Sonntag, 16. Februar 2014

TRÒ LỪA THẾ GIỚI BỊ LẬT TẨY!!! BNS TỰ DO NGÔN LUẬN #189 (15.2.2014)


Bns Tự Do Ngôn Luận
- Với não trạng thâm căn cố đế được hình thành từ tổ sư Marx, Lénine và từ tôn sư Mao, Hồ là cứ nói láo, nói bừa, nói lấy được (thế nào cũng có kẻ ngây thơ, mù quáng, dại dột tin theo), phái đoàn Việt cộng với nhân sự hùng hậu, đủ mặt đại biểu các bộ ngành liên quan đến nhân quyền như  Ngoại giao, Công an, Tư pháp, Thông tin, Lao động, Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc,...
(chưa kể một toán quay phim và chụp ảnh đông đảo), đã mang đến Genève hôm 05-02 một tập báo cáo nhân quyền dài hơn 20 trang hết sức “ngon lành” cùng nhiều câu đáp hết sức “chí lý” viết sẵn cho những câu hỏi được dự đoán từ nhà (chưa kể hai Phụ lục, một về các văn bản quy phạm pháp luật [92 vb] được ban hành trong giai đoạn 2009-2013 và một về các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội [25 cl] và chương trình quốc gia [16 ct] về phát triển do chính phủ ban hành và thực hiện trong giai đoạn 2009-2013). Đúng như lời “tên phản phé” Đặng Xương Hùng, cựu vụ phó bộ Ngoại giao kiêm lãnh sự ở Genève cho công luận rõ qua bức thư tâm sự với cựu đồng nghiệp: “Tôi biết các bạn là những người Việt Nam (VN) giỏi nhất trong việc viết báo cáo loại ấy và các bạn đã được cấp trên phê duyệt tỉ mỉ trước khi lên đường”.
Và thế là trưởng đoàn, thứ trưởng Hà Kim Ngọc ung dung lẫn trâng tráo trình bày trước bàn dân thiên hạ các thành tựu về nhân quyền đủ mọi mặt, như thể chẳng ai tôn trọng quyền con người bằng VN, như thể muốn chứng minh cho danh xưng “thủ đô quyền con người” được gán đểu một thời cho Hà Nội. Ta hãy nghe vài câu cho “nức lòng”: VN “xây dựng Nhà nước Pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và đảm bảo các quyền con người được thể chế hóa trong Hiến pháp (HP) năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân được triển khai đồng bộ và xuyên suốt thông qua các chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và các chính sách, cơ chế nhằm triển khai các Luật và văn bản luật này trên thực tế.” rồi “Ưu tiên cao nhất của VN trong việc kiện toàn hệ thống pháp luật hiện nay là đẩy mạnh quá trình sửa đổi, bổ sung HP năm 1992. Mục tiêu sửa đổi, bổ sung HP năm 1992 là đảm bảo sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị phù hợp với tình hình và những phát triển mới về dân chủ, tiếp tục ưu tiên phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.”
 
                Vài hôm sau, 08-02, báo Quân Đội Nhân Dân cũng tung hứng một cách rất tuyệt vời: “Hội đồng Nhân quyền đánh giá cao báo cáo kiểm điểm định kỳ phổ quát của VN… Trước hết, các đại biểu tham gia hội nghị đã đánh giá cao VN trong việc chuẩn bị Báo cáo… Thứ hai, về những thành quả bảo đảm quyền con người, các đại biểu đánh giá tích cực việc VN đã thực hiện nghiêm túc 96 khuyến nghị tại Hội nghị kiểm điểm định kỳ năm 2009 trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là đưa quyền con người vào Chương II, HP mới (2013)… Nhiều đại diện ở các nước đang phát triển đánh giá cao thành quả của VN trong việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững và quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương; về đích sớm nhiều mục tiêu thiên niên kỷ… Thứ ba, trên lĩnh vực hợp tác quốc tế, nhiều đại biểu đánh giá cao VN trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ và sẵn sàng đối thoại nhân quyền thường niên với các đối tác, đóng góp tích cực vào cơ chế nhân quyền ASEAN...” Ai ai cũng đánh giá cao về VN cả! Đài VTV cũng có một video clip nổ vang trời về sự thành công rực rỡ của đoàn VN tại Thụy Sĩ !?! Quả là một bức tranh màu hồng tươi sáng, y như các lãnh đạo và quan chức VN trên mọi bức ảnh đều luôn tươi cười! Chả trách có bản thống kê đểu nào đó nói dân VN là một trong những dân hạnh phúc nhất hoàn cầu. Hạnh phúc vì được Đảng và Nhà nước lo cho đầy đủ mọi nhân quyền, ban cho đầy đủ mọi tự do mà có thứ xài không hết!
                Thế nhưng ai cũng biết rằng ngay chiều ngày 07-02, Nhóm Công tác thuộc cơ chế “Kiểm điểm Định kỳ phổ quát" của Hội đồng NQ đã trao cho VN 227 khuyến nghị yêu cầu xem xét để bảo vệ Quyền Con Người, trong đó có 5 lĩnh vực quan trọng cần được thực thi: (1) Tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí trên Internet và bên ngoài, tự do hội họp. (2) Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, đặc biệt của các sắc dân thiểu số. (3) Hủy bỏ án tử hình hoặc xét lại hình phạt quá nặng này đối với các tội phạm kinh tế và các tội không nghiêm trọng. (4) Hủy bỏ hoặc tu chính các Điều 79, 88, 258 mơ hồ và bị lạm dụng nhằm hạn chế tự do của Bộ luật Hình sự. (5) Yêu cầu sửa lại hai nghị định 72 và 174 đã hạn chế và kiểm soát hoạt động của truyền thông xã hội và các tổ chức phi chính phủ. Ngoài ra đại biểu Úc Đại Lợi mạnh mẽ yêu cầu sớm có Luật quy định quyền tự do hội họp và biểu tình ôn hòa phù hợp với Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị. Hy Lạp thì thẳng thắn yêu cầu VN áp dụng những biện pháp chấm dứt truy tố những công dân thực thi quyền phản đối hòa bình. Hoa Kỳ công khai yêu cầu VN sửa những luật mơ hồ về “an ninh” để đàn áp dân và trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân chính trị như Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, Luật sư Lê Quốc Quân, Nhà báo tự do Điếu Cầy và Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức. Nhật Bản đề nghị VN hãy thi hành những biện pháp để “bảo đảm quyền tự do tư tưởng và quyền tự do, độc lập của báo chí và Internet". Cũng có những khuyến nghị như VN cần “đình chỉ tịch thu tài sản, đuổi dân thiểu số ra khỏi nơi cư trú của họ, phải bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em và các quyền khác của công dân, đồng thời tạo điều kiện bình đẳng và tôn trọng pháp luật cho mọi người."
Quả là một cái tát đau điếng vào mặt cái chế độ vốn từ lâu được nhân loại và lịch sử định tính là “dối trá một cách bình thản, tàn ác một cách lạnh lùng, mù quáng một cách cố chấp và tham lam một cách vô độ”. Điều này cũng đúng với nhận xét của bà Julie Gromellon, đại diện một trong những tổ chức phi chính phủ tham dự cuộc họp tham khảo và góp ý do Phòng Thông tin UPR tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế trong khuôn viên Điện Quốc Liên, LHQ ở Genève ngày 27-11-2013 để chuẩn bị cho cuộc Kiểm điểm Phổ cập Định kỳ (x. RFA 04-12-2013). Bà Julie Gromellon nói: “Hiển nhiên là các tổ chức Phi chính phủ đã rất, rất công kích VN. Không những họ trình bày một hiện tình gia tăng đàn áp trên mọi lĩnh vực pháp lý, kinh tế,
mà còn phơi bày những vi phạm về các quyền công dân và chính trị. Họ cũng công kích sự kiện từ khi báo cáo tại cuộc Kiểm điểm Phổ cập Định kỳ lần thứ nhất 4 năm trước đây, VN đã chẳng thực hiện một khuyến nghị nào mà mình hứa hẹn, kể cả những khuyến nghị thuộc nghĩa vụ quốc tế”. Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người VN (cũng có mặt trong cuộc họp đó) cho biết tại cuộc Kiểm điểm Phổ cập Định kỳ năm 2009, VN chấp nhận 93 khuyến nghị của các quốc gia thành viên LHQ nhưng không hề thực hiện, trái lại còn “tăng cường các cuộc đàn áp chính trị, đồng thời thông qua các sắc luật mới nhằm hạn chế tối đa quyền con người”, và bắt giam 61 nhà bất đồng chính kiến riêng trong năm 2013.
         Bên cạnh đó, một thái độ cũng gây ấn tượng không kém về bản báo cáo nhân quyền nói trên của Hà Nội là tờ VietNamNet ở trong nước đã công bố trước toàn bộ văn kiện này trên trang mạng của mình với yêu cầu bạn đọc bình luận tức thời ngay bên dưới theo dạng “Like or Dislike” (Thích hay không thích). Đúng hôm 5-2, VietNamNet công bố kết quả là chỉ trong ngày đầu, sau 24 giờ phổ biến, đã có 66 ý kiến “thích” và 3329 ý kiến “không thích”. Sau 48 giờ kết quả là 82 “thích” và 3892 “không thích”, nghĩa là “kịch bản vở tuồng đã bị chê ngay trước khi được trình diễn”. Trước tỷ lệ đáng buồn này (1/50, cứ 100 người chỉ có 2 lời khen), VietNamnet đành muối mặt hủy bỏ kiểu bình luận like-dislike, không thì sẽ bị Đinh Thế Huynh hủy bỏ sự tồn tại! Cũng gây ấn tượng không kém là sự bỏ chạy như đàn vịt của phái đoàn VN ngay sau cuộc báo cáo khi một phóng viên của đài SBTN, khúc ruột xa ngàn dặm, muốn phỏng vấn đống ruột từ bên nhà! BBC cho biết thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng từ khước trả lời sau khi đã hứa là có thể. Đấy là chưa kể sự “phản phé, phản thùng, phản đảng” gây chấn động của thổ công, thổ địa ngay tại thủ đô nhân quyền thế giới Genève, ông Đặng Xương Hùng. Là một cán bộ ngoại giao được đào tạo bài bản, được nhận sớm bản Báo cáo Nhân quyền từ trước tháng 10-2013 để tuyên truyền, quảng bá, tranh thủ các cán bộ ngoại giao quốc tế luôn có mặt đông đảo ở Genève, nhưng chính bản báo cáo đại láo này là giọt nước làm tràn ly để ông có quyết định hệ trọng nhất đời mình là chào vĩnh biệt đảng CS, từ bỏ chức vụ cao cấp trong ngành ngoại giao Việt cộng, vừa béo bở, vừa thế lực!
         Tất cả phản ứng tức thời nói trên của thế giới cũng như của cư dân mạng VN là thành quả của bao nỗ lực phối hợp hài hòa giữa người Việt từ trong ra tới ngoài nước, giữa các nhà dân chủ da vàng mũi tẹt với các nhà dân chủ mũi lõ mắt xanh trước và trong cuộc Kiểm điểm Định kỳ. Để chuẩn bị cho sự kiện này, nhiều đóng góp của các tổ chức phi chính phủ đã được gởi trước tới văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ: 11 bản đóng góp của các tổ chức người Việt hải ngoại chỉ trích VN vi phạm nhân quyền, 4 bản đóng góp của các tổ chức quốc nội độc lập với CS, ngoài ra còn có 29 bản đóng góp của các tổ chức nhân quyền hoàn vũ. Bên cạnh đó là các cuộc hội thảo, góp ý, điều trần trong những tháng ngày trước cuộc Kiểm điểm nhằm vạch mặt Hà Nội, do các thân hữu quốc tế và các thành viên phong trào đấu tranh của người Việt thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới và ngay tại Genève (đặc biệt là “Ngày VN” hôm 30 Tết với đại diện của sáu tổ chức và nhóm xã hội dân sự không được Ba Đình thừa nhận).
         Rõ ràng trò lừa đảo thế giới, màn dối gạt nhân loại của Hà Nội đã bị lật tẩy, vạch trần một cách thê thảm. Họ có ý thức được chuyện này để tỉnh ngộ chăng? Hay cứ tiếp tục mù quáng bằng cách tiếp tục điên cuồng trấn áp nhân dân bằng cả lý thuyết pháp chế lẫn thực tế hành xử, như qua kế hoạch bắt dân học tập và chấp hành cái HP thổ tả vừa được Quốc hội của đảng đưa ra hôm 28-11 năm ngoái, như trong vụ kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa ở Hà Nội hôm 19-01, vụ bắn dân oan ở Văn Giang hôm 10-02, vụ hành hung tín đồ ở Lấp Vò hôm 11-02, vụ biểu tình kỷ niệm 35 năm cuộc chiến Việt-Trung và vụ xử Ls Lê Quốc Quân trong vài ngày tới?   BBT

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen