Mittwoch, 30. Oktober 2013

CHUYỂN THƯ THÂN MẪU ĐINH NHẬT UY

´
Thiên An - Người Việt
 
Sáu người trong nhóm đến trụ sở Facebook để chuyển thư
bà Kim Liên, mẹ Đinh Nhật Uy. (Hình: Thiên An/Người Việt)
MENLO PARK, Calif. (NV) - Một nhóm thanh niên tại Nam và Bắc California đến tổng hành dinh công ty Facebook để chuyển thư thỉnh cầu của bà Kim Liên, thân mẫu ông Đinh Nhật Uy, vào trưa Thứ Sáu, 24 Tháng Mười.

Ông Đinh Nhật Uy, 30 tuổi, bị bắt vào Tháng Sáu, 2013, với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” theo điều 258 của luật hình sự CSVN. Nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra "bằng chứng" là những điều ông đăng trên trang Facebook cá nhân “cổ suý” em trai là Đinh Nguyên Kha.

Anh Đinh Nguyên Kha hiện đang ở tù – với cáo buộc là “tuyên truyền chống nhà nước” cùng với sinh viên Nguyễn Phương Uyên (đã được thả). Riêng ông Uy sẽ ra tòa vào Thứ Ba, 29 Tháng Mười.

Bà Kim Liên, thân mẫu của Nguyên Kha và Nhật Uy, ngỏ lời mời tất cả mọi người đến tham dự phiên xử con trai mình.

Thứ Tư, 23 Tháng Mười, trên trang Facebook có tên Kim Liên Mẹ Uy Kha xuất hiện một bức tâm thư viết riêng cho sáng lập viên và chủ công ty Facebook, ông Mark Zuckerberg, với nội dung chính: “Là 1 người Mẹ tôi xin thay mặt con tôi , mời ông đến dự phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án "258" của con tôi.”

Lập tức, ông Nguyễn Thiện Thành, thành viên Hội Anh Em Yêu Nước tại Nam California, nhận lời dịch và chuyển thư đến địa chỉ của Facebook tại Bắc California mà bà Liên muốn gửi đến. Bà Liên trả lời: “Có được không con?”

Tối Thứ Năm, ông Thành cùng một người bạn trong phong trào đấu tranh “Đêm Không Ngủ,” là ông Khải Đào, lên xe rời thành phố Westminster để đi San Jose nhằm “thực hiện một việc 'không bình thường' ít ai chịu làm,” hai ông nói.

Với sự giúp đỡ của một số người ủng hộ, ông Thành và ông Khải soạn một lá thư bằng Tiếng Anh giới thiệu về bà Kim Liên, vụ án của ông Nhật Uy, điều luật 258 của Hà Nội và “tương lai của các Facebooker tại Việt Nam.”

Xe hai ông đến Bắc California vào sáng Thứ Sáu. Tại đây, ông Thành và ông Khải gặp một số thành viên trong các hội đấu tranh dân chủ khác. Có tổng cộng bảy người chính thức cùng đến trụ sở Facebook vào trưa cùng ngày.

Bản copy phần tường trình của nhóm viết
"customer support form." (Hình: Thiên An/Người Việt)

Sự xuất hiện của nhóm người đấu tranh gốc Việt này khiến các nhân viên của Facebook bất ngờ. Nhóm người đấu tranh dừng tại bàn tiếp tân và giải thích lý do có mặt vào hôm đó. Nhân viên tại đây lắng nghe và đưa giấy để những người này viết lại lời nhắn đến người muốn gặp.

Ông Greg Heredia, người tiếp phái đoàn ông Thành, cho biết: “Tôi là nhân viên bảo vệ và phục vụ khách hàng của Facebook. Tôi yêu cầu họ viết lại trên giấy các yêu cầu của mình, theo đúng các thủ tục mà công ty dành cho khách. Sau đó, chúng tôi sẽ gửi đến bộ phận có thẩm quyền. Sẽ mất khoảng 48 đến 72 giờ để có người của công ty trả lời về các yêu cầu này.” Ông Heredia cũng nói các nhân viên trong công ty không thể tiếp khách không có hẹn trước.

Sau khi điền xong phần thủ tục giấy tờ (customer support form), phái đoàn trao lại phong bì có bức thư của bà Kim Liên, lời dẫn của nhóm và địa chỉ liên lạc cho phía Facebook. Hai nhân viên tiếp tân cho sao lại giấy tờ này và đưa khách giữ một bản, theo thủ tục của công ty.

Trước khi ra về, phái đoàn chụp hình lưu niệm phía trước trụ sở và đăng lên Facebook. Ngay sau đó, vào khoảng 3 giờ chiều California (5 giờ sáng Việt Nam), trang Facebook có tên "Kim Liên Mẹ Uy Kha" nhanh chóng chuyển các hình ảnh này đi, với dòng chữ: “Hy vọng đã vươn lên, trong màn đêm bao ưu phiền. Hy vọng đã vươn lên, trong nhọc nhằn tràn nước mắt.”

Riêng những người đến trụ sở Facebook hôm đó nói với phóng viên Người Việt: “Chúng tôi tham dự để thể hiện sự ủng hộ bà Kim Liên và những người đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam.” Ông Thiện Thành nói thêm: “Đây chỉ là bước khởi đầu, chúng tôi sẽ mở một chiến dịch vận động cho Đinh Nhật Uy và sẽ kêu gọi mọi người ủng hộ để gây sự chú ý dư luận cho điều luật vô lý 258.”


Liên lạc tác giả: vu.an@nguoi-viet.com

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen