VIỆT
DZŨNG
NGHỆ SĨ ĐẤU
TRANH KHÔNG TÀN TẬT TÂM HỒN
Võ Đại Tôn (Australia)
“Gửi về Việt Nam nước mắt đong đầy…”(Việt Dzũng)
. Thời tiết mấy tháng nay tại Úc Châu, đang là mùa Hè nhưng nắng mưa, nóng
lạnh thay đổi bất chợt, từ nạn cháy rừng đến giông bão chuyển ập đến. Từ khuya
thứ Bảy, 21.12.2013, ngoài trời lại chuyễn mưa, điện thoại từ Mỹ gọi sang báo
tin cho tôi biết Việt Dzũng đã không còn nữa !. Nhìn qua khung cửa trong đêm
vắng lạnh chợt đến, lạnh từ không gian đến tâm hồn cô đơn, những giọt mưa lất
phất như tiếng hát của Việt Dzũng vọng về từ cõi mơ hồ nào đó trong bài “Một
chút quà cho Quê Hương” với nước mắt đong đầy…nước mắt của Việt Dzũng
thương nhớ quê xưa và nước mắt của riêng tôi khi mất thêm một người em, một
chiến hữu, trên hành trình còn dang dở một đời tâm nguyện. Em đi đâu rồi, hay
vẫn còn đang đứng trước mặt anh với đôi nạng gỗ, thênh thang giữa đất trời, mưa
bay… ?
Phong Trào Hưng Ca với Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, Tuyết
Mai, Tuấn Minh, Đào Trường Phúc, Huỳnh Lương Thiện, Trương Sĩ Lương, Lưu Xuân
Bảo… và anh chị em nghệ sĩ đấu tranh đâu rồi, sao vắng lạnh thế
này, đêm nay chỉ một mình tôi ? Những đại hội Hưng Ca tại Hoa Thịnh Đốn, những
đêm trình diễn lưu vong, sau khi tiếng vỗ tay không còn nữa thì anh em mình ngồi
im lặng nhìn nhau, lời Thơ tiếng Hát vọng về đâu, một chút quà hay cả một đời
người đang gửi về Quê Hương ? Cánh chim đại bàng trên thân họa mi Nguyệt Ánh,
đôi nạng gỗ Việt Dzũng vẫn còn đấy mà, sao ngoài khung cửa lại có tiếng mưa rơi
… ? Mưa ngoài trời hay mưa trong lòng tôi ?.
Ngay sau khi đặt chân lên bến bờ tạm dung lưu vong, đất
khách quê người, từ đại dương trôi giạt về các nẻo đường đời, vào năm 1978, một
đại hội Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại đầu tiên được tổ chức tại Oklahoma, tiểu bang
Texas Hoa Kỳ, quy tụ một số quý vị và anh chị em còn rộn lòng thương nhớ cội
nguồn, nghĩ cần phải bảo tồn Văn Hóa tại hải ngoại, song hành góp công cùng với
Toàn Dân cứu Người và cứu Nước. Tôi từ Úc Châu được một số anh em chiến hữu góp
tiền cho vé máy bay qua ngay Hoa Kỳ lần đầu tiên trong đời tỵ nạn để tham dự đại
hội. Lại tìm xem ai còn ai mất, những bắt tay vui mừng trong nước mắt. Từ Úc
Châu, tôi là người duy nhất bay sang, gặp lại các bạn Đặng Văn Đệ, Vũ Văn Hoa,
Nguyễn Hoàng Quân, … anh em trong đảng phái quốc gia một thời, ôm nhau mà dường
như vẫn còn hơi muối biển trong lòng. Đêm về, tôi được nằm chung phòng tại tư
gia của anh Quân (Đại Việt QDĐ) với một thanh niên “tàn tật”, đặt đôi nạng gỗ
bên cạnh và nằm tâm sự cùng tôi về chuyện đời, về mơ ước tương lai, và tôi nhớ
lại lời thơ của Vũ Hoàng Chương “tuổi đá, tuổi vàng hay tuổi ngọc – Thương
nhau, ai đếm tuổi bao giờ ?”. Tôi tự thấy mình trẻ lại, như cùng chung thế
hệ, cùng chung ước mơ, cùng chung thân phận. Người thanh niên khoảng 20 tuổi đó
là Việt Dzũng, gọi nhau bằng anh-em như từ tiền kiếp thêm lần hạnh ngộ. Từ những
đêm sau đó, sau những ngày sôi nổi họp đại hội, và có cả tiếng hát của Việt
Dzũng làm thêm ấm lòng và bùng dậy ước mơ như trở thành hiện thực, chúng tôi đã
kết nghĩa tinh thần, dìu nhau bước đi suốt cả mấy chục năm qua, một đời tận
hiến, tuy khác lĩnh vực hoạt động nhưng chung một Tấm Lòng.
Sau khi ở tù về, từ biệt giam tại Hà Nội hơn 10 năm, tôi
được coi cuốn băng hình về một buổi tập họp đồng hương tại công viên Mile Square
Park ở miền Nam Cali, Hoa Kỳ, tôi lại thấy Việt Dzũng đang đứng trên sân khấu
ngoài trời, cũng với đôi nạng gỗ, cất tiếng gào to “Cho dù tôi có phải bò về,
lết về, tôi cũng sẽ về lại Quê Hương khi không còn cộng sản…”, rồi gửi tiếng
hát vào không gian, vào lòng người. Lại có Diễm Chi, Hùng Cường, Huỳnh Công Ánh
và nhiều anh chị em nghệ sĩ đấu tranh khác nữa, thân tù mới trở lại tự do ngồi
im lặng nghe nhìn mà chảy nước mắt lúc nào không hay, cứ tưởng rằng đời mình đã
cạn khô dòng lệ. Tôi lại nhớ có lần tôi đã bị tra tấn trong
tù vì những cái tên thân quen, thương nhau và đồng hành tự một thuở nào thủy
chung. Người cộng sản đã tra tấn tôi để khai thác về sự liên hệ giữa tôi với
những “tên biệt kích văn nghệ nước ngoài : Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, Hùng
Cường”, tại sao lại phát động phong trào văn nghệ “phản động, chống đối cách
mạng”, kế hoạch mật kín bên trong thế nào… ?! Vết thương tuy có làm đau thân xác
kiệt quệ nhưng tận đáy tâm hồn của tôi như có tiếng cười hãnh diện về những
người anh chị em đang đứng thênh thang giữa đất trời lưu vong mà cất cao tiếng
hát đấu tranh. Tôi tự coi như những trận đòn thù đó là phần thưởng tinh thần mà
các anh chị em văn nghệ đấu tranh đã cho đời tôi vì được nhận làm huynh-đệ thâm
tình. Tôi quay lại cuộn băng hình, nhìn thấy Việt Dzũng đứng trên sân khấu thô
sơ, với đôi nạng gỗ, không có ánh đèn màu và trang sức hợp thời, nhưng sao ngạo
nghễ như đang bắn từng viên đạn đúc bằng máu tim vào thành trì vô đạo phi nhân
để giành lại Nhân Quyền cùng với Toàn Dân. Lại xin một lần nữa Tạ Ơn. Ước gì
những người dân cùng chung nòi giống bên kia bờ đại dương, ước gì những tấm thân
quằn quại trong đáy vực ngục tù cộng sản, nghe được tiếng vọng của những lời ca
này để thấy thêm đời đáng sống, cho dù dưới tận cùng đáy ngục. Rồi tất cả sẽ
vươn lên, nhất định. Hưng Ca đã và đang góp công vào Hưng Quốc, và bóng dáng của
Việt Dzũng vẫn còn đây cùng với những Tấm Lòng chân chính tận hiến đời người để
hồi sinh Dân Tộc.
Rồi từ đó, suốt những tháng năm ra khỏi ngục tù, tôi lại
được hạnh phúc cùng anh chị em nghệ sĩ đấu tranh gặp mặt, góp sức, bằng tiếng
lòng, Thi-Ca, trên nhiều nẻo đường năm châu. Tôi vẫn còn nghe tiếng nói nhẹ
nhàng nhưng đầy ân tình của Việt Dzũng mỗi lần gặp nhau, ôm tôi : “Anh có
khỏe không ? Ông già trông vẫn còn ngon cơm lắm mà, lo gì !”. Khói thuốc lại
tỏa mịt mùng qua tiếng cười vang. Trong tiếng cười, dường như anh-em chúng tôi
có thấy thấp thoáng những nét “cô đơn” trên bức tranh đời riêng cũng như chung,
tâm nguyện vẫn sắt son mà sao quá gian nan với nhiều ngọn dáo vụt đến không ngờ.
“Me đặt tên con, Nguyễn Thị Sai-Gon”… (Việt Dzũng).
Mới đây, trong năm 2013, từ Hoa
Kỳ sang công tác tại Úc Châu, Việt Dzũng có đến thăm tôi tại nhà, đồng thời gặp
mặt thân mật một số anh em cùng chung Lý Tưởng đấu tranh. Sau khi chúng tôi đồng
thắp nhang cầu nguyện trước bàn thờ Quốc Tổ được thiết lập tại nhà tôi từ bao
năm qua, Việt Dzũng có nói : “Xin cám ơn anh đã cho em những phút giây thực
sự xúc động khi nguyện cầu Quốc Tổ hôm nay, em thấy rõ cội nguồn trước mắt, tâm
linh như được hòa tan vào cùng mệnh Nước…”. Và, Việt Dzũng thì thầm hát nhẹ
“… Nguyễn thị Sai-Gon…Lê thị Hy Vọng…”, đưa hơi thở và lời ca nhập vào
hồn tôi, xao xuyến, chập chùng, tưởng chừng như đang có bàn tay nào vời níu quê
hương…Rồi cũng mới đây, tháng 8 năm 2013, tại Little Saigon, Nam Cali, Việt
Dzũng đã chống nạng đến trong chiều sinh hoạt đấu tranh của tôi, phát biểu những
lời tâm huyết, cùng với tiếng hát của Tuấn Minh trong bài thơ Nước Trôi Mồ Mẹ
của tôi do Nguyệt Ánh phổ nhạc. Anh em lại cầm tay nhau, chẳng muốn rời xa…Hẹn
ngày gặp lại trên một nẻo đường nào đó trong đời còn lại, và nhất định sẽ cùng
nhau quỳ hôn từng mảnh đất Quê Hương, một ngày…
Từng giọt mưa nhẹ đang rơi ngoài mái hiên sau nhà giữa
khuya vắng lạnh, tôi vẫn còn nghe tiếng hát trầm bổng chao lòng của Việt Dzũng
“Gửi về Việt Nam nước mắt đong đầy…”, rồi chợt vang lên
dường như tiếng thét “Đòi trả ta sông núi”… Việt Dzũng vẫn còn đứng đấy, tôi
đang vịn vào nạng gỗ thân yêu của một người em kết nghĩa, một chiến hữu thủy
chung, để đứng dậy và viết tiếp những dòng chữ này…không còn nước mắt. Tạm biệt
EM, NGUYỄN NGỌC HÙNG DŨNG !.
Võ Đại Tôn
Đêm thứ Bảy 21.12.2013
Úc Châu.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen