Quốc nhưng họ chống lại sự can dự của Trung Quốc vào hệ thống chính trị và kinh tế Đài Loan. Để giải quyết được điều đó thì cần phải củng cố cơ chế dân chủ của chúng tôi ».
Cả Đài Loan và Hồng Kông đều không ưa sự can dự của Trung Quốc
Hàng ngàn cư dân Hồng Kông xuống đường biểu tình đòi dân chủ vào ngày đầu năm 2014.
Hàng ngàn cư dân Hồng Kông xuống đường biểu tình đòi dân chủ
Nhật báo Le Monde tiếp tục phân tích qua bài viết khác đề tựa : « Cả Đài Loan và Hồng Kông đều không ưa sự can dự của Trung Quốc ». Chưa bao giờ mà nhu cầu được bảo vệ khỏi chế độ Bắc Kinh lại mãnh liệt tại Đài Loan và Hồng Kông vào lúc này.
Hai con rồng Châu Á có văn hóa lịch sử và chính trị khá khác biệt nên họ liên tục biểu hiện thái độ khước từ xích lại gần một Trung Quốc bình dân, luôn hau háu sát nhập các vùng tự trị.
Các cuộc biểu tình phản đối cũng liên tục nổ ra chống lại việc vi phạm tự do báo chí trên đất Hương Cảng. Người Trung Quốc ngày càng đổ xô đến Hồng Kông, nào là du khách, các sản phụ Trung Quốc tràn ngập trong bệnh viện Hồng Kông hay những tay tài phiệt Trung Quốc đầu tư vào bất động sản cũng gây nên sự oán hận cho người Hồng Kông đến nỗi họ gọi dân Trung Quốc với giọng điệu miệt thị là « sự xâm lược của những con châu chấu ».
Bực tức của thanh niên Đài Loan chống Trung Quốc qua cuộc cách mạng hoa hướng dương nói trên thể hiện tuổi trẻ Đài Loan đang ao ước được độc lập. Một lãnh đạo sinh viên nhận định, nếu thăm dò người Đài Loan giữa hai lựa chọn là độc lập hay thống nhất với Trung Quốc thì chắc hẳn đa số sẽ lựa chọn độc lập.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen