Odenwald - Một vòng hoa tưởng niệm chiến sĩ trận vong
Đã ba mươi
tám năm qua, kể từ ngày người lính Việt Nam Cộng Hòa đang giữ nước phải buông
súng theo lời kêu gọi của chính phủ Dương văn Minh và miền Nam tự do thân yêu
của chúng ta phải sống lầm than, tủi nhục dưới chế độ cs. Chiến tranh qua đi đã
lâu, nhưng hậu quả mà người lính bên „phe chiến bại“ – dù đã chết hay còn sống,
sống trong nước hay đang ở hải ngoại, vẫn còn phải chịu đến ngày hôm nay và đến
bao giờ nữa ? Đã có những trại ngục tù cải tạo với những nấm mồ vô danh rải rác
trên khắp miền đất nước; Những ngôi mộ hương tàn khói lạnh và những công trình
tưởng niệm trong nghĩa trang quân đội Biên Hòa bị bọn cs vô nhân phá đổ, đào
xới ngổn ngang. Người lính VNCH chết vì tổ quốc không còn đất chôn thân xác,
còn thân phận những thương phế binh thì sống lây lất với muôn vàn khổ cực và
tủi nhục bên lề xã hội đầy thù hằn của chế độ cs.
Xưa lựu đạn dao găm
Nay chiếc lon nho nhỏ
Xưa đánh pháo diệt tăng
Nay cơm thừa nước đổ… (1)
Người quân
nhân còn lại, dù đã thoát được ra hải ngoại, nay sống trên xứ người vật chất dư
thừa nhưng vẫn canh cánh trong lòng tâm trạng đau buồn của người chiến sĩ đã
phải thúc thủ chịu hoàn cảnh mất nước, thân phận lưu vong. Họ vẫn không quên
những bạn đồng đội đã hy sinh trên khắp chiến trường và đặc biệt vẫn luôn nhớ
rằng còn có nhiều chiến hữu hiện là thương phế binh đang lê cuộc sống tàn khổ
cực nơi quê nhà.
Xưa đồng đội như rừng
Gót giày vang mặt phố
Nay xa cách muôn trùng
Một thân nơi xó chợ… (2)
Thể theo lời
mời của Ban tổ chức, một số đông các Cô Bác, Anh Chị tại München (Hội Cao Niên
và Cộng Đồng Người Việt Tự Do München Bayern) cùng với rất nhiều đồng hương và
các Bác, Chú quân nhân từ khắp mọi miền nước Đức đã chẳng quản ngại đường xa,
cùng nhau kéo về thành phố Erbach miền trung Đức để tham dự buổi lễ Tưởng Niệm
Chiến sĩ Trận vong do Cộng Đồng Người Việt Tỵ nạn cs tại Odenwald tổ chức. Sau
lễ tưởng niệm là đêm văn nghệ với chủ đề „Cám ơn Anh“ gây quỹ giúp cho các
thương phế binh VNCH (đa số rất cao tuổi) hiện còn đang sống khổ cực tại Việt
Nam.
Trong số
những khách hiện diện, người ta thấy có rất đông quân nhân các cấp thuộc đủ mọi
binh chủng đến từ khắp mọi nơi trên nước Đức, những cụ tuổi già sức yếu, những
chú bác còn nặng nợ sinh nhai, những anh trung niên còn nặng gánh gia đình
(chắc có lẽ lúc nhập ngũ tuổi còn trẻ lắm). Tay trong tay siết chặt, chào hỏi
nhau mà lòng nghẹn ngào buồn tủi, mọi người cùng đứng nghiêm trang trước bàn
thờ Tổ quốc ghi ơn, trước lá cờ vàng quốc gia thấm máu hồng bao nhiêu chiến sĩ
đã hy sinh đền nợ nước. Một vòng hoa tưởng niệm, muôn tấm lòng hướng về anh
linh Tổ quốc. Nguyện cầu cho hương linh các tử sĩ sớm siêu thoát về miền vĩnh
hằng, quên đi kiếp sống xa xưa không có được một ngày im tiếng súng để có thể
yên vui trọn vẹn với gia đình và người thân yêu.
Rồi các anh
lính dù, bộ binh, công binh, quân cảnh, địa phương quân trong bộ quân phục oai
hùng, phục mình trước bàn thờ Tổ quốc đặt vòng hoa tưởng niệm , mắt hoen lệ
nhòa, lòng thầm nhớ về những người bạn đồng đội xa xưa đã bỏ mình trong
cuộc chiến đấu ngày nào khiến mọi người chợt cảm động lặng người trong phút
này.
Ánh sáng
những ngọn nến chập chờn, không đủ soi sáng những bức tranh hình ảnh xông pha
của người lính VNCH qua tài vẽ của họa sĩ Nguyễn văn Lập: Dựng cờ chiến thắng,
xông pha trận mạc, tình quân dân cá nước, tải thương đồng đội, thương tiếc,
người quả phụ với chiếc thẻ bài trên tay… Niềm đau thương, nỗi oán hờn bay bay
trong gió đông lạnh lẽo.
Từng người
một, các vị sĩ quan niên trưởng đã lên phát biểu, bày tỏ tấm lòng trong ngày
hội lễ tưởng niệm:
„Chúng
tôi vẫn còn đang tại ngũ, hoàn cảnh hiện thời chỉ là một kỳ nghỉ phép dài hạn,
sức lực tuy có tàn, nhưng chắc chắn rằng các hậu duệ của Quân lực VNCH sẽ tiếp
tục công việc chiến đấu mà chúng tôi đã tạm thời phải ngưng…. Để có một ngày
chúng ta lại trở về quê hương không còn bóng dáng cs, kẻ giặc thù của toàn dân
tộc VN…“ (Bác Nguyễn Kim Định – Đại tá thiếp giáp).
„ Mọi
người chúng ta, ở khắp mọi hãy tiếp tục nghĩa cử cao đẹp mà Hội Người Việt
Odenwald đã khởi đầu – thắp sáng ánh nến, đốt lên ngọn đuốc để tưởng niệm những
chiến sĩ anh hùng, vô danh hay hữu danh, đã hy sinh mạng sống cho tự do, độc
lập của đất nước và luôn giữ vững niềm tin về đất nước Việt Nam một ngày mai
tươi sáng… Hãy sát vai nhau, hãy quên đi những tỵ hiềm riêng lẻ để cùng chiến
đấu trước một kẻ thù chung của dân tộc là bọn cs phi nhân…“ (Bác Trần văn
Tích – Thiếu tá quân y).
Chương trình
văn nghệ tiếp nối sau buổi lễ với ban nhạc Odenwald của anh Nguyễn văn Sơn
và các MC khả ái tại địa phương đã mang đến cho khán giả những giây phút
giải trí bên nhau thoải mái, quên đi cái lạnh cắt da của vùng rừng núi cao
nguyên Odenwald đang tiết lập đông. Những bài hát nói về người lính chiến được
trình bày qua giọng hát các ca sĩ tài tử đến từ khắp mọi nơi, những màn vũ múa,
biểu diễn võ thuật võ đạo hào hùng nung đúc ý chí giữ nước, rèn luyện tinh thần
nhân bản truyền thống của dân tộc Việt Nam do ban Văn Vũ Điểm Sáng Darmstadt và
các môn sinh võ đường Vovinam từ Bỉ sang trình diễn. Văn nghệ đã kéo dài đến
thật khuya, nhưng không ai cảm thấy mệt mỏi. Có lẽ nhờ tách cà phê đậm đà, ly
trà thơm phức, đĩa cơm nóng hổi, tô bún thịt mặn mà hay ly chè ngọt ngào
chan chứa thâm tình của các chị em trong hội Odenwald đã tận tâm bỏ nhiều thì
giờ sửa soạn, nấu nướng khoản đãi khách tham dự.
Trời đã thật
khuya, gió trở lạnh nhiều! Khách ra về lòng nao nao tâm trạng cảm thông thiết
tha và gần gũi nhau hơn, bỗng thấy lòng thương nhớ, hướng về quê hương đất nước
xa xôi nhiều hơn nữa.
Xin chân
thành cám ơn Hội Người Việt tại Odenwald và hẹn gặp lại nhau trong dịp biểu
tình biểu dương sức mạnh sắp tới tại Berlin nhân ngày Quốc tế Nhân quyền do
Liên Hội Người Việt Tỵ nạn cs tại CHLB Đức phối hợp cùng các hội đoàn tổ chức.
Người Munich (27.11.2013)
Chú thích
(1) (2) : Trích trong bài thơ „Tạ ơn Anh“ của Đỗ Tiến Đức
Hình ảnh:
Nguyễn Quí Cường, Nguyễn thị Phương, Lê Quang Thành
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen