TPP: Lùi
Một Bước… Dài
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 14 tháng 2, 2014
Vừa mới đây nữ Dân Biểu Nancy Pelosi, thủ lãnh của khối Dân Chủ ở
Hạ Viện, chính thức tuyên bố không ủng hộ “ngã tắt” cho Thương Ước Hợp Tác Xuyên
Thái Bình Dương (TPP). Cùng với lời tuyên bố tương tự của TNS Harry Reid, Chủ
Tịch Thượng Viện, tháng rồi, thì triển vọng cho TPP bị đẩy lùi về một tương lai
xa. Như vậy chúng ta sẽ có thời gian và cơ hội để cài các điều kiện nhân quyền
vào cuộc thương thảo TPP giữa Hoa Kỳ và Việt
Nam.
Vận động để cài điều kiện nhân quyền vào TPP là một trong 3 mục
tiêu chính của Ngày Vận Động Cho Việt Nam 26 và 27 tháng 3 tới đây. Lập trường
chính thức của hai lãnh tụ Đảng Dân Chủ, cùng đảng với TT Barack Obama, là yếu
tố thuận lợi cho cuộc vận động này.
“Ngã tắt”
TT Obama đang muốn Quốc Hội phê chuẩn TPP theo “ngã tắt”, tiếng Mỹ
gọi là Fast Track. Nghĩa là sau khi Hành Pháp ký TPP và chuyển sang Quốc Hội để
phê chuẩn thì Quốc Hội chỉ có quyền bỏ phiếu thuận hay chống, chứ không có quyền
tu chính. Theo Hành Pháp nhận định, chỉ có cách đó thì mới có hy vọng TPP sẽ
được phê chuẩn và trở thành hiệu lực. Còn như để Quốc Hội mổ xẻ, thay đổi văn
bản đã ký kết thì cuộc thương thảo lại phải bắt đầu lại từ đầu, không biết đến
bao giờ mới hoàn tất.
Muốn đi “ngã tắt” TT Obama phải được Quốc Hội ban cho quyền hạn gọi
là Thẩm Quyền Phát Huy Mậu Dịch (Trade Promotion Authority, hoặc TPA). Một dự
luật TPA vừa được đưa vào Thượng Viện và Hạ Viện để ban quyền này cho TT Obama.
Điều trớ trêu là tác giả của dự luật ở Hạ Viện lại là một dân biểu Đảng Cộng Hoà
và không ai trong số 200 dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ chịu đứng tên bảo trợ mặc
dù có sự vận động trực tiếp của TT Obama.
Ở Hạ Viện, nếu có 218 phiếu là đạt đa số. Nghĩa là chỉ cần 18 dân
biểu Đảng Cộng Hoà cũng chống TPA thì xem như “ngã tắt” bị tắc nghẽn. Hiện nay
ít ra có 30 vị dân biểu Đảng Cộng Hoà cho biết sẽ bỏ phiếu chống TPP, và dĩ
nhiên TPA.
TT Obama sẽ phải ráo riết lấy lại một số phiếu để thông qua TPA.
Trong cuộc vận động vào cuối tháng 3 tới đây, chúng ta sẽ phối hợp cùng với các
lực lượng dòng chính Hoa Kỳ để không những giữ nguyên mà còn tăng số vị dân cử
chống TPA ở Hạ Viện.
Ở Thượng Viện thì số phận của TPA cũng không sáng sủa gì hơn, vì
chỉ cần đôi ba vị thượng nghị sĩ cũng có thể ngăn chặn từ đầu, không cho TPA và
ngay cả TPP được đưa ra biểu quyết. Hiện nay thì TNS Harry Reid, thủ lãnh của
Đảng Dân Chủ ở Thượng Viện và là Chủ Tịch Thượng Viện, đã công bố không ủng hộ
TPA. TNS Richard Burr, Cộng Hoà bang North Carolina, và TNS Ben Cardin, Dân Chủ
bang Maryland, cũng đã chính thức không ủng hộ
TPP.
Lý Do Không Ủng Hộ TPA và TPP
Phần lớn các dân biểu và thượng nghị sĩ không ủng hộ TPA là vì nó
cho phép TT Obama đi ngã tắt, không có tham khảo với Quốc Hội cho một thương ước
rộng lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ và có ảnh hưởng sâu đậm lên tương lai của quốc gia
này.
Còn đối với TPP thì đa số các dân biểu và thượng nghị sĩ quan tâm
hai điều: sự thiếu minh bạch và quyền lao động. Cho đến nay, nội dung của cuộc
thương thảo TPP vẫn được dấu kín, đối với cả các dân biểu và thượng nghị sĩ.
Quốc Hội không hề được tham khảo về một hiệp ước quan trọng mà Tổng Thống muốn
họ phê chuẩn gấp rút, không mổ xẻ, không tu chính. Sự thiếu minh bạch này soi
mòn vai trò lập pháp của Quốc Hội và là mối quan tâm chung của các dân biểu và
thượng nghị sĩ bất luận thuộc đảng nào.
Yếu tố thứ hai -- quyền lao động – có sự thúc đẩy của các công đoàn
có ảnh hưởng lớn đối với các dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Chính bởi vậy dù
TT Obama kêu gọi từng người một, không vị dân biểu nào chịu đứng tên bảo trợ cho
dự luật TPA ở Hạ Viện -- họ không muốn mất sự ủng hộ của các công đoàn trong
cuộc tranh cử năm 2014.
Ngoài ra, có một số nhỏ các dân biểu và thượng nghị sĩ quan tâm đến
các vấn đề liên quan riêng đến Việt Nam: ảnh hưởng tai hại đến kỹ nghệ may mặc
của Hoa Kỳ do cạnh tranh bất công từ Việt Nam, thất nghiệp tăng do thâm thủng
mậu dịch với Việt Nam, và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Chúng ta làm gì?
Kế hoạch của chúng ta là đẩy lùi việc hoàn tất thương thảo TPP giữa
Hoa Kỳ với Việt Nam và kêu gọi sự nhập cuộc của Quốc Hội để có cơ hội cài các
điều kiện nhân quyền vào cuộc thương thảo và có thời gian phối kiểm những bước
cải thiện nhân quyền cụ thể, như trả tự do vô điều kiện cho tù nhân lương tâm và
chấm dứt tra tấn, từ phía Việt Nam trước khi Quốc Hội phê chuẩn
TPP.
Để thực hiện kế hoạch này, một mặt chúng ta dùng quyền lao động làm
“vấn đề cửa ngõ” cho cuộc vận động. Qua đó, chúng ta cho mọi người thấy rằng
trong 12 quốc gia thương thảo TPP thì Việt Nam là một ngoại lệ tệ hại nhất về
quyền lao động: không có công đoàn độc lập và những ai vận động công đoàn độc
lập đều bị tù đày. Qua vấn đề cửa ngõ này, chúng ta biến Việt Nam thành trung
tâm điểm quan tâm của các công đoàn và các vị dân cử Hoa Kỳ trong tiến trình
thương thảo TPP. Đấy là lý do Đỗ Thị Minh Hạnh được chọn làm khuôn mặt tiêu biểu
cho Việt Nam tại buổi điều trần về tù nhân lương tâm ở Quốc Hội ngày 16 tháng 1
vừa qua.
Mặt kia chúng ta vận động các vị dân biểu và thượng nghị sĩ quan
tâm đến các lĩnh vực vi phạm nhân quyền khác – đàn áp tôn giáo, tra tấn, buôn
người, tiêu diệt các dân tộc bản địa, v.v. -- để gom thêm phiếu chống TPA. Hiện
nay có triển vọng chúng ta đã đạt đa số ở Hạ Viện. DB John Boehner, Chủ Tịch Hạ
Viện, đã bắn tiếng cho Toà Bạch Ốc rằng chỉ đưa dự luật TPA ra biểu quyết sau
khi TT Obama lấy được sự ủng hộ của ít ra 50 dân biểu Dân Chủ. Hành Pháp Obama
chắc chắn sẽ cố gắng đạt điều này.
Trước tình trạng giằng co này trong năm tuyển cử, chúng ta cần giữ
lại những lá phiếu đã có và vận động thêm dân biểu Cộng Hoà đứng về phía chúng
ta. Đó là trọng tâm thứ 2 của Ngày Vận Động Nhân Cho Việt Nam vào hai ngày 26 và
27 tới đây: mỗi phái đoàn về Hoa Thịnh Đốn sẽ vận động dân biểu và thượng nghị
sĩ của mình đánh bại TPA và cài điều kiện nhân quyền vào TPP. Trọng tâm thứ nhất
là vận động cho Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam.
Tôi tin rằng dư âm của cuộc tổng vận động của chúng ta vào cuối
tháng 3 tới đây sẽ kéo dài đến tháng 6. Tháng 6 trở đi là mùa tranh cử, và không
một dân biểu hay thượng nghị sĩ nào muốn nắm “củ khoai tây nóng” (hot potatoe)
TPA hay TPP cho đến sau ngày tranh cử. Nghĩa là chúng ta sẽ đẩy lùi được TPP ít
ra đến cuối năm 2014 và cũng có thể qua năm 2015, đủ thời gian để đặt nhiều điều
kiện nhân quyền đối với Việt Nam.
Chúng ta có triển vọng thành công, nhưng triển vọng này sẽ chỉ trở
thành hiện thực nếu có sự tham gia thật đông đảo của những người Việt đến từ các
thành phố và tiểu bang khắp Hoa Kỳ trong hai ngày 26 và 27 tháng 3
này.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen