Freitag, 12. Juli 2013

"Ánh Kiếm Mê Linh" trong Đêm Văn Hoá Diên Hồng - BS Trần Văn Tích

BS.Trần Văn Tích
 
Ngày thứ bảy 29.06 vừa qua tại Hội trường Saalbau Titus Forum ở thủ đô tài chánh Liên Âu Frankfurt am Main, Hội Văn hoá Phụ nữ Việt Nam Tự do tại Đức quốc đã tổ chức Đêm Văn Hoá Diên Hồng kéo dài từ 16 giờ 30 đến 24 giờ 30 với một chương trình văn nghệ rất phong phú trước một cử toạ lên đến bảy, tám trăm người. Tiết mục quan trọng nhất và cũng công phu nhất là vở kịch thơ Ánh kiếm Linh của tác giả Trần Thế Thi – tên thực là Đỗ Văn Thông – hiện cư ngụ tại Koblenz. Thành quả trí tuệ này đã được Phong trào Hiến chương 2000 trao giải hạng nhì trong cuộc thi Thơ văn, Lý luận, Hành động.
Lễ dâng hương trước bàn thờ Tổ quốc
Phối hợp nghệ thuật sân khấu với kịch bản văn học, Ánh kiếm Mê Linh tổng hợp hài hoà các yếu tố văn học, hoà nhạc, diễn ngâm, vũ điệu, quyền cước, hội hoạ, âm thanh, trang trí, y phục, điêu khắc. Bản trường ca mô tả cuộc khởi nghĩa hào hùng của Hai Bà gồm hai màn. Màn một diễn tiến trong vuờn hoa tư dinh Hai Bà dưới ánh trăng, Trưng Trắc được mẹ là Bà Man Thiện ủy thác nắm binh quyền; Bà cùng Trưng Nhị họp các tướng bàn thảo chiến thuật khởi nghĩa. Màn hai chuyển qua trình diễn giai đoạn khởi đầu của cuộc khởi nghĩa với màn truyền hịch và lệnh xuất quân.
Tập thể diễn viên gồm chủ yếu các cháu thuộc Ban Văn vũ Điểm Sáng Darmstadt. Thủ vai chánh Trưng Trắc là cháu Tường Vân. Cháu Trúc Anh xuất hiện trong vai Trưng Nhị. Cháu Phúc Nhiên tái hiện nữ tướng Lê Chân. Vai Bà Man Thiện do Bà Phương thị Phi Nga, Hội trưởng Hội Văn hoá Phụ nữ Việt Nam Tự do tại Đức đảm trách. Cùng góp phần diễn xuất còn có những thành viên của Liên đoàn Hướng đạo Hùng Vương gồm cô Huyền (vai Bát Nàn công chúa), quân lính của Hai Bà và cô Thanh Châu. Hai cháu Trúc Minh và Hùng Quang thuộc Ban Văn vũ Điểm Sáng múa quyền theo điệu nhạc bài Chiến sĩ Vô Danh. Góp tiếng nói từ hậu trường đệm thêm âm thanh nghệ thuật cho vở kịch là giọng ngâm truyền cảm, sôi nổi, lôi cuốn của Bà Lê Nhất Hiền, Hội phó Hội Văn hoá Phụ nữ Việt Nam Tự do tại Đức.
Bức tranh làm nền cho sân khấu rộng lớn là mặt trống đồng uy nghi tôn nghiêm. Hai con voi được vẽ hình chi tiết xuất hiện ở màn hai, có khả năng di chuyển trên mặt bằng sân khấu và được bố trí để Hai Bà trang trọng ngự trên bành. Trang phục Hai Bà vừa kết hợp cân đối các yếu tố dân tộc cổ truyền vừa qui nạp hợp lý các thành phần xiêm y, khăn vành, giày ống với màu sắc thanh nhã, đài các. Các binh khí bằng đồng, bằng thép với tàn tán, lọng quạt tạo nên khung cảnh chinh chiến đúng theo nghi trượng cổ kính.
Về nghệ thuật dàn dựng sân khấu thì như vậy; về văn học sáng tạo thì bản trường ca sử thi Ánh kiếm Mê Linh triệt để trung thành với phép làm thơ dân tộc qua vận dụng ba lối kết cấu câu thơ : lối sáu chữ, lối bảy chữ và lối tám chữ. Lục bát, lục bát gián thất, song thất lục bát luân phiên xuất hiện tùy tình huống biểu cảm, tùy chủ đích mỹ học. Xen kẽ giữa các ngữ đoạn trình bày ngôn ngữ nhân vật trên sân khấu là những đoạn văn diễn ngâm từ hậu trường.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một vài đoạn thơ và ngâm tiêu biểu.
 
Trưng Trắc ngâm :
Dân Nam cũng có đất trời,
Vì sao nô lệ suốt đời phải mang.
Giận quân Tô Định ác gian,
Phen này ta quyết phá tan gông xiềng.
Kính xin sông núi hồn thiêng,
Chứng cho con một lời nguyền này đây.
 
Lời Bát Nàn công chúa :
Khắp Lĩnh Nam quân binh đều đợi sẵn,
Chỉ chờ ngày khởi nghĩa sẽ đứng lên.
Nay Trưng Nương không quản ngại cung tên,
Là chắc chắn mọi nơi đều hưởng ứng.
 
Diễn ngâm từ hậu trường :
Mê Linh hào khí núi sông,
Mê Linh một trận cuồng phong quét thù.
 
Trưng Trắc hô hào tướng sĩ quân lính :
Hỡi ba quân tướng sĩ!
Dân tộc ta qua bao năm lệ thuộc,
Tủi nhục lầm than khốn khổ mọi bề.
Với núi sông ta đã nguyện lời thề,
Không thể để kéo dài thêm quốc nhục.
(…) Giương ngọn cờ ta viết lại sử xanh,
Vung bảo kiếm thu hồi nền tự chủ.
 
Lệnh xuất quân của Trưng Trắc :
Hỡi ba quân tướng sĩ!
Giờ khởi nghĩa bắt đầu,
Ta truyền lệnh nhằm Long Biên thẳng tiến!
Đây là cao điểm của thiên trường ca sử thi. Tính chất nghệ thuật tập thể, sinh hoạt cộng đồng biểu thị rõ rệt với sự đóng góp của diễn viên, tác giả kịch bản, hoạ sĩ trang trí, chuyên viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng, nhạc sĩ, ca sĩ, người làm công việc hậu trường và cả khán thính giả nữa : khi Bà Trưng vung cao bảo kiếm phản chiếu ánh đèn sân khấu giữa toàn cảnh linh hoạt sinh động với tiếng nhạc, tiếng trống, cờ phất, voi đi và toán diễn viên đồng ca bài Quyết tiến của Nhạc sĩ Hùng Lân thì khán giả bị thu hút lôi cuốn theo cao trào của kịch bản sử thi và bỗng nhiên tự động đứng dậy vỗ tay bắt nhịp hát theo.
Tác giả Trần Thế Thi-Đỗ Văn Thông cho thấy rõ dụng ý nhấn mạnh chất thơ trong nội dung tác phẩm, đề cao tính trữ tình trong chất liệu thẩm mỹ bên cạnh các yếu tố tự sự vốn cũng rất quan trọng; tất cả cấu thành cái khung xương thịt của thi phẩm trường thiên. Ánh kiếm Mê Linh lấy những biến cố của quá trình lịch sử dân tộc đầu thiên kỷ vừa qua làm điểm tựa kết cấu. Đó là tinh thần chống kẻ thù – sẽ trở thành truyền kiếp – phương Bắc, đó là tráng chí mưu cầu độc lập cho Tổ quốc, đó là quyết tâm mang lại tự do cho Dân tộc. Sự kiện Hai Bà khởi nghĩa chống nhà Hán là một cái mốc lớn trên con đường lịch sử của nòi giống chúng ta nhưng khi Ánh kiếm Mê Linh ca hát và ngâm nga hành vi vì đại nghĩa của Hai Bà thì rõ ràng là vở kịch đã phản ảnh những vấn đề của hiện tại lúc chế độ cộng sản đang đưa quê hương Việt Nam vào con đường Bắc thuộc mới.
Thông qua lời thơ để thể hiện nội dung kịch bản, Ánh kiếm Mê Linh đòi hỏi thiện chí cao độ của các diễn viên đồng thời cũng bắt buộc các bà, các cô và nhất là các cháu phải thuộc nằm lòng văn bản. Các nhân vật xoay quanh Trưng Trắc được xây dựng đặc biệt và duy nhất bằng ngôn ngữ của họ – tức là bằng lời ăn tiếng nói của chính họ chứ không phải bằng ngôn ngữ kể chuyện, miêu tả của tác giả. Tính cách nhân vật bộc lộ qua những đối thoại, độc thoại và bức tranh cuộc đời dần dần hiện rõ. Người xem bị thu hút, bị lôi cuốn bởi tài năng diễn xuất của các diễn viên lần lượt xuất hiện trên sân khấu. Khán giả tiếp thu cốt truyện qua các xung đột diễn biến theo một nhịp độ gấp rút, dồn dập. Thắt nút, mở nút, cao trào ảnh hưởng mạnh mẽ lên giới thưởng ngoạn.
Do đó lời thơ luôn luôn bình dị, trong sáng, thậm chí đôi khi mộc mạc, tự nhiên. Người viết nên vở kịch không hề xem sáng tác thi ca như là biểu hiệu của tài hoa phù phiếm mà chỉ muốn thác ngụ mục tiêu đấu tranh chính trị. Trong bầu khí quyển sinh hoạt của Đêm Văn Hoá Diên Hồng, cùng với các tiết mục khác bao gồm đơn ca, song ca, hợp ca v.v.. cái chính là Ánh kiếm Mê Linh đã đảm bảo cho việc thực hiện những hoạt động giao tiếp rất văn hoá giữa diễn viên và khán giả, giữa người và người. Nếu toàn bộ hoạt động giao tiếp văn hoá đêm 29.06 tại Frankfurt khiến cho con người ly hương gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, thì tất cả những sáng tác-ứng tác được trình diễn đã hoàn tất chức năng của chúng. Công chúng của thơ không còn là độc giả như vốn dĩ đã có tự ngàn xưa mà là thính giả, khán giả. Khía cạnh văn hoá độc đáo này đạt được nhờ vận dụng thích đáng tính biểu cảm của ngôn từ – tố chất bẩm sinh của sức mạnh thi ca – trong một tình huống gắn chặt với khối toàn vẹn của ngữ nghĩa và âm thanh ngôn từ mà hầu như không kể gì đến diện mạo văn tự của tiếng nói.
Vai chánh Trưng Trắc xuất chúng qua cả tài lẫn sắc. Cháu trình diễn tự nhiên, tự tin, thung dung, khoan thai chẳng khác gì một tài tử sân khấu chính hiệu. Ngoại hình cửa cháu đáp ứng nhu cầu thủ vai vị thủ lãnh nữ nhi lịch sử. Tiếng nói của cháu dõng dạc, rõ ràng, mang âm hưởng vang cao, giọng ngâm của cháu có âm lượng mạnh mẽ. (Ở đây kỹ thuật âm thanh đã góp phần rất lớn để đưa ngôn ngữ nhân vật đến với công chúng). Cử chỉ của cháu đĩnh đạc, tác phong của cháu cao sang. Nói chung, trang phục và dáng dấp của cháu Tường Vân gây ấn tượng hầu như hoàn hảo nơi khán thính giả.
Đêm Văn Hoá Diên Hồng là thử thách bước đầu đối với Hội Văn hoá Phụ nữ Việt Nam Tự do tại Đức quốc. Trình diễn Ánh kiếm Mê Linh là thử nghiệm vào đời nghệ sĩ của nhóm diễn viên sân khấu được giao những vai trò khác nhau. Là những thành phần biểu diễn nghệ thuật tài tử, trong một chừng mực nhất định, các cháu đã trở thành tài tử.
Tuy nhiên đáng ngưỡng mộ không phải chỉ có khía cạnh các cháu thi thố tài năng trên sân khấu, mà đáng kính phục còn là ý thức, nhận thức của các cháu đối với thân phận người tỵ nạn lưu vong trong vai trò gìn giữ tập tục văn hoá dân tộc và bảo vệ truyền thống giữ nước. Thái độ của các cháu khi tích cực tham gia dàn dựng kịch bản Ánh kiếm Mê Linh là một khích lệ quí giá đối với những bạn trẻ đồng trang lứa, là một tấm gương sáng ngời cho tuổi trẻ Việt Nam đang sống xa quê hương.
Đối với giới phụ huynh, các cháu dõng dạc cất lên tiếng nói nhận lãnh trách nhiệm tham gia bảo vệ chính nghĩa tự do dưới bóng quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ đồng thời dứt khoát phủ nhận cung cách suy nghĩ cho rằng thế hệ thứ hai, thứ ba chỉ cần hội nhập mà không cần biết đến quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà.
Trong bối cảnh lịch sử đất nước hiện đại và trong hoàn cảnh sinh sống lưu vong, Ánh kiếm Mê Linh vì thế nhìn chung là một thành công đáng vui mừng.Thành công riêng tư trên sân khấu góp phần vào thành công toàn bộ của Đêm Văn Hoá Diên Hồng qua sự tham gia đông đảo của đồng hương sinh sống tại Đức, qua sự hiện diện của những đồng bào đến từ các quốc gia lân cận và cả Hoa Kỳ, qua sự góp công sức của một tập thể đông đảo ca sĩ, nhạc sĩ, xướng ngôn viên, điều hợp viên thuộc nhiều quốc tịch và nhiều màu da, qua sự đóng góp ủng hộ tài chánh dồi dào v.v.. Thành quả thu hái càng tăng thêm ý nghĩa vì khoản hiện kim quyên góp, gom góp sẽ được trích ra một phần sung vào quỹ yểm trợ nạn nhân bão lụt tại Miền Nam và Miến Đông Đức quốc.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen